Bất động sản 2015 đặt cược vào đòn bẩy chính sách
Lần đầu tiên sau 7 năm khủng hoảng (tính từ năm 2008), bất động sản mới lại đón nhận hàng loạt tin hỗ trợ thị trường từ các bộ luật, nghị định mới. Theo các chuyên gia, năm 2015 có thể là giai đoạn địa ốc kỳ vọng vào đòn bẩy chính sách.
Tổng giám đốc Công ty Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam đánh giá, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ có hiệu lực trong năm 2015 hứa hẹn mang lại nhiều điểm tích cực hỗ trợ thị trường. Một trong số đó là quy định rõ các điều khoản chặt chẽ đối với việc bán nhà hình thành trong tương lai.
Ông Nam phân tích, bộ luật mới quy định chủ đầu tư chỉ được kinh doanh dự án hình thành trong tương lai nếu thỏa mãn những điều kiện khắt khe hơn trước đây. Chẳng hạn như phải có quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án.
Bên cạnh việc xây xong móng mới được bán, luật quy định thêm trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về giao dịch này. Muốn bán, cho thuê mua nhà ở đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì bắt buộc chủ dự án phải có bảo lãnh. Thậm chí là trước khi bán hoặc cho thuê, ngân hàng thương mại có đủ năng lực phải thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng.
Theo ông Nam, các quy định mới sẽ giúp thị trường tăng trưởng tốt vì góp phần bảo vệ người mua nhà một cách thiết thực, tránh tình trạng lộn xộn lừa đảo, chiếm dụng vốn. Sự bảo lãnh của ngân hàng cũng được quy định trong luật là điều hoàn toàn mới mẻ và tạo thêm tính minh bạch, công bằng cho thị trường. "Các yếu tố này sẽ là điểm sáng tích cực giúp người dân an tâm khi mua bất động sản, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững hơn", chuyên gia này nhận xét.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản CPR, Trần Thị cẩm Tú nhận định việc Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ tạo ra bước ngoặc lớn cho thị trường năm tới. Nó mang lại hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ ngay từ quý IV/2014 mặc dù đến tháng 7.2015 chính sách này mới có hiệu lực. Chính sách tiến bộ này hứa hẹn sẽ hỗ trợ thị trường tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm tồn kho của phân khúc nhà cao cấp và cởi bỏ rào cản tâm lý của chủ đầu tư cũng như khách hàng.
Quan điểm của bà Tú, việc nới lỏng chính sách cho vay bất động sản và đặc biệt là gói 30.000 tỷ cho các dự án thương mại cũng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục khởi sắc vào năm tới. Cơ hội sở hữu nhà với lãi suất thấp, ổn định trong thời gian trung và dài hạn được xem như bà đỡ cho nhóm khách hàng có khả năng tài chính hạn chế. Mặt khác, gói 30.000 tỷ đồng là nút thắt quan trọng, cởi bỏ tâm lý đối với những người không thuộc diện ưu đãi này. "Họ sẽ dứt bỏ tâm lý chờ đợi gói hỗ trợ và chuyển sang các mục tiêu mới thiết thực hơn, động thái này xem như kích cầu gián tiếp cho toàn thị trường", bà Tú nói.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Lê Hoàng Châu cho rằng hàng loạt chính sách đồng bộ hỗ trợ thị trường địa ốc được ban hành trong năm 2014 và có hiệu lực trong 6-7 tháng tới chính là cú hích mạnh mẽ cho ngành này trong năm 2015.
Ông Châu phân tích, có 5 điểm nhấn chính sách quan trọng hỗ trợ thị trường năm 2015. Một là gia hạn hiệu lực điều kiện và thủ tục chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc dịch vụ, cho phép cơ cấu căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ từ ngày 8.3.2013 đến ngày 31.12.2015.
Hai là NHNN cho phép Ngân hàng thương mại được sử dụng 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Ba là thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước, cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà trong các dự án nhà ở thương mại.
Bốn là Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng các dự án bất động sản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao dịch bất động sản không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch.
Năm là Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định nhà đầu tư được quyền sản xuất, kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, quy định nhà đầu tư được quyền tự do chuyển nhượng dự án, quy định mức ký quỹ các dự án có sử dụng đất từ 1% - 3% vốn đầu tư.
Theo ông Châu, sau 7 năm bất động sản khủng hoảng, những quy định mới theo chiều hướng ngày càng khách quan, tiến bộ và hợp lý này có thể giúp làm tăng niềm tin và động lực vào sự hồi phục của thị trường địa ốc. "Điều còn khiến nhà đầu tư quan ngại và lo lắng nhất thời điểm này là tiền sử dụng đất chưa hợp lý. Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ", Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ dự báo tác động của các chính sách pháp luật mới đến thị trường bất động sản đang hứa hẹn tạo nhiều ấn tượng tốt cho cục diện năm 2015. Từ Luật Kinh doanh bất động sản đến Luật Nhà ở mới sửa đổi và hàng loạt động thái nới van tín dụng, giảm lãi suất của ngân hàng đều ủng hộ thị trường địa ốc với một tầm nhìn xa, có ảnh hưởng sâu rộng, khách quan và công bằng hơn.
Tuy nhiên, ông Võ cũng khuyến cáo: "Đừng kỳ vọng các quy định pháp luật lập tức làm thị trường sôi sục. Cần một độ trễ nhất định để chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống. Để các quy định này tác động tích cực đến toàn bộ thị trường thì phải chờ các Thông tư, hướng dẫn và thời gian để thẩm thấu".
-------------------------
Nhật tung gói kích thích kinh tế mới
Nội các Nhật Bản dự kiến thông qua một gói kích thích kinh tế mới trị giá 3.500 tỉ yen (29 tỉ USD) trong ngày 27-12 nhằm đưa đất nước thoát khỏi suy thoái. Đây được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu sau khi ông Shinzo Abe tái đắc cử chức thủ tướng.
Phần lớn gói kích thích dùng để hỗ trợ các chính quyền địa phương khuyến khích người dân tăng cường chi tiêu. Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó do đồng yen giảm giá trị sẽ được vay tiền từ gói kích thích. Theo hãng tin Jiji, một phần gói kích thích còn được phân bổ cho việc tái thiết các khu vực Đông Bắc bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 và chương trình tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. “Gói kích thích nhằm bảo đảm một chu kỳ kinh tế hiệu quả và phân bổ lợi ích của chính sách Abenomics đến mọi tầng lớp ở Nhật Bản” - hãng Reuters dẫn nội dung kế hoạch cho biết.
Ngoài kinh tế, chính phủ của ông Abe còn lo ngại mối đe dọa an ninh đến từ Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nhật hôm 26-12 cho biết nước này cùng với Mỹ và Hàn Quốc sắp đạt thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo đầu tiên, tập trung chủ yếu vào chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo thỏa thuận dự kiến được ký vào ngày 29-12, trong đó Seoul và Tokyo chỉ chia sẻ thông tin tình báo qua trung gian là Washington.
-------------------------
Siết chặt chất lượng thủy sản xuất khẩu
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa có chỉ thị về việc siết chặt chất lượng thủy sản xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu như châu Âu, Nhật Bản liên tiếp cảnh báo về chất lượng đối với mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Chỉ thị nêu rõ UBND các tỉnh có nuôi thủy sản xuất khẩu hướng dẫn, vận động người nuôi không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm; sử dụng đúng cách thuốc thú y trong danh mục được lưu hành; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo thực hiện truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và đưa ra các biện pháp khắc phục. Ngoài ra, các cơ quan này phải thành lập đoàn thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị đình chỉ sản xuất từ 3 - 6 tháng.
Theo Bộ NN-PTNT, trong thời gian gần đây, các nước nhập khẩu thủy sản liên tiếp cảnh báo các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, từ đầu năm 2014 đến nay, 2 thị trường nhập khẩu lớn là châu Âu và Nhật Bản cảnh báo có 47 lô hàng từ Việt Nam nhiễm và vượt chỉ tiêu chất cấm Nitrofurazone, Oxytetraxycline.
Phía châu Âu đề nghị Việt Nam phải có các biện pháp khắc phục khẩn cấp và thông báo lại trước ngày 9.1.2015.
------------------------