Sáng 11/2 theo giờ địa phương, một vụ đâm xe liên hoàn trên một cây cầu gần sân bay Incheon của Hàn Quốc đã làm 2 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Trong số những người bị thương có 2 người Việt, và một trong số này bị thương nặng.
Tai nạn xảy ra trên làn đường hướng về Seoul của cây cầu Yeongjong, nối khu vực phía Tây thành phố Incheon với sân bay quốc tế Incheon. Cảnh sát cho biết tai nạn xuất phát từ việc một chiếc xe buýt lao vào một xe tải cùng chiều.
Tổng cộng 65 người bị thương và được đưa về các bệnh viện gần đó, 7 trong số này bị thương nặng.
7 trong số những người bị thương là người Trung Quốc, 5 người Thái Lan, hai người Nhật Bản, và đặc biệt có 2 người được xác định là người Việt.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời cơ quan cứu hỏa cho biết, một trong số hai người Việt bị thương đang trong tình trạng nghiêm trọng, và số nạn nhân có khả năng còn tăng.
Thi thể của hai nạn nhân thiệt mạng, một người họ Kim 51 tuổi và một người họ Lim 46 tuổi, đã được đưa về một bệnh viện tại Goyang, ngoại ô phía Bắc Seoul và Tây Seoul.
Cảnh sát đã phong tỏa làn đường xảy ra tai nạn.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được làm rõ, nhưng thông tin ban đầu cho thấy có sương mù trên cầu tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Chiến dịch “bàn tay sạch”, diệt tận gốc “cả hổ lẫn ruồi” do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng đã làm nhiều quan chức cao cấp biến chất, đặc biệt là các vị chức sắc trong quân đội lần lượt bị “rơi rụng”.
Chiến dịch này còn được giới bình luận cho rằng có hiệu quả “một mũi tên bắn nhiều đích”, trong đó một trong những mục đích là trong sạch quân đội.
“Người khổng lồ” chất lượng chưa ngang tầm
Theo Le Figaro, trước tiên là qua chiến dịch này, Trung Quốc sẽ hiện đại hóa được quân đội. Vào lúc mà cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới đang trên đà qua mặt Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng muốn tự trang bị một công cụ quân sự xứng với tầm vóc tham vọng của mình. Nhưng chính thái độ ngập ngừng của quân đội, nhất là lục quân, lại cản trở những cải cách mà ông Tập Cận Bình mong muốn thực hiện.
Le Figaro trích phân tích của giáo sư Ding Shuh-Fan, chuyên nghiên cứu về quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, thuộc trường Đại học Notre Dame (University of Notre Dame) tại Đài Bắc, cho rằng: “Vấn đề tham nhũng trong lòng quân đội rất là nghiêm trọng. Nhưng ông Tập tận dụng cơ hội sử dụng các cuộc điều tra về nạn lạm dụng công quỹ để gạt bỏ các đối tượng biến chất. Hiện tại, vẫn còn nhiều người phản đối các dự án cải cách, do những dự án này đe dọa rất nhiều đến quyền lợi của nhiều người, nhất là trong lục quân. Với việc điều tra chống lại ông Từ Tài Hậu, rất nhiều tướng lĩnh đã sợ và đành phải chấp nhận”.
Ông Tập Cận Bình có tham vọng biến đội quân do Mao Trạch Đông sáng lập thành một lực lượng có khả năng lao vào các mặt trận Thái Bình Dương, mạng Internet và cả trong không gian. Ngay trong kỳ Đại hội đảng lần 3, vào tháng 11/2013, ông Tập cam kết tăng cường sức mạnh cho quân đội, giải tán bớt những tiểu đoàn không tham chiến. Ý định của ông là giảm bớt vai trò của lục quân và tăng cường cho hải quân và không quân. Tiến hành hiện đại hóa cơ cấu chỉ huy bằng cách hình thành nhiều bộ tham mưu nằm dưới sự chỉ đạo của một bộ chỉ huy tập trung.
Sau ba lần thực hiện cải cách (1985, 1997 và 2003), quân số trong quân đội giảm một cách đáng kể từ 4 triệu xuống còn 2,3 triệu quân nhân. Tuy vậy, quân đội Trung Quốc vẫn là đội quân đông nhất hành tinh … được ví như là một người khổng lồ mà tính hiệu quả và chất lượng hoạt động vẫn chưa ngang tầm. Theo mô hình, quân đội Trung Quốc được phân chia theo bảy quân khu.
Việc tái phân định lại các vùng đang là trọng điểm trong dự án của ông Tập Cận Bình. Theo đánh giá của các nhà phân tích, đội quân mới mà ông Tập muốn đưa ra sẽ được chuẩn bị cho một cuộc đối đầu hiển nhiên với Nhật Bản – quốc gia có năng lực hải quân được cho là cao hơn của Trung Quốc nhiều.
Rộng hơn nữa là nhằm nắm lấy kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông, những nơi mà Bắc Kinh liên tiếp đòi hỏi chủ quyền. Nhận thức được sự thiếu vắng kinh nghiệm, bản thân Tập Cận Bình từng khẳng định rằng phải biến quân đội thành một lực lượng có “khả năng chiến đấu và thắng các cuộc chiến”.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Ding Shuh Fan, chuyên gia nghiên cứu thuộc đại học Notre Dame tại Đài Bắc, “để bảo vệ một cách hiệu quả các lợi ích của mình, quân đội có thể phải dựa vào hải quân. Nhưng bất chấp những tiến bộ được thực hiện trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc vẫn chưa có được trình độ cao nhất ngang tầm với những nhiệm vụ chiến đấu; chưa có được tầm vóc của đội quân hiện đại nhất, bất chấp những khoản ngân sách không ngừng gia tăng”.
Những con số ấn tượng
Chỉ trong vòng có vài tháng, ông Tập đã đưa ra một danh sách đầy ấn tượng những “con báo” mà ông săn được trong quân đội. Đứng đầu danh sách là ông Cốc Tuấn San (nguyên Tổng cục phó Hậu cần), và Từ Tài Hậu (cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương)…
Khám xét tại nhà tướng Cốc và tướng Từ, các nhà điều tra phát hiện cả một kho báu Alibaba chứa hàng trăm ký lô vàng ròng, nhiều bức tượng Phật hay tượng Mao Trạch Đông được đúc bằng vàng khối hay bằng ngọc thạch, hàng chục chiếc ngà voi hay tấm da hổ quý vùng đông bắc Trung Quốc, đồ cổ, bức họa, bức thư pháp cổ thời Tần, Tống, Minh… và hàng ngàn két rượu Mao đài.
Theo tiết lộ của tuần san Hồng Kông Phoenix, những khoản lợi bất hợp pháp thu được tại nhà tướng Cốc lên đến 30 tỉ nhân dân tệ (tương đương với 4 tỉ euro). Ông này còn sở hữu một khu dinh cơ sang trọng, được thiết kế theo mô hình Tử Cấm thành tại tỉnh Hà Nam. Lực lượng an ninh phải mất ít nhất hai đêm, sử dụng đến 4 chiếc xe quân sự chở khoảng 20 binh sĩ để khuân vác toàn bộ kho báu của Cốc Tuấn San.
Tại nhà tướng Từ Tài Hậu, các nhà điều tra còn tìm thấy một tấn tiền mặt bằng USD, euro và nhân dân tệ. Để có thể chuyển hết kho báu của tướng Từ, hàng chục xe quân sự đã phải được huy động. Cả hai tướng Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn San, đều đã bị cách chức và khai trừ khỏi đảng cũng như quân đội, sắp tới đây sẽ bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự với các tội danh tham ô, lạm dụng quyền lực.
Theo Le Figaro, chống tham nhũng trong quân đội đã từng được thực hiện trong những năm 1990 bằng cách cấm quân đội làm kinh doanh. Thế nhưng, do thiếu các biện pháp kiểm soát đã dẫn đến những hành động sai lệch, làm tổn hại đến thanh danh của quân đội. Đến mức ông Tập Cận Bình ra lệnh cấm quan chức nhà nước mua xe hãng nước ngoài. Vào tháng 09/2014 vừa qua, nhân cuộc điều tra nội bộ, quân đội Trung Quốc phát hiện ra rằng nhân sự của mình đã chiếm hữu “một cách phi pháp” hơn 8100 chỗ ở và 25000 phương tiện giao thông.
“Một mũi tên trúng nhiều đích”
Chiến dịch chống tham nhũng thực tế bao phủ một phạm vi rất rộng lớn. Nó nhắm tới "cả hổ lẫn ruồi", hay nói một cách khác là mọi quan chức lớn nhỏ ở Trung Quốc. Trung bình mỗi tháng có tới 10.000 cán bộ "bị điều tra", theo Xinhua.
“Con hổ” lớn nhất tính đến thời điểm này là Chu Vĩnh Khang, người mà chỉ vài năm trước vẫn được coi là một trong số những quan chức quyền lực và đáng sợ nhất Trung Quốc. Với tư cách giám đốc cơ quan an ninh nội bộ Trung Quốc, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Chu có khả năng thao túng một nguồn tiền còn lớn hơn cả ngân sách dành cho quân đội.
Chu hiện bị bắt giữ để điều tra với các cáo buộc "tiết lộ bí mật quốc gia; lợi dụng quyền lực để giúp người thân, tình nhân và bạn bè thu những khoản lợi lớn từ hoạt động kinh doanh, gây tổn thất nặng nề đối với các tài sản của nhà nước; có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền".
"Con hổ lớn" khác: Ngay trước lễ Giáng sinh, cơ quan chống tham nhũng thông báo ông Lệnh Kế Hoạch, cựu cố vấn thân cận của ông Hồ Cẩm Đào, chủ tịch Trung Quốc tiền nhiệm, cũng đang bị điều tra vì nghi ngờ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Trước chiến dịch của ông Tập, những quan chức cấp cao này thường được xem như "bất khả xâm phạm", miễn nhiễm trước pháp luật, theo NBC News.
Chiến dịch chống tham nhũng đi kèm với hàng loạt động thái chi tiêu thắt lưng buộc bụng cũng đã gây ra nhiều tác động gián tiếp tới đời sống xã hội cũng như nền kinh tế Trung Quốc. Doanh thu của các mặt hàng xa xỉ như vi cá mập hay rượu quý, vốn được giới quan chức ưa thích, đã giảm đáng kể. Theo cuộc khảo sát của Caixin, tạp chí về kinh doanh, có trụ sở tại Bắc Kinh, hai phần ba số cán bộ được hỏi cho biết họ hiện không muốn đưa ra bất kỳ quyết định nào vì "sợ làm sai gì đó". Điều này cho thấy, giới quan chức rõ ràng đã nâng cao cảnh giác hơn.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan giám sát chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc, mới mở hẳn một kênh đặc biệt trên trang chủ để đăng tải những thông tin liên quan đến những quan chức trốn chạy ra nước ngoài hoặc đang che giấu tài sản. Tháng 12 năm ngoái, cơ quan này còn phát sóng một chương trình định kỳ gồm bốn phần, phơi bày cuộc sống xa hoa của các quan chức tham nhũng.
Theo các nhà phân tích, nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập cũng phải song hành với việc dập tắt những mối bất đồng về ý kiến chính trị; cũng như suy nghĩ cho rằng việc loại bỏ “luật bất thành văn” về quyền miễn bị trừng phạt đối với các quan chức cấp cao là một trò đùa. Một chuyên gia nhận định, với chiến dịch chống tham nhũng, Chủ tịch Tập "đang chơi một ván cờ dài" mà mục tiêu cuối cùng là mang tới sự bền vững và minh bạch về pháp lý cho hệ thống chính quyền./.
-----------------------
Con gái cựu Thủ tướng Trung Quốc có tài khoản bí mật ở HSBC Thụy Sĩ
Lý Tiểu Lâm, con gái cựu thủ tướng TQ Lý Bằng có tài khoản bí mật ở HSBC Thụy Sĩ, là thông tin trong báo cáo của Hiệp hội các nhà báo quốc tế (ICIJ), kéo dài thêm danh sách những gia đình Trung Quốc (TQ) “có quan hệ rộng”nhờ vị thế con ông cháu cha.
Thông tin con gái cựu thủ tướng TQ có tài khoản bí mật ở HSBC Thụy Sĩ được dựa trên nguồn thông tin bị rò rỉ có tên Swiss Leaks, cho biết tài khoản bí mật này được lập ở một chi nhánh của ngân hàng HSBC ở Thụy Sĩ.
Báo cáo của ICIJ nêu Lý và chồng - trở thành khách hàng của ngân hàng HSBC từ năm 2001 - là chủ của 5 tài khoản có tổng cộng 2,48 triệu USD trong năm 2006-2007.
Các tài khoản này đều dưới tên Metralco Overseas S.A, một công ty đăng ký ở Panama nhưng giải thể năm 2012.
Phát hiện trên vào thời điểm Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đang tiến hành chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ đập ruồi”.
Ông Lý Bằng làm thủ tướng TQ từ năm 1987 đến 1998. Lý Tiểu Lâm là con gái “rượu” của ông thì nổi tiếng với danh hiệu “Nữ hoàng quyền lực”. Bà Lý là chủ tịch tập đoàn điện lực nhà nước Power International Development Ltd.
Lý Tiểu Lâm tuyên bố thành công của bà không hề nhờ tên tuổi của cha.
AP mô tả Lý Tiểu Lâm là người thích mặc quần áo đắt tiền, nhưng bà chuyển qua cách ăn mặc khiêm tốn, dùng túi xách mua sắm tái sinh, từ lúc ông Tập nắm quyền lực năm 2012 và khởi động chiến dịch bài trừ tham nhũng.
Năm 2013, báo The Telegraph (Anh) đưa tin Lý Tiểu Lâm làm môi giới cho những thỏa thuận bí mật, giúp công ty bảo hiểm Zurich Insurance (Thụy Sĩ) nắm đa số cổ phần ở công ty bảo hiểm tư nhân Trung Hoa Tân Đại, trước khi các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mảng bảo hiểm ở TQ.
Bà Lý phủ nhận thông tin này, nói bà không hề có quan hệ cá nhân với bất kỳ công ty bảo hiểm nào.
Người chỉ trích ông Tập gọi chiến dịch này là một “chiêu” để thanh trừng các đối thủ chính trị.
Theo AP, đã có những chỉ trích rằng các lãnh đạo TQ cấp cao lợi dụng vị trí chức quyền để đưa người thân và bạn bè vào những vị trí “ngon” ở các ngành công nghiệp lớn như năng lượng, viễn thông và ngân hàng - vốn trả lương hậu - và chỉ muốn tư lợi, chứ không muốn phục vụ nhân dân, cải thiện cuộc sống cho giai cấp lao động. Họ vơ vét tài sản và chuyển ra nước ngoài để không bị điều tra.
Năm 2012, hãng tin Bloomberg đưa tin người thân của ông Tập đầu tư vào nhiều công ty với tổng số vốn 376 triệu USD và làm chủ 18% cổ phần gián tiếp trong một công ty đất hiếm, với số vốn 1,73 tỉ USD.
Nhưng các mối lợi này không thể lần lên đến ông Tập, vợ và con gái ông.
Cùng năm 2012, báo New York Times (Mỹ) nêu người thân của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo kiểm soát số vốn trị giá ít nhất 2,7 tỉ USD.
Ông Ôn Gia Bảo đã quyết kiện tờ báo Mỹ vì thông tin này.
Hôm 8.2, ICIJ cũng đưa tin ngân hàng HSBC Thụy Sĩ giúp các thân chủ giàu có trốn thuế, giấu những “khoản tiền đen” không khai báo với các chính quyền.
Những dữ liệu này do một nhân viên HSBC ở chi nhánh Thụy Sĩ trở thành “người thổi còi” tiết lộ năm 2007, nêu chi nhánh này chào mời dịch vụ với các tay buôn vũ khí, buôn lậu và độc tài như hai tổng thống Ai Cập và Tunisia bị lật đổ Hosni Mubarak và Ben Ali cùng đương kim Tổng thống Syria Bashar Assad.
Năm 2014, ICIJ phát hiện thông qua các tài liệu bị “xì”, rằng con cái của lãnh đạo cấp cao - gọi là Quý tộc Đỏ - thu vén tiền tài từ những công ty và tài khoản ngân hàng ở nhiều nước. Trong đó, Lý Tiểu Lâm là giám đốc 2 công ty đăng ký ở British Virgin Islands hồi năm 2005.
-----------------------