Tin kinh tế trưa 31-01-2015: “Nổ” quá đà, doanh nghiệp rước họa vào thân - Bom nợ công đang chờ phát nổ ở Trung Quốc

  • Cập nhật : 31/01/2015

 “Nổ” quá đà, doanh nghiệp rước họa vào thân

Một DN niêm yết mấy tuần qua đã chạy đôn chạy đáo đề nghị các cơ quan truyền thông đừng xới việc DN thông báo mở bán dự án. Tại sao lại có sự việc lạ đời này, khi nhiều DN phải chi tiền quảng cáo mở bán các dự án BĐS?
 
Câu trả lời đơn giản là dự án chưa đủ điều kiện bán hàng. Nếu vụ việc này ầm ĩ, cơ quan điều tra vào cuộc, “cái sảy sẽ nảy cái ung”, không khéo còn phát hiện nhiều vi phạm khác nữa của DN!
 
Lâu nay, chuyện DN đưa thông tin tô hồng ra thị trường không ít. Với TTCK, việc DN vẽ ra lợi nhuận kế hoạch càng không hiếm, chẳng hạn việc bán nhà ước đem lại doanh thu, lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, hay việc cho thuê đất trong tương lai sẽ đem lại hàng triệu USD… Song những con số trên giấy này có biến thành tiền thật chảy vào túi DN hay không lại không hề đơn giản.
 
Ngay cả khi DN bán được toàn bộ số lượng căn hộ của một dự án chung cư chẳng hạn, họ cũng mới chỉ thu được tiền đợt đầu (thông thường là 20%) và sẽ treo doanh thu theo tiến độ thu tiền của dự án. Phải đến khi dự án bàn giao nhà, DN mới có thể hạch toán lợi nhuận. Trong khi đó, thực tế thị trường nhiều khi không vận động đúng theo kịch bản đã vẽ sẵn của DN, nào thì giấy tờ thủ tục pháp lý của dự án bị vướng mắc, dẫn đến dự án chậm tiến độ, khách hàng chậm đóng tiền, khiếu kiện…
 
Với DN kinh doanh khu công nghiệp, cũng có không ít trường hợp hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác thuê đất, nhưng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, nhà đầu tư không thể đầu tư vào Việt Nam theo dự kiến. Khoản doanh thu và lợi nhuận mà DN dự tính khi đó sẽ trở thành “bánh vẽ”.
 
Đã có những DN tô hồng tương lai của mình ở trình độ bậc thầy. Đơn cử, CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An trước đây vẽ ra con số lợi nhuận dự tính hàng trăm tỷ đồng từ việc cho thuê đất khu công nghiệp, bán nhà xưởng cho đối tác Nhật, đầu tư BĐS… Trong nhiều cuộc gặp mặt với nhà đầu tư trên thị trường do một số CTCK tổ chức, lãnh đạo DN này đã đưa ra hàng loạt thông tin “đánh bóng”…
 
Trên thị trường có những trường hợp cổ phiếu của DN thuộc nhóm thanh khoản tốt, được hỗ trợ bởi DN liên tục đưa ra thông tin mới về các hoạt động đầu tư, kinh doanh… Nhưng cũng chính DN này sau đó lại đính chính nhiều thông tin, khiến giới đầu tư rối loạn, nhiều người bỏ vốn vào cổ phiếu này, lãi đâu không thấy, chỉ thấy kêu trời vì lỗ.
 
“Lợi bất cập hại” như trường hợp DN “xin” giới truyền thông nêu trên là một dạng. Một dạng khác là đến lúc nhà đầu tư không còn tin vào DN. Như cái nhà xây trên một nền móng ọp ẹp, có thể đến một ngày, nhà đổ, DN thua lỗ, phá sản, mắc vòng lao lý…
 
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ đầu năm 2010 đã bổ sung 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán gồm: công bố thông tin sai lệch, giao dịch nội gián và tội thao túng giá chứng khoán, nhưng trên thị trường mới có 1 trường hợp bị xử lý hình sự là vụ Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Dược Viễn Đông cùng đồng bọn thao túng giá chứng khoán.
 
Từ đầu tháng 1 tới nay, UBCK liên tiếp xử phạt các nhà đầu tư cá nhân vì vi phạm quy định giao dịch chứng khoán. Nhưng hành vi vi phạm cụ thể và diễn ra với mã chứng khoán của DN nào lại không được nêu cụ thể nên tính răn đe, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, chỉ ở mức độ thấp.
-------------------------
Thủ tướng: Giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 1, hầu hết các lĩnh vực đều đạt được những kết quả tích cực… Tuy nhiên, trong đầu năm, giá dầu thế giới giảm mạnh (ngày 29/1 ở mức 44,41 USD/thùng). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến về vấn đề này. 
 
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015 sáng 30/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, ngay từ đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 với việc xây dựng chương trình hành động cụ thể, rõ ràng.
 
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ tháng 1/2015, hầu hết các lĩnh vực đều đạt được những kết quả tích cực… Tuy nhiên, có vấn đề mới nổi lên trong đầu năm nay là giá dầu thế giới giảm mạnh. Chúng ta đã dự báo, báo cáo Quốc hội và trong cân đối ngân sách, giá dầu thô được tính với giá bán 100 USD/thùng nhưng tới ngày 29/1, giá dầu thô chỉ còn có 44,41 USD/thùng.
 
“Tình hình này khiến chúng ta phải lập tức ứng phó vì chúng ta đã dự báo bình quân giá dầu cả năm là 100 USD/thùng nên tính toán thu ngân sách, tăng trưởng cũng tính theo mức giá đó nhưng hiện nay giá dầu chỉ còn 44,41 USD/thùng. Có dự báo cho rằng giá dầu còn xuống nữa, cũng có dự báo nói sẽ lên. Nhưng nhìn chung, diễn biến giá dầu là hết sức khó lường bởi giá dầu không chỉ theo quy luật thị trường, không chỉ đơn thuần về cung-cầu mà còn là nhiều vấn đề khác nên rất khó dự báo”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
 
Trước tình hình trên, Chính phủ đã nhận định, giá dầu giảm có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, sản lượng khai thác dầu thô sẽ không giảm so với kế hoạch. Nhưng cũng dự phòng với chiều hướng giá dầu giảm như hiện tại, sản lượng khai thác cũng có thể giảm 1,2 triệu tấn.
 
Theo tính toán, nếu giảm 1,2 triệu tấn dầu khai thác, GDP có thể giảm là 0,2%, đồng thời tác động tới thu ngân sách. 
 
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, dầu thô giảm nhưng các lĩnh vực khác tăng nên tăng trưởng GDP không giảm. 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% vẫn được, ngân sách vẫn cân đối được, vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức 5%.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục đóng góp ý kiến trong chủ động điều hành kinh tế vĩ mô trước những diễn biến phức tạp của giá dầu. Đồng thời tiếp tục thảo luận, đề ra các giải pháp về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cần đẩy mạnh thực hiện các đột phát chiến lược; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng như kế hoạch chuẩn bị cho Tết. Phải đảm bảo cho nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
 
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2015, tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong tháng 1, sản xuất công nghiệp tăng cao; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển; các địa phương đang tập trung gieo cấy lúa đông xuân, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, chuẩn bị nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, bảo đảm cho người dân đón Tết vui Xuân an toàn, lành mạnh.
-----------------------------
Nga muốn giúp Hy Lạp thoát khủng hoảng
Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Hy Lạp tỏ ý phản đối kế hoạch của EU về tăng cương trừng phạt Nga...
 
Trao đổi với hãng tin CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov hôm qua (29/1) nói rằng, Moscow sẽ cân nhắc hỗ trợ tài chính để giúp Athens thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất hiện nay. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ cánh tả mới được thành lập của Hy Lạp tỏ ý phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về tăng cương trừng phạt Nga.
 
Ông Siluanov nói, Hy Lạp hiện chưa đề nghị Nga giúp đỡ, nhưng Moscow không loại trừ khả năng hai nước đạt một thỏa thuận trong trường hợp Athens ngỏ lời.
 
“Chúng tôi có thể hình dung ra bất kỳ tình huống nào. Bởi vậy, nếu một đề xuất như thế được đưa ra với Chính phủ Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét. Nhưng chúng tôi sẽ cân nhắc dựa trên tất cả các yếu tố của quan hệ song phương Nga-Hy Lạp. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Nếu họ đề xuất, chúng tôi sẽ xem xét”, ông Siluanov nói trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền trên CNBC tại Moscow hôm qua.
 
Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga được đưa ra 2 ngày sau khi Chính phủ của tân Thủ tướng Alexis Tsiparas không đáp lại lời kêu gọi của EU về tăng cường trừng phạt Nga. Sự phớt lờ này của Athens có thể được xem như một tín hiệu cho thấy Hy Lạp đang muốn “hướng đông” để tìm sự hỗ trợ tài chính của Moscow.
 
Hôm thứ Ba tuần này, các nhà lãnh đạo EU ra một tuyên bố kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga do vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Từ trước tới nay, Nga vẫn phủ nhận những cáo buộc của châu Âu và Mỹ cho rằng Nga “bơm” tiền, vũ khí và lính cho lực lượng nổi dậy ở Ukraine.
 
Ngay sau khi tuyên bố trên được EU đưa ra, đảng Syriza của Thủ tướng Tsiparas ra một tuyên bố nói rằng, tuyên bố của EU “không có sự nhất trí của Hy Lạp” và bày tỏ “sự không hài lòng với cách làm như vậy”.
 
Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, ông Siluanov nói, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga đến nay đã có những tác động tiêu cực, nhưng Nga có thể thích nghi được.
 
“Lệnh trừng phạt đúng là đã có ảnh hưởng tiêu cực lên chúng tôi. Nhưng, các công ty Nga đã điều chỉnh và cán cân thanh toán của Nga cũng đã điều chỉnh. Đồng Rúp suy yếu, nhưng các bạn thấy đấy, cuộc sống ở đây vẫn tiếp diễn, và chúng tôi vẫn sống”, ông Siluanov phát biểu.
 
Ngoài để ngỏ khả năng giúp Hy Lạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga còn tuyên bố Nga sẽ xem xét giúp đỡ tăng cường viện trợ cho Belarus - quốc gia mà ông Siluanov miêu tả là có quan hệ kinh tế mật thiết với Nga. Hôm qua, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo rằng nước này có thể sẽ phải cơ cấu lại gánh nặng nợ nần, và muốn xin sự giúp đỡ của Nga.
 
Ông Siluanov thừa nhận, biến động thời gian qua trên thị trường dầu đã góp phần quan trọng làm nền kinh tế Nga suy yếu. Theo vị Bộ trưởng này, giá dầu giảm và lệnh trừng phạt khiến kinh tế Nga thiệt hại tổng cộng khoảng 200 tỷ USD. Trong đó, lệnh trừng phạt khiến Nga mất mát khoảng 40-50 tỷ USD.
 
Đầu tuần này, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s cắt giảm điểm tín nhiệm của Nga về mức BB+, tức hạng không khuyến nghị đầu tư, hay còn gọi là hạng “rác” (junk). Đây là lần đầu tiên trong 1 thập kỷ, Nga bị hạ điểm tín nhiệm về mức “rác”.
--------------------------
Bom nợ công đang chờ phát nổ ở Trung Quốc
Giới phân tích tài chính thế giới có lẽ đã không còn xa lạ gì với chuyện năm 2014 được xem là cái mốc đánh dấu chấm dứt giai đoạn phát triển kinh tế cao độ của Trung Quốc sau ba mươi năm, con tàu cao tốc Trung Quốc sẽ chạy chậm lại sau khi năm 2014 kết thúc. 
 
Nhưng hóa ra mọi việc lại không đơn giản như thế, như một vận động viên điền kinh có nguy cơ đột quỵ sau khi đã vắt kiệt sức, năm 2015 có vẻ như đang là một dấu mốc cho giai đoạn Trung Quốc bắt đầu hụt hơi, hơn là chỉ đơn thuần chạy chậm lại, khi tiếng tích tắc từ quả bom tai họa đang ngày càng to dần.
Một số chuyên gia đang nói đùa rằng, năm 2015 có lẽ sẽ không phải là năm đánh dấu cho việc người Trung Quốc chạy chậm lại trong việc phát triển kinh tế, mà là năm đánh dấu cho giai đoạn họ bắt đầu phải đeo bình dưỡng khí như cái giá phải trả cho giai đoạn phát triển nóng trước đó. Sở dĩ như thế, là vì những vấn đề rắc rối tiềm ẩn ngầm trong nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lộ diện một cách rõ rệt hơn, khiến thế giới hoài nghi hơn về sức khỏe thực sự của nền kinh tế thứ hai thế giới này.
 
Nhiều người ví kinh tế Trung Quốc đang như một cơ thể cường tráng bề ngoài nhưng đầy bệnh tật bên trong, và nghiêm trọng hơn là những căn bệnh mà Trung Quốc mắc phải đều là những căn bệnh nguy hiểm. Đó là một nền kinh tế thiếu cân đối, nhiều khuyết tật ngầm, chênh lệch giàu nghèo cao và ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhưng nghiêm trọng nhất lại đến từ một quả bom có thể đe dọa làm tan rã hay thậm chí hủy diệt nền kinh tế Trung Quốc, đó là quả bom nổ chậm mang tên nợ công.
 
Nếu có một nền kinh tế mà mức nợ công của nó khó xác định được nhất, thì đó phải là nợ công của kinh tế Trung Quốc. Chỉ số quan trọng hàng đầu có vai trò rất lớn đối với một nền kinh tế này đang thực sự trở thành một ẩn số ở Trung Quốc. Con số mà chính phủ Trung Quốc với con số mà các tổ chức tài chính và tín dụng quốc tế đưa ra có mức chênh lệch một trời một vực. Đơn cử là trường hợp cuối năm 2010, khi Bắc Kinh công bố số nợ công của Trung Quốc đạt mức 1,03 ngàn tỷ USD, tương đương 17% GDP, trong khi các tổ chức tài chính quốc tế lại đưa ra con số 3,55 ngàn tỷ USD, tương đương 59% GDP của Trung Quốc.
 
Sở dĩ có sự sai lệch lớn đến thế, là vì chính phủ Trung Quốc đã không tính những khoản nợ của các ngân hàng quốc doanh, chính quyền địa phương và hàng loạt các tổ chức khác. Mức chênh lệch khủng khiếp này đang cho thấy vấn đề nợ công của Trung Quốc đang mù mờ hơn bao giờ hết, và Bắc Kinh không thực sự nắm bắt và kiểm soát được tình hình nợ công thực sự của mình.
 
Điều này bắt nguồn từ chính công thức được xem là cốt lõi cho sự phát triển cao độ của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua. Theo đó, để đạt được tốc độ phát triển nhanh nhất, Bắc Kinh đã cho phép các địa phương được triển khai các dự án phát triển của địa phương mình một cách tương đối tự do, chính phủ sẽ chỉ kiểm soát các dự án trọng yếu nhất có quy mô toàn quốc. 
 
Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương được tự do chi phối các hoạt động tài chính và tín dụng liên quan đến các dự án đầu tư ở tỉnh mình trong khi sự kiểm soát của chính phủ lại cực kỳ lỏng lẻo. Tình trạng này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đó là nạn tham nhũng tràn lan và nợ công ở địa phương gần như không được kiểm soát.
 
Vũ Hán đang là thành phố điển hình cho mức tăng nợ công tràn lan trong các địa phương của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm 2013, mức nợ công của thành phố này đã tăng thêm 20% đến từ các dự án đầu tư xây dựng quy mô đồ sộ của chính quyền thành phố, trong đó có kế hoạch chi 800 tỷ Nhân dân tệ để biến thành phố này trở thành một trung tâm tài chính với một mạng lưới máy tính rộng khắp.
 
 Đồng thời hàng loạt các dự án siêu quy mô khác cũng đang được triển khai đồng loạt ở thành phố này, đó là sáu tuyến tàu điện ngầm mới, ba cây cầu lớn qua sông Trường Giang và một sân bay mới. Tất cả kinh phí cho các dự án khổng lồ này đều đến từ tiền chính quyền thành phố đi vay. Chính vì thế, không khó hiểu khi Vũ Hán bị Bắc Kinh chỉ đích danh như một điển hình của việc nợ công vượt mức kiểm soát đang diễn ra lan tràn trên toàn quốc.
 
Giới phân tích cho rằng, vấn đề nợ công đã không còn đơn thuần là một thách thức với Trung Quốc, mà đã trở thành một nguy cơ thực sự. Việc thiếu tin tức chính xác về mức nợ công thực sự và sự kiểm soát của Bắc Kinh với mức nợ công ở địa phương đang là những vấn đề nguy hiểm. Trong khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc thì việc một cú sốc nợ công có thể gây ra tình trạng tê liệt cho toàn bộ nền kinh tế, giống như cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2007 dẫn đến sự đổ vỡ toàn bộ hệ thống tài chính của nước này.
 
Sở dĩ như vậy là vì trong số các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc là nước có mức nợ công khó xác định nhất, đồng thời có nguy cơ đến từ nợ xấu cao nhất do những khuyết tật của hệ thống ngân hàng và giai đoạn bùng nổ tín dụng trong suốt 3 năm qua. Nợ công cao vượt mức ho phép và nợ xấu luôn là hai triệu chứng nghiêm trọng hàng đầu của một nền kinh tế, có thể gây ra đổ vỡ hay đứt mạch máu bất cứ lúc nào. 
 
Nước Mỹ với hệ thống tài chính ngân hàng phát triển nhất thế giới còn không thể trụ nổi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, thì với Trung Quốc nguy cơ đó còn lớn hơn rất nhiều lần.
-----------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo