Nếu không tính đến cạnh tranh và hạ giá bán sản phẩm so với thu nhập bình quân của người Việt Nam thì không chỉ có Parkson thua lỗ mà sẽ còn rất nhiều nhà bán lẻ hạng sang khác có mặt tại Việt Nam đối mặt với viễn cảnh này.
Đầu năm 2015, thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam chứng kiến sự kiện khá hy hữu khi một thương hiệu bán lẻ hạng sang ngoại có mặt tại Việt Nam từ lâu là Parkson đột ngột tuyên bố đóng cửa trung tâm mua sắm lớn nhất của mình tại Hà Nội vì thua lỗ. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó kết quả thua lỗ của Parkson có liên quan đến sự hồi phục chậm của kinh tế, thắt chặt tiêu dùng người dân, sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ mới gia nhập thị trường và cả việc nguồn cung hàng hiệu đang ngày càng đa dạng.
Tại Hà Nội, những trung tâm thương mại bán hàng đồ hiệu, hàng xa xỉ được kể đến là Parkson, Tràng Tiền Plaza, Robins hay mới đây là Lotte (Liễu Giai – Đào Tấn) hay khu vực bán hàng hiệu của tòa tháp Indochina (Cầu Giấy). Theo ghi nhận, hầu hết các trung tâm này luôn trong tình trạng vắng khách, người mua ít, trong khi người đến thăm quan, ngắm hàng hóa thì nhiều.
Giống như Parkson, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza chuyên bán các mặt hàng cao cấp, hàng hiệu. Trước đó, khi chưa về tay ông chủ Jonathan Hạnh Nguyễn, Tràng Tiền - một trung tâm thương mại biểu tượng cho Hà Nội cũng rơi vào cảnh bị người tiêu dùng lãng quên. Sau khi bỏ 400 tỷ đồng thâu tóm thành công, ông chủ mới của Tràng Tiền đã giúp trung tâm thương mại này thay đổi khá nhiều về diện mạo. Tuy nhiên, theo quan sát, lượng khách đến với Tràng Tiền cũng chỉ lác đác, người xem hàng nhiều hơn mua hàng dù Tràng Tiền có rất nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi khi trở lại.
Tương tự Lotte Mart (Liễu Giai – Đào Tấn), dù nằm tại Tòa nhà cao nhất nhì Hà Nội nhưng Trung tâm bán lẻ hàng hiệu này cũng ít thu hút được khách hàng. Ngay sau khi đi vào hoạt động đầu tháng 9/2014, những shop hàng hiệu tại trung tâm thương mại này cũng vắng hoe dù đã sử dụng rất nhiều hình thức khuyến mãi như chiết khấu, giảm giá, khuyến mãi...
Lượng khách đến Trung tâm bán lẻ đồ hiệu Robins tại Hà Nội cũng không đông như dự báo dù ông lớn Thái có chính sách cạnh tranh về giá trong lĩnh vực phân phối độc quyền hàng Thái và hàng xa xỉ thế giới vào Việt Nam.
Đặt câu hỏi về việc đa số người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị lớn có hàng hiệu ngày càng ít là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và hàng hiệu siêu sang đang dần bị lãng quên trong ưu tiên mua sắm? Một vị chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng: Nền kinh tế chưa phục hồi chỉ là một trong những nguyên nhân khiến sức mua các mặt hàng này giảm còn thực tế, tiêu dùng hàng hiệu, mặt hàng xa xỉ tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng.
“Dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn nên xu hướng mua sắm hàng xa sỉ, đồ hiệu vẫn tăng. Trong vòng mấy năm trở lại đây, lĩnh vực phân phối hàng xa sỉ, siêu sang có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phân phối như Tràng Tiền, Robins hay Lotte (Hàn Quốc)… Nếu nhu cầu giảm, người dân thắt chặt chi tiêu thì có lẽ những doanh nghiệp trên họ đã không bỏ tiền để đầu tư những quầy hàng trên”, vị chuyên gia lĩnh vực bán lẻ nhận định.
Tuy nhiên, theo lời vị chuyên gia bán lẻ nhận định hiện hàng xa xỉ, đồ hiệu được bán ở Việt Nam chủ yếu là nữ trang, quần áo, mỹ phẩm dành cho phái nữ, giới trẻ. Thị trường đang có sự cạnh tranh mạnh và có nhiều tên tuổi các nhà phân phối gia nhập thị trường phân phối hàng xa sỉ, đồ hiệu như Tràng Tiền, Robins, Lotte… khiến cho sự cạnh tranh đang ngày càng quyết liệt và toàn diện, đòi hỏi các nhà phân phối phải tính toán lại các phương pháp cạnh tranh, cả kể sự cạnh tranh về giá. Nếu không tính đến cạnh tranh và hạ giá bán sản phẩm so với thu nhập bình quân của người Việt Nam thì không chỉ có Parkson thua lỗ mà sẽ còn rất nhiều nhà bán lẻ hạng sang khác có mặt tại Việt Nam đối mặt với viễn cảnh này.
Hiện nguồn cung hàng hiệu đã trở nên đa dạng, ngày càng có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng hơn. Ngoài việc thích mua hàng hiệu qua đường xách tay, nhiều người đang chọn cách thức đi du lịch nước ngoài kết hợp mua sắm. Nếu lựa chọn mua xách tay, mua qua đường du lịch, giá có thể rẻ hơn so với mức giá bán trung bình tại các cửa hàng đồ hiệu từ vài triệu đồng.
Không chỉ đối diện với cảnh “heo hắt” người mua, giá thuê mặt bằng của các trung tâm thương mại cho các mặt hàng xa xỉ cũng thuộc lại đắt kỷ lục. Dù giá thuê mặt bằng nói chung có giảm nhưng ở những vị trí đắc địa, có khả năng PR thương hiệu tốt thì giá vẫn cao ngất ngưởng. Theo một chủ cửa hàng, giá thuê mặt bằng thương mại ở một số vị trí tòa Buiding hay Tower lớn hiện quá đắt đỏ, dao động từ 100 - 160 USD/m2. Với giá thuê đắt cộng với lượng khách giảm, chỉ có những cửa hàng có vốn lớn, trường vốn mới có thể tồn tại lâu được.
Động thái này sẽ nhắm vào nhiều mục tiêu trong “cuộc chiến” giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Vào ngày cuối cùng của năm 2014, Tổng thống Mỹ Obama đã lặng lẽ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô tồn tại ở nước này suốt 40 năm qua. Đây là động thái được ví như một phát súng nhắm vào nhiều mục tiêu trong “cuộc chiến” giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ngay sau khi xác nhận thông tin, giá dầu Brent tại thị trường London (Anh) lập tức hạ đáy chỉ còn 56,85 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường New York (Mỹ) cũng giảm còn 53,2 USD/thùng.
Chọn lựa thời cơ
Theo giới quan sát, thời gian gần đây Mỹ đã vượt qua cả Arab Saudi và Liên bang Nga để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Khi đã trở thành quốc gia sản xuất dầu số một thì Mỹ có thể tự cho mình cái quyền chi phối thị trường và hướng tới thoát khỏi sự phụ thuộc vào OPEC - khối dầu mỏ lớn nhất hành tinh đã từng làm khó cho Mỹ.
Mỹ hiện cũng là nước đầu tiên và duy nhất đang nắm bản quyền về công nghệ khai thác dầu từ đá phiến ở cấp độ thương mại. Dầu này lại không nằm trong danh mục dầu thô nên có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên tác động mạnh đến nguồn cung trong nước và không trực tiếp ảnh hưởng đến lệnh cấm xuất khẩu dầu thô đã được áp đặt từ những năm 1970.
Đây cũng là động thái tạo áp lực lên thị trường dầu mỏ cả trong và ngoài nước, trong bối cảnh cạnh tranh với OPEC và các nước trong khối này, nhất là Arab Saudi, đang chiếm thị phần lớn tại thị trường Mỹ. Mặt khác, xét về thời gian thì đây là lúc thích hợp nhất để gia tăng đòn tiến công với các đối thủ cạnh tranh, vì còn gần 6 tháng nữa OPEC mới họp lại và sản lượng khai thác đầu giảm hay không mới được định đoạt.
Giới phân tích cho rằng, ở góc độ chiến lược cạnh tranh thì Mỹ đã chọn đúng vào lúc “thiên thời - địa lợi” và có thể cả “nhân hòa” vì khả năng đồng thuận của lưỡng viện quốc hội và cử tri Mỹ là tương đối cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có sự phục hồi và tăng trưởng vững chắc.
Tận dụng lợi thế
Trong giới quan sát có ý kiến cho rằng, Mỹ chọn thời điểm cho phép xuất khẩu dầu thô trong bối cảnh giá dầu luôn phá đáy có vẻ như nghịch lý, mâu thuẫn… Nhưng thực ra không phải như vậy, vì trong cuộc chiến trên thương trường dầu mỏ thế giới, kẻ thắng sẽ thuộc về quốc gia nào có giá thành sản phẩm thấp hơn, nhất là nhờ công nghệ tiên tiến.
Trên thực tế, Mỹ đã và đang sở hữu công nghệ mới mang tính đột phá trong lĩnh vực khai thác dầu từ đá phiến, khiến giá thành dầu siêu nhẹ ở Mỹ đã giảm xuống thấp hơn nhiều so với chi phí khai thác dầu truyền thống, nên các doanh nghiệp sản xuất đã có cuộc vận động chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu. Vì thế, trong cuộc cạnh tranh lần này Mỹ đã có lợi thế hơn hẳn các nước vẫn phụ thuộc vào công nghệ truyền thống.
Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi vững chắc, giá dầu hạ còn được coi là chất xúc tác, kích thích nền kinh tế Mỹ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn. Đồng USD đang tăng giá kỷ lục khiến cho thị trường nội địa Mỹ sôi động hơn giúp cho kinh tế Mỹ có thể lấy lại vị thế là đầu tàu và là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Vì thế, giới chức Mỹ đang có kỳ vọng lớn vào những động thái có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô.
Một mũi tên nhằm nhiều đích
Động thái nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ cũng được coi là cơ hội để “tấn công” các đối thủ chính trị của Mỹ như LB Nga và Venezuela. Vì Nga là đối thủ giám chặn đà “Đông tiến” của NATO ở Ukraine, còn Venezuela là đối thủ giám đối đầu với Mỹ ở sân sau của họ. Cả hai đối thủ này nguồn thu ngân sách đều lệ thuộc lớn vào dầu mỏ và đang lâm vào suy thoái kinh tế từ cuối năm 2014.
Đây còn là cơ hội để Mỹ “phản công” đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên thị trường dầu mỏ là OPEC. Khối này đã từng cấm vận dầu mỏ đối Mỹ vào năm 1973. Trong bối cảnh thị phần toàn cầu của khối OPEC hiện chỉ còn chiến khoảng 30%, so với 50% cách đây 20 năm, do sự xuất hiện của công nghệ khai thác dầu đá phiến tại Mỹ.
Các nước trong khối OPEC (trừ Venezuela và Iran) các nước còn lại tuy không đối đầu gay gắt nhưng cũng là các nước mà nguồn thu chủ yếu là từ dầu mỏ. Trong đó có Kuwait, Qatar, Arab Saudi… vẫn đang quyết tâm bằng lượng dự trữ để dành chiến thắng trong “cuộc chiến” giá dầu lần này với các quốc gia khác, điều đó giải thích vì sao OPEC đã quyết định không cắt giảm sản lượng khai thác dầu hồi cuối năm vừa qua.
Và cuối cùng, theo giới phân tích, đây cũng là cơ hội tiếp tục sử dụng dầu làm “bản vị” cho đồng USD đã được xác lập cách đây 43 năm, khi Mỹ tuyên bố bãi bỏ việc đồng USD được bảo đảm bằng vàng.
Hiệu quả vẫn phải chờ
Theo quyết định của Tổng thống Obama, một số doanh nghiệp bắt đầu được xuất khẩu nguyên liệu thô từ tháng 8/2015 tuy ban đầu khối lượng xuất khẩu chưa lớn. Cơ quan an ninh và công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho phép một số công ty năng lượng xuất khẩu nhiên liệu gọi là dầu siêu nhẹ trong bối cảnh dự trữ dầu thô của nước này đạt kỷ lục nhờ công nghệ khai thác dầu từ đá phiến.
Quy định mới nêu rõ sau quá trình sơ chế, dầu siêu nhẹ sẽ được coi là sản phẩm hóa dầu và khi đó sẽ không chịu sự điều chỉnh của lệnh cấm xuất khẩu. Hiện đã có 20 công ty năng lượng đề nghị được BIS cấp phép xuất khẩu. Theo ước tính của viện Brookings tại Washington, năm 2015, Mỹ có thể xuất khẩu khoảng 700.000 thùng/ngày.
Paul Horsnell, chuyên gia thuộc Standard Chartered Plc của London đã nhận định: “Chúng ta sẽ thực sự được thấy giá trị của dầu đá phiến khi giá dầu giảm mạnh” - Trong tương lai không xa, có lẽ dầu diệp thạch này sẽ là cứu cánh cho việc phụ thuộc vào dầu khí của các quốc gia.
Hiện nay, tại Mỹ, lượng cầu về xăng đã giảm đi đáng kể do các loại xe hơi tiết kiệm nhiên liệu đã ra đời cùng với sự gia tăng các phương tiện giao thông công cộng. Mặc dù vậy, cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) vẫn dự báo sản lượng dầu tiêu thụ sẽ vào khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm 2015, tăng so với năm 2014.
Mặt khác, trong dài hạn thị trường đầy hứa hẹn mới đang lớn mạnh đó là Trung Quốc, có thể sẽ là yếu tố giúp cho lượng cầu dầu mỏ thế giới tăng trở lại ở mức ổn định, nhất là khi Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thì nước này có thể thay chân Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Vì thế, giới phân tích cho rằng, hiệu quả của động thái “ra đòn” cạnh tranh dầu mỏ toàn cầu của Mỹ vẫn còn đang ở phía trước./.
------------------------
Giá dầu giảm mạnh, tăng trưởng GDP 2015 có đáng lo ngại?
Theo HSBC, cấu trúc ngành xuất khẩu Việt Nam đã có sự chuyển đổi. Nếu như năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại chỉ là 0% thì đến năm 2014, dầu thô chỉ chiếm 4,8% trong khi điện thoại di động là 16,1%.
Tại báo cáo vĩ mô tháng 1/2015 vừa được HSBC công bố, tổ chức này cho rằng, nếu chỉ nhìn thoáng qua, năm nay có thể được đánh giá sẽ là một năm khó khăn khi Việt Nam là quốc gia chú trọng xuất khẩu nhưng nhu cầu toàn cầu lại đang chậm lại.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm sẽ làm hạn chế nguồn thu ngân sách quan trọng và thu nhập xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhu cầu trong nước mặc dù đã có sự cải thiện một cách chậm chạp, vẫn bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ xấu cao của ngành ngân hàng và sự bảo thủ của lĩnh vực tư nhân.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn thì nền kinh tế sẽ đạt mức tăng mạnh trong năm 2015. Dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ tăng 6,1% so với mức 6% trong năm 2014.
Mặc dù nhu cầu thấp và giá cả hàng hóa yếu chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu nguyên vật liệu thô của Việt Nam, tuy nhiên, nền kinh tế và cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ngày càng đa dạng hơn - ít phụ thuộc vào các mặt hàng nguyên liệu thô mà phụ thuộc nhiều hơn vào ngành sản xuất.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC trong tháng 12 đã tăng lên 52,7 điểm so với mức 52,1 điểm trong tháng 11, tương ứng với mức tăng trưởng GDP trong quý IV/2014 đạt mức 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của HSBC thì việc tăng khả năng cạnh tranh chi phí lao động tương đối là nguyên nhân chính. Trong năm 2014, nền kinh tế đã thu hút 12,4 tỷ USD của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân và 20,2 tỷ USD của nguồn vốn đăng ký FDI. Hầu hết các hoạt động đầu tư đều đổ vào ngành sản xuất giúp chuyển đổi cấu trúc ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu như năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại chỉ là 0% thì đến năm 2014, các lô hàng dầu thô đã giảm chỉ còn 4,8% trong khi điện thoại di động đã tăng lên 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. HSBC hy vọng, giá trị xuất khẩu sẽ tăng 12% trong năm 2015.
Dù vậy, chi phí lao động rẻ vẫn chỉ là một lợi điểm, trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng mới là yếu tố quan trọng. Việt Nam đang cải thiện mạng lưới kết nối của mình với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị để xây dựng đường giao thông và mở rộng các thỏa thuận hợp tác thương mại tự do. Điều này sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và có tác động lan tỏa tích cực đến các ngành công nghiệp khác như giao thông vận tải.
Ba lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong năm 2014 là: khí đốt và điện (tăng 12,1%), thông tin và truyền thông (tăng 9,1%), và sản xuất (tăng 8,5%).
HSBC cũng chi ra rằng, bên cạnh những ưu điểm trên, kinh tế Việt Nam 2015 vẫn sẽ còn phải đối mặt với những thách thức chính yếu bao gồm nợ xấu và thiếu hụt nguồn lực lao động có kỹ năng.
Giá cả hàng hoá thấp hơn sẽ là cú sốc nguồn cung tích cực đối với nền kinh tế đang ngày càng công nhiệp hoá. Nhu cầu từ Mỹ tăng cao và và việc tham gia vào các hiệp ước thương mại cũng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thâm hụt tài chính của Việt Nam sẽ phải chịu chi phí của giá dầu ngày càng hạ thấp. Chính vì vậy, HSBC dự đoán thâm hụt tài chính vào khoảng 6% trên GDP, cao hơn so với mục tiêu 5% của Chính phủ cho năm 2015.
--------------------------
Mỹ "hoan hỉ" vì giá dầu giảm
Nhà Trắng cho rằng giá năng lượng giảm mạnh “có lợi cho nền kinh tế Mỹ”.
Phát biểu hôm 6/1, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: “Tác động của hiện tượng giá năng lượng sụt giảm là có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Giá dầu giảm là một “minh chứng cho sự thành công” của các chính sách mà Mỹ theo đuổi nhiều năm qua nhằm tăng sản lượng dầu và khí đốt trong nước và tăng mức hiệu quả trong sử dụng nhiên liệu”.
Tuy nhiên, ông Josh Earnest cho hay ông “rất do dự khi đưa ra bất cứ kết luận nào” về hậu quả kinh tế trong việc sụt giảm cổ phiếu ngành năng lượng.
Ngày 5/1, giá dầu thô Mỹ giảm xuống còn 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ ngày 29/4/2009. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Giá xăng trung bình ở Mỹ đã giảm xuống dưới 2 USD/gallon, thúc đẩy doanh số bán xe trong những tháng gần đây.
Theo dự báo của một số chuyên gia, giá dầu có thể sẽ tiếp tục giảm trong vài tuần tới và sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư tại Mỹ. Mặc dù về cơ bản, đà lao dốc của giá dầu đang thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình nhưng lại hạn chế đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị vốn. Một số nhà phân tích còn bày tỏ quan ngại về việc mất công ăn việc làm ở các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Mỹ.
------------------------