Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thật thường mềm, phẳng.
Cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội liên tục triệt phá những cơ sở tiến hành bơm bột, tạp chất vào tôm đông lạnh rồi bán cho các nhà hàng lớn tiêu thụ.
Vừa qua, trong những tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng liên tục phát hiện cơ sở kinh doanh thủy, hải sản tiến hành bơm bột và tạp chất vào tôm đông lạnh nhằm tăng trọng lượng sau đó bán ra trị trường nhằm kiếm lời.
Vào một buổi tối mùa đông ngày 24/1, lực lượng liên ngành gồm Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cùng Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, Công an TP Hà Nội và Đội QLTT số 15 (Chi cục QLTT Hà Nội) bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh thủy sản số 28, ngách 2, tổ 68 phường Tương Mai do Nguyễn Văn Cửu (33 tuổi, trú tại xóm 4, xã Nga Liêm, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ.
Tại đây, có 4 nhân viên tại cơ sở đang bơm bột Agar vào thân tôm sú đông lạnh nhằm tăng trọng lượng tôm, làm tươi, cứng và đẹp tôm. Ngay sau đó chưa đầu một tiếng đồ hồ, một cơ sở có địa chỉ số 22 ngách 2, tổ 68 do Nguyễn Văn Liệu (43 tuổi, trú tại xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) làm chủ khi đoàn kiểm tra tới đã bắt quả tang 2 công nhân bơm bột Agar vào tôm sú.
Theo cán bộ quản lý thị trường, công nghệ bơm bột agar vào tôm được thực hiện cách phân loại tôm, hòa tan bột Agar với nước, dùng kim tiêm bơm thạch vào tôm, đem ướp đá, chia ra các thùng xốp để mang đi tiêu thụ. Loại tôm bị bơm nhiều nhất là tôm càng xanh.
Các thương lái dùng bột Agar bơm vào từng con tôm nhằm tăng trọng lượng. Từng con tôm sau khi được phun độn thân sẽ phì ra, tròn vo múp míp. 1 kg tôm sau khi độn sẽ thành 1,2 – 1,3kg mà cỡ tôm cũng được nâng lên, ví dụ từ loại 30 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 23 - 24 con/kg, do đó giá cũng tăng lên.
“Thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa”, một cán bộ trong đoàn liên ngành cho biết.
Đoàn liên ngành sau đó đã phải lấy mẫu đưa đi kiểm định để xác định mức độ nguy hại của chất này tới sức khỏe người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng cũng đưa ra khuyến cáo rằng, khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thật thường mềm, phẳng. Khi lật mang của con tôm lên sẽ phát hiện ra ngay, bởi mang của tôm bơm thạch rau câu sẽ căng, còn mang của tôm bình thường sẽ rất mềm. Khi bơm thạch vào, con tôm sẽ có 2 lớp, đó là lớp thịt và lớp rau câu, vì vậy, người ăn nên cẩn trọng bóc mang hoặc vỏ ra.
Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.
Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Cho đến ngày 7/2 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 17 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) khi kiểm tra tại xã Quảng Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội cũng bắt quả tang các công nhân đang thực hiện hành vi đưa tạp chất vào tôm.
Tạp chất này là một loại dung dịch pha bột có màu trắng đục đã được pha chế sẵn. Theo cán bộ quản lý thị trường, số tôm được bơm tạp chất chủ yếu được chuyển đi tiêu thụ tại chợ, nhà hàng, nơi tổ chức sự kiện, tiệc cưới trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước.
--------------------------
Kinh hoàng giò chả
Có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng phần lớn nguyên liệu của cơ sở làm giò chả đều không có nguồn gốc.
Ngày 10-2, Đội QLTT Thủ Đức thuộc Chi cục QLTT TP HCM phối hợp với Phòng Y tế và Trạm Thú y quận Thủ Đức kiểm tra đột xuất cơ sở giò chả Như Hương (số 98 Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức).
Qua kiểm tra, đội QLTT kết luận phần lớn nguyên liệu được chủ cơ sở mua trôi nổi trên thị trường để sản xuất giò chả giá rẻ nhằm thu hút khách hàng dịp Tết. Trước những vi phạm nghiêm trọng trên, cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động của cơ sở để xử lý.
Kho nguyên liệu bốc mùi
Ghi nhận của phóng viên, phía mặt tiền của cơ sở giò chả Như Hương đang giăng bảng rao bán giò chả Tết Ất Mùi với giá khá mềm, gồm: chả bò 160.000 đồng/kg, chả thủ 140.000 đồng/kg, chả lụa 120.000 đồng/kg. Bên trong cơ sở ngổn ngang nhiều thành phẩm gồm giò chả các loại được để trên bàn, cối xay vẫn còn dính thịt, nấm mèo được ngâm trong thùng sơn cũ. Đặc biệt, tại khu nguyên liệu (được bảo quản lạnh) đang có hàng chục sọt nhựa đựng thịt gà, thịt heo, một số đã đổi màu, biến chất, đổ nhớt và bốc mùi hôi nồng nặc.
Theo sổ theo dõi xuất nhập hàng, trong ngày cơ sở Như Hương đã nhập 400 kg thịt gà, xuất ra 300 kg. Về nguyên tắc chỉ còn lại 100 kg nguyên liệu hợp pháp nhưng số lượng hàng thực tế ghi nhận lên đến 3.380 kg. Tổng lượng hàng này gồm: 2.562 kg ức gà, 450 kg mỡ heo đông lạnh, 215 kg thịt xay, 111 kg da heo, 21 kg thịt heo cắt lát, cùng 32 cây giò chả thành phẩm (loại 0,5 kg/cây) và 5 cây giò chả loại 1 kg.
Đáng nói là tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, cơ sở đang chuyển nguyên liệu lên xe tải để gửi đi kho khác với số lượng 21 túi ni-lông (tương đương 420 kg). Số hàng định chuyển đi không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhưng cơ sở lại sử dụng nhãn của một cơ sở kinh doanh gia cầm sẵn tên AL-LA (có địa chỉ tại quận 12) để đi đường.
Sản xuất 2 năm mới được cấp phép
Chủ cơ sở Như Hương là bà Trần Thị Hằng Nga khai đã sản xuất giò chả tại đây từ năm 2012 nhưng mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ tháng 11-2014.
Để sản xuất giò chả, bà dùng nguyên liệu thịt gà và mỡ heo nhưng trong sổ theo dõi nhập hàng (phần hợp pháp có giấy chứng nhận kiểm dịch) chủ yếu chỉ có thịt gà, mỗi ngày số lượng từ 300 - 1.000 kg, những nguyên liệu còn lại như da heo, mỡ heo và gia vị, phụ gia đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Ngoài ra, cơ sở còn sử dụng một loại bột màu trắng, bên ngoài không ghi nhãn mác để tại khu vực sản xuất, bà Nga khai dùng để bảo quản, giúp sản phẩm làm ra dai và giòn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng hàng của cơ sở này được bán khá rộng rãi từ các quận trung tâm như: 1, 3, Bình Thạnh, 4 và cả vùng ven như Bình Chánh… Giá bán tùy theo đặt hàng của người mua.
Trước những vi phạm bị bắt quả tang, bà Nga đã có đơn xin tiêu hủy toàn bộ 3.380 kg nguyên liệu và thành phẩm tại cơ sở để nhanh chóng nhập nguyên liệu mới, tiếp tục sản xuất kịp phục vụ Tết. Tuy nhiên, Đội QLTT Thủ Đức buộc cơ sở phải đình chỉ hoạt động, đồng thời chấp nhận việc tiêu hủy toàn bộ lô hàng trên (tại lò đốt Bình Hưng Hòa - quận Bình Tân dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và chủ hàng phải chịu toàn bộ chi phí).
Ngoài ra, Đội QLTT Thủ Đức còn phát hiện cơ sở Như Hương chưa công bố hợp quy đối với sản phẩm thuộc nhóm bắt buộc phải công bố (giò chả). Như vậy, về nguyên tắc giò chả của cơ sở chưa được phép lưu thông ra thị trường. Đội đã lập biên bản kiểm tra ban đầu và tiếp tục làm việc với chủ cơ sở để xử lý tiếp theo.
Dùng thịt gà để làm chả bò, chả lụa?
Người tiêu dùng lâu nay vẫn tưởng chả bò phải được làm từ thịt bò, chả lụa phải làm từ thịt nạc heo nhưng thực tế ghi nhận tại cơ sở Như Hương, nguyên liệu chủ yếu là thịt gà. Tại cơ sở, phóng viên ghi nhận có nhiều nhãn in sẵn, trong đó ghi rõ: chả lụa Như Hương có thành phần gồm: thịt heo, mỡ heo, bột ngọt, nước mắm, phẩm màu tự nhiên mà không hề nhắc đền thành phần thịt gà cũng như chất bảo quản như thực tế sản xuất.
-----------------------
Dịch vụ đòi nợ đắt hàng
Đang làm chủ tịch HĐQT một công ty thì anh H. bị chính người bạn làm chung “nhờ” công ty đòi nợ thuê để đòi 150 triệu đồng hùn vốn làm ăn.
Anh N.H.H (chủ tịch HĐQT một công ty ở quận 1) bị chính người bạn làm chung (giám đốc công ty) nhờ công ty đòi nợ thuê S.L đến đòi 150 triệu đồng thay vì kiện ra tòa. Anh H. cho biết, trong lúc anh đang làm ở công ty thì có gần 10 thanh niên mặt mũi bặm trợn đi vào, yêu cầu phải cam kết thời gian trả nợ nếu không sẽ không để yên.
Nhóm này ném ly vỡ đầu anh H. Trình báo, công an đến mời hai bên về làm việc và xử phạt hành chính. Tuy nhiên sau đó, nhóm nhân viên yêu cầu anh đưa 5 triệu đồng để bỏ qua, không đến làm phiền nữa.
Chị L.T.H (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đến hạn trả nợ nhưng chưa có khả năng trả, bị chủ nợ thuê một công ty đòi nợ đòi tiền. Biết nhà chị có ba mẹ già nên nhóm đòi nợ dùng “chiêu” đến bấm chuông inh ỏi mỗi sáng, tối. Liên tục nhiều ngày, sáng thức dậy đi làm, chị H. phát hiện trước cửa bị tạt mắm tôm. Mặc dù báo công an nhưng không có chứng cứ, không bắt được quả tang nên không thể xử lý.
Công ty L.K (Bình Dương) đâm đơn kiện Cty L.T.S (Bình Thạnh, TPHCM) đòi thanh toán công nợ hơn 227 triệu đồng ra tòa án quận Bình Thạnh. Ngày 9/9/2013, tòa án quận Bình Thạnh quyết định buộc Cty L.T.S phải trả số tiền trên cho Cty L.K. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa hoàn trả và đến nay đã hết thời gian yêu cầu thi hành án.
Bà L.T.T.V, giám đốc Cty L.K cho biết, đang cân nhắc việc nhờ dịch vụ đòi nợ thuê để thu hồi số nợ trên.
Dịch vụ đắt khách
Trong những năm gần đây, một số cá nhân, doanh nghiệp tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê. Đa phần là những khoản nợ rất khó đòi, từ cá nhân đến các doanh nghiệp.
Mức phí đòi nợ thuê dao động từ 20% đến 30% trên tổng số nợ, nhiều khoản nợ khó đòi có khi lên đến 50%. Hơn nữa, các công ty đều thu thêm phí “công tác” tùy theo vụ việc, địa phương. Mức phí cao nhưng các công ty đòi nợ rất đắt khách.
Đến cuối năm 2014, công an TPHCM chỉ xử phạt hành chính đối với 2 công ty kinh doanh trong lĩnh vực đòi nợ thuê trong tổng số 18 công ty, với số tiền xử phạt chưa tới 22 triệu đồng.
Khi gọi đến số đường dây nóng của các Cty trên để hỏi về thủ tục đòi nợ, chúng tôi đều nhận được câu trả lời không ký thêm hợp đồng nào nữa cho đến hết Tết Nguyên đán. Anh Hùng, người xử lý nợ của Cty T.T&CS (quận 4) cho biết: “Đến thời điểm này, công ty không nhận thêm hợp đồng. Từ nay đến Tết, công ty chỉ tư vấn, qua Tết chúng tôi sẽ ký hợp đồng thu nợ. Hiện giờ, nhiều hợp đồng quá, không đủ người để làm”.
Chị Thuận, nhân viên tư vấn của công ty đòi nợ H.T (quận Bình Thạnh) cho biết, hiện giờ công ty cũng đang trong tình trạng quá tải, cứ mỗi năm gần đến Tết là nhiều người tìm đến công ty để nhờ thu nợ, bởi hiện nay các công ty đều có các nghiệp vụ đòi nợ rất nhanh, lại hiệu quả hơn đi kiện tụng ra tòa, có khi thi hành án vẫn không lấy được số tiền nợ.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM) thực tiễn cho thấy, để giải quyết một vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại không hề đơn giản và nhanh chóng, bị đơn thường tìm cách kéo dài vụ việc. Giai đoạn thi hành án cũng lắm nhiêu khê, nhất là sự minh bạch về tài sản của người phải thi hành án còn khá mập mờ khiến người dân không mấy tin tưởng vào cơ quan thi hành án, mà tìm đến các công ty đòi nợ thuê nhiều hơn.
Ông Hồ Quân Chính, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Cục thi hành án TPHCM thừa nhận, việc thi hành án còn vướng nhiều thủ tục pháp lý nên không thể nhanh được như mong muốn của người dân và doanh nghiệp.
Cần chế tài quản lý chặt chẽ
Thiếu tá Hoàng Tuấn Nam, Đội trưởng Đội quản lý đặc doanh, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TPHCM) cho biết: Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều nhân viên các công ty đòi nợ đến uy hiếp tinh thần bằng những việc có vẻ rất “vô tình” như ăn mặc để hình xăm trên người lộ ra, đến vỗ vai “hỏi thăm sức khỏe”, nhắn tin đe dọa, “khủng bố” bằng mắm tôm... Trong khi đó, những quy định của pháp luật về lĩnh vực này chưa đáp ứng thực tế. Một phần do loại hình hoạt động kinh doanh này còn mới nên pháp luật vẫn chưa có đầy đủ chế tài xử lý.
“Trong thời gian tới, công an sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm những công ty vi phạm. Tổ chức, cá nhân nào bị những nhân viên của các công ty đòi nợ thuê này đến đòi với hành vi, cử chỉ trái quy định pháp luật thì cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ”, thiếu tá Nam nói.
Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM cho biết công an thành phố đã đề xuất các kiến nghị, biện pháp lên Bộ Công an để quản lý chặt chẽ hơn. Đồng thời phối hợp với công an địa phương để giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này trong khi đi đòi nợ thuê nhằm tránh gây mất an ninh trật tự.
-------------------------