Trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới có giá trị 1.000 tỷ USD, một điều dường như là không tưởng đối với một công ty mà cách đây 17 năm đã từng đứng bên bờ vực phá sản như Apple Inc (Mỹ) thì nay lại là mục tiêu nằm trong tầm tay.
Vào ngày 25/11/2014, mức vốn hóa thị trường của công ty sản xuất máy tính và thiết bị di động này đã lên tới khoảng 750 tỷ USD , trở thành doanh nghiệp đầu tiên có tên trong chỉ số chứng khoán tổng hợp S&P 500 của thị trường Phố Wall đạt mức vốn hóa trên 700 tỷ USD.
Với cố “thuyền trưởng” Steven Jobs, hành trình phát triển của Apple đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm song bí quyết để có được thành công của ngày hôm nay chính là sự thay đổi mô hình kinh doanh hợp lý, nắm bắt kịp thời và đón đầu xu hướng vận động của thị trường.
Cuối thập niên 1990, Apple đã nhanh chóng nhận thấy mô hình tự thiết kế cả phần cứng lẫn phần mềm cho các sản phẩm máy tính cá nhân đã không còn phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn nên bắt đầu chuyển hướng tung ra một loạt sản phẩm và dịch vụ mới, qua đó định hình lại mô hình kinh doanh.
Các dòng sản phẩm công nghệ cao như máy nghe nhạc số iPod, cửa hàng âm nhạc trực tuyến iTunes, điện thoại thông minh iPhone hay máy tính bảng iPad... đã giúp Apple từ vị thế một doanh nghiệp chỉ chuyên sản xuất máy tính cá nhân trở thành một trong những ông lớn trong lĩnh vực số toàn cầu hiện nay.
Cần nhớ rằng Apple không phải doanh nghiệp đầu tiên bán dòng thiết bị nghe nhạc số trên thị trường khi trước đó, hai công ty Diamond Multimedia và Besta Data cũng tung ra các sản phẩm tương tự vào các năm 1998 và 2000.
Công nghệ tốt kết hợp một mẫu thiết kế thời trang cùng với một mô hình kinh doanh hiệu quả chính là câu trả lời . Theo các chuyên gia trong ngành, Apple là một ví dụ điển hình về sự kết hợp hoàn hảo của phát triển phần mềm, sản xuất phần cứng và bán lẻ. Sự kết hợp này tạo nên những sản phẩm chất lượng đồng nhất dành cho mọi đối tượng phân khúc khách hàng, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu và thu hút lượng lớn khách hàng trung thành cho Apple.
Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group nhận định, sự thay đổi mô hình hoạt động mang tính bước ngoặt nói trên của Apple không chỉ diễn ra ở cấp độ sản phẩm, mà còn hướng tới vị trí dẫn đầu thị trường sản phẩm tiêu dùng hoàn toàn mới, có giá trị lớn gấp nhiều lần thị trường máy tính cá nhân vào thời điểm đó.
Ngoài việc cung cấp các thiết bị công nghệ hiện đại, Apple còn có những dịch vụ kèm theo như kho nhạc số iTunes dành cho iPod hay bộ sưu tập ứng dụng App Store dành cho iPhone và iPad nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, mang lại sự thuận tiện tối đa và trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng.
Từng phải chịu “lép vế” trước đối thủ Microsoft trên thị trường máy tính cá nhân, Apple đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi tung ra máy nghe nhạc iPod, điện thoại thông minh iPhone và máy tính bảng iPad, mở ra trào lưu mới cho thị trường công nghệ số.
Theo chuyên gia Tim Bajarin chuyên theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp kỹ thuật số hàng đầu thế giới của tạp chí Time, 6 nguyên tắc quan trọng giúp Apple có được thành công trên là: 1. Với bất kỳ sản phẩm nào, bản thân người chế tạo phải muốn sở hữu trước tiên; 2. Sản phẩm dễ sử dụng; 3. Đơn giản hóa mọi thứ; 4. Dịch vụ khách hàng và trải nghiệm tuyệt hảo; 5. Chỉ chế tạo các sản phẩm trội hơn đối thủ;6. Đi trước đối thủ ít nhất hai năm.
Theo số liệu thống kê mới nhất, doanh thu của Apple trong quý IV tài khóa 2014 (kết thúc vào ngày 30/9/2014) đạt 42,1 tỷ USD. Với kết quả tích cực này, Apple dự kiến doanh thu của hãng trong quý I của tài khóa 2015 (kết thúc vào ngày 31/12/2014) thậm chí còn “đỉnh” hơn, khi có thể lên tới 63,5-66,5 tỷ USD./.
Để tạo ra vỏ bọc kinh doanh, đại gia Nguyễn Thị Thu Sương – GĐ Công ty An Khang đã lập hồ sơ khống, tạo chứng cứ giả thế chấp và đưa hàng loạt ngân hàng ra hầu tòa.
Ngày 15/1, TAND TP.Cần Thơ mở phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty An Khang, KCN Trà Nóc II, (Q.Ô Môn, Cần Thơ).
Cùng với đại gia Sương, 8 cán bộ chủ chốt của chi nhánh 2 ngân hàng VDB khu vực Cần Thơ – Hậu Giang và Vietinbank phải hầu tòa với tội danh: “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kê khống hàng tồn kho
Cáo trạng thể hiện, từ tháng 8/2010, Nguyễn Thị Thu Sương là giám đốc đại diện Công ty An Khang ký kết hợp đồng tín dụng với chi nhánh Ngân hàng Đông Nam Á với hạn mức vay 30 tỷ đồng, trong đó 15 tỷ cho vay tương ứng 50% số lượng hàng tồn kho.
Sau nhiều lần thế chấp bằng bất động sản, ngày 5/1/2014, Sương ký hợp đồng tồn kho là cá fillet và chả cá theo hình thức lưu chuyển tồn kho với tổng giá trị là 31 tỷ đồng.
Vậy nhưng, thực tế hàng tồn kho của Công ty An Khang thời điểm này chỉ có 119.416,1 kg (tương đương 6,5 tỷ đồng). Nếu dùng số lượng thực tế hàng tồn kho này, Sương chỉ vay được khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Để vay được số tiền lớn, dễ dàng qua mặt cán bộ ngân hàng, Sương đã chỉ đạo Nguyễn Tuấn Anh lập khống hàng tồn kho cùng một số nhân viên khác. Khi hồ sơ hàng tồn kho được kê khống lên đến gần 32 tỷ đồng, Sương chủ động làm giả hợp đồng mua bán cá với số lượng lớn lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Hoàn tất hồ sơ, phía Ngân hàng Đông Nam Á chấp thuận ký thế chấp hàng tồn kho là 31 tỷ đồng và giải ngân gần 15 tỷ đồng cho Công ty An Khang.
Công ty An Khang còn áp dụng chiêu thức trên đối với chi nhánh Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam để vay hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, doanh này còn lợi dụng những người nông dân nuôi cá chân chất, lập khống hồ sơ mua cá nguyên liệu lên đến 18 tỷ đồng để thế chấp ngân hàng.
Riêng với chi nhánh Ngân hàng An Bình, Công ty An Khang đã làm giả các bộ chứng từ chiết khấu để lừa đảo số tiền gần 5 tỷ đồng.
Tổng số tiền Công ty An Khang chưa thể giải ngân ở 3 ngân hàng kể trên là gần 30 tỷ đồng. Vậy nhưng, các cán bộ ngân hàng chi nhanh nói trên “may mắn” không bị truy tố trước pháp luật.
Cán bộ 2 ngân hàng nếm ‘trái đắng’
Có 8 cán bộ chi nhánh Ngân hàng VDB Cần Thơ – Hậu Giang và chi nhánh Vietinbank khu vực Trà Nóc (TP.Cần Thơ) phải hầu tòa vì hệ lụy cho vay đối với Công ty An Khang.
Từ năm 2010, để vay tiền của Vietinbank, khi không còn tài sản thế chấp, Nguyễn Thị Thu Sương lập khống hồ sơ xin cấp giới hạn tín dụng từ 50 tỷ lên đến 160 tỷ đồng vào tháng 2/2011.
Sau khi được cấp gia hạn tín dụng, Công ty An Khang đã lợi dụng việc thẩm tra hồ sơ vay thiếu hiệu quả của Vietinbank và chủ trương Ngân hàng quy định đối với hồ sơ vay chiết khấu chứng từ xuất khẩu, khách hàng vay được nộp trước bản vận đơn là bản photocopy hoặc Fax và bổ sung bản gốc sau 10 ngày.
Chính ngân hàng cho nợ bản gốc 10 ngày, Sương bắt đầu làm giả chứng từ, cụ thể: Sử dụng nội dung hợp đồng xuất khẩu có thật trước đó, cắt dán chữ ký đối tác nước ngoài, ngày tháng, năm, số lượng, giá cả hàng hóa để làm hợp đồng xuất khẩu giả…
Chỉ trong thời gian từ tháng 3 đến giữa tháng 6/2011, Sương đã làm giả 44 chứng từ xuất khẩu giả, số tiền chiết khấu gần 6,5 triệu USD (tương đương 128 tỷ đồng). Hiện tại Sương đã thanh toán hơn 2 triệu USD, còn chiếm đoạn trên 4 triệu USD (khoảng 87 tỷ đồng).
Còn tại chi nhánh VDB, Công ty An Khang có quan hệ vay vốn tín dụng từ năm 2008. Cũng từ năm 2010, việc kinh doanh không hiệu quả, Sương đã lập kế hoạch làm giả hồ sơ vay tiền VDB.
Cụ thể, Sương soạn thảo hợp đồng mua bán cá nhờ Hồ Thanh Bình (chồng Sương); Nguyễn Văn Thuận (anh họ); Hồ Tuấn Vũ (em chồng) đứng tên và mở tài khoản của bên bán cá nguyên liệu cho Công ty An Khang.
Bên cạnh đó, Sương còn chỉ huy kế toán làm giả bảng định mức chi phí nguyên liệu, thông tin hợp đồng xuất khẩu…
Lập xong hồ sơ, Sương liên hệ Ngân hàng VDB làm sẵn các hợp đồng tín dụng cùng với hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng cầm cố tiền gửi, đăng ký giao dịch đảm bảo, bảng kê rút vốn vay kiêm khế ước nhận nợ đưa về nhà cho Nguyễn Hồng Quân (cha đẻ) ký.
Đến thời gian cung cấp các chứng từ xuất khẩu, thanh toán hợp đồng, Sương làm giả giấy tờ thỏa thuận giữa Công ty An Khang và đối tác nước ngoài gia hạn thời gian cung cấp chứng từ cho ngân hàng nhằm kéo dài thời gian trả nợ.
Với thời gian từ tháng 11/2010 đến 5/2011, Sương đã lập khống 7 hợp đồng khống để giải ngân gần 119 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng cho biết, hai cha con ông Nguyễn Hồng Quân đã khấu trừ tiền ký quỹ 15% và bất động sản thế chấp hoàn trả số tiền gần 44 tỷ đồng cho VDB. Vậy nhưng, số nợ còn lại đang trên 75 tỷ đồng.
Tổng số tiền Công ty An Khang chiếm đoạt lên đến trên 105 tỷ đồng và gần 4,4 triệu USD.
-----------------------------
Chuyên gia: Giá vàng sẽ khởi sắc trong năm 2015
Đà tăng mạnh của giá vàng từ đầu năm tới nay khiến một số chuyên gia tin rằng năm 2015 sẽ là một năm khởi sắc của giá vàng, đảo ngược xu hướng giảm trong hai năm 2013 và 2014.
Hãng tin CNBC cho biết, thành quả tăng giá của vàng trong nửa đầu tháng 1 cho thấy sự khởi đầu năm mới tốt nhất của kim loại quý này từ năm 2008. Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Michael Dudas, một nhà phân tích nổi tiếng thuộc công ty Sterne Agee, nói rằng, các nhà đầu tư yêu thích vàng có thể sẽ có một năm 2015 khả quan.
Ông Dudas nhận định, trong năm nay, giá vàng sẽ hưởng lợi từ nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm làm giảm tỷ giá đồng nội tệ.
Phiên giao dịch ngày 15/1, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng gần 3%, lên mức cao nhất trong 4 tháng, sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) khiến thị trường tài chính toàn cầu bất ngờ bằng động thái dỡ bỏ mức trần tỷ giá giữa đồng Franc Thụy Sỹ với đồng Euro.
Động thái này của SNB diễn ra đúng 1 tuần trước cuộc họp chính sách tiền tệ được chờ đợi của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, có thể SNB lường trước khả năng ECB sẽ tung ra một gói nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ để chống giảm phát. Nếu ECB bơm mạnh tiền vào nền kinh tế khu vực Eurozone, SNB sẽ khó lòng bảo vệ được mức trần tỷ giá 1,2 Franc đổi 1 Euro đã duy trì suốt 3 năm qua.
Vào tháng 9/2011, SNB đưa ra mức trần tỷ giá này nhằm ngăn không cho đồng Franc tăng giá cao hơn gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.
Trong vòng nửa tháng đầu năm, giá vàng đã tăng hơn 6%.
“Các ngân hàng trung ương đều đang tìm cách đẩy tỷ giá đồng nội tệ đi xuống. Điều này có lợi cho giá vàng”, ông Dudas nhận định.
Để ngăn chặn vòng xoáy đi xuống của giá cả và nhằm hồi phục tăng trưởng kinh tế, ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thời gian qua đều đã nỗ lực làm suy yếu tỷ giá đồng nội tệ. Một “tác dụng phụ” chính sách này là đồng USD mạnh lên, nhưng giá vàng cũng tăng theo. Điều này trái ngược với quy luật thường thấy là giá vàng giảm khi tỷ giá đồng USD tăng, và ngược lại.
Mới đây, đồng Yên đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với USD trong 6 năm, còn tỷ giá đồng Euro đã lao dốc xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2003.
Kể từ mức đáy thiết lập vào hôm 6/11/2014, giá vàng tính bằng đồng USD đến nay đã tăng 10%. Giá vàng tính bằng các đồng tiền khác thậm chí còn tăng mạnh hơn. “Giá vàng tính bằng đồng Euro đang ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2013”, ông Dudas cho biết.
Theo chuyên gia này, ếu trong cuộc họp vào thứ Năm tuần tới, ECB công bố một gói kích thích lớn, thì giá vàng có thể sẽ còn tăng cao hơn.
Ngoài ra, giá vàng còn đang hưởng lợi từ sự biến động mạnh đang diễn ra trên thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số VIX đo lường sự biến động của thị trường đã tăng mạnh, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến với những kênh đầu tư an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng.
Trong bối cảnh này, chuyên gia Dudas tin rằng giá vàng có thể tăng thêm 11% trong thời gian từ nay đến cuối năm. “Chúng tôi tin là giá vàng sẽ lên 1.400 USD/oz vào cuối năm nay”, ông Dudas phát biểu.
-----------------------------