Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết, phía Bình Dương thông báo phải đến tháng 3/2015, 1 trường hợp còn lại mới bàn giao mặt bằng. Việc chậm trễ này ảnh hưởng đến thi công gói thầu số 2 và có thể phải bồi thường thiệt hại cho nhà thầu Nhật Bản.
Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên bị vướng bởi một doanh nghiệp chậm bàn giao mặt bằng
UBND thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã ban hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp này và dự kiến đến tháng 3/2015 sẽ bàn giao mặt bằng. Hiện tại đơn vị thi công cần mặt bằng tại 5 vị trí của đoạn chưa bàn giao mặt bằng này để tiến hành khảo sát thiết kế thi công.
Mới đây, phía nhà thầu thi công Nhật Bản đã gửi đơn khiếu nại về việc chậm bàn giao mặt bằng. Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP, việc chậm trễ này có thể khiến phía TPHCM phải đền bù thiệt hại cho nhà thầu thi công Nhật Bản.
Trước đó, tại cuộc họp kiểm tra về tình hình thực hiện Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên hồi đầu tháng 8/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công gói thầu số 2 tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên trước ngày 31/10/2014, chậm ngày nào là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công trình ngày đó. Nhưng cho đến nay, cả dự án vẫn phải chờ một trường hợp còn lại bàn giao mặt bằng.
Gói thầu số 2 (xây đoạn trên cao dài 17.1km từ ga nhà máy Ba Son đến quận 9) do nhà thầu liên danh Sumitomo Cienco 6 là làm tổng thầu, đã thực hiện được 26% tổng số khối lượng dự án.
Theo Ban Quản lý ĐSĐT TP, hiện gói thầu số 1a (đoạn ngầm từ chợ Bến Thành đến Nhà hát thành phố) thuộc tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật và dự kiến sẽ mời thầu vào quý I/2015 và tiến hành thi công vào cuối năm. Dự kiến hoàn thành năm 2019.
Trong khi đó, gói thầu 1b (đoạn ngầm từ nhà hát TP đến ga Ba Son) đang được nhà thầu liên danh Shimizu – Maeda (Nhật Bản) tập trung thi công phần sàn mái của nhà ga Nhà hát thành phố. Theo chỉ đạo của UBND TP thì phần thi công này nhằm đảm bảo đồng bộ với dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ trở thành phố đi bộ. Dự kiến, sau khi hoàn thành phần thi công sàn mái của nhà ga vào 5/2, mặt bằng sẽ được bàn giao cho Khu quản lý Giao thông đô thị số 1 tiếp tục thi công đường Nguyễn Huệ.
Còn gói thầu số 3,4,5 đang ở giai đoạn triển kha thiết kế, báo cáo tác động môi trường, kế hoạch tái định cư. Dự kiến, toàn tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ hoàn thành năm 2019, đưa vào khai thác vận hành năm 2020.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P) vừa tuyên bố cắt giảm điểm tín nhiệm nợ ngoại tệ của Nga về ngưỡng “rác” (junk), đánh dấu lần đầu tiên trong một thập kỷ Moscow bị gán định hạng tín nhiệm dưới mức khuyến nghị đầu tư (investment grade).
Động thái này của S&P được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang chật vật xoay sở với các lệnh trừng phạt quốc tế, giá dầu giảm sâu và đồng Rúp mất giá mạnh.
Theo tin từ Bloomberg, điểm tín nhiệm của Nga bị S&P hạ 1 bậc, về BB+, ngang với các quốc gia như Bulgaria và Indonesia. Triển vọng mà S&P dành cho điểm số tín nhiệm này của Nga là “tiêu cực”, đồng nghĩa với khả năng bị cắt giảm tiếp trong thời gian tới, nếu tình hình kinh tế Nga không có sự chuyển biến tích cực.
Lần S&P cắt giảm điểm tín nhiệm trước đó của Nga diễn ra vào tháng 4/2014, tức là trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây, Nga đã hai lần bị tổ chức này hạ điểm tín nhiệm.
Tỷ giá đồng Rúp lao dốc mạnh sau khi tuyên bố của S&P được phát đi. Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1, tỷ giá đồng Rúp giảm 6,6% so với USD, còn 68,799 Rúp/USD. Năm ngoái, đồng tiền này mất giá 46%. Các cổ phiếu Nga niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ mất giá 5,5%.
Quyết định của S&P được phát đi sau khi thị trường chứng khoán Nga đã đóng cửa. Theo dự báo của giới phân tích, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Moscow sẽ có phản ứng trước việc Nga bị giảm điểm tín nhiệm trong phiên giao dịch hôm nay (27/1).
“Sự linh hoạt chính sách tiền tệ của Nga đã trở nên hạn chế và triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm sút”, tuyên bố của S&P có đoạn viết.
Phản ứng trước động thái của S&P, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov ra tuyên bố nói rằng, S&P đã “bi quan thái quá”. “Chẳng có lý do gì để trầm trọng hóa vấn đề. Quyết định này sẽ không có ảnh hưởng lớn đối với thị trường vốn vì các nhà đầu tư đã phản ánh rủi ro Nga bị giảm điểm tín nhiệm vào giá của các tài sản từ trước rồi”, ông Siluanov nói.
Tuy vây, nền kinh tế Nga đang đứng trước nguy cơ suy thoái do chịu sức ép cùng lúc của giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt quốc tế.
Giá dầu thế giới thì hiện ở gần mức thấp nhất trong 6 năm. Đóng cửa phiên giao dịch đêm qua tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau giảm khoảng 1%, xuống 45,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London giảm 1,3%, còn 48,16 USD/thùng.
Trong khi đó, chiến sự ở miền Đông Ukraine đang leo thang trở lại. Mỹ và châu Âu đã cảnh báo có thể sẽ tăng cường trừng phạt Nga nếu Moscow không dừng việc hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine - một cáo buộc mà Nga cương quyết phủ nhận.
Ngoài ra, Nga cũng đang đương đầu một cuộc khủng hoảng tiền tệ tồi tệ nhất từ năm 1998. Tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%. Trong năm 2014, cơ quan này còn rút 88 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp.
“Chúng tôi tin là hệ thống tài chính của Nga đang suy yếu, và bởi thế, hạn chế khả năng của Ngân hàng Trung ương Nga trong việc truyền tải ảnh hưởng của chính sách tiền tệ”, S&P nhận xét. “Ngân hàng Trung ương Nga đang đối mặt với những quyết định chính sách tiền tệ ngày càng khó khăn trong lúc phải cố gắng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế”.
Hai tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới khác là Fitch và Moody’s mới đây cũng đã hạ điểm tín nhiệm của Nga về mức cuối cùng trong hạng khuyến nghị đầu tư, đi kèm cảnh báo tiếp tục cắt giảm xuống mức “rác”.
Dù chỉ trích động thái của các tổ chức đánh giá tín nhiệm, giới chức Chính phủ Nga đã thừa nhận nước này đang đối mặt với một giai đoạn đầy thử thách.
Tuần trước, Phó thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov nói rằng, nước này đang ở trong tình trạng kinh tế “cực khó khăn” và phải chuẩn bị cho một cuộc “hạ cánh”. Ông Shuvalov cho rằng, những thách thức đang hiện ra đối với nền kinh tế Nga hiện nay còn tệ hơn cả cuộc khủng hoảng 2008-2009.
Ông Shuvalov cũng tiết lộ, để ngăn chặn ảnh hưởng lan rộng của những thách thức hiện tại, Nga đang chuẩn bị một chương trình chống khủng hoảng có quy mô lên tới 1,4 nghìn tỷ Rúp.
S&P dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng khoảng 0,5% mỗi năm trong thời gian 2015-2018, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,4% đạt được trong 4 năm trước đó. Trong khi đó, theo Bộ Kinh tế Nga, nền kinh tế nước này có thể suy giảm 4-5% trong năm nay nếu giá dầu giữ ở mức 45 USD/thùng.
--------------------------
Khối doanh nghiệp quân đội “gặt” 46.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2014
Trong đó, riêng lợi nhuận trươc thuế của Viettel đã chiếm tỷ trọng 91,6 %. Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu các doanh nghiệp quân đội trong năm 2015 cần thực hiện tốt việc kiểm soát chi tiêu trong doanh nghiệp, khắc phục tình trạng lãi giả, lỗ thật.
Ngày 26/1/2015, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị doanh nghiệp quân đội năm 2014. Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2014, các doanh nghiệp quân đội vẫn duy trì được nhịp độ phát triển ổn định, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc dân.
Cụ thể, doanh thu các doanh nghiệp quân đội năm vừa qua đạt trên 292.000 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2013), lợi nhuận trước thuế trên 46.000 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), nộp ngân sách Nhà nước 41.000 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2013), thu nhập bình quân đạt trên 10,7 triệu đồng/người/ tháng (tăng 4,2% so với năm 2013).
Trong đó, đứng đầu vẫn là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với doanh thu ước đạt trên 196.650 tỷ đồng (vượt 104,5% kế hoạch của năm, tăng 120% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 67,28% doanh thu của các doanh nghiệp quân đội), lợi nhuận trước thuế đạt 42.224 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 91,6 % lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp quân đội).
Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn vẫn là nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam, chiếm 80% thị phần khai thác cảng biển phía Nam và gần 50% thị phần cảng biển phía Bắc; trong đó, cảng Cát Lái là một trong số 34 cảng biển hàng đầu trên thế giới về khối lượng hàng hoá thông qua cảng.
Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty 319, Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng Công ty 789, Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC… vẫn giữ được mức tăng trưởng cao trong thi công các công trình… Các doanh nghiệp khối sản xuất, sửa chữa vũ khí, công nghiệp quốc phòng, dệt may quân đội và khối Tổng cục Kỹ thuật phát triển ổn định.
Các doanh nghiệp cổ phần, nhất là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vẫn phát triển mạnh, là 1 trong 5 ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam với số vốn điều lệ trên 11.000 tỷ đồng. Tiếp đến là 22 doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp quân đội hoạt động trong các lĩnh vực dệt may, da giày, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Nhiều công ty cổ phần đã thực sự khẳng định được vai trò, vị trí trên thị trường.
Trong năm 2014, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo việc tổ chức sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, điều chỉnh cơ cấu, loại hình, quy mô doanh nghiệp để tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời, rà soát, cắt giảm những ngành nghề không liên quan (hoặc ít liên quan) đến ngành nghề kinh doanh chính của từng doanh nghiệp. Đến nay, đã cắt giảm được 154 ngành nghề, cho phép doanh nghiệp được kinh doanh 421 ngành nghề, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển vững chắc.
Yêu cầu khắc phục tình trạng lãi giả, lỗ thật
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá, bên cạnh những thuận lợi như kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất ngân hàng giảm, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn thì trong năm 2015, các doanh nghiệp quân đội cũng phải đối mặt với những thách thức khi Việt Nam tham gia cộng đồng ASEAN, nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, trong khi vốn của các doanh nghiệp quân đội còn thấp (nhất là các doanh nghiệp xây dựng và nông nghiệp).
Để đáp ứng yêu cầu về phát triển, tăng trưởng ngày càng cao và hội nhập sâu rộng với quốc tế, Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu các doanh nghiệp quân đội cầ bảo đảm tăng trưởng vững chắc cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước; bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, “phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của quân đội lên hàng đầu”; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước; kỷ luật của quân đội. Đồng thời, nâng cao công tác quản trị, quản lý doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nhất là việc rà soát lại ngành nghề, mô hình tổ chức kinh doanh, thoái vốn ở những nơi không hiệu quả, xử lý tồn đọng về tài chính…
Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng yêu cầu các doanh nghiệp quân đội cần phải thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin, coi trọng chất lượng sản phẩm, bảo đảm giá cả hợp lý; thực hiện tốt việc kiểm soát chi tiêu trong doanh nghiệp, khắc phục tình trạng lãi giả, lỗ thật, phấn đấu đến hết quý I/2015 phải bổ nhiệm xong chức danh kiểm soát viên tại các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng.
----------------------------