Ngày 27/1, tại Hà Nội, Vietnam Report và Báo VietnamNet đã tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam và Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2014.
Theo thống kê của Vietnam Report, thành phần chủ đạo của Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2014 (VNR500) vẫn là khối DN Nhà nước, cho thấy quá trình cổ phần hóa DNNN mặc dù được tập trung hơn cả trong năm vừa qua nhưng vẫn chưa đat được hiệu quả như mong đợi.
Xét về ngành nghề, ngành khoáng sản - xăng dầu vẫn là ngành “giàu” nhất trong Bảng xếp hạng. Đây sẽ là một thử thách cho các nhà điều hành kinh tế, bởi rõ ràng nền kinh tế hiện nay vẫn bị phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặt trong bài toán tăng trưởng bền vững thì thời gian tới cần khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng của Việt Nam như ngành chế biến, chế tạo và công nghệ thông tin…
Đáng chú ý, trong BXH VNR500 năm nay có 41 DN lọt vào “Câu lạc bộ tỷ đô” (bao gồm các DN có tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ USD), tương đương hơn 8% số doanh nghiệp VNR500, trong đó có 4 DN thuộc khối tư nhân trong nước.
Nhân sự kiện lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 lần này, Vietnam Report đồng thời cũng công bố danh sách Top 50 DN xuất sắc năm 2014 - Top 50 Vietnam The Best 2014.
Các DN có tên trong danh sách này là những đại diện tiêu biểu nhất của cộng đồng DN Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình thông qua các chỉ tiêu: quy mô, lợi nhuận, có đóng góp nhiều nhất vào Ngân sách Nhà nước và có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 2010-2013.
Đồng thời, Vietnam Report cũng chính thức giới thiệu Sách trắng song ngữ Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2014 và Cơ hội đầu tư 2015.
Sách trắng giới thiệu và phân tích một số thương vụ cổ phần hóa/ kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài điển hình có giá trị từ 7 triệu USD đến 4,3 tỷ USD trong năm 2014.
Thêm vào đó, sách trắng đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2015 sẽ duy trì ở mức 4,5% và xuất khẩu dự kiến sẽ chạm mốc 150 tỷ USD. Các phân tích cũng dự báo nợ công sẽ giảm dần do tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và các khoản nợ xấu sẽ giảm xuống khoảng 3% trong năm 2015.
Ngày 26/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Lượng, 56 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Rạng Đông (công ty Rạng Đông) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại của Lượng là hai công dân Australia, bị đối tượng dùng một dự án không phải của mình để lừa số tiền 7 triệu USD (tương đương 140 tỷ đồng VND).
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, từ năm 2006, ông Lượng đã đưa cho ông Trần Văn Ngọc, quốc tịch Australia một số văn bản tài liệu (photo) có liên quan đến dự án Z756 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh tại đường 3/2, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh, nói rằng Công ty Rạng Đông được quyền ưu tiên cấp đất trong dự án và nhờ ông Ngọc tìm, kêu gọi đầu tư.
Khoảng năm 2008, 2009, ông Ngọc gặp được ông Lee Park Ling và Lam Yin Choi, quốc tịch Australia đến Việt Nam tìm hiểu và muốn đầu tư tại Việt Nam. Ông Ngọc đã đưa hồ sơ về dự án Z756 và đưa đến gặp ông Bảy (em trai ông Lượng), đến trụ sở Công ty Rạng Đông ở Bình Phước, đến thăm đất của dự án… Theo 2 bị hại, đến những nơi này, họ đều được mọi người giới thiệu là Công ty Rạng Đông được quyền ưu tiên cấp đất trong dự án Z756. Họ lại được bên “đối tác” thường xuyên đưa đi bằng xe ôtô biển công.
Tin tưởng, hai ông Ling và Choi đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, đầu tư vào xây dựng 2 block chung cư cao 30 tầng tại lô đất có diện tích khoảng 3.500m² (dự án Z756), được quy đổi ra giá trị ban đầu là 26,52 triệu USD. Bên ông Ling và Choi góp 10 triệu USD để đầu tư xây dựng, trong đó 7 triệu USD bên ông Lượng được toàn quyền sử dụng để làm các thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của lô đất, 3 triệu USD còn lại sử dụng làm vốn của công ty liên doanh để phát triển dự án.
Theo hợp đồng này, từ 21/9/2010 đến 6/12/2011, hai ông Ling và Choi đã 16 lần chuyển 6,5 triệu USD vào tài khoản của ông Ngọc và 500 ngàn USD vào tài khoản của ông Lượng. Sau đó, ông Ngọc đã bàn giao lại số tiền này cho ông Lượng, được trích lại 200 ngàn USD làm chi phí tìm và kêu gọi nhà đầu tư.
Những ngày sau, hai ông Ling và Choi đốc thúc bên ông Lượng thực hiện dự án thì phía đối tác lại luôn tìm cách lảng tránh, rồi không hồi âm. Linh tính có việc bất ổn, hai ông đã về Việt Nam, nhờ luật sư tìm hiểu về dự án Z756 thì được các cơ quan chức năng trả lời: Công ty Rạng Đông không phải là đơn vị có tư cách pháp nhân được xin đất trong dự án Z756. Vì vậy, họ đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng Việt Nam.
Đây là vụ việc phức tạp, chính vì thế, khi được giao thụ lý, các điều tra viên của Phòng 9 Cục Cảnh sát hình sự hết sức cẩn trọng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Công ty Rạng Đông không có liên quan, quyền lợi gì trong việc chủ trương của UBND tỉnh Bình Phước xin 3.500m2 đất của Nhà máy Z756 để xây dựng Văn phòng đại diện cho Hợp tác xã Rạng Đông. Hợp tác xã Rạng Đông và Công ty Rạng Đông là hai đơn vị hoàn toàn khác nhau.
Công ty Rạng Đông đã mạo nhận, nhập nhằng lợi dụng các văn bản, tài liệu của các cơ quan về việc xin đất cho Hợp tác xã Rạng Đông, trong đó có 2 công văn của UBND tỉnh Bình Phước có sai sót trong soạn thảo, nêu Hợp tác xã Rạng Đông nay là Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Rạng Đông, để giới thiệu và lừa gạt đối tác rằng hai đơn vị là một. Các thông tin, số liệu diện tích đất dự án, diện tích xây dựng, 2 block chung cư cao 30 tầng…, là hoàn toàn do Lượng tạo dựng nên.
Thực chất trước và sau khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 2 ông Ling và Choi, Công ty Rạng Đông không làm bất cứ việc gì, người được ủy quyền ký hợp đồng là ông Trần Ngọc không phải cổ đông, không biết gì về dự án.
Ông Hoàng Văn Lượng, Tổng Giám đốc công ty đã nhận số tiền rất lớn của đối tác chuyển vào tài khoản cá nhân, không qua tài khoản, sổ sách của công ty. Trong khi đó, Công ty Rạng Đông không được cấp đất và không có cơ quan có thẩm quyền nào của UBND tỉnh Bình Phước và UBND TP Hồ Chí Minh nhận được hồ sơ xin cấp đất trong dự án Z756 của Công ty Rạng Đông. Đây chính là hành vi gian dối của ông Lượng và những người liên quan để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 2 ông Ling và Choi.
Về khoản tiền 7 triệu USD lừa đảo được, đến nay, ông Lượng không giải trình được việc sử dụng. Ông ta chỉ khai quanh quẩn rằng đã dùng vào việc “bôi trơn”, xin đất cho dự án. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, ngay sau khi nhận được 500 ngàn USD của 2 bị hại, hôm sau, ông Lượng đã chuyển khoản trả nợ 10 người với số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Trong tháng đó, ông cũng đã chuyển cho một số người khác khoảng 2-3 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Lượng còn dùng khoảng 7 tỷ đồng cùng một số người quen của mình đầu tư vào việc thăm dò, khai quật kho báu Yamashita trên đỉnh Núi Tàu thuộc xã Phước Thế (Tuy Phong, Bình Phước).
Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra về vấn đề này, đồng thời làm rõ hành vi của những người có liên quan.
--------------------------