Lãi suất tiết kiệm ngày càng thấp
Chỉ số giá tiêu dùng cả năm chỉ tăng hơn 4%, thấp xa so với chỉ tiêu Quốc hội giao, có thể là cơ sở để các ngân hàng giảm tiếp lãi suất tiền gửi trong thời điểm cuối năm.
Ngân hàng Ngoại thương - Vietcombank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới với xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Kỳ hạn dài 24 - 60 tháng, mức cao nhất 6,3% trước đó hiện giảm còn 6,2% một năm. Ngày 18/11 vừa rồi, nhà băng đã có giảm ở các kỳ hạn ngắn từ 0,1 - 0,3% mỗi năm xuống sâu dưới mức trần quy định 5,5% một năm.
Tại Ngân hàng Á Châu, biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 23/12 cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến 2 tháng chỉ còn 4,6% thay vì 4,9% như trước đó. Kỳ hạn trên 6 tháng giảm từ 6% về quanh 5,7%. Tương tự, Ngân hàng Bắc Á (BacABank), mức lãi suất huy động tiền đồng cao nhất hiện giờ chỉ còn 7,9% thay vì 8,2% cho kỳ hạn 36 tháng.
"Trong gần một năm nay lãi suất liên tục hạ, nhưng tôi không biết lựa chọn kênh đầu tư nào cho đồng vốn nhàn rỗi của mình sinh lời hiệu quả hơn, đành phải gửi vào nhà băng giữ hộ", chị Thanh Mai, một khách hàng đang gửi tiền tại chi nhánh của ACB trên đường 3/2, TP HCM chia sẻ.
Tính chung toàn thị trường, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng hiện xuống quanh 4-5% mỗi năm, kỳ hạn 6-12 tháng phổ biến ở mức 6-7,5% một năm. Đường cong lãi suất cũng hình thành rõ nét tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ, giúp phân bổ vốn hiệu quả.
"Trong bối cảnh lạm phát tăng thấp (hơn 4%) thì với mặt bằng lãi suất này vẫn có lợi cho người gửi tiền và huy động vốn của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục tăng", một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia nhìn nhận.
Lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cũng thừa nhận, dù lãi suất từ đầu năm đến nay liên tục hạ nhưng lượng huy động vốn của nhà băng vẫn tăng đều. Theo ông, trong bối cảnh chỉ số CPI cả năm tăng khá thấp (chỉ hơn 4%) so với mục tiêu, nên lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục giảm.
"Nếu nền kinh tế còn tiếp tục đình trệ như hiện nay, lạm phát vẫn thấp thì cơ hội để lãi suất huy động giảm là vẫn còn", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía nam nói thêm.
Trong năm qua, tốc độ tăng trưởng về huy động vốn của các ngân hàng cao gấp nhiều lần so với cho vay. Tình trạng ế vốn xảy ra ở nhiều tổ chức tín dụng khi doanh nghiệp ngày càng suy yếu và khó hấp thụ vốn. Mặc dù tín dụng có nhảy vọt trong những tháng cuối năm, khiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đạt được con số 12-14%, nhưng so với tốc độ tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn nhiều.
Đến 19/12, huy động vốn toàn hệ thống tăng 15,15%, trong đó huy động vốn bằng tiền đồng tăng khá cao 16,31% so với cuối năm 2013. Còn tăng trưởng tín dụng cùng thời điểm chỉ 11,8%. Thay vì đua huy động vốn đợt sát Tết (vì gần Tết người dân rút tiền ra mua sắm, chi tiêu) như mọi năm, hiện giờ một số ngân hàng lại mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi.
Theo lý giải của một số lãnh đạo ngân hàng, thời điểm đầu năm hầu như ngân hàng nào cũng gặp khó trong việc tăng trưởng tín dụng, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, hiện nay nhiều ngân hàng dần dần từng bước cắt giảm lãi suất huy động là cách tốt để tiết kiệm chi phí cho năm sau.
"Tín dụng năm 2015 vẫn sẽ tiếp tục khó khăn bởi cục nợ xấu tại các đơn vị còn khá nhiều. Khi nợ xấu chưa thể giải quyết rốt ráo thì đồng nghĩa khả năng nới lỏng 'khẩu vị' rủi ro để cho vay ra nhiều hơn là rất khó. Vì thế mà tín dụng sẽ không dễ tăng trong những tháng đầu năm 2015", vị lãnh đạo này nói.
Ngoài ra, việc hạ lãi suất đầu vào được xem là cách tốt nhất có thể giúp các nhà băng có dư địa giảm từ một đến hai điểm phần trăm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp.
-------------------------
Thống đốc: 'Tỷ giá 2015 tăng không quá 2%'
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Bình đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 tổ chức sáng nay (24/12).
Đánh giá về điều hành thị trường ngoại hối năm qua, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhận định chính sách tỷ giá được điều hành nhất quán, chủ động dẫn dắt thị trường, tạo điều kiện giảm tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, củng cố niềm tin vào tiền đồng và tăng dự trữ ngoại hối.
Năm 2014, nhà điều hành cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong biên độ 2%, song đến giữa năm, Ngân hàng Nhà nước mới một lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, lên 21.246 đồng. Phát biểu trước Quốc hội cuối tháng 9/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp, thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá luôn biến động trong phạm vi cho phép.
"Năm nay không cần dùng đến hết 2% và thị trường vẫn tiếp tục ổn định", ông phát biểu. Dữ trữ ngoại hối cũng được công bố đạt mức kỷ lục - tăng từ khoảng 7 tỷ USD năm 2011 lên 35 tỷ USD, theo thông tin được công bố hồi tháng 9.
Về điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 13-15%, cao hơn mục tiêu 12-14% đặt ra cho năm 2014.
Trong buổi họp báo tổng kết chiều qua (23/12), Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết năm tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến lạm phát để chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,2%. Lãi suất cũng được điều chỉnh phù hợp, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ, tăng cường thanh tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt...
Liên quan đến tái cơ cấu tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay tình hình hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất, tự cơ cấu lại đã ổn định và cải thiện. Sang năm 2015, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt.
"Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2015, tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thành các mục tiêu đề ra", Thống đốc cho biết.
-------------------------
Bày cách nhận diện rau Trung Quốc tại Đà Lạt
Tại Phiên chợ rau hoa diễn ra từ nay đến ngày 27/12 trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường 1, TP Đà Lạt), gian hàng của Anh Đào Co.op gây sự chú ý đặc biệt cho du khách và người dân địa phương.
Gian hàng này trưng bày đối xứng các loại rau củ quả đặc trưng của Đà Lạt (cà rốt, khoai tây, hành tây, bắp cải, súp lơ…) với các mặt hàng nông sản Trung Quốc cùng loại để mọi người dễ dàng phân biệt xuất xứ của các loại rau.
Anh Đào Co.op còn cử nhân viên hướng dẫn, giải đáp những câu hỏi về cách phân biệt nông sản Đà Lạt với Trung Quốc để giúp người mua hàng tránh nhầm lẫn.
Phiên chợ rau hoa Đà Lạt (nằm trong khuôn khổ chương trình bế mạc năm du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt) có hàng chục gian hàng của 30 doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông sản tại TP Đà Lạt.
-------------------------