Tang vật thu giữ là 117 thùng hàng hóa gồm 2.043 lon, chai nước ngọt, sữa, bia, xì dầu do Trung Quốc sản xuất trị giá ước tính khoảng 20 triệu đồng. Đây là những mặt hàng không qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vào hồi 13h ngày 30/1, tại quốc lộ 1A thuộc địa phận khối 9, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an thành phố Lạng Sơn đã phát hiện bắt quả tang xe ôtô khách biển kiểm soát 89B-001.51 đang có hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Tang vật thu giữ là 117 thùng hàng hóa gồm 2.043 lon, chai nước ngọt, sữa, bia, xì dầu do Trung Quốc sản xuất trị giá ước tính khoảng 20 triệu đồng. Đây là những mặt hàng không qua kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lái xe kiêm chủ hàng là Nguyễn Văn Hải (SN 1969, trú tại 124 Phố Hiến, phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên) đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Toàn bộ số hàng trên do Nguyễn Văn Hải mua tại khu vực biên giới thị trấn Đồng Đăng đang trên đường vận chuyển về Hưng Yên tiêu thụ trong dịp Tết thì bị bắt giữ.
Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67) vừa tạm giữ một xe đầu kéo quá khổ quá tải đang “ung dung” qua trạm thu phí ở tỉnh Phú Thọ với bản phô tô “giấy phép lưu hành đặc biệt” để lên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Sự việc xảy ra ngày 29/1, Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) cùng Đội Cảnh sát giao thông số 2 - C67, đã phát hiện ra đoàn xe vượt quá trọng tải lưu thông trên đường cao tốc. Tại đây, lái xe đã xuất trình một bản phô tô ghi "giấy phép lưu hành đặc biệt", số 15-TCDBVN, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp ngày 14/1/2015.
Theo giấy phép lưu hành đặc biệt này, tải trọng trục của xe là 12 tấn/trục và chiều cao tĩnh không (từ mặt đất lên 4,8m). Tuy nhiên, kiểm tra hiện trạng xe thì các yếu tố được nêu trong giấy phép không được chấp thuận theo quy định khai thác đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trung tâm điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, tạm giữ xe và xử lý theo thẩm quyền.
Đến chiều 30/1, doanh nghiệp có xe đầu kéo nói trên đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép lưu hành đặc biệt mới, tuy nhiên đơn vị khai thác yêu cầu chiếc xe này buộc phải lắp đủ 18 trục thì mới được phép lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Được biết, sau hơn 4 tháng đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lưu lượng xe thời điểm hiện tại vào khoảng 11.462 xe/ngày đêm, trong đó các xe tải trọng nặng (xe loại 4, loại 5) vào khoảng 1.000 xe/ngày đêm (tương đương khoảng 3,7% lưu lượng xe toàn tuyến).
Trên toàn tuyến bố trí 4 trạm cân tải trọng xe, VEC O&M đang thực hiện phối hợp C67, Thanh tra giao thông đường bộ tổ chức cân tải trọng xe tại 2 đầu vào đường cao tốc (Km6+00 và Km236+900), bên cạnh đó bố trí 2 cân tải trọng di động để phục vụ công tác kiểm tra tải trọng đột xuất trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Trong vòng 3 tuần đầu tháng 1/2015, có 42 trường hợp vi phạm về tải trọng xe, trong đó xe vi phạm từ 2-30% là 28 trường hợp, vi phạm từ 10-40%, 1 trường hợp, vi phạm tải trọng từ 40-60% có 8 trường hợp, vi phạm tải trọng từ 60% trở lên là 5 trường hợp. VEC O&M và các bên liên quan đã tiến hành xử lý hạ tải, lập biên bản đối với các trường hợp xe chở quá trọng lượng cho phép.
-------------------------
Hàng trăm tiểu thương Chợ Đầm đồng loạt bãi thị
Hàng trăm tiểu thương Chợ Đầm (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã đồng loạt bãi thị hôm 30/1 để phản đối việc xây dựng mới khu chợ này.
Vụ việc diễn ra lúc 6h ngày 30/1 và kéo dài đến 9h cùng ngày mới giải tán sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận đơn của họ. Tiểu thương Chợ Đầm cho rằng, việc phá bỏ khu vực trung tâm chợ (còn gọi là nhà tròn) để xây đài phun nước là lãng phí. Việc di dời tất cả các tiểu thương sang chợ mới nếu không tính toán kỹ có thể lâm vào tình cảnh ế ẩm như các trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Tiểu thương nêu hàng loạt băn khoăn: Tại sao chủ đầu tư đã thực hiện huy động vốn, thực hiện đấu giá các lô sạp trong khi công trình chưa hoàn thành? Nếu không có nhiều tiền thì không có vị trí đẹp; nhiều tiểu thương buôn bán lâu năm tại Chợ Đầm không được đền bù, phải mua lại lô sạp mà không được ưu đãi gì…
Trao đổi với báo chí, bà Ngô Thị Bình, đại diện cho các tiểu tương, nói: “Cán bộ tiếp dân nhận đơn của chúng tôi, hứa sẽ trình chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết. Tuy nhiên, nếu tỉnh giải quyết không hợp lý chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị…”.
Được biết, Chợ Đầm Nha Trang được xây dựng vào những năm 1970 do Kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế. Đây là một khu chợ nổi tiếng về du lịch và được xem là một trong những biểu tượng của thành phố. Hiện Chợ Đầm có hơn 1.300 hộ kinh doanh, buôn bán.
Ngày 28/8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Sông Đà - Nha Trang thực hiện Dự án chợ Đầm Nha Trang. Khu nhà chợ Đầm mới có quy mô 3 tầng với tổng diện tích hơn 21.000m², bên cạnh đó còn có khu chợ tươi sống 1 tầng rộng hơn 1.400m².
Việc xây dựng lại chợ Đầm được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 thực hiện từ tháng 1/2014 -12/2015; và giai đoạn 2 từ năm 2016-2020.
------------------------