Giá đất công bố thấp hơn giá thị trường 3-4 lần
Đó là thừa nhận của UBND TPHCM tại tờ trình về bảng giá các loại đất trên địa bàn TPHCM để HĐND TPHCM xem xét, thông qua, trước khi chính thức công bố vào ngày 1/1/2015.
Theo đó, tại tờ trình nói trên, UBND TPHCM đề xuất giá đất năm 2015 trên 3.833 tuyến đường, đoạn đường. Mức giá công bố bằng khoảng 30% mức giá thị trường nhưng cao nhất không quá 2 lần. Tính chung, mức giá đất bình quân năm 2015 được đều chỉnh tăng 1,6 lần so với năm 2014.
Giá đất ở cao nhất là 162 triệu đồng/m2 ở vị trí mặt tiền các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1), bằng khoảng 1/4 giá đất thị trường do cơ quan tư vấn đã thu thập. Cụ thể: Giá đất ở cao nhất tại đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi theo giá thị trường là 590 triệu đồng/m2.
-------------------------
Đồng rúp bật dậy mạnh mẽ
Từ mức thấp nhất từ trước tới nay, giá trị đồng rúp hôm qua tăng lên mức cao nhất ba tuần qua, sau khi chính phủ Nga yêu cầu các nhà xuất khẩu bán ngoại tệ dự trữ. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các bộ trưởng không nghỉ tết năm 2015 để tập trung giải quyết bài toán kinh tế.
Tuần trước, giá trị đồng rúp rơi xuống mức thấp kỷ lục do tác động của đợt sụt giảm giá dầu, mặt hàng xương sống của nền kinh tế Nga, và nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến các công ty Nga gần như không thể vay tiền từ thị trường phương Tây.
Nhưng đồng tiền của Nga đã khôi phục giá trị sau khi chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm chặn đà giảm và hạ thấp tỷ lệ lạm phát quá cao sau nhiều năm ổn định. Những biện pháp được triển khai bao gồm tăng mạnh lãi suất, hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, kiểm soát lượng vốn không chính thức, yêu cầu các nhà xuất khẩu dầu khí lớn như Gazprom, Rosneft bán dự trữ ngoại tệ mạnh. Kênh truyền hình Nga Rossiya 24 đưa tin, Gazprom đã bán hơn 50% khoản USD dự trữ của họ.
Dù đồng rúp hồi phục mạnh, nhiều dấu hiệu căng thẳng kinh tế vẫn tồn tại. Hôm qua, ngân hàng trung ương Nga thông báo sẽ cho vay hơn 2 tỷ USD để cứu ngân hàng TRUST khỏi bờ vực phá sản. TRUST là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng tiền tệ và là ngân hàng thứ 11 được chính phủ Nga cứu trong năm nay.
Các nhà đầu tư đang lo về diễn biến giá dầu năm 2015, sau khi giá mặt hàng này mất một nửa từ tháng 6 đến nay: xuống mức khoảng 60 USD/thùng. “Nếu giá dầu xuống 50 USD/thùng, tôi không nghĩ chính quyền có khả năng duy trì giá trị đồng tiền, ngay cả khi các nhà xuất khẩu bán ra nhiều ngoại tệ hơn”, Reuters dẫn lời giám đốc (giấu tên) của một ngân hàng lớn của Nga.
Công ty dịch vụ tài chính Mỹ Standard & Poor’s, một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới, vừa thông báo họ có thể hạ mức xếp hạng tín dụng của Nga vào tháng 1 tới vì sự linh hoạt tiền tệ của nước này giảm nhanh. Ngoài ra, nguồn dự trữ vàng và ngoại hối của Nga xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tuần trước, dự trữ ngoại hối của Nga giảm từ 510 tỷ USD xuống dưới 400 tỷ USD. Theo trợ lý kinh tế Andrei Belousov của Tổng thống Putin, tỷ lệ lạm phát năm nay của Nga là 10,4%, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng.
Người Nga đặc biệt quan tâm tỷ giá hối đoái từ khi Liên Xô sụp đổ, khi đó tỷ lệ siêu lạm phát đã làm mất khoản tiền tiết kiệm nhiều năm của người dân. Những tháng gần đây, ngân hàng trung ương Nga chi nhiều tiền để hỗ trợ đồng rúp, thông qua can thiệp trực tiếp và cho các ngân hàng vay. Khoản tiền dùng để cứu ngân hàng TRUST không được lấy từ nguồn dự trữ mà được giải ngân từ tính thanh khoản của đồng rúp tại ngân hàng trung ương.
Hãng tin Nga Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm qua nói rằng, cơ quan này chuẩn bị điều chỉnh ngân sách năm 2015 trước dự báo giá dầu chỉ ở mức 60 USD/thùng và tỷ giá hối đoái ở mức 51 rúp “ăn” 1 USD. Ông Siluanov nói Nga sẽ thặng dư ngân sách liên bang vào năm 2017 nếu giá dầu được giữ ở mức 70 USD/thùng.
-------------------------
Đừng làm thuê trên sân nhà
Còn vài hôm nữa là hết năm 2014. Đến thời điểm này, có thể khẳng định 2014 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu, dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chưa thực sự lớn: khoảng 140 tỉ USD - tính đến hết 11 tháng.
Nên vui với thành tích này vì trong một thời gian dài, Việt Nam là nước nhập siêu. Nay là một quốc gia xuất siêu, Việt Nam chứng tỏ rằng sau một thời gian oằn mình bởi suy thoái, kinh tế đất nước nay đang từng bước hồi phục.
Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa thật sự trọn vẹn bởi thành tích xuất siêu chưa bền vững. Cụ thể: xuất siêu chủ yếu ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi khối doanh nghiệp nhà nước vẫn phải nhập siêu rất lớn. Nói rõ hơn, đóng góp lớn vào thành tích xuất siêu của Việt Nam là Samsung - tập đoàn Hàn Quốc đang thành công tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, hiện đã lập dự án công nghệ cao ở TP HCM; còn hầu hết các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vẫn phải nhập nguyên - phụ liệu phần nhiều từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Qua đó cho thấy nền sản xuất nội địa còn rất yếu kém, thiếu tự chủ, phụ thuộc vào bên ngoài.
Trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương dần có hiệu lực, thể trạng doanh nghiệp Việt Nam đã bộc lộ dấu hiệu xuống sức thấy rõ trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Ở những lĩnh vực có sự giao thoa kinh tế mạnh như bán lẻ và nhượng quyền thương mại…, nhiều doanh nghiệp trong nước đã sớm thúc thủ khi bán hầu hết cổ phần hoặc nhượng hẳn thương hiệu cho đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp ngoại đã lấn sân và ngày càng mạnh thêm nhờ được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định kinh tế; trong khi đó, hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam với 95% số này là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa “đánh” đã thua, chấp nhận an phận đứng ngoài cuộc chơi hoặc phải làm gia công cho “đối thủ”.
Để không phải làm thuê trên sân nhà, chúng ta cần làm chủ cuộc chơi. Làm được như vậy, nền kinh tế phải tự chủ từ một cộng đồng doanh nghiệp biết tự lực cánh sinh, giàu tinh thần tự tôn dân tộc. Hiện tư duy ấy, tinh thần ấy chưa được thể hiện rõ nét. Một khi tình trạng lệ thuộc còn duy trì, nền kinh tế của chúng ta khó có thể đi lên bằng chính đôi chân của mình.
-------------------------