Nghệ An: Triệt phá đường dây chuyên sản xuất rượu ngoại giả
Chiều 24.12, Công an TP Vinh (Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa đấu tranh, làm rõ hành vi của 2 đối tượng chuyên sản xuất rượu ngoại giả như Chivas Regal 12, 18; Ballantines; Black Label, Whisky...
Trước đó, ngày 23.12, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Vinh đã mật phục bắt quả tang đối tượng Nghiêm Văn Đỗ (SN 1977, trú phường Vinh Tân, TP Vinh) khi đang vận chuyển 13 chai rượu Chivas Regal 12 và 18 giả đi tiêu thụ ở một số điểm thuộc TP Vinh.
Qua đấu tranh, Đỗ khai nhận cùng với Nguyễn Văn Thành (SN 1992, em vợ của Đỗ, trú tại phường Vinh Tân) phối hợp sản xuất rượu ngoại giả với đầy đủ nhãn mác để bán tại thị trường Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ngay sau đó, Công an đã khám xét nhà ở của Nghiêm Văn Đỗ. Tại "xưởng" sản xuất rượu giả trong gia đình này, Công an TP Vinh đã thu giữ thêm 6 chai rượu Chivas Regal18, 9 chai Black Label, 31 chai rượu Whisky; 12 chai rượu Ballantines; 48 vỏ chai Chivas...
Chiều cùng ngày, Công an TP. Vinh đã triệu tập thêm Nguyễn Văn Thành (SN 1992) để điều tra, làm rõ.
Tại CQĐT, cả hai đối tượng Đỗ và Thành khai nhận đã cùng nhau sản xuất các loại rượu ngoại giả từ năm 2013. Với thủ đoạn mua một số loại rượu màu giá rẻ có xuất xứ từ Lào, cùng gia vị rồi tự pha chế và sản xuất rượu ngoại đủ chủng loại nhãn mác ngay tại nhà riêng.
Hiện Công an TP Vinh đang mở rộng điều tra.
-------------------------
Bảo hộ quyền sở hữu tư nhân
Tại phiên họp ngày 23/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất phương án lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự sửa đổi trong vòng 3 tháng nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, từ 5/1 đến 5/4/2015.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Dự thảo mới quy định hai phương án hình thức sở hữu: Phương án 1 bao gồm, sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2: sở hữu riêng và sở hữu chung, trong đó, sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chính phủ nhất trí theo phương án 1.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự thảo cần làm nổi bật nguyên tắc nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tư nhân (thuộc hình thức sở hữu riêng). Hiến pháp sửa đổi quy định mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Do vậy, dự thảo luật cần khẳng định rõ nguyên tắc này trong các quy định liên quan đến sở hữu.
Để lấy ý kiến hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho rằng, Bộ luật quy định rất rộng, cần xác định trọng tâm lấy ý kiến phải là những nội dung gần gũi, sát với nhân dân. Với những ý kiến góp ý có chất lượng, tâm huyết, cần áp dụng cơ chế trả nhuận bút cho người dân và cần bố trí kinh phí cho nội dung này.
Thay mặt Chính phủ, Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân ở trong nước, kiều bào nước ngoài. Các ý kiến đóng góp trực tiếp cho Bộ Tư pháp gửi theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn. Mặt trận Tổ quốc cũng là kênh riêng để thu thập ý kiến nhân dân và cuối cùng thu về một đầu mối Chính phủ.
* Cùng ngày, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh về Cảnh sát môi trường. Đây là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân, thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.
-------------------------
Mất tiền tỉ vì mắc bẫy chiêu lừa nợ cước điện thoại
Ngày 22.12, Công an TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp nhận vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá hàng tỉ đồng qua mạng điện thoại. Nạn nhân là chị P.T.H ( 52tuổi; trú tại Vũng Tàu).
Trong đơn, chị H trình bày sự việc như sau:Khoảng 8 giờ ngày 22.12, chị H có nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 102675534 gọi vào máy bàn của gia đình. Chị nghe máy và người bên đầu dây kia xưng danh là nhân viên tổng đài. Nhân viên này nói chị còn nợ cước điện thoại hơn 8,9 triệu đồng. Số thuê bao nợ là 0663716320, do chị đứng tên.
Trong khi vẫn còn thắc mắc về số nợ cước viễn thông nói trên thì nhân viên tổng đài nói chuyển hướng cuộc gọi cho H chị gặp công an. Người đàn ông xưng danh công an nói chị H đang tham gia vào đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền vào số tài khoản mà chị đang nắm giữ. Người này còn dọa dẫm chị H rằng sẽ bắt, khám xét nhà…
Người này yêu cầu, để chứng minh không liên quan, chị H phải chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản vào một tài khoản mà người này bảo là tài khoản của công an. Chị H lo sợ và đã ra ngân hàng chuyển số tiền hơn 1,5 tỉ vào số tài khoản mà người này yêu cầu. Từ đầu đến cuối chị chỉ làm việc với những người nêu trên qua điện thoại chứ không làm việc trực tiếp.
Khoảng một giờ đồng hồ sau, nghi ngờ, chị H đã gọi tới tổng đài 1080 thì biết mình đã bị lừa.
Trước đó, ngày 25.6, tại Vũng Tàu, một trường hợp khác cũng đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 570 triệu đồng với thủ đoạn tương tự. Cơ quan công an cũng đã khuyến cáo tới người dân khi làm việc cơ quan công an sẽ mời tới trụ sở chứ không làm việc qua điện thoại. Người dân nên lưu ý để không xảy ra các vụ án tương tự.
-------------------------
Rà soát vụ Nguyễn Văn Chưởng kêu oan trong tháng 1-2015
Dự kiến đầu tháng 1-2015, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có buổi làm việc tại Hải Phòng để rà soát về vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Ngày 23-12, ông Lê Đình Khanh, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết sáng 23-12 ông có báo cáo nội dung vụ việc tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình có đơn kêu oan kéo dài đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đại diện Ủy ban Tư pháp cho biết đã nhận được hồ sơ và đang xem xét vụ việc.
Theo thông tin Tuổi Trẻ nắm được, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vụ án này vào chương trình làm việc tại các tỉnh thành phía Bắc. Dự kiến đầu tháng 1-2015 đoàn giám sát sẽ có buổi làm việc tại Hải Phòng để rà soát về vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo TAND tối cao cho biết nếu gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng có đơn kêu oan gửi TAND tối cao thì đơn này sẽ được chuyển đến tòa chuyên trách để giải quyết theo thẩm quyền.
“Đối với những vụ án có mức án từ 20 năm tù đến chung thân hoặc tử hình mà có đơn kêu oan kéo dài đều đang được rà soát lại theo yêu cầu của Quốc hội” - vị lãnh đạo này nói.
Trước đó, ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, có nhiều đơn kêu oan gửi lãnh đạo Viện KSND tối cao. Thừa ủy quyền viện trưởng, kiểm sát viên Đỗ Xuân Tựu ký công văn trả lời đơn gửi ông Chinh.
Theo đó, sau khi kiểm tra hồ sơ vụ án, Viện KSND tối cao thấy rằng bản án hình sự phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội kết án đối với Nguyễn Văn Chưởng về tội giết người và cướp tài sản là đúng pháp luật, không oan.
Tuy nhiên, quá trình xét xử vụ án còn có một số vi phạm và có vấn đề chưa được làm rõ nên viện trưởng Viện KSND tối cao có quyết định kháng nghị đề nghị TAND tối cao tuyên hủy án phúc thẩm, nhưng khi xét xử giám đốc thẩm TAND tối cao không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ phía Công an Hải Phòng khẳng định cơ quan điều tra đã làm đúng trình tự thủ tục, kết luận điều tra đúng người đúng tội. Vụ án này xử đi xử lại nhiều lần, phiên giám đốc thẩm của TAND tối cao cũng kết luận xử đúng người đúng tội, không có oan sai.
Phía Công an Hải Phòng cũng nói việc công an đánh và ép Chưởng cùng các bị can khác phải nhận tội là hoàn toàn không có cơ sở. Cơ quan điều tra cũng tạo mọi điều kiện cho các luật sư làm việc. “Vụ này rất phức tạp nên cơ quan điều tra làm rất cẩn thận.
Thực chất đến giờ cơ quan điều tra không nhận thêm được đơn kiến nghị nào của các nhân chứng nữa” - một vị lãnh đạo Công an Hải Phòng nói.
(Tâm Lụa - Tuổi Trẻ)
-------------------------