Từ những tháng đầu năm 2015, thông tin về chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của bà Hillary Clinton đã bắt đầu được truyền thông rậm rịch đồn đoán, tuy nhiên có nhiều nhận định cho thấy cựu ngoại trưởng 67 tuổi đã có tầm nhìn và hình dung chắc chắn về kế hoạch của mình.
Tờ Politico dẫn nguồn tin từ các chính trị gia đảng Dân chủ có quan hệ thân thiết với gia đình Clinton cho biết bà Hillary đã chuẩn bị những bước cuối cùng trong chiến dịch tranh cử dự kiến khởi động vào đầu tháng 4/2015.
Vào ngày 4/3 tới, Qũy Bill, Hillary & Chelsea Clinton được thành lập bởi ông Bill Clinton sẽ tổ chức buổi tiệc thường niên tại New York và sự kiện này được mong đợi là nơi để bà Clinton thông báo tin tức quan trọng trước khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bắt đầu.
Các nhà tư vấn tranh cử tiết lộ bà Hillary đã chuẩn bị nguồn tài chính và nhân lực từ sau Giáng sinh 2014. Hầu hết các vị trí trong bộ máy vận động tranh cử đã được quyết định trừ giám đốc truyền thông, cá nhân có ảnh hưởng quan trọng trong thời đại internet và mạng xã hội nở rộ.
Và ứng cử viên hàng đầu cho vị trí trên là giám đốc truyền thông đương nhiệm của Nhà Trắng - Jennifer Palmieri, bà này cũng được ông John Podesta, cố vấn Nhà Trắng vừa thôi việc mà truyền thông đồn đoán sẽ là nhân vật chóp bu trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary, đánh giá cao.
Những bài học giá trị từ thất bại trong cuộc tranh cử năm 2008 của bà Hillary chắc chắn sẽ được xem xét rút kinh nghiệm để vận dụng trong năm 2016. Trong đó bao gồm việc thiết lập và cải thiện quan hệ với truyền thông, nhân tố sẽ góp phần khắc họa hình ảnh của bà Hillary trước công chúng.
Các nhà tư vấn đều biết rằng bà Hillary không mấy tin tưởng truyền thông trong khi những thông tin về bà vẫn luôn là điều mà giới truyền thông khao khát. Bà chỉ thỉnh thoảng phàn nàn về giọng điệu và sự thiếu sót của truyền thông.
Vậy nhưng khi ở vị trí ngoại trưởng, trong các chuyến công du ngoại giao, vẫn luôn có các phóng viên tháp tùng bà Hillary trên chuyên cơ và họ thường không đưa ra những tin quá thất thiệt, vì vậy các chiến dịch sắp tới của bà Hillary sẽ bao gồm những nhân lực “thân thiện với truyền thông”.
Bên cạnh đó, phu quân của bà Hillary - cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có thể sẽ lên tiếng nhiều hơn, khác với trước đó, trong chiến dịch tranh cử với ông Barack Obama năm 2008, dường như ông Clinton không góp mặt nhiều.
Theo Politico, ông Bill Clinton từng cảnh báo vợ mình rằng Jeb Bush, em trai cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và cũng là ứng cử viên tiềm tàng chạy đua vào Nhà Trắng 2016, là một đối thủ nặng ký và nổi trội.
Nhiều nguồn tin thân cận cho biết bà Hillary đang lên kế hoạch theo cách riêng của bà với sự từ tốn mà không chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Cuộc chạy đua bên trong nội bộ đảng Dân chủ của bà Hillary dường như không quá gay gắt ngoài cái tên đáng gờm là Phó Tổng thống Joe Biden.
Tom Nides, Thứ trưởng Ngoại giao đương nhiệm trong thời kỳ bà Hillary đảm nhận vị trí Ngoại trưởng, được dự đoán là người vận động quỹ cho chiến dịch của bà. Trong khi đó, người giữ vị trí đứng đầu trong văn phòng phát triển của Qũy Bill, Hillary & Chelsea Clinton, ông Dennis Cheng cũng được dự đoán là người phụ trách các vấn đề tài chính.
Một nguồn tin khác cho biết bà Clinton đã tuyển dụng 2 thành viên hàng đầu trong bộ máy vận động tranh cử của ông Obama là nhà thăm dò ý kiến Joel Benenson và nhà chiến thuật Jim Margolis, người cũng từng tham gia bộ máy vận động của ông Bill Clinton trong năm 1992.
Sau khi khung của bộ máy vận động tranh cử của bà Hillary gần như chắc chắn thì nhiệm vụ chiến thuật tiếp theo của bà chính là: gửi gắm những thông điệp.
Việc Thủ tướng Lý Hiển Long “chat” trực tiếp trên mạng truyền thông xã hội Facebook để giải đáp từng câu hỏi của người dân ngày 24/1 vừa qua có thể là một ngạc nhiên thú vị đối với những người nước ngoài, nhưng đối với người dân Singapore, đây là việc làm rất đỗi bình thường của người đứng đầu chính phủ.
Bởi từ lâu, họ đã quen thuộc với việc tiếp xúc cả trực tiếp hay gián tiếp của các chính khách trong nước, không chỉ là ngài Tổng thống, Thủ tướng, hay các bộ trưởng, mà đơn giản là từng nghị sĩ quốc hội nhằm phản hồi hoặc đưa ra ý kiến trước mỗi vấn đề của quốc gia, hay liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân.
Gặp chính khách sau giờ ăn cơm…
Singapore là quốc gia theo chế độ dân chủ đa đảng, nhưng không phải là mô hình dân chủ kiểu Âu-Mỹ. Đó là nền dân chủ đại nghị đa đảng với những quy định khắt khe về các quyền dân chủ, đi đôi với việc thực hiện dân chủ trực tiếp.
Chính vì lẽ đó, quốc gia này là một trong những nơi mà người lãnh đạo gần gũi và đi sâu, đi sát quần chúng nhất. Một trong những công việc quan trọng của các nghị sĩ Singapore chính là việc gặp gỡ, tiếp xúc để lắng nghe ý kiến của người dân.
Các nghị sĩ sẽ tự xây dựng chương trình gặp gỡ người dân hàng tuần tại văn phòng của mình hoặc ở những những nơi sinh hoạt công cộng của khu dân cư và thường là vào buổi tối, bắt đầu từ 8h.
Mỗi tối, các nghị sĩ thường gặp khoảng 60 đến 100 người dân, khi ít nhất cũng 30 người. Thời gian dành cho việc tiếp mỗi người dân khoảng từ 7 đến 10 phút. Việc gặp dân như thế không mang tính chất hành chính, không quy định giờ kết thúc, cứ hết người ở nơi tiếp dân nghị sĩ mới nghỉ.
Khi tiếp xúc cử tri, các nghị sĩ lắng nghe trình bày của người dân về những khó khăn, vướng mắc của họ trong cuộc sống như vấn đề thu nhập, việc làm, mâu thuẫn hàng xóm… đồng thời giải thích, hướng dẫn, giúp họ viết đơn, thư để gửi đến những nơi cần thiết. Một cử tri có thể quay lại để gặp và hỏi nhiều lần nếu vấn đề của họ chưa thể được giải quyết ngay chỉ bằng một lá thư hay một cuộc gặp của nghị sĩ với cơ quan nhà nước có liên quan.
Các nghị sĩ coi những buổi gặp dân vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, và cũng là việc vận động bầu cử cho nhiệm kỳ sau. Cũng có khu vực duy trì gặp dân cố định ở tiểu khu vực của nghị sĩ đã được phân công, cũng có khu vực thực hiện cơ chế thỉnh thoảng đổi nghị sĩ đi gặp dân ở tiểu khu vực khác.
Những cuộc tiếp xúc như thế này là cơ hội để người dân bình thường đối thoại với các nghị sĩ, đưa ra những đòi hỏi với Chính phủ. Từ đó Chính phủ, thông qua Quốc hội, sẽ hỗ trợ người dân trên các phương diện của cuộc sống hoặc đưa ra giải thích cụ thể, rõ ràng cho những chính sách không thể thay đổi.
…trên các diễn đàn và mạng xã hội
Không những thế, mọi chính sách của chính phủ liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đều được đưa ra tranh luận thẳng thắn trên nhiều diễn đàn trước khi được quyết định.
Từ năm 2006, Singapore đã lập một địa chỉ trang web có tên gọi REACH (được hiểu là tiếp cận mọi người vì một ngôi nhà chung năng động của toàn thể công dân) như là một diễn đàn để người dân có thể phản biện các chính sách mà chính phủ ban hành.
REACH có một ban kiểm soát để định hướng vai trò và hoạt động của diễn đàn, với sự tham gia của năm thành viên Quốc hội và 24 đại diện khu vực tư nhân thuộc các thành phần khác nhau trong xã hội. Những đại diện này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiếp nhận ý kiến của những người dân mà họ đại diện trong quá trình tham vấn cộng đồng.
Các thành viên của Quốc hội Singapore với đa số nghị sĩ là được bầu trực tiếp thông qua bỏ phiếu theo một trong hai hình thức: đại diện cộng đồng (Group Representation constituencies –PRCs) hoặc tranh cử đơn lập (Single-Member Constituencies); còn lại là nghị sĩ lựa chọn (Non-constituencies Member of Parliament-NCMPs) và nghị sĩ chỉ định (Nomimated Member of Parliament-NMPs).
Hiện tại, Quốc hội khóa XII của Singapore có 99 nghị sĩ; trong đó bao gồm 87 nghị sĩ được bầu trực tiếp, 3 nghị sĩ lựa chọn (NCMPs) và 9 nghị sĩ chỉ định (NMPs). Các nghị sĩ đóng vai trò như một cầu nối giữa cộng đồng và chính phủ bằng cách bảo đảm rằng những mối quan tâm của cử tri được lắng nghe trong Quốc hội.
Mặt khác, REACH cũng làm việc chặt chẽ với cộng đồng và các tổ chức cơ sở nhằm tiếp cận đến người dân sống ở trung tâm, cũng như các nhóm phúc lợi tự nguyện, các nhóm chuyên gia, các nhóm có nhu cầu và mối quan tâm cụ thể trong xã hội.
Không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận “truyền thống,” là qua các diễn đàn công cộng, các buổi đối thoại trực tiếp, REACH còn mang đến cơ hội phản biện cho người dân thực sự quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội thông qua dịch vụ tin nhắn SMS, điện thoại, thư điện tử (email), các mạng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter.
Thông qua các hình thức này, một loạt những vấn đề của Singapore như chính sách nhập cư, nhà ở; các chính sách hỗ trợ tài chính của chính phủ cho người dân; Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF); các dự luật về thuế, luật phá sản… hay gần đây nhất là quyết định điều chỉnh tăng giá vé vận tải công cộng, dự thảo Luật cấm uống bia rượu nơi công cộng hay các chính sách về chống biến đổi khí hậu đã được người dân bày tỏ ý kiến công khai.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Singapore cũng không thụ động mà tự tìm đến người dân để được “lắng nghe” và “thấu hiểu”. Vốn được biết đến như là một quốc gia sạch nhất trên thế giới, mới đây, vào ngày 25/1, Văn phòng dịch vụ của Singapore (MSO) đã ra mắt ứng dụng di động OneService cho phép người dân có thể gửi phản hồi về các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và đô thị đến đúng địa chỉ các cơ quan chức năng.
Theo đó, thay vì phải gửi ý kiến đến từng cơ quan như trước đây, ứng dụng này sẽ tự động phân loại và gửi thông tin phản hồi thẳng đến các cơ quan công quyền, giúp họ đáp ứng nhanh hơn với sự phản ánh của người dân.
Ai sẽ là người được hưởng lợi?
Dù thông qua những cuộc tiếp xúc trực tiếp hay qua diễn đàn và các kênh khác, người dân Singapore đều được đảm bảo một cách tối đa quyền và nghĩa vụ của mình hay nói cách khác, những vướng mắc mà họ gặp phải trong cuộc sống thường ngày được xác nhận và lắng nghe.
Dân chủ trực tiếp còn thể hiện qua việc thành lập các tổ chức xã hội tự quản và tự nguyện ở các quận và khu phố. Đây chính là những “chân rết” nhằm duy trì sự hài hòa và an toàn xã hội, cũng như việc thực thi pháp luật của nhà nước và chính sách của chính phủ.
Rõ ràng, sự dân chủ đã được nhà nước và chính phủ Singapore cụ thể hóa bằng pháp luật, chính sách và cả sự đa dạng trong các hình thức tiếp cận, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân. Sự phản biện, vì thế đã phát huy được hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, đưa Singapore trở thành một trong những quốc gia đi đầu về thực hiện dân chủ và phát triển chính phủ điện tử (e-government).
Những nỗ lực trên đây đã đem đến kết quả tương xứng: Kinh tế của Đảo quốc Sư tử trong 10 năm, từ 2004-2013, phát triển mạnh với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân là 6,3%; GDP bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi, từ 27.403 USD vào năm 2004 (đứng thứ 31 toàn cầu) lên 55.183 USD vào năm 2013 (đứng thứ 9 toàn cầu) và lạm phát đã giảm ở mức trung bình 2,7%/năm.
---------------------------
Nga không thể thờ ơ trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ
Đại tướng Nga Valery Gerasimov cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ mang tính toàn cầu khi mở rộng những thành tố trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, Người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, tướng Gerasimov nhắc lại rằng trong Thông điệp tháng 12 gửi Quốc hội Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặc biệt nhấn mạnh "tác động tiêu cực của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đến an ninh quốc tế".
Đánh giá hành động của Mỹ khi phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, Tổng tham mưu trưởng Nga nhận xét rằng chỉ riêng trong năm 2014, tại căn cứ hải quân Tây Ban Nha ở Rota đã có 2 tàu khu trục của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ neo đậu thường xuyên.
Đại tướng Gerasimov nêu rõ: "Chúng tôi không thể thờ ơ trước những hành động như vậy của các nước Phương Tây và buộc phải thực hiện những biện pháp đáp trả... trước hết hướng tới tăng cường trang bị cho quân đội và hải quân Nga những tổ hợp và hệ thống vũ khí triển vọng nhất, cho phép vô hiệu hóa tiềm năng của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, cũng như sở hữu những tính năng vượt trội qua mặt hệ thống Mỹ".
-----------------------
Nga bắt đầu nhận các máy bay tiêm kích tàng hình T-50
Lãnh đạo Tập đoàn Liên hiệp chế tạo hàng không của Nga cho biết họ đã bắt đầu cung cấp lô hàng đầu tiên các máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm T-50 (PAK FA) cho Bộ Quốc phòng.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossia 24, ông Slusar cho hay: "Chương trình PAK FA đang thực hiện thành công. Chúng tôi đang theo đúng tiến trình... bắt đầu giao lô hàng đầu tiên theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng".
PAK FA là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 của Nga. Việc sử dụng các vật liệu composite và công nghệ tiên tiến, thiết kế khí động học và những đặc tính của động cơ giúp cho máy bay ít bị phát hiện bằng radar, quang học và tia hồng ngoại.
Điều đó cho phép nâng cao đáng kể hiệu quả chiến đấu với các mục tiêu trên không cũng như trên mặt đất vào bất cứ thời điểm nào trong ngày và trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
----------------------
Nghị sĩ Mitt Romney tuyên bố không tranh cử tổng thống Mỹ
Cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2012 Mitt Romney tuyên bố sẽ không tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, ông Romney cho biết: "Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng về khả năng tranh cử tổng thống một lần nữa, tôi đã quyết định tốt nhất là dành cơ hội cho các lãnh đạo khác trong đảng trở thành ứng viên tiếp theo của chúng ta", Tân Hoa Xã đưa tin ngày 30/1.
Trước đó, cựu Thống đốc bang Massachusetts từng nói rằng ông "đang cân nhắc nghiêm túc việc tranh cử một lần nữa."
Ông Romney được cho là đã nỗ lực củng cố sự ủng hộ từ những thành phần hậu thuẫn ông trong các cuộc đua tranh trước đây song các nhà tài trợ và chiến lược gia hàng đầu lại hậu thuẫn Jeb Bush, con trai thứ của cựu Tổng thống George H. W. Bush và cũng là em trai của cựu Tổng thống George W. Bush.
-------------------------