Mỗi lần đi họp để lấy ý kiến về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị xã mới những hộ dân ở các xã Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Phương của huyện Kỳ Anh đều được nhận 50 nghìn đồng.
Dân dự họp đông bất thường vì... có tiền
Thời gian gần đây, dư luận tại Hà Tĩnh đang xôn xao về câu chuyện khá lạ, liên quan đến chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã mới và thành lập các phường thuộc thị xã mới, trong 3 ngày (20, 21, 22/1), huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tổ chức lấy ý kiến đội ngũ cán bộ cốt cán cơ sở và nhân dân trên địa bàn. Điều khác lạ so với nhiều cuộc họp trước đây, các hội trường không còn thưa thớt người, mà các dãy ghế bên trong không còn một chỗ trống, thậm chí nhiều nơi người dân dự họp phải ngồi ra cả hành lang do thiếu chỗ.
Ông Nguyễn Văn Nam (xã Kỳ Phong) cho biết: “Cán bộ xóm thông báo sắp tới có cuộc họp để lấy ý kiến điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị xã mới. Ai đi họp sẽ được nhận tiền nên ai cũng thấy lạ và người dân ai cũng kéo nhau đi họp. Người dân ngồi chật hội quán của thôn. Sau khi họp xong chúng tôi được nhận 50.000 đồng”.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng thôn Hà Phong (xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh): “Chúng tôi nhận được thông báo của xã nên xuống truyền đạt lại cho người dân. Khi biết đi họp có tiền thì dân rất phấn khởi và tới đông đủ. Riêng thôn tôi đã phải trích 14 triệu đồng để phát trước cho dân vì xã chưa rót tiền xuống”.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc, cho biết sau khi cán bộ huyện, tỉnh về quán triệt chủ trương tách huyện và thành lập thị xã, ngày 21/1 xã Kỳ Bắc đã họp tất cả các thôn để lấy ý kiến của người dân. "Xã chúng tôi đã phát hơn 70 triệu đồng cho dân và đây là số tiền mà xã và các thôn đang tự bỏ ra” - ông Thọ cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Thọ, đây mới chỉ là chủ trương miệng của huyện mà chưa có bất kỳ văn bản nào. “Đây là nội dung được Chủ tich huyện quán triệt trong các cuộc họp chứ cũng chưa có văn bản chính thức nào. Và hiện tại các thôn, xã đang tự bỏ tiền để chi trả cho người dân chứ huyện cũng chưa rót tiền về”, ông Thọ cho nói.
"Chén nước cho dân" ngốn 2,5 tỷ đồng ngân sách
Để tìm hiểu thêm về sự việc này, PV đã có buổi làm việc với một số cán bộ huyện Kỳ Anh. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Tài chính, Kế hoạch huyện này thống kê, toàn huyện có gần 53.000 hộ gia đình, nên đợt này huyện sẽ phải chi hơn 2,5 tỷ đồng chi phí để hỗ trợ cho người dân đi họp bàn về "chuyện đại sự" tách huyện. Việc chi tiền này đã được thường vụ huyện thông qua, khi triển khai xong huyện sẽ tiếp tục trình xin tỉnh duyệt kinh phí này.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh ông Lê Trọng Bính cũng thừa nhận, việc người dân đi họp được nhận tiền là có. Và theo ông Bí thư huyện cho rằng, đây chỉ là chén nước cho dân mà thôi. “Đây gọi là “tiền nước”, được trích trong khoản kinh phí phục vụ cho điều chỉnh địa giới hành chính mà tỉnh đã duyệt (khoảng 20 tỷ đồng-PV)” ông Bính nói.
Ông Bính cũng xác nhận, sau khi họp HĐND các xã, tới huyện thì sẽ trình hồ sơ lên cho tỉnh. “Nếu tỉnh không cho (2,5 tỷ đồng) thì huyện sẽ bỏ ra. Việc dân đi họp là nghĩa vụ còn chuyện nhà nước hỗ trợ cho dân là tốt, không lãng phí. Cán bộ nhiều lúc đi họp còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền uống nữa là”, ông Bính nói.
Việc "lấp kín" các hội trường vốn thưa thớt người dân đến dự, bàn thảo bất cứ quyết sách nào là một điều hết sức cần thiết và nó cũng thể hiện trách nhiệm, sự lắng nghe của người dân. Có đông người đến dự thì sự vụ sẽ được bàn thảo rộng hơn, trách nhiệm hơn. Tuy nhiên nhiều người lo ngại, việc huyện Kỳ Anh hỗ trợ tiền cho người sẽ lợi bất cấp hại. Nay mai liệu không hỗ trợ nữa, người dân sẽ còn đi họp hay không? Và nếu địa phương nào cũng như Kỳ Anh thì lấy đâu ra ngân sách để hỗ trợ?
------------------------
Ngư dân được điều chỉnh thiết kế tàu cá vỏ thép
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phê duyệt và công bố thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.
21 mẫu tàu được phê duyệt cho 4 vùng bao gồm: vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bộ, với 5 ngành nghề chính. Tuy nhiên, vừa qua nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã nêu một số ý kiến của các địa phương về 21 mẫu tàu cá chưa phù hợp dẫn đến sự chậm trễ trong triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Theo ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, trong quá trình đóng tàu để có những điều chỉnh thích hợp, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BNN quy định yêu cầu kỹ thuật đối với mẫu thiết kế tàu cá. Trong quá trình đóng tàu, đối với tàu cá vỏ thép nhà máy đóng tàu còn tiến hành thiết kế công nghệ để đảm bảo con tàu được đóng mới đạt yêu cầu an toàn và hiệu quả.
-------------------------
Hơn 5.000 vé xe miễn phí cho người khó khăn về quê ăn Tết
Những chiếc vé Tết độc đáo vẽ bởi 30.000 học sinh tại 60 trường tiểu học trên cả nước sẽ được chuyển thành vé thật và tặng 5.000 người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ ngày 24/12/2014, 30.000 em học sinh tại 60 trường tiểu học trên cả nước đã tham gia thiết kế “Vé Tết đoàn viên”. Những chiếc vé này thể hiện khung cảnh gia đình sum họp ngày Tết, không khí đón xuân ở khắp mọi nơi, người thân yêu chung quanh mỗi người hoặc các hình ảnh liên quan đến Tết…
Khởi động tại trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM), chương trình đã tạo cơ hội cho hơn 700 học sinh được tận hưởng niềm vui làm việc tốt. Tại Hà Nội, hàng trăm học sinh trường tiểu học Tân Mai cũng được chia niềm hứng khởi vẽ “Vé tết đoàn viên”.
Tiếp đến, các em nhỏ ở trường tiểu học Trần Nhân Tông (TP.HCM) cũng rất háo hức khi được thầy cô giáo nắn nót từng nét vẽ, để có thể tạo nên những chiếc vé Tết đẹp nhất dành tặng các cô chú, anh chị xa nhà.
Những tiết vẽ “Vé tết đoàn viên” tại trường tiểu học Đặng Trần Côn (TP.HCM) lại trở thành tiết sinh hoạt lý thú, khi cô giáo và các bạn cùng say sưa lắng nghe những ý tưởng độc đáo và lời chúc trong từng bức vẽ. Không đơn thuần chỉ là cho và nhận những chiếc vé Tết, quan trọng hơn, trẻ đã thể hiện được tình yêu thương, sự quan tâm với mọi người và sự hiểu biết về cuộc sống xung quanh.
Niềm vui ngập tràn trên gương các em nhỏ khi được đến tặng vé cho các cô chú công nhân công ty Juki Việt Nam. Những vòng tay siết chặt, những cái ôm ấm áp dường như mang Tết thật gần.
Nhận xét về ý nghĩa của chương trình, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Tôi khâm phục sự tinh tế của chương trình trong việc kéo các em vào cuộc chơi yêu thương, cùng sáng tạo ra những câu chuyện cổ tích hiện đại. Không ai làm từ thiện bằng tiền của người khác. Các em không có tiền mua vé thì các em vẽ ra những chiếc vé. Vẽ theo sự tưởng tượng và mơ ước của các em về gia đình, về Tết, về sự sum họp... Và còn gì giá trị hơn khi OMO sẽ giúp các em biến tấm vé vẽ này thành phép nhiệm màu?”
Hơn 5.000 vé xe miễn phí cho người khó khăn về quê ăn Tết
5.000 chiếc “Vé tết đoàn viên” được các em nhỏ vẽ sẽ được OMO chuyển thành vé thật và gửi tặng những người có hoàn cảnh khó khăn. Các chuyến xe chở mọi người đoàn viên sẽ được thực hiện từ ngày 13/2 đến 16/2 (tức từ ngày 25 đến ngày 28 Tết). Hành trình bao gồm TP.HCM - Hà Nội; TP.HCM - Đà Nẵng, Quảng Nam; TP.HCM - An Giang, Kiên Giang, Cà Mau; TP.HCM - Gia Lai; Hà Nội - Đà Nẵng, Quảng Nam.
Khuyến khích bé chung tay với OMO để tạo nên những tấm vé cho những người cần giúp đỡ qua trang web www.omotet.vn.
-----------------------
Sẽ kiểm tra thực tế các bệnh viện ký cam kết không nằm ghép
Tính đến ngày 30/1, đã có 14 bệnh viện (BV) ký cam kết không có nằm ghép (ngoài 13 BV đã cam kết, có thêm BV Thống Nhất).
Trong số này, có 8 BV không còn tình trạng nằm ghép trước khi ký cam kết và còn 6 BV còn nằm ghép trước khi ký cam kết là: BV Bệnh nhiệt đới TW, BV Đa khoa Trung ương Huế, BV Đa khoa TW Thái Nguyên; Bệnh viện E; BV Thống Nhất...
Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp khác nhau, như: tăng cường sàng lọc người bệnh, phối hợp luân chuyển giữa các khoa; bố trí đơn vị chăm sóc và lưu trú ban ngày; tăng cường thực hiện Đề án BV vệ tinh, đưa giường bệnh mới vào sử dụng, kê thêm giường, kê thêm cáng... nhiều BV đã có những chuyển biến rõ rệt khi quyết tâm thực hiện cam kết không nằm ghép.
Bộ Y tế cho biết, đến nay có 8 BV ban đầu không còn nằm ghép tiếp tục duy trì không có tình trạng nằm ghép. 6 BV còn tình trạng quá tải trước khi ký kết, đã không còn khoa nào có người bệnh nằm ghép giường bệnh.
Riêng BV Đa khoa Trung ương Huế số khoa có người bệnh nằm ghép đang có xu hướng giảm từ 14 khoa, xuống 13 khoa và 12 khoa ở tuần gần nhất. BV phấn đấu đảm bảo như cam kết sau thời gian 27/2/2015 không có nằm ghép như đã cam kết.
Có 7 BV thực hiện cam kết từ ngày 20/1, 7 BV còn lại thực hiện từ đầu tháng 2/2015 và từ ngày 27/2/2015. Các BV thực hiện ở các mức cam kết khác nhau.
Có BV cam kết bảo đảm mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú là BV Răng Hàm Mặt TW, BV Lão khoa TW, BV Da liễu Trung ương; BV Nhi TW; BV Tâm thần TW1; BV Hữu nghị Việt Đức, BV Thống Nhất.
Có BV bảo đảm tối đa sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh như Bệnh viện E, BV Việt Nam Cuba Đồng Hới; BV ĐKTW Thái Nguyên…
Có BV thực hiện bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh như BV ĐK TW Huế ; Việt Nam - Thụy Điển - Uông Bí; …
Để góp phần nâng cao hiệu quả và ý nghĩa của cam kết này, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về nội dung cam kết tại các BV Nhi TƯ, BV Việt Đức; Bệnh viện E vào đầu tháng 2/2015.
Các BV khác sẽ tiếp tục kiểm tra trong tháng 3/2015: Kiểm tra theo các chỉ số đo lường tình trạng nằm ghép (Tỷ lệ % số khoa có người bệnh nằm ghép; tỷ lệ % số giường bệnh có nằm ghép; tỷ lệ % số giường bệnh thực kê/ tổng số giường bệnh kế hoạch; tỷ lệ % số nhập viện điều trị nội trú/ tổng số lượt khám bệnh; tỷ lệ % số người bệnh được bố trí 1 người bệnh/ 1 giường bệnh; trong vòng 24 giờ (tính từ khi nhập viện); trong vòng 48 giờ (tính từ khi nhập viện); Số lượt khám trung bình trên 1 bàn khám trên ngày làm việc); kiểm tra đối chiếu với số liệu BV đã báo cáo hằng tuần về Cục Quản lý khám chữa bệnh; kiểm tra các biện pháp trong công tác quản lý điều hành của BV để tổ chức triển khai thực hiện cam kết không nằm ghép.
Chiều 30/1, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra đột xuất việc thực hiện cam kết giảm tải tại BV Nhi TƯ và bước đầu cho thấy, BV thực hiện đúng cam kết về không để tình trạng nằm ghép. Nhiều khoa vẫn còn giường bệnh trống
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, việc cam kết giảm tải là một chủ trương ý nghĩa, đem lại quyền lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, khi ký cam kết cần phải nỗ lực hết sức để tạo được niềm tin trong nhân dân.
--------------------------