Chủ tịch Dầu khí: ‘Giá dầu 60 USD tốt cho nền kinh tế’
Với kịch bản giá dầu trong năm 2015 trung bình 60 USD, doanh thu Tập đoàn Dầu khí sẽ giảm hơn 200.000 tỷ đồng, song Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn vẫn cho rằng mức giá này “tốt cho nền kinh tế”.
Người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) nói vậy tại buổi họp báo chiều 30/12. Trước đó một ngày, chính người đứng đầu PetroVietnam cũng tiết lộ mặt bằng giá như trên sẽ khiến lợi nhuận Tập đoàn giảm đi 21.000 tỷ trong năm tới.
Lý giải cho nhận định này, ông Sơn nói rằng giá dầu lên thì thu ngân sách trực tiếp từ dầu thô tăng. Nếu giá xuống thì thu trực tiếp đương nhiên giảm, nhưng tính tổng thu của nền kinh tế thì chưa chắc theo tỷ lệ này vì thu ở nhiều nguồn khác tăng lên. “Giá dầu là giá cơ sở, là đầu vào của nhiều mặt hàng khác, nên khi giá dầu giảm thì chi phí giảm, như xăng đã giảm đến 6.000 đồng mỗi lít, khi đó GDP có thể tăng lên”, ông phân tích.
Phương án giá dầu ở mốc 60USD mỗi thùng cũng là kịch bản thấp nhất trong 6 giả thiết mà doanh nghiệp này đặt ra để tính toán các chỉ tiêu tài chính trong năm 2015. Theo đó, kịch bản cao nhất, mức 100USD thì với sản lượng khai thác năm tới khoảng 26,6 triệu tấn, tổng doanh thu của Tập đoàn khoảng 718.400 tỷ đồng, trong đó nộp về ngân sách là 159.000 tỷ.
Trong khi với kịch bản giá dầu 60 USD, hai chỉ tiêu này lần lượt là 515.000 tỷ doanh thu và 104.000 tỷ đóng góp ngân sách.
Dù đưa ra 6 kịch bản, song Chủ tịch PetroVietNam cho hay, ngành dầu khí vẫn nghiêng về “kịch bản trung bình”. “Các tổ chức dự báo uy tín của thế giới nói giá dầu sẽ giao động mức 60-75USD, còn chúng tôi dự báo sẽ xoay quanh mốc 70USD mỗi thùng”, ông Sơn bày tỏ.
Tính toán của Tập đoàn cho thấy, mức giá này sẽ khiến doanh thu giảm từ 745.500 tỷ đồng trong năm qua xuống còn 562.500 tỷ năm tới.
Ông Sơn cũng cho biết, một khi giá dầu vẫn ở mức dưới 60 USD như hiện nay thì PetroVietNam dự kiến sẽ dừng khai thác 4 mỏ có chi phí từ 60 USD trở lên. Trong khi phần lớn các mỏ của PetroVietNam có chi phí khai thác từ 30 đến 37USD mỗi thùng.
Dù vậy, ông Sơn khẳng định tổng trữ lượng 4 mỏ này chỉ vào khoảng 450.000 tấn nên sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng theo kế hoạch.
Dự kiến trong năm tới, tổng lượng dầu quy đổi mà Tập đoàn sẽ khai thác khoảng 26,6 triệu tấn, giảm một triệu tấn so với số thực hiện năm 2014.
Một thuận lợi khác mà ngành dầu khí nhìn thấy khi giá dầu xuống là khả năng đi mua mỏ để gia tăng dự trữ. Theo lãnh đạo Tập đoàn, đây cũng là “đề bài” đã được đặt ra cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí. “Đã xuất hiện nhiều công ty, quốc gia bán các mỏ dầu do giá xuống. Nếu có nhiều dự án tốt thì PetroVietNam sẽ tính toán để sở hữu vì dù không có nhiều tiền nhưng không phải là không đủ tiền để mua như trước kia”, vị này cho biết thêm.
Liên quan đến đề xuất nhập dầu thô để tăng dự trữ nhằm hưởng lợi từ giá dầu giảm mà Chủ tịch UBND TP HCM đề xuất với Thủ tướng ngày 29/12, Chủ tịch PetroVietNam cho rằng rất khó để nói mua dự trữ lúc này là có lợi bởi rất có thể ngay khi nhập dầu về giá lại tiếp tục xuống. “Tập đoàn luôn theo sát diễn biến giá dầu để điều hành hoạt động kinh doanh sao cho đảm bảo hiệu quả tối thiểu trong xuất nhập khẩu là giá lên thì có lợi mà giá xuống vẫn có hiệu quả”, ông Nguyễn Xuân Sơn khẳng định.
-------------------------
Giá dầu giảm, dự báo hụt thu ngân sách 43.000 tỉ đồng
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa đưa ra báo cáo tình hình kinh tế năm 2014 và triển vọng năm 2015 đề cập giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu ngân sách và cân đối ngân sách. Theo đó, với dự báo giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60 USD/thùng thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37.000 tỉ đồng so với dự toán (tương ứng 4% tổng thu ngân sách nhà nước) và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014.
Bên cạnh đó, giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014 thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm 6.000 tỉ đồng. Do vậy tổng mức hụt ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỉ đồng, bằng 4,6% tổng thu ngân sách năm 2015. Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục xu thế phục hồi và mục tiêu tăng trưởng 6,2% là khả thi. Với dự báo giá dầu thế giới trong năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng, ước tính giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%.
-------------------------
Xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 7,92 tỉ USD
Đó là con số đưa ra tại buổi tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2014 do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) tổ chức ngày 30.12 tại TP.HCM.
Đại diện VASEP cho biết con số xuất khẩu này dựa vào số liệu xuất khẩu 11 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan cộng với con số xuất khẩu tháng 12.2014 mà VASEP ước tính. Nó tăng 18% so với năm 2013 và vượt 13% so với mục tiêu 7 tỉ USD đề ra từ đầu năm.
Mặt hàng tôm có giá trị xuất khẩu lớn nhất khi đạt hơn 3,7 tỉ USD, tiếp theo là cá tra đạt gần 1,7 tỉ USD, cá ngừ 484 triệu USD, mực và bạch tuộc hơn 483 triệu USD...
Những tháng đầu năm tốc độ xuất khẩu thủy sản khá chậm nhưng tăng trưởng mạnh trong quý 3 và 4/2014. Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật, Hàn Quốc... vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều thủy sản Việt Nam nhất.
-------------------------
Dừng triển khai dự án tằm lai nhện
Ngày 30.12, lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết Bộ NN-PTNT chưa đồng ý để Lâm Đồng triển khai dự án nuôi tằm biến đổi gien - tằm lai nhện.
Trước đó, tháng 11.2014, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 53 gửi Bộ NN-PTNT, đề nghị cho phép tỉnh hợp tác với Tập đoàn Kraig Biocraft Laboratores (KBL) của Mỹ tiến hành thử nghiệm việc nuôi tằm biến đổi gien - tằm lai nhện. Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết sở dĩ Tập đoàn KBL chọn Lâm Đồng làm đối tác nuôi khảo nghiệm tằm nhện là vì đây là “thủ phủ” ngành dâu tằm tơ VN. Hiện nay diện tích trồng dâu của Lâm Đồng trên 3.800 ha, sản lượng trên 54.000 tấn.
Tuy nhiên, Công văn số 10246 của Bộ NN-PTNT khẳng định: “Đối với động vật biến đổi gien, rất ít chính sách trên thế giới áp dụng cho việc khảo nghiệm đánh giá ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học, phần lớn do khó quản lý rủi ro. Hiện ở VN chưa có khung pháp lý và không đủ năng lực quản lý đối với lĩnh vực mới này”. Do đó, Bộ yêu cầu Lâm Đồng tạm thời chưa triển khai việc phối hợp với Tập đoàn KBL thực hiện dự án nuôi tằm biến đổi gien đến khi có khung pháp lý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH dệt tơ tằm Việt Siek (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Visintex, thuộc Tổng công ty dâu tằm tơ VN), người có 24 năm gắn bó với ngành dâu tằm tơ và có nghiên cứu về tằm lai nhện cho biết, tơ của tằm lai nhện chất lượng không cao, chỉ dùng để làm bông, khó đem lại hiệu quả kinh tế.
-------------------------