Nga 'đoạn tuyệt' NATO nếu Ukraine gia nhập khối
Nga sẽ cắt đứt quan hệ với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu Ukraine trở thành thành viên của khối, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga 24.12.
“Nếu quyết định gia nhập NATO được thực hiện trong tương lai. Khi đó chúng tôi sẽ cắt đứt tất cả quan hệ với NATO. Nếu điều này xảy ra thì sẽ không thể hàn gắn lại”, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói với hãng thông tấn RIA Novosti 24.12, theo Reuters.
Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói với hãng thông tấn Interfax, cho rằng việc Kiev từ bỏ trạng thái trung lập hiện tại để tìm kiếm quan hệ gần gũi với NATO là kết quả do những áp lực từ phía khối này lên Ukraine nhằm biến nước này thành “tuyến đầu của cuộc đối đầu”, theo Reuters 24.12.
Trước đó ngày 23.12, Quốc hội Ukraine đã thông qua toàn bộ nội dung dự luật số 1014-3 “Về thay đổi một số luật Ukraine liên quan tới việc nước này từ bỏ chính sách không liên kết” ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên , với 303/357 phiếu ủng hộ . Dự luật này mở đường cho khả năng có thể gia nhập các liên minh quân sự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) trong tương lai.
Trước động thái này của Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc Ukraine từ bỏ quy chế không liên kết là bước đi phản tác dụng và chỉ làm tình hình thêm căng thẳng tại khu vực miền đông nước này, theo Reuters 23.12.
Ukraine đã tỏ ý gia nhập NATO từ tháng 8 sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3 và hy vọng sưc mạnh NATO có thể giải quyết tình hình chiến sự căng thẳng hiện nay ở nước này.
NATO và chính phủ Ukraine cho biết họ có đủ bằng chứng cho thấy Nga đã sắp đặt và trang bị cho cuộc nổi dậy của phe ly khai thân Moscow ở miền đông Ukraine nhưng điện Kremlin luôn bác bỏ những cáo buộc trên.
------------------------
Mỹ, Nga, Trung không tham gia Hiệp ước thương mại vũ khí
Hiệp ước thương mại về vũ khí toàn cầu của Liên Hiệp Quốc chính thức có hiệu lực vào hôm nay 24.12. Nhưng Mỹ, Nga, Trung Quốc, 3 nước buôn bán vũ khí lớn không tham gia vào thỏa thuận này, theo Reuters.
Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon phát biểu vào thứ Ba 23.12, từ bây giờ các nước tham gia Hiệp ước có đầy đủ cơ sở pháp lý để thi hành các giao dịch vũ khí và đạn dược xuyên quốc tế, theo thông tin từ trang web chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Đồng thời, ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các nước chưa tham gia, đặc biệt là những quốc gia sản xuất và nhập khẩu vũ khí lớn, hãy nhanh chóng gia nhập vào công ước buôn bán vũ khí chung của thế giới.
Bà Anna Macdonald, Giám đốc liên minh Kiểm soát Vũ khí phát biểu, các nước tham gia Hiệp ước sẽ cùng nhau mở ra một kỉ nguyên mới. Nếu thực hiện hiệu quả, Hiệp ước sẽ giúp giảm thiểu thương vong và bảo vệ những người dễ bị tấn công trên toàn thế giới.
Nội dung của Hiệp ước nhằm thiết lập các tiêu chuẩn chung cho việc thông thương vũ khí, từ giao dịch các loại súng đến máy bay chiến đấu, yêu cầu các quốc gia phải rà soát lại tất cả các hợp đồng giao thương vũ khí, tránh để vũ khí sát thương rơi vào tay những phiến quân nổi dậy, các tổ chức tội ác, nhóm bạo động...
Bên cạnh đó, Hiệp ước sẽ ngăn chặn các tổ chức buôn bán vũ khí cung cấp vũ khí cho những nơi như Syria, Nam Sudan cũng như các điểm nóng bạo lực ở Trung Đông và châu Phi.
Mỹ, nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới đã kí nhận tham gia Hiệp ước vào tháng 9.2013 nhưng không được Thượng viện thông qua. Trong đó, Hiệp hội súng trường quốc gia, tổ chức về súng lớn nhất ở Mỹ đã phản đối quyết liệt Hiệp ước này.
Hiệp ước có 130 nước ký nhận tham gia, trong đó 60 nước đã thông qua. Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, những nước sản xuất vũ khí lớn không tham gia, trong khi các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu như Anh, Pháp, Đức đã xác nhận thông qua thỏa thuận chung.
------------------------------
‘Triều Tiên đang đẩy nhanh chương trình hạt nhân’
Triều Tiên đang đẩy nhanh chương trình hạt nhân và có lượng dự trữ plutonium đủ để chế tạo 9 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020, Itar-Tass ngày 24.12 dẫn lời chuyên gia Mỹ.
Các chuyên gia của Mỹ đã kết luận rằng Triều Tiên có khoảng 30-34 kg plutonium đủ để sản xuất ra 9 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020. Đây là kết quả của một khảo sát dưới sự chỉ đạo của ông David Albright, Giám đốc viện Khoa học và An ninh Quốc tế có trụ sở ở Washington (Mỹ).
Các chuyên gia bao gồm quan chức an ninh, các nhà ngoại giao cũng như các nhà khoa học hạt nhân tham gia cuộc khảo sát nói trên đã kết luận rằng Triều Tiên đã có kế hoạch sản xuất plutonium để chế tạo vũ khí cũng như làm giàu uranium.
Cũng theo kết quả khảo sát trên, các hoạt động của Bình Nhưỡng đang được thực hiện ở cơ sở hạt nhân Yongbyon, nơi đặt một lò phản ứng hạt nhân của nước này, đồng thời khí ly tâm cũng đang được trang bị cho việc làm giàu uranium, và một lò phản ứng nước nhẹ đang được Triều Tiên xây dựng.
Ở một diễn biến khác, ngày 20.12, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này sẽ tăng cường sức mạnh hạt nhân lên gấp đôi để đối phó với chính sách chống Bình Nhưỡng của Mỹ.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục nóng lên với những lo ngại về chương trình hạt nhân nước này. Theo hãng tin Reuters, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân lần gần đây nhất là vào tháng 2.2013 và nước này có thể có tiềm lực sản xuất khoảng một chục vũ khí hạt nhân.
-----------------------------
Thảm sát ở Ấn Độ, 55 người thiệt mạng
Ít nhất 55 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ở một số ngôi làng thuộc bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ tối hôm 23.12.
Theo đó, những người này bị các phiến quân bộ lạc có vũ trang sát hại. Cảnh sát cho hay, đa số nạn nhân là thành viên của các gia đình công nhân di cư ở quận Sonitpur, phía bắc Assam giáp Bhutan-khu vực có các phiến quân của các bộ lạc địa phương chiến đấu chống lại lực lượng chính phủ.
Cảnh sát cho biết, vụ thảm sát xảy ra khoảng 17 giờ theo giờ địa phương tại ngôi làng Maitalubasti, thuộc quận Sonitpur, phía bắc Assam. Những kẻ tấn công cũng sát hại người dân ở ngôi làng Kokrajhar, phía tây Assam, giáp Tây Bengal.
Tất cả 5 địa điểm bị tấn công đều thuộc thẩm quyền quản lý của khu tự trị Bodoland. Các nạn nhân ở các khu vực khác của Assam hoặc miền trung Ấn Độ.
Những kẻ tấn công được cho là thuộc một nhóm nổi dậy có tên Mặt trận Dân chủ Quốc gia Bodoland. Tổ chức này từ chối đàm phán hòa bình với chính phủ.
Trước đó, chính phủ đã cảnh báo các cuộc tấn công trả đũa của quân nổi dậy nếu các lực lượng an ninh không ngừng hoạt động chống lại chúng. Hai phiến quân đã thiệt mạng vào cuối tuần qua do hoạt động tăng cường của lực lượng an ninh.
Các quan chức địa phương cho biết, quân nổi dậy có thể đã nhắm mục tiêu các công nhân vườn trà, nghi ngờ họ cung cấp thông tin về chúng cho cảnh sát.
Dân làng thoát khỏi cuộc tàn sát nói với cảnh sát rằng, phiến quân được trang bị súng trường tấn công và mặc đồng phục quân đội. Họ buộc người dân phải mở cửa lều và nổ súng, bắn người bừa bãi.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Thủ tướng Narendra Modi đều lên án vụ giết người vô tội này. Quân đội Ấn Độ đã được triệu tập để duy trì luật pháp và trật tự tại khu vực. Một lệnh giới nghiêm cũng đã được ban bố trong khu vực xảy ra cuộc tấn công.
Người đứng đầu Assam, ông Tarun Gogoi cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy các hoạt động chống quân nổi dậy, bất chấp mối đe dọa từ phiến quân.
-------------------------