Chất lượng chè VN dưới mức trung bình
Tại hội nghị “Phát triển chè Lâm Đồng bền vững, cơ hội và thách thức”, tổ chức tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) ngày 22.12 nhân Tuần văn hóa trà 2014, TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, cho biết hiện nay chè VN đang đứng ở vị trí trên trung bình về năng suất và sản lượng, còn chất lượng giá bán thì đang ở vị trí dưới trung bình nên hầu như thế giới rất ít biết đến chè VN.
Hầu hết diện tích đều trồng giống chè cũ không còn phù hợp với yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao, kỹ thuật canh tác còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc kiểm soát ô nhiễm, tồn dư hóa chất trong sản xuất chè chưa hiệu quả...
Để thay đổi được điều này, căn bản là phải thay giống chè mới, đặc biệt là giống chè có hàm lượng a xít amin cao như giống chè Bát Tiên, Kim Tuyên, PH10… Song song đó, cần đổi mới về phương pháp canh tác, phục hồi, cải tạo đất và quy trình tưới nước, bón phân có hiệu quả.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè VN, đề xuất tổ chức thành chuỗi giá trị từ người trồng chè đến doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, cần phải khẳng định được thương hiệu của trà VN đối với các thị trường xuất khẩu.
-------------------------
Thanh tra thuế tại Công ty Đại Nam
Đó là nội dung được công bố tại buổi họp giao ban ngày 23-12 do Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì.
Ông Lê Văn Trang - cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương - cho biết đã ra quyết định thanh tra thuế tại Công ty cổ phần Đại Nam (P.Hiệp An, TP Thủ Dầu Một) để báo cáo các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý liên quan tới kết quả xác minh tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng “lò vôi”, tổng giám đốc Công ty Đại Nam) đối với chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Thời kỳ thanh tra từ năm 2009-2013 (trừ năm 2011 đã thanh tra). Trong đó hai năm 2009-2010 là thời điểm có xảy ra việc mua bán đất trong Khu công nghiệp Sóng Thần 3 sẽ thanh tra toàn diện.
Về ý kiến của Công ty Đại Nam cho rằng trong thời gian ngắn mà công ty này bị thanh tra nhiều lần, phải nhận quá nhiều văn bản của cơ quan thuế, đại diện Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết vào tháng 7-2014, Cục Thuế có thanh tra tại Công ty Đại Nam nhưng nội dung thanh tra rất hẹp, chỉ liên quan hoạt động của khu trò chơi nên việc thanh tra lần này là không trùng lắp.
“Để xử lý việc “phân lô, bán nền” trong Khu công nghiệp Sóng Thần 3, cơ quan chức năng hỏi Cục Thuế là có trốn thuế hay không. Muốn có cơ sở để trả lời thì chúng tôi phải tiến hành thanh tra vì các thời điểm trên chúng tôi chưa từng thanh tra” - ông Trang giải thích.
Theo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, cơ quan này nhiều lần gửi thư mời, trực tiếp tới Công ty Đại Nam nhưng công ty này lấy lý do người đại diện theo pháp luật là ông Huỳnh Uy Dũng đang đi nước ngoài dài ngày nên không cung cấp thông tin, hồ sơ và đề nghị hoãn thanh tra tới năm 2015.
Theo ông Nguyễn Minh Giao - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, việc thanh tra thuế, làm rõ vụ “phân lô, bán nền” trong Khu công nghiệp Sóng Thần 3 nhằm xử lý theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản chỉ đạo này cũng được gửi tới ông Huỳnh Uy Dũng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Thanh tra Chính phủ nói Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các nội dung: làm rõ, xử lý việc phân lô, bán nền trong Khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có thiếu sót, vi phạm trong việc quy hoạch, quyết định thời hạn sử dụng đất ở lâu dài, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong Khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với cơ quan chức năng xem xét, xử lý những nội dung tố cáo chưa đủ cơ sở theo quy định pháp luật.
-------------------------
Nhiều cơ quan, quy định xử lý hàng giả "đá" nhau
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN đã nhận định như trên tại buổi họp báo Cập nhật tình hình phòng chống hàng nhái, hàng giả dịp Tết 2015.
Chương trình họp báo được Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức sáng 23-12 tại TP.HCM.
Trong số hơn 31 mặt hàng bị làm giả, làm nhái mà VATAP thống kê được, rượu bia là mặt hàng được quan tâm đặc biệt, nhất là trong thời điểm cận Tết.
Ông Bảo cho biết ước lượng có khoảng 10-15% mặt hàng rượu là hàng giả, hàng nhái. Ông cũng cảnh báo hiện tượng bán rượu giả cho khách ở một số nhà hàng khi khách đã ngà ngà say.
Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng thông tin rằng không có sản phẩm, nhãn hiệu rượu mạnh quốc tế nào được phép sản xuất ở VN. Vì thế bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sản xuất các sản phẩm này đều là làm giả.
Một mặt hàng khác được làm giả, làm nhái với tốc độ nhanh nhất là mỹ phẩm. Nếu sản phẩm gây được tiếng vang trên thị trường, thì chỉ tháng trước tháng sau là hàng giả, hàng nhái đã tràn lan.
Bên cạnh đó, các mặt hàng điện tử điện lạnh, thậm chí là gas, xăng dầu... cũng bị làm giả rất nhiều.
PGS.TS Đàm Thanh Thế, thư ký Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng sản xuất hàng giả hàng nhái gắn mác Việt Nam. Cơ quan chức năng vừa bắt 4 tấn nhãn mác thương hiệu có uy tín của VN để họ tuồn hàng về rồi đóng mác này vào.
“Hiện có khoảng 35 văn bản quy định về chống hàng giả hàng nhái nhưng nhiều quy định lại đá nhau, không phù hợp thực tế", ông Lê Thế Bảo nói.
Ông Bảo dẫn chứng: Bộ Y tế quản lý nước đóng chai, Bộ Công thương nước giải khát, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý về tinh bột, còn tinh bột dinh dưỡng thì là cơ quan khác.
Về xử lý hàng hóa bị làm giả, có văn bản thì nói “tịch thu, tiêu hủy” cái thì nói “loại trừ yếu tố vi phạm”, có nghĩa là vẫn được sử dụng”.
Tham gia cuộc họp báo, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đồng tình rằng cơ chế thực thi hiện còn chồng chéo, chưa đồng bộ về số lượng cũng như chất lượng. Sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm...
Các đại biểu tham gia cuộc họp báo đều thống nhất cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức người dân, không tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả hàng nhái, buôn lậu, không bao che, không sử dụng “để hàng giả hàng nhái không còn đất sống”.
-------------------------