Đề xuất ‘xã hội hóa’ xử lý nợ xấu
Ủng hộ việc không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, song nhóm nghiên cứu của nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân - GS Nguyễn Văn Nam cho rằng có thể chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ để xử lý.
Kiến nghị này đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia mang tên “Khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam” được tổ chức ngày 23/12 bởi Viện Ngân hàng Tài chính thuộc Đại học Kinh tế quốc dân.
Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình, nợ xấu vẫn là trở lực lớn nhất lớn nhất đối với việc khơi thông dòng tín dụng cũng như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Do vậy, câu chuyện dọn dẹp tiếp tục được bàn thảo như là giải pháp khơi thông tốt nhất.
Nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Nam tin rằng, giải pháp xử lý nợ xấu thông qua trái phiếu Chính phủ không những khả thi mà còn đáp ứng yêu cầu không ảnh hưởng đến ngân sách và không tạo ra gánh nặng nợ xấu lên công chúng. “Hình thức này còn tạo điều kiện cho việc xã hội hóa xử nợ xấu, bởi tất cả tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia”, GS Nam đánh giá.
TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng mô tả quá trình này qua ba bước: Thứ nhất, doanh nghiệp có nợ xấu phát hành Phiếu nợ chuyển đổi với giá trị tương ứng khoản nợ, cả gốc lẫn lãi có thời hạn. Số phiếu nợ này sẽ được giao cho Nhà nước hoặc cơ quan được ủy quyền như Công ty VAMC nắm giữ vừa làm cơ sở đối ứng cũng để ràng buộc trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp sau khi phục hồi sản xuất kinh doanh. Một phần phiếu nợ có thể được trả cho các ngân hàng thương mại nếu được chấp nhận thay thế trực tiếp cho trả món nợ xấu.
Bước hai, Chính phủ phát hành trái phiếu với khối lượng tương đương, giao cho Ngân hàng Nhà nước hoặc VAMC quản lý và thực hiện thanh toán nợ xấu cho các ngân hàng thương mại thay cho việc trả nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đó không còn nợ xấu và được vay mới.
Bước ba, các ngân hàng nhận được trái phiếu hoặc chấp nhận phiếu nợ chuyển đổi của doanh nghiệp coi như đã nhận được “khoản tiền” thanh toán nợ xấu. Trên cơ sở đó, ngân hàng có phương án hỗ trợ để giúp daonh nghiệp phục hồi sản xuất.
Kiến nghị này đã nhận được sự chú ý và tranh luận tại hội thảo, bởi trong bối cảnh mà VAMC vẫn chưa bán được khoản nợ nào thì nhiều chuyên gia coi đây là mô hình cần nghiên cứu hoàn thiện để thí điểm.
TS Trần Thị Tú Anh đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội nghi ngờ liệu phương pháp này sẽ khó giải quyết triệt để nợ xấu mà chỉ là cách để "làm đẹp bảng kế toán của doanh nghiệ lẫn ngân hàng?". Trong khi đó, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế lo ngại việc phát hành trái phiếu trong điều kiện nợ công cao sẽ khó khả thi.
TS Đặng Ngọc Đức khẳng định, ưu điểm của cách làm trên là đưa nợ vào khoản xác định phải trả trong tương lai, trong khi vẫn ràng buộc doanh nghiệp trách nhiệm trả lãi trái phiếu hàng năm. “Đến kỳ hạn thanh toán gốc, doanh buộc buộc phải mua lại nếu như không muốn chia sẻ quyền sở hữu cho người nắm giữ trái phiếu chuyển đổi”, ông Đức phân tích.
Vị này nhấn mạnh, đối với nền kinh tế, phương cách trên sẽ không phải phát hành tiền vào lưu thông, nên không gây ra áp lực lạm phát. Dòng tiền từ xử lý nợ xấu được đưa vào lưu thông phù hợp nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế thông qua lượng trái phiếu được các ngân hàng thương mại bán ra hoặc chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước hoặc kho bạc.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, họ sẽ được giải chấp tài sản đảm bảo đang đông kẹt ở ngân hàng để đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, giải pháp này sẽ khiến ngân hàng được thanh toán số tiền nợ xấu bằng trái phiếu, thay vì phải mua qua đấu thầu. Đồng thời, so với việc bán nợ xấu cho VAMC thì hệ thống tín dụng được chủ động hơn về dòng tiền cả về quy mô và thời điểm sử dụng lẫn lợi thế tài chính vì trái phiếu chính phủ vẫn được trả lãi. Không những vậy, ngân hàng giảm được khoản trích lập dự phòng rủi ro nếu bán nợ xấu cho VAMC.
Tuy nhiên, cách làm này cũng gây nên lo ngại trước kịch bản doanh nghiệp phát hành phiếu nợ chuyển đổi tiếp tục khó khăn, thậm chí phá sản.
Ông Đức thừa nhận, kịch bản doanh nghiệp tiếp tục yếu kém hay phá sản là rủi ro lớn nhất của giải pháp này. “Song cũng cần thống nhất rằng sự yếu kém của hệ thống tài chính và doanh nghiệp cũng là lý do phải tái cơ cấu nền kinh tế và các doanh nghiệp Nhà nước. Dù xử lý nợ xấu qua phát hành trái phiếu hay không thì nền kinh tế vẫn phải được tái cơ cấu và chấp nhận sự trả giá để ổn định và phát triển”, TS Đức lý giải.
Tương tự, chuyên gia này cũng "đặt điều kiện" phát hành trái phiếu tương quan với kịch bản sử dụng nợ công có hiệu quả. "Tức là một đơn vị tiền nợ công sẽ tạo ra hơn một đơn vị tăng của GDP thì trần nợ công không những không tăng mà có thể giảm bởi tốc độ tăng trưởng GDP khi đó sẽ đi nhanh hơn tốc độ tăng nợ công", ông lập luận.
Dù vẫn còn những lo ngại, song các chuyên gia cho rằng đây là một giải pháp mới rất đáng chú ý trong điều kiện của Việt Nam, vì vậy cần phát triển để có thể áp dụng, bổ trợ thêm để quá trình xử lý nợ xấu đượ trực tiếp cũng như mang tính thị trường hơn.
(VNEX)
-------------------------
Ngân hàng ‘nóng ruột’ với tín dụng đóng tàu
Tiền đã sẵn sàng nhưng phải chờ hồ sơ được phê duyệt; hồ sơ phê duyệt xong lại phải đợi... mẫu tàu. Những nghịch lý, nút thắt cổ chai trong Nghị định 67 đang khiến ngư dân và các ngân hàng nóng ruột như ngồi trên đống lửa.
Ngân hàng chờ hồ sơ…
Hơn 4 tháng từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ phát triển thủy sản có hiệu lực, nguồn vốn mà ngành ngân hàng (NH) cam kết dành cho những hộ ngư dân muốn có tàu cá mới hoặc nâng cấp lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Cụ thể, BIDV đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn 15.000 tỉ đồng, VietinBank cũng cam kết gói 3.000 tỉ đồng, còn Vietcombank khẳng định nguồn vốn dồi dào đủ đáp ứng cho ngư dân vay lên tới 1.000 tỉ đồng. Nằm trong những NH thu xếp vốn cho ngư dân vay theo Nghị định 67, Agribank cũng đã dành nguồn vốn 5.000 tỉ đồng.
Để triển khai sớm, Bộ NN-PTNT cũng phân bổ cho 28 địa phương 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng đến nay mới có 6 tỉnh, thành phố chấp thuận cho 152 chủ tàu đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể đủ điều kiện vay vốn.
Sự chậm trễ này có nguyên nhân từ đâu? Theo bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi, trước khi thực hiện cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, NH đã tiến hành cho ngư dân vay vốn được vài năm nay với số dư cũng đáng kể. Cán bộ, nhân viên của NH cũng đã hiểu về năng lực đánh bắt, nguồn tài chính đối ứng của từng ngư dân đăng ký vay vốn. Vì vậy, các ngư dân qua hướng dẫn cũng đã thông suốt về thủ tục hồ sơ vay vốn theo yêu cầu của NH. “Nguồn vốn của NH dành cho vay để đóng tàu hiện đã chuẩn bị sẵn sàng nên ngành chức năng trong tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để ngư dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục kịp thời để NH giải ngân nguồn vốn này”, bà Kiều đề nghị.
Quá sốt ruột khi phải ngồi “ôm” tiền chờ hồ sơ từ UBND tỉnh chuyển qua, nhiều NH phải chủ động làm việc với từng xã, từng ngư dân để rút ngắn trình tự. Bằng cách làm này ngày 9.12.2014, chi nhánh BIDV Thừa Thiên-Huế đã ký được hợp đồng tín dụng với ông Trần Huấn, ngư dân tại thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, trị giá 2,2 tỉ đồng, thời gian 11 năm để đóng mới tàu cá vỏ gỗ, công suất 900 CV.
Hồ sơ chờ… mẫu tàu
Tại Quảng Ngãi, các NH đã liên hệ với 40 ngư dân được UBND tỉnh xét duyệt trong đợt 1 vừa qua để hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay đối với khách hàng. Thế nhưng, đến thời điểm này mới chỉ có 1 trường hợp được ký kết hợp đồng tín dụng vay hơn 20 tỉ đồng từ Agribank Quảng Ngãi. Ông Lê Hồng, Phó giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: “Đa số các ngư dân được duyệt đăng ký, nâng cấp đóng mới tàu, NH đã hướng dẫn hồ sơ thủ tục theo quy định, nhưng nhiều trường hợp cả NH và ngư dân... đều chờ thiết kế mẫu tàu. Hiện tại một số mẫu mã thiết kế phát sinh (ngoài 21 mẫu tàu đã duyệt) mới trình lên Tổng cục Khai thác nguồn lợi thủy sản. Phải đợi họ duyệt, rồi gửi lại về xem xét, thuê đơn vị tư vấn, lập dự toán, thẩm định rồi mới đến NH để giải ngân. Theo đúng quy định thì đành phải chờ thôi”.
Trong khi đó, ông Phạm Trường Thọ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết rào cản lớn nhất hiện nay là do tất cả đang phải chờ các mẫu thiết kế tàu. Hiện tại 21 mẫu tàu của Bộ NN-PTNT đưa ra đều không được ngư dân chấp nhận do không phù hợp với ngư trường, khả năng cũng như kinh nghiệm đi biển của ngư dân.
“Nguồn vốn chậm giải ngân do yêu cầu về thủ tục, nhất là các khâu thiết kế, dự toán con tàu phải được lập và trình phê duyệt. Trên cơ sở, thiết kế, dự toán được các cơ quan có thẩm quyền duyệt, NH sẽ tiến hành ký hợp đồng tín dụng, bởi vậy từ khi có danh sách phê duyệt, đến lúc ký hợp đồng cho vay phải có một quá trình chứ không phải có danh sách là vay được vốn ngay…”, ông Thọ khẳng định.
----------------------------
Nền để kinh tế tư nhân đảm nhiệm vai trò phát triển kinh tế
Ngày 23.12, tại hội thảo “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế” do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế tuy đã được một số kết quả nhưng theo ông, sẽ “không biết đi đến đâu” nếu không định lượng được mục tiêu.
“Cho đến bây giờ, quan niệm về chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi đến mục tiêu gì vẫn chưa thống nhất. Tái cơ cấu là việc thường xuyên, điều chỉnh do tác động của kinh tế thế giới... Nhưng lần này, với ta là bước ngoặt vì mô hình tăng trưởng hiện hữu đã tới hạn. Không chuyển sang mô hình khác, không còn động lực, nguồn lực để phát triển chứ đừng nói là phát triển nhanh hơn”, ông Lưu Bích Hồ nói và cho rằng trong thời gian tới phải tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo... chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp từ nông nghiệp gia công hiện nay sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin dự báo quốc gia, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng hiện nay, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế là khá chậm, mới làm xong một số việc có tính chất thủ tục, chuẩn bị. Theo ông Ân, cần có thiết kế về mô hình tăng trưởng trong ngành và vùng, không chỉ nông nghiệp mà cả dịch vụ, công nghiệp...
Tham gia thảo luận, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng nói tái cơ cấu hiện nay chưa có định hình, định lượng. Mô hình phát triển hiện nay đã không rõ về định hướng chiến lược phát triển: có nên dựa vào xuất khẩu là chính nữa không; thứ hai, cơ cấu kinh tế cũng rất “mông lung”: chưa định rõ được ta mạnh, yếu ở chỗ nào; và thứ ba, về thể chế vận hành. “Ta nói suốt là thể chế, nhưng thể chế gì, thể chế này phải xoay vào trọng tâm của mô hình mới. Nhưng mô hình chưa có thì xoáy vào đâu?”, ông nói.
Ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, trong các thành phần kinh tế thì khối doanh nghiệp nhà nước vẫn là “kém hiệu quả nhất” do đó trong giai đoạn tới, theo ông, nên để kinh tế tư nhân dần dần đảm nhiệm vai trò phát triển kinh tế. “Kinh tế nhà nước còn lớn thì nền kinh tế còn không hiệu quả, không có bình đẳng với kinh tế tư nhân, và không thể có kinh tế thị trường”, ông nhấn mạnh.
--------------------------
Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh nhất trong 11 năm qua
Thống kê tăng trưởng của quý thứ III tại Mỹ đạt mốc 5%, cao nhất kể từ cùng kỳ năm 2003, trong đó chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế, theo BBC.
Hôm 23.12 Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng GDP, cho biết mức 5% là con số cao hơn kỳ vọng của giai đoạn quý III (từ tháng 7-9.2014). Trước đó họ dự đoán kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng vào khoảng 3,9%, tức thụt lùi so với 4,6% ghi nhận ở quý II.
Phần lớn sự tăng trưởng quý III đến từ chi tiêu tiêu dùng, chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,2%, nhanh nhất kể từ quý IV năm 2013.
Thống kê này được xem sẽ giúp các doanh nghiệp Mỹ tự tin hơn trong các lĩnh vực đầu tư khác nhau, nhờ đó tăng cao nhu cầu nhiên liệu. Điều này sẽ góp phần “cứu” việc giá dầu thế giới giảm đến mức đáng lo ngại hiện nay.
"Sự tăng trưởng GDP ở mức 5% chắc chắn sẽ khuyến khích những mong đợi về nhu cầu ở Mỹ và điều này sẽ hỗ trợ cho dầu thô", Reuters dẫn lời Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group ở Chicago cho biết.
Theo Reuters, giá dầu đã tăng một ít vào hôm 23.12, trùng thời điểm Bộ Thương mại công bố mức tăng trưởng đã nêu.
Sau 2 quý tăng trưởng mạnh mẽ, các nhà kinh tế dự đoán rằng tốc độ này sẽ chậm lại ở mức khoảng 2,5% trong quý IV (tháng 10-12.2014) tới đây. Mặc dù vậy, họ dự đoán Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2015, đó sẽ là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2005, theo BBC.
BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang, sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2015. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng sự phát triển đơn độc của Mỹ ít nhất vào lúc này, có thể cứu vãn cuộc suy thoái chung từ việc dầu thô rớt giá.
Ehsan ul-Haq, chuyên gia tư vấn thị trường cao cấp về Kinh tế năng lượng cho rằng đây chỉ là sự phục hồi tạm thời. "Tôi ghét những biểu hiện thế này, chỉ như việc mèo lại hoàn mèo vậy. Tôi nghĩ rằng giá cả sẽ khởi động lại cuộc hành trình đi xuống vào tháng Một tới, nếu không thì cùng lắm vào cuối tháng mười hai mà thôi”, ông nói với Reuters.
------------------------