Y án 10 năm tù cho kẻ giả danh nhà báo lừa đảo
Ngày 6/1, TAND TP Cần Thơ đã xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm bị cáo Giang Hoàng Phước (53 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) mức án 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù giam.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 18/12/2013, bị cáo Phước lấy danh nghĩa phóng viên tạp chí Tài chính Thuế gọi điện cho một doanh nghiệp tại có trụ sở tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ) nhờ hỗ trợ làm báo xuân và nhận 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Phước đưa phiếu thu tiền, doanh nghiệp nghi phiếu giả nên báo cho lực lượng An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ.
Quá trình điều tra, Phước thừa nhận trước đây là phóng viên của một tờ báo có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh nhưng do vi phạm nên bị kỷ luật và thu hồi thẻ nhà báo. Trong lúc chờ cơ quan xử lý, Phước sử dụng các mẫu giấy công lệnh, giới thiệu, phiếu thu, biểu giá thông tin tuyên truyền… của Tạp chí Thuế và nhờ Huỳnh Thanh Giang (31 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) làm giả các loại giấy tờ trên.
Khi có những tờ giấy làm giả này, Phước sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn đến các các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp và Sóc Trăng kêu gọi ủng hộ cho Tạp chí Thuế nhằm mục đích chiếm đoạt tiền để tiêu xài cá nhân.
Bằng thủ đoạn trên, Phước đã lừa đảo gần 50 công ty, doanh nghiệp và chiếm đoạt số tiền trên 100 triệu đồng. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm Phước bị tuyên phạt 10 năm tù về 2 tội trên, Giang 9 tháng tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
-------------------------
Gần Tết, coi chừng bị trộm
Công an nhiều quận, huyện ở TP HCM in thư ngỏ gửi các hộ dân thông báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và khuyến cáo cảnh giác trước tình trạng trộm cắp
Theo báo cáo của Công an TP HCM, năm 2014 đã xảy ra 6.381 vụ án hình sự. Trong đó, trộm cắp tài sản gia tăng và chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Chỉ riêng đợt cao điểm trấn áp tội phạm hoạt động có tổ chức (từ ngày 1-10 đến 15-12-2014), công an đã phá 455 vụ, bắt 526 đối tượng.
Trộm cắp không chừa ai
Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 1-1, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, lái ô tô từ trung tâm TP ra hướng Đồng Nai. Khi đến trạm xăng dầu Phương Mai trên xa lộ Hà Nội (phường Phước Long A, quận 9), ông Lịch ghé vào đổ xăng. Trong lúc ông vòng ra sau xe mở nắp xăng thì Phan Thành Đô (SN 1994) và Đinh Minh Quang (SN 1993, cùng ngụ quận 9) điều khiển xe máy áp sát ô tô của ông Lịch, trộm một túi xách bên trong có 50 triệu đồng cùng một số giấy tờ rồi tẩu thoát. Qua mô tả nhận dạng từ các nhân chứng, đến 14 giờ cùng ngày, trinh sát Công an quận 9 đã bắt được Đô, sau đó Quang cũng ra đầu thú.
Mới đây, lúc 8 giờ 10 phút ngày 3-1, anh Nguyễn Xuân Trường (SN 1974; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) điều khiển xe máy trên đường Phan Đình Phùng (hướng từ cầu Kiệu ra ngã tư Phú Nhuận). Khi đến ngã ba Phan Đình Phùng - Huỳnh Văn Bánh (phường 1, quận Phú Nhuận), do phía trước đèn đỏ nên anh Trường chạy chậm lại. Bất ngờ, một đối tượng điều khiển xe máy áp sát dùng chân đạp vào bộ phận gác chân bên trái của xe anh Trường. Do bị tác động, anh Trường quay lại nhìn thì bên phải xuất hiện 2 đối tượng đi chung xe áp sát, chỉ trong chớp mắt chúng móc túi quần anh Trường lấy 2.100 USD, gần 5 triệu đồng cùng giấy tờ tùy thân rồi bỏ chạy khi nạn nhân chưa kịp biết điều gì xảy ra!
Một buổi chiều cuối tháng 11-2014, chị B.T.N.D (phóng viên một tờ báo ở TP HCM) điều khiển xe máy trên Quốc lộ 1 (hướng từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức về ngã tư Bình Phước). Khi chị D. vừa rẽ theo bùng binh vào Quốc lộ 13 thì bị 1 đối tượng điều khiển xe máy áp sát đạp ngã. Trong lúc chị D. chưa kịp định thần thì xuất hiện 2 tên khác đi chung xe máy áp sát bên phải, giật giỏ xách (bên trong có giấy tờ tùy thân, 5 triệu đồng và máy tính bảng) rồi tẩu thoát. Điều đáng nói, tất cả những vụ trộm cắp trên đều diễn ra giữa nơi đông người.
“Nhập nha” gia tăng
Theo một lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP HCM, các khu vực tập trung dân cư có thu nhập cao thường được bọn trộm chọn làm nơi gây án. Ở những nơi này, hầu như nhà nào biết nhà đó, nhiều người khi đi xa mà vẫn không nhờ hàng xóm trông nhà giúp. Trong khi đó, bọn trộm là những băng nhóm chuyên nghiệp, thủ đoạn và phương thức của chúng rất tinh vi, khép kín từ lúc gây án đến khâu tiêu thụ tài sản.
Điển hình là băng nhóm do Nguyễn Văn Đông (tức Tân “đầu gà”, SN 1971) cầm đầu gây ra 20 vụ đột nhập nhà dân trộm tài sản, bị triệt phá vào đầu tháng 8-2014. Băng này phá được mọi loại khóa cửa. Khi bị bắt, chúng khai nhận có đêm trộm 1 nhà đến 2 lần hoặc 1 đêm bẻ khóa 2 nhà ở phường 2, quận Tân Bình để trộm… 3 xe máy. Tất cả xe trộm cắp được, chúng mang qua Campuchia tiêu thụ. Hay vụ trộm hơn 200 triệu đồng xảy ra vào ngày 15-12-2014 tại khu dân cư Thế Kỷ 21 (phường Bình Trưng Tây, quận 2). Dù căn nhà thiết kế kín cổng cao tường, gần đó là chốt dân phòng nhưng do xung quanh khá vắng nên bọn trộm đột nhập lấy hơn 200 triệu đồng. Thậm chí, một chi nhánh ngân hàng ở đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp có bảo vệ túc trực 24/24 giờ, có camera quan sát nhưng vẫn bị trộm đột nhập lấy 3 xe máy vào rạng sáng 4-11-2014.
Để người dân tự bảo quản tài sản của mình, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, Công an quận 6 đã in thư ngỏ gửi đến từng hộ dân. Theo đó, thủ đoạn của bọn trộm cắp là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp, trường học hoặc người dân; lợi dụng đêm khuya, khi mọi người ngủ say, người dân về quê ăn Tết hoặc đi chơi lễ dài ngày, nhà không người trông coi để cắt khóa, đột nhập trộm tài sản. “Người dân không nên để tiền, vàng số lượng lớn trong nhà; phải khóa cửa cẩn thận trước khi đi ngủ; khi đi xa nên nhờ người thân hoặc hàng xóm trông nhà giúp. Nếu có điều kiện thì trong nhà nên gắn camera; xe máy cần trang bị thêm khóa phụ, khóa đĩa… Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cần tăng cường tuần tra, bảo vệ và trang bị thêm hệ thống camera quan sát” - một lãnh đạo Công an quận 6 khuyến cáo.
-------------------------
Tòa không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự
Một trong 10 nội dung đáng chú ý của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân là Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng.
Tại Lễ công bố kế hoạch của Chính phủ chiều nay 5.1, về việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho biết, dự thảo sẽ được lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, qua tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân diễn ra từ nay đến ngày 5.4.2015. Sau thời điểm này, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp tục góp ý bằng văn bản gửi qua đường bưu điện hoặc thư điện tử về Bộ Tư pháp trước ngày 20.9.2015. Theo ông Kiều Đình Thụ, người dân gửi góp ý qua đường bưu điện sẽ không phải dán tem.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thông tin thêm: dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 26 chương, 712 điều. So với Bộ luật dân sự hiện hành, dự thảo sửa đổi giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều. "Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự lần này được xác định là cơ bản và toàn diện”, ông Cường nói.
Theo kế hoạch của Chính phủ, 10 nội dung trọng tâm xin ý kiến nhân dân, trong đó có nội dung: Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền sân sự. Theo đó, Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng. Trong trường hợp này, tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét giải quyết.
Nội dung đáng chú ý khác được đưa ra lấy ý kiến nhân dân là quy định các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ luật dân sự (sửa đổi) có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật, vì vậy Chính phủ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của toàn thể nhân dân. "Các ngành chức năng phải tổng hợp chính xác, đầy đủ ý kiến của nhân dân, việc tiếp thu giải trình phải được thực hiện công khai, minh bạch”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
-------------------------
Bắt thêm hai nghi can trong vụ Thanh tra giao thông ‘làm luật’
Liên quan đến vụ Thanh tra giao thông - Sở GTVT tỉnh Đắk Nông nhận hối lộ để bảo kê cho xe quá tải qua trạm cân trên QL14 xảy ra vào đầu tháng 9/2014, ngày 6/1, Đại tá Lương Ngọc Lếp, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 đối tượng để điều tra về tội đưa hối lộ.
Theo đó, hai đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Xuân Trung (45 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột, quản lý cây xăng tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil), nơi đặt Trạm cân lưu động số 56 và Nguyễn Trọng Toàn (50 tuổi, chủ một doanh nghiệp vận tải tại quận 9, TP Hồ Chí Minh).
Như Báo CAND đã có tin, bài phản ánh, vào giữa năm 2013, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông nhận được nhiều đơn thư tố cáo của người dân cũng như một số chủ doanh nghiệp vận tải về việc một số cán bộ Thanh tra - Sở GTVT tỉnh làm nhiệm vụ tại Trạm cân lưu động số 56 có hành vi nhũng nhiễu, vòi tiền.
Sau khi tiếp nhận đơn thư, Công an tỉnh Đắk Nông đã xác lập chuyên án đấu tranh, đến ngày 6/7/2014, lực lượng Công an tỉnh đã bắt quả tang 3 cán bộ thanh tra của Sở GTVT gồm: ông Nguyễn Thành An, Hoàng Trung Huấn và Lê Thế Hoàng đang có hành vi nhận hối lộ của một số lái xe chở cát quá trọng tải chạy trên tuyến tỉnh lộ 4.
Tuy nhiên, sau khi vụ việc trên được phát hiện, một số cán bộ thanh tra giao thông không lấy đó làm bài học mà tiếp tục vi phạm. Cụ thể như khi làm nhiệm vụ trên tuyến tỉnh lộ 4, một số cán bộ của thanh tra giao thông đã tìm cách “làm luật” đối với tài xế xe tải bằng cách buộc họ phải “chung chi” trực tiếp số tiền từ 50.000-200.000 đồng/chuyến xe quá tải. Ngoài ra, họ cũng “làm luật” đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải khác với hình thức đóng tiền “hụi chết” hằng tháng.
Từ những chứng cứ thu thập được, ngày 9/10/2014, Công an tỉnh Đắk Nông đã triệu tập 3 cán bộ giao thông gồm ông: Lê Đình Trọng (40 tuổi, Phó chánh thanh tra Sở GT-VT tỉnh Đắk Nông, Trạm trưởng Trạm cân lưu động số 56), Nguyễn Tấn Mẫn (38 tuổi, Phó trạm trưởng Trạm cân lưu động số 56) và ông Nguyễn Quang Khải (Đội phó Đội Thanh tra giao thông tỉnh Đắk Nông) lên trụ sở công an làm việc.
Tại đây, ông Mẫn đã khai nhận hành vi nhận tiền của một số doanh nghiệp để cho xe quá tải vượt trạm. Tuy nhiên, đến khoảng 17h cùng ngày, ông Mẫn xin phép điều tra viên ra ngoài rồi bất ngờ nhảy từ lầu 2 xuống đất tự tử. Riêng ông Trọng đã bị khởi tố, bắt tạm giam ngay sau đó.
Liên quan đến hành vi đưa hối lộ, theo hồ sơ cơ quan điều tra thu thập được, trong ngày 1/4/2014, một chủ phương tiện tên là Phạm Hồng Thái (trú tại TP Hồ Chí Minh) đã chuyển cho ông Lê Đình Trọng, Phó Chánh Thanh tra, Trạm trưởng trạm cân với số tiền 5 triệu đồng thông qua tài khoản của ông Trọng mở tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh thị xã Gia Nghĩa. Tương tự, đến ngày 15/5/2014, một chủ phương tiện khác có tên Nguyễn Trọng Toàn (cũng trú tại TP Hồ Chí Minh) lại chuyển cho ông Trọng 15 triệu đồng để hối lộ với nội dung “Thanh toán tiền luật trên đường”…
“Đây là vụ án đưa và nhận hối lộ gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Vì vậy, việc điều tra sẽ được cơ quan Công an làm cương quyết, công minh và sẽ xử lý đến cùng cho dù bất kỳ người đó là ai”, Đại tá Lếp khẳng định.
-------------------------