Một xã hội mở cửa cho người nhập cư nhưng lại không nhìn nhận họ là một phần trong đó. Điều này đã và đang đẩy người dân tìm tới những nơi được coi là “miền đất hứa” cho ai đang tuyệt vọng vào cuộc sống...
... Theo Javier Solana - cựu Tổng thư ký NATO và hiện là Giám đốc Trung tâm ESADE, chuyên nghiên cứu, phân tích các vấn đề kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Một người đàn ông đến từ Algerie, mong muốn có cuộc sống tốt hơn, thoát khỏi cảnh nghèo đói, tuyệt vọng. Tại Paris, anh ta đã tìm được một công việc không đòi hỏi nhiều kỹ năng và đã lập gia đình. Trở thành công dân Pháp, họ có quyền được hưởng nền giáo dục và được chăm sóc sức khỏe. Thế nhưng, họ lại sống ở những khu ổ chuột, không thể hòa nhập hoàn toàn với xã hội. Anh ta và gia đình hầu như không có cơ hội cải thiện tình trạng kinh tế của mình.
Câu chuyện như vậy được lặp đi lặp lại với cả triệu người nhập cư tại những nước Tây Âu. Họ kết thúc cuộc sống trong nghèo khổ và bị xã hội ruồng bỏ, và điều tồi tệ hơn, đó là họ được các nhóm phần tử cực đoan tuyển mộ - những người có vẻ như sẽ cho họ những gì họ đang dần mất đi: cảm giác được là chính mình, được công nhận và có mục đích sống. Sau cả quãng đời bị cách ly khỏi xã hội, việc gia nhập vào một tổ chức mà có vẻ như sẽ khiến họ tự hủy hoại bản thân, thậm chí là chết dường như không phải là điều quá bận tâm.
Sau vụ tấn công kinh hoàng vào tòa báo châm biếm của Pháp Charlie Hebdo cùng những nỗ lực ngăn chặn vụ việc tương tự tại Bỉ, giờ là lúc châu Âu cần nhìn nhận lại tình thế của mình. Các lãnh đạo khu vực cần nhận ra rằng, thế hệ thứ 2 và thứ 3 từ những người nhập cư đều còn rất “non nớt” trước những “lời xu nịnh” của các tổ chức khủng bố. Nếu sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, đặc biệt trong những năm tháng khủng hoảng bao trùm như hiện nay, nó sẽ chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Con người cần có hy vọng. Họ cần có thứ gì đó để tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Các nước châu Âu đã từng làm được như vậy. Nhưng kể từ khi khủng hoảng toàn cầu xảy ra vào năm 2009, cách thức họ giải quyết vấn đề đã dần thay thế niềm hy vọng đó bằng những hoài nghi và thất vọng.
Nó như một mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ước tính có hơn 1.200 công dân Pháp đã tới Syria gia nhập lực lượng thánh chiến, theo sau là 600 công dân Anh, 550 người Đức và 400 người Bỉ. Một số nước châu Âu khác, bao gồm cả Tây Ban Nha, cũng đang có những hiện tượng tương tự. Và một vài công dân châu Âu, như những tay súng tấn công Charlie Hebdo, thậm chí còn ra tay ngay tại quê nhà.
Trong khi giới tình báo và lực lượng cảnh sát đang nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công đồng thời vạch ra chiến lược hiệu quả chống phong trào cực đoan, việc đầu tiên và trước hết cần làm đó là hiểu được nguyên nhân nào đưa đẩy con người lựa chọn những con đường được cho là sai lầm như vậy. Đấu tranh bảo vệ tự do ngôn luận? Tăng cường, huấn luyện cảnh sát đảm bảo an ninh? Đó không phải là những biện pháp dài hạn. Phương Tây cần đi xa hơn vậy, tìm cách cải thiện tình trạng nhiều người dân, tuy sống trong xã hội nhưng lại không được công nhận là một phần của nó.
Một tuần sau vụ tấn công tòa báo ở Paris, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định lại những gì mà Tổng thống Đức Christian Wulff đã nói vào năm 2010: đứng bên cạnh Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoğlu, bà phát biểu rằng cộng đồng Hồi giáo cũng là một phần của Đức, cũng như cộng đồng người Do Thái và Thiên chúa giáo. Lời phát biểu này đã đại diện cho con đường đúng đắn cần đi. Người nhập cư Hồi giáo, thế hệ thứ 1, thứ 2 hay thứ 3, cần được tạo điều kiện để được xã hội công nhận, được hưởng cơ hội như những công dân khác.
Ngày nay, nhiều nhóm khủng bố như IS hay Boko Haram đã và đang dần gia nhập Al-Qaeda trong nỗ lực thu hút tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới để củng cố lực lượng, đảm bảo cho vị trí lãnh đạo của chúng trong cuộc thánh chiến toàn cầu.
Chuyển giao quyền lực thất bại tại Syria, Libya và Yemen sau phong trào Mùa xuân Arap đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo IS. Hàng triệu người trẻ tuổi thất vọng về một xã hội bị tê liệt bởi xung đột, tình trạng thất nghiệp hay chế độ độc tài tàn bạo, đã dám hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn.
Thánh chiến, nhìn một cách đơn giản, cũng giống như nhiều kế hoạch, chính sách chính trị khác, có khả năng “quyến rũ” nhiều người, bằng cách cho họ thấy cuộc sống hiện tại là vô vọng, thiếu mục đích và sau đó sẽ đưa ra những lời hứa hẹn.
Phương Tây cần nhận ra rằng xung đột tại thế giới Arap không thể được giải quyết thông qua sự can thiệp của quân đội nước ngoài, Afghanistan và Iraq là ví dụ điển hình. Cách duy nhất để khôi phục lại trật tự và thúc đẩy sự tiến bộ tại khu vực đó là trao thêm quyền cho những người Hồi giáo ôn hòa. Vai trò của phương Tây lúc này, đơn giản hơn nhiều, đó là tư vấn và hỗ trợ. Thay vì thường xuyên “lo chuyện người”, phương Tây cần quay lại tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội của chính mình. Bởi xét cho cùng, gốc rễ của sự thất vọng, mất niềm tin xuất phát từ đó mà ra. Có như vậy, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực mới bị đánh bại. Và có như vậy, phương Tây mới không tự sản sinh ra những thế hệ chiến binh thánh chiến của riêng mình.
------------------------
Ấn Độ để ngỏ khả năng nhờ Nhật Bản đóng tàu ngầm
Ấn Độ đã đề cập với Nhật Bản về việc liệu Tokyo có quan tâm tới dự án giàu tham vọng của nước này nhằm mua mới 6 tàu ngầm hay không.
Truyền thông Ấn Độ ngày 30/1 đưa tin chính quyền của Thủ tướng Narenda Modi đã tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất tăng cường sức mạnh cho hải quân nước này bằng loạt tàu ngầm mới.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Hội đồng Cố vấn Quốc phòng Ấn Độ đã thông qua đề xuất chế tạo 6 tàu ngầm mới có tổng trị giá 8,1 tỷ USD. Các tàu ngầm này sẽ được thiết kế và chế tạo tại xưởng đóng tàu trong nước theo sáng kiến "Make in India" (sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi. Đây sẽ là những mẫu được trang bị cả tên lửa tấn công cũng như các loại vũ khí hiện đại khác.
Theo truyền thông Ấn Độ, New Delhi đang đề nghị Tokyo hợp tác trong việc giúp sản xuất tàu ngầm lớp Soryu tại nước này. Đây vốn là loại tàu ngầm điện-diesel, có thể tích lớn, tiếng ồn nhỏ, thời gian lặn dài và ổn định.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, một thỏa thuận giữa hai nước, cụ thể là giữa Tập đoàn Mitsubishi và công ty đóng tàu Kawasaki của Nhật với xưởng đóng tàu của Ấn Độ, sẽ được đưa ra thảo luận thời gian tới. Tờ The Times of India cho rằng thương vụ nêu trên phù hợp trong bối cảnh Tokyo và New Delhi đang tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh.
Theo dự đoán, cần ít nhất 2 năm để hai nước đạt được thỏa thuận. Sau đó, cần tới 7 hoặc 8 năm để chiếc tàu ngầm lớp Soryu dưới dạng "Make in India" đầu tiên được hạ thủy. Trong khoảng thời gian này, một ủy ban của chính phủ sẽ đệ trình báo cáo lên Bộ Quốc phòng Ấn Độ về các xưởng đóng tàu có khả năng đóng tàu ngầm lớp Soryu. Sau đó, giới chức quân đội Ấn Độ sẽ cân nhắc về việc có thông qua kế hoạch chế tạo tàu ngầm lớp Soryu dưới dạng "Make in India" hay không.
-------------------------
Jordan cảnh báo đẩy nhanh việc xử tử nữ tù nếu IS không trao trả con tin
Chính phủ Jordan được cho là đã cảnh báo IS rằng họ sẽ đẩy nhanh việc xử tử nữ khủng bố đánh bom bất thành Sajida al-Rishawi, người nhóm phiến quân đang đòi trao đổi, nếu phi công Jordan không được thả về.
Theo Telegraph, chính phủ Jordan được cho là đã đưa ra lời cảnh báo với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tuyên bố sẽ đẩy nhanh án tử hình của Sajida al-Rishawi nếu chúng không trao trả viên phi công Moaz al-Kaseasbeh. IS trước đó đã yêu cầu phóng thích al-Rishawi, nữ khủng bố đánh bom bất thành đã bị kết án tử hình tại Jordan.
Jordan đã nâng mức đe dọa lên và cảnh báo một cách rõ ràng rằng Sajida al-Rishawi cùng những kẻ khủng bố khác có liên quan đến IS sẽ bị "xét xử và kết án nhanh chóng" để trả đũa nếu phi công Kaseasbeh không thể trở về.
Đây được coi là một trong các nỗ lực cuối cùng nhằm cứu sống phi công al-Kaseasbeh đang bị nhóm này bắt giữ khi hạn cuối trao đổi con tin IS đưa ra đã qua đi mà nhóm này vẫn chưa có động tĩnh gì. Hiện chưa có thông tin về số phận của phóng viên người Nhật Kenji Gotto (47 tuổi) và phi công người Jordan Moaz al-Kaseasbeh (26 tuổi).
Elijah Magnier, Trưởng bộ phận phóng viên tại nước ngoài của báo Al Rai tại Kuwait nói: “Hiện IS đang ở trong thế kẹt: Hoặc nhóm này phải trao trả phi công Kaseasbeh cho chính phủ Jordan, hoặc nữ khủng bố al-Rishawi cùng những phần tử thánh chiến khác sẽ bị tử hình”. Nếu IS từ chối, họ sẽ bị coi như thủ phạm dẫn tới cái chết của người mà họ gọi là “chị em”, phóng viên Magnier nói.
Bộ trưởng các vấn đề chính trị và quốc hội của Jordan Khalid al Kalaldeh hôm qua 30/1 từ chối bình luận về thông tin nêu trên và cho rằng mọi biện pháp cần thiết sẽ được tiến hành. “Jordan đang ở trong tâm bão và chúng tôi sẽ tự vệ theo đúng luật pháp”, ông nói.
Vụ việc bắt giữ con tin này bắt đầu hôm 19/1 khi IS tung video đòi dọa giết 2 con tin người Nhật Kenjo Goto và Haruna Yukawa nếu chính phủ Tokyo không trả 200 triệu USD tiền chuộc, nhằm bù lại khoản viện trợ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cam kết dành cho Trung Đông trước đó.
Sau khi tuyên bố đã hành quyết con tin Yukawa , IS đã đổi yêu sách đòi trao đổi nữ tử tù Sajida al-Rishawi đang bị giam giữ tại Jordan lấy phóng viên chiến trường người Nhật Kenji Goto tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc mặt trời lặn hôm 29/1. Chúng đe dọa nếu không đồng ý yêu sách trên, phi công Jordan trong tay IS sẽ bị giết. Trung úy al-Kassasbeh người Jordan đã bị phiến quân IS bắt giữ hồi tháng trước sau khi chiếc máy bay F-16 của anh gặp nạn và rơi xuống miền bắc Syria.
-----------------------
Al-Qaeda tại Yemen tuyên bố Pháp là kẻ thù số 1
Một trong các thủ lĩnh cấp cao của chi nhánh al-Qaeda tại Yemen khẳng định lực lượng này coi Pháp là kẻ thù số 1 của nhóm này, chứ không phải là Mỹ.
Trong thông điệp được nhánh truyền thông của tổ chức al-Qaeda tại bán đảo Arập (AQAP) đăng trên trang YouTube, thủ lĩnh ý thức hệ của tổ chức này tại Yemen tuyên bố Pháp đã vượt qua Mỹ trở thành kẻ thù số 1 của Hồi giáo.
“Với sự yếu đi của Mỹ trong những năm gần đây, Pháp đã vượt Mỹ trong cuộc chiến chống Hồi giáo”, Ibrahim al-Rubaish viết trong thông điệp.
Tên này hối thúc các chiến binh Hồi giáo tấn công phương Tây, đặc biệt là Pháp, đồng thời kêu gọi “tiêu diệt những đối tượng xúc phạm Nhà tiên tri Mohammed mà không cần thảo luận với bất cứ ai”.
Tình báo Mỹ coi AQAP là nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Một trong những nhà tư tưởng của nhóm này là Nasser bin Ali al-Ansi từng thừa nhận đứng sau vụ tấn công hôm 7/1 nhằm vào tuần báo biếm họa Pháp Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng.
Vụ tấn công xảy ra sau khi tòa báo này cho đăng biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi và đã gây rúng động nước Pháp cũng như thế giới vì phương thức tấn công tinh vi, mang đậm chất máu lạnh của các tay súng.
-------------------------
Triều Tiên tổng động viên cả nữ giới?
Tờ "Daily NK" dẫn một nguồn tin từ tỉnh Hamkyung cho biết Triều Tiên đã quyết định mở rộng tổng động viên cho cả nữ giới và chỉ thị mới này dự kiến có hiệu lực ngay từ đầu năm nay.
Cũng theo nguồn tin trên, "cuối năm ngoái, chúng tôi đã nhận được lệnh cho tất cả các nữ sinh đã tốt nghiệp từ trung học và đại học phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc".
Ước tính quân nhân nữ chiếm khoảng 22% trong quân đội Triều Tiên. Theo quy định, nam sinh Triều Tiên phải gia nhập quân ngũ từ năm 17 tuổi và phục vụ trong quân ngũ đến 10 năm. Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng cho nữ giới. Theo giải thích từ nguồn tin trên, "nữ giới chỉ bắt buộc đi quân dịch đến 23 tuổi... Những người nhập ngũ lúc 17 tuổi phải tại ngũ đến khi được 23 tuổi, còn những người nhập ngũ lúc 20 tuổi sẽ chỉ phục vụ 3 năm".
Hiện đang có tin đồn chưa được xác nhận nói rằng đề nghị 10 năm quân dịch bắt buộc của nam giới có thể sẽ được mở rộng. Việc quân đội thiếu hụt người có lẽ là nguyên nhân chính của chỉ thị tổng động viên cả nữ giới.
--------------------------