Bé 3 tuổi bị cô giáo đánh bầm dập vì… đi tiểu nhiều
Chỉ vì “tội” đi tiểu nhiều lần, một bé trai 3 tuổi đã bị cô giáo trường mầm non công lập ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đánh bầm dập.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 26-12, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn xác nhận thông tin về việc cô Nguyễn Thị Quyên, giáo viên Trường Mầm non Quy Nhơn đánh một bé 3 tuổi đang gây xôn xao dư luận là có thật.
Trước đó, chiều tối 25-12, sau khi đón con đi học ở Trường Mầm non Quy Nhơn về nhà, chị Phan Thị Hà Thu (ngụ tại địa phương) đã rất bức xúc khi phát hiện cháu Võ Anh M. (3 tuổi) bị nhiều vết bầm tím to, kéo dài từ bên này sang bên kia mông. Sau khi tìm hiểu vụ việc, chị Thu mới biết được vết tích để lại trên người con mình là do cô giáo đánh.
Theo chị Thu, người đánh con mình là cô giáo tên Quyên (chưa rõ họ), đang dạy lớp cháu M. Thời điểm bị cô đánh, M. đang bị bệnh táo bón nên thường xuyên mắc tiểu, cứ 5-10 phút cháu đi tiểu một lần. Buổi trưa cùng ngày, thấy M. liên tục đi tiểu, cô Quyên bực mình đánh cháu.
Đây không phải là lần đầu tiên bé M. bị cô giáo đánh. Trước đó, M. cũng đã nhiều lần bị cô giáo đánh, để lại vết tích trên bàn tay, cổ tay. “Nhiều lần tới đón con, thấy cô giáo đập thước đen đét vô bàn, tôi nghĩ là cô chỉ dọa các cháu thôi chứ không nghĩ là các cháu bị đánh đau như vậy. Con tôi ốm yếu, vừa đau một trận phải nghỉ học nửa tháng trời, vậy mà mới đi học lại có mấy ngày đã bị đánh như vậy. Chiều đón con về, thấy bụng cháu to, tôi đã thấy bất thường rồi. Khi đưa cháu đi tắm, thấy mông cháu như vậy, tôi chỉ còn biết chảy nước mắt. Có lẽ sau khi bị cô đánh, cháu bị bí tiểu nên bụng chướng như vậy. Hơn nữa, bị đánh từ trưa mà đến chiều tối vết tích vẫn còn rõ như vậy chứng tỏ cô giáo đánh khá mạnh tay”, chị Thu bức xúc.
Uất ức trước sự việc trên, khoảng 19 giờ cùng ngày, chị Thu đã đưa sự việc lên trang Facebook cá nhân của mình với mong muốn được chia sẻ. Chỉ sau khoảng 2 giờ đăng, bài viết của chị cùng hình ảnh cháu bé bị đánh đã khiến hàng trăm cư dân mạng phẫn nộ, bức xúc với khoảng 100 bình luận và hơn 50 lượt chia sẻ. Chị Thu cho biết thêm sau khi bài viết chị đăng vụ việc lên mạng xã hội, tối cùng ngày, cô Quyên đã đến nhà nhận lỗi và xin bỏ qua nên ngay sau đó chị đã xóa bài viết trên.
Giải thích về vụ việc, cô Quyên cho rằng vì nghĩ rằng cháu M. đòi ra nhà vệ sinh nghịch nước rồi té ngã nên đã đánh cháu bé một phát vào mông để răn đe. Khi biết mẹ cháu M. bức xúc về việc con mình bị đánh, cô Quyên cũng đã đến nhà xin lỗi mẹ cháu và gia đình.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quy Nhơn - cho biết việc cô Quyên đánh cháu M. là nhẹ, không để lại vết tích gì. “Tuy nhiên, dù gì thì hành vi đánh cháu M. của cô Quyên cũng là sai. Chúng tôi sẽ yêu cầu Cô Quyên làm bản tường trình vụ và xử lý nghiêm việc này”.
-------------------------
Cuối năm lo nạn cà thẻ giả rút tiền
Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa có văn bản cảnh báo tình trạng người Việt dùng thẻ quốc tế giả mạo, thanh toán qua các máy cà thẻ để rút tiền, nhất là dịp cuối năm
Ngày 25-12, NH Nhà nước đã có văn bản số 9626/NHNN-TT về phòng chống việc thanh toán thẻ quốc tế giả mạo. Theo cơ quan này, gần đây xảy ra vụ việc người Việt Nam đứng tên thành lập công ty, ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ với một số NH thương mại. Sau đó các đối tượng này sử dụng thẻ giả thanh toán qua máy cà thẻ (POS) để rút tiền, tư lợi cá nhân (chủ yếu là giao dịch thanh toán thẻ quốc tế).
Để chủ động ngăn ngừa, NH Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ kiểm tra, rà soát các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (tập trung vào các đơn vị hoạt động trong thời gian ngắn, 1-2 tháng), tăng cường kiểm tra giám sát các quy trình thanh toán thẻ đặc biệt là thẻ quốc tế… Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, cần chủ động phối hợp cơ quan công an để có biện pháp xác minh, xử lý và báo cáo kịp thời NH Nhà nước.
Ngoài ra, cần phân loại các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ để khoanh vùng rủi ro, chú trọng đào tạo nhân viên trong việc nhận biết, đánh giá độ tin cậy của các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ trước khi ký kết hợp đồng. Nhân viên giao dịch cần biết về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thẻ để có thể phòng ngừa, phát hiện, tố giác các dấu hiệu tội phạm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một yếu tố khiến tội phạm thẻ gia tăng là do phần lớn các loại thẻ thanh toán ở Việt Nam vẫn là thẻ từ, chỉ có một phần thẻ tín dụng là thẻ chip. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để ngăn ngừa tình trạng gian lận, giả mạo thẻ đến nay vẫn chưa triển khai cụ thể.
NH Nhà nước khuyến cáo cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang hệ thống thẻ chip với công nghệ cao phòng chống gian lận thẻ hiệu quả hơn.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chuyển mạch tài chính quốc gia (Banknetvn), thẻ chip, thẻ pin sẽ giảm thiểu tối đa gian lận thẻ. Các nước trên thế giới đã, đang tiến hành chuyển đổi thẻ NH sang thẻ chip nên Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
-------------------------
Vụ kiểm lâm Tiền Giang giải cứu gỗ lậu: Bỏ lọt tội phạm
Liên quan đến bài viết “Kiểm lâm giải cứu gỗ lậu?” mà Báo Người Lao Động ngày 16-4 đã phản ánh, ông Nguyễn Thành Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đã kết luận nội dung tố cáo Chi cục Kiểm lâm giải cứu gần 125 m3 gỗ lậu là đúng sự thật
Vụ việc làm thất thu và gây thiệt hại cho nhà nước hơn 327 triệu đồng. Dù hậu quả nghiêm trọng nhưng ông Cẩn chỉ đạo cấp dưới “kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật” chứ không chuyển sang cơ quan điều tra.
Nhiều lần giải cứu gỗ lậu
Theo kết luận do ông Cẩn ký, Chi cục Kiểm lâm Tiền Giang đã có ít nhất 3 phi vụ giải cứu gỗ lậu. Theo đó, vụ thứ nhất vào ngày 21-11-2013, Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra xe tải BKS 63C- 023.28 do tài xế Phạm Văn Thuận điều khiển, chở 35 m3 gỗ xẻ hộp nhóm III, IV. Ông Thuận xuất trình một bộ hồ sơ gồm hóa đơn và bảng kê lâm sản do một hạt kiểm lâm của tỉnh Đắk Lắk ký nhưng xác nhận cho xe BKS 63C-007.89. Theo ông Thuận, số gỗ này của bà Huỳnh Thanh Tuyền (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Qua điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang xác định: “Hồ sơ vận chuyển không phải là bộ hồ sơ của lô gỗ vận chuyển trên xe 63C-023.28”.
Khi được Công an tỉnh Tiền Giang bàn giao vụ việc, ông Nguyễn Thanh Trúc, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, đã mời công an chứng kiến, kiểm tra số gỗ thực tế trên xe là loại gì và lập biên bản, kết luận: “Có 163 hộp gỗ được kiểm tra thực tế không đúng với hồ sơ”. Tuy nhiên sau đó, chính ông Trúc lại giải cứu lô gỗ lậu này bằng cách mời 3 thợ cưa đến giám định rồi kết luận chỉ có 3,791 m3 là gỗ lậu nên tịch thu, phạt bà Tuyền 40 triệu đồng; số còn lại được “hoàn khổ chủ”. Về vụ này, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 3 thợ cưa Huỳnh Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thành, Nguyễn Bá Tòng chỉ là tài xế, lơ xe và chữ ký trong biên bản “giám định” cũng không phải của họ.
Thất thu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Trước đó, ngày 14-5-2013, Công an tỉnh Tiền Giang cũng bắt xe tải BKS 66S-6282 do tài xế Trương Thành Lợi (SN 1966, ngụ tỉnh Đồng Tháp) điểu khiển, chở 37,208 m3 gỗ bằng lăng không có hóa đơn chứng từ. Ông Lợi khai số gỗ này của ông Phạm Ngọc Tuấn. Ông Tuấn khai mua số gỗ nói trên của Công ty TNHH Sơn Đông do ông Nguyễn Trung Quyến làm giám đốc. Trong khi đó, ông Quyến chưa xác định được đây có phải là số gỗ mà bên ông xuất cho ông Tuấn hay không. Sau đó, khi xử lý theo thẩm quyền, chi cục kiểm lâm cũng lập biên bản vi phạm chỉ có 12 hộp gỗ bằng lăng (3,939 m3) và xử phạt 40 triệu đồng, số còn lại trả cho ông Tuấn.
Chưa hết, ngày 13-6-2013, Công an tỉnh Tiền Giang bắt 2 xe chở 42 m3 gỗ bằng lăng xẻ hộp. Tài xế xuất trình hóa đơn ghi ngày 14-6-2013, do cơ sở của ông Nguyễn Văn Năm (ngụ huyện Cai Lậy) bán cho bà Nguyễn Thị Lệ (ngụ thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Qua lời khai của ông Năm, công an tiếp tục phát hiện thêm 95 hộp gỗ (23,5 m3) tại cơ sở ông Năm cũng không có nguồn gốc. Sau đó, chi cục kiểm lâm được công an bàn giao và tạm giữ tổng cộng 231 hộp gỗ (66,3 m3). Tại đây, ông Năm khai toàn bộ số gỗ trên không phải của mình mà chỉ xuất hóa đơn khống cho ông Trần Văn Nhuận (ngụ huyện Cai Lậy). Tuy nhiên, sau khi công an tỉnh có văn bản chuyển hồ sơ, Kiểm lâm Tiền Giang chỉ tịch thu 12,1 m3 gỗ lậu và trình UBND tỉnh xử phạt 75 triệu đồng; 54,2 m3 gỗ lậu còn lại được trả cho ông Năm.
-------------------------
Kỷ luật phó bí thư huyện ủy quan hệ nam nữ bất chính
Sáng 26-12, ông Lê Văn Chấn - phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cho biết đã thi hành kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo đối với ông Ra Lan Ngoan, phó bí thư thường trực Huyện ủy Huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).
Theo ông Chấn, trước đó Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai nhận được đơn tố cáo của ông N.T.H, 37 tuổi, hiện đang công tác tại một đơn vị quân đội tại Gia Lai.
Ông H. làm đơn tố cáo ông Ra Lan Ngoan đã có hành vi gian díu, quan hệ bất chính với bà L.T.H.T (33 tuổi, là vợ của ông H.).
Trong đơn, ông H. trình bày rằng từ năm 2010 khi ông Ra Lan Ngoan được điều động về làm chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Đức Cơ thì bắt đầu có nhiều hành vi bất thường đối với vợ ông H. - lúc này đang là nhân viên của huyện đội.
Qua một thời gian theo dõi, tối 20-10-2014 khi ông H. xin phép cơ quan để về nhà thăm gia đình thì phát hiện vợ mình cùng ông Ra Lan Ngoan đang có dấu hiệu quan hệ bất chính trên chiếc ôtô trong một lô cao su gần nhà.
Ông H. đã cùng một số người bắt quả tang, đồng thời làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.
Ông Lê Văn Chấn cho biết ngoài việc Ủy ban Kiểm tra tiến hành xác minh các nội dung trong đơn tố cáo, đơn vị này cũng đã đề nghị Công an phối hợp điều tra.
Kết quả xác minh cho thấy 70% nội dung trong đơn tố cáo của ông N.T.H là có thật.
Mặc dù là cán bộ trong đơn vị quân đội nhưng ông Ra Lan Ngoan đã có hành vi quan hệ thiếu lành mạnh, nhắn hàng loạt tin nhắn và các cuộc gọi đến bà T. với nội dung thiếu trong sáng, ảnh hưởng đến uy tín cũng như danh dự của cán bộ đảng viên.
Về việc ông H. nói đã bắt quả tang ông Ra Lan Ngoan quan hệ với vợ ông H. trong rừng cao su, ông Chấn cho biết cơ quan chức năng không thể xác thực được sự việc này.
-------------------------