Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chỉ rõ hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm: xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân. Đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu trong chương trình truyền hình "Đối thoại và Chính sách" của VTV1 tối 14/1 với chủ đề "Đối phó với thông tin nguy hại".
Chiến tranh thông tin truyền thông
Câu hỏi đặt ra là những thông tin sai lệch, bịa đặt, thông tin xấu có tác động thế nào đến đời sống xã hội và các cơ quan quản lý làm gì để ngăn chặn những trang mạng có nội dung nguy hại. Cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao cho hay đang có nguy cơ chiến tranh thông tin trên mạng. Những thông tin xấu, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ lan truyền trên mạng đang bộc lộ mặt trái vô cùng nguy hiểm. Việc kiểm soát các thông tin này khó vì không có thông tin chính thống.
Đề cập mức độ tấn công, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay Internet và các trang mạng xã hội phát triển mạnh. Do đặc thù của Internet và các trang mạng xã hội nên các thế lực thù địch cũng như kẻ xấu đã lợi dụng để tấn công vào nước ta bằng nhiều chiêu bài khác nhau.
Theo Thứ trưởng, hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm - xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết, tạo sự ngờ vực trong xã hội.
"Có thể gọi chung đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước. Như ở Anh tội phạm này bị xếp ngang hàng tội phạm tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân..." - ông nói.
Ông chỉ rõ mục đích của tội phạm là chống phá Đảng, Nhà nước VN cùng lãnh đạo các cấp.
Một điều bịa đặt khó tin, bằng phương pháp tuyên truyền khôn ngoan, dai dẳng, sẽ làm cho quần chúng tin rằng tin rằng thiên đường là địa ngục, địa ngục là thiên đường. Thậm chí Hitler từng có một kỹ thuật đó là sử dụng chiêu nói dối vụ lớn với dân chúng.
Thông thường người ta chỉ dám nói dối vụ nhỏ, nhưng với công chúng, khi tiếp cận vụ nhỏ thì họ không tin nhưng khi tiếp cận vụ lớn lại tin. Bởi họ tin rằng không ai có thể trơ tráo nói dối vụ lớn, nên càng vụ lớn sẽ càng tin.
Hàng trăm trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài có nội dung xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng, Nhà nước, nói xấu lãnh đạo VN cũng sử dụng chiêu bài tương tự như vậy. Không chỉ tấn công Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, gây mâu thuẫn Đảng với dân, giảm sút niềm tin của dân với Đảng, giữa cán bộ với nhau mà còn giữa nhân dân tôn giáo và nhân dân không tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Nêu quan điểm, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng nói, việc lực lượng phản động tung tin, dùng biện pháp tuyên truyền sử dụng Internet để chiếm trái tim khối óc hàng triệu công chúng là một thực tế cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với chiến tranh thông tin truyền thông.
Nguy hại ở chỗ, thông tin lan truyền nhanh được nhân với tốc độ khủng khiếp càng khiến thông tin được bổ sung nhanh chóng. Chỉ cần thông tin được truyền qua Facebook, điện thoại di dộng, thông tin được nhân lên hàng triệu bản. Do đó phải nhận biết để chống thế lực phản động chống phá hệ thống đất nước suy yếu, mất sự ủng hộ của nhân dân.
Phản công thông tin
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, loại tội phạm không giản ảo là tội phạm giấu mặt nguy hiểm. Do các trang tấn công vào VN có máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật VN khó.
Trước sóng truyền hình, ông chuyển thông điệp đến toàn thể người dân VN cần phải cảnh giác, tẩy chay thông tin độc hại, không tiếp tay cho tội phạm thông tin ảo lan truyền thông tin.
Câu hỏi đặt ra đó là khả năng phản ứng của các nguồn chính thống trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, ngụy tạo đầy nhạy cảm. Bởi nếu cơ quan chức năng, báo chí chính thống phản ứng không nhanh chóng, lên án thông tin xuyên tạc bịa đặt sẽ khiến thông tin thời gian phát tán nhanh và nhiều người đọc sẽ thẩm thấu thông tin đó. Rồi khi lên tiếng thì thông tin đã lan truyền với mức độ cấp nhân lớn. Việc phản ứng sau đó ít nhiều bị ảnh hưởng, bất lợi.
Ông Sĩ Dũng nhắc lại có thông tin trên trang mạng đăng tải một tòa lâu đài ở một nước Arập và vu đó là lâu đài của một vị lãnh đạo cấp cao của VN. Đọc qua đã có thể nhận diện ngay đó là thông tin bịa đặt. Nhưng lúc đó phản ứng từ trong VN đối với thông tin bịa đặt đó là sự im lặng.
"Chúng ta phải chủ động, phải học cách phản công thông tin như vậy" - ông nói và cho rằng, sự im lặng có thể khiến cho dân chúng bán tín bán nghi. Điều bất lợi đó là những thông tin đi trước luôn có ưu thế và thông tin phản bác dễ bị nghi ngại.
"Thông tin phản bác kịp thời nhanh bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nếu chậm chưa chắc làm người ta thay đổi lòng tin. Phải tổ chức lực lượng xử lý thông tin như thế này. Đưa lại thông tin trung thực, lập luận phản bác rõ ràng, khách quan, trung thực".
Thứ trưởng TT&TT cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông tấn công trực diện vào thông tin xấu, độc hại.
Ông cũng lưu ý việc chủ động cung cấp thông tin. "Trước sự tấn công của tội phạm không gian ảo, nếu không tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống thì tạo khoảng trống cho thông tin xấu, độc hại xuyên tạc. Phải cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên, chính xác, ;iên tục mới ngăn chặn thông tin độc hại, xấu" - ông phát biểu
Thứ trưởng nhấn mạnh yếu tố "thông tin kịp thời để làm rõ vấn đề" , Vai trò của người làm báo mạng hết sức to lớn, cần phân tích, xử lý thông tin độc hại, để cho độc giả biết và không tin vào thông tin độc hại.
Giáo dục nhận thức để không ngây thơ
Trong thông tin, thông tin đi trước có lợi nên khi hiện tượng xảy ra thì phải kịp thời cung cấp thông tin cho độc giả. Câu hỏi đặt ra về cơ chế sẵn sàng cung cấp thông tin chính thông cho báo chí?
Thứ trưởng cho biết có nhiều cơ quan chủ động cung cấp thông tin như Bộ TT&TT, Bộ GTVT, Y tế khi cung cấp thông tin chính thống sẽ giúp thông tin sai lệch giảm đi. Theo đó các cơ quan nhà nước phải làm tốt công việc này, nhất là làm tốt vai trò người phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy và liên tục.
Tiến sĩ Sĩ Dũng cho biết luật tiếp cận thông tin đang được xem xét ở UBTVQH đề cập các quy định liên quan đến việc cung cấp thông tin, thẩm quyền và vai trò của từng cấp trong việc cung cấp thông tin. Ông nhấn mạnh việc không đề xảy ra chuyện cơ quan này nhìn cơ quan kia và chờ lên mãi khiên việc cung cấp thông tin bị chậm.
"Phải phân định rõ cơ quan nào, thông tin nào cung cấp thông tin và báo chí phải biết thông tin là ở cơ quan đó và tiếp cận cơ quan đó. Hiện tượng chờ lên nhiều không nên như vậy. Một hệ thống như vậy thì sẽ thua trong cuộc chiến thông tin. Phải rõ trách nhiệm của ai để kịp thời cung cấp thông tin" - ông phát biểu
Ông cũng cho rằng, đối với những thông tin bôi nhọ về lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp thì các cơ quan phải có trách nhiệm cung cấp thông tin. Mỗi vị lãnh đạo đại diện cho một cơ quan, một thiết chế Nhà nước, đằng sau người lãnh đạo của cơ quan đó còn là hình ảnh quản trị của ta. Do đó, việc cung cấp thông tin không còn là trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo nữa mà của chính cơ quan liên quan.
Phó Chủ nhiệm VPQH cũng cho rằng cần phải đảm bảo hệ thống áp đặt xử lý pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, vu khống một người là vi phạm pháp luật và đương nhiên bị xử lý theo quy định pháp luật, nếu động đến an ninh quốc, ổn định hệ thống thì chịu án hình sự. Ông cũng gợi ý việc tổ chức lực lượng cảnh sát mạng.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đó là tội phạm không gian mạng ảo, hoạt động xuyên biên giới, nằm ở trang mạng không thuộc quyền cấp phép, xử lý của cơ quan quản lý VN vì liên quan luật pháp nước khác. VN là nước có tốc độ phát triển internet nhanh, tạo môi trường thông thoáng, nhưng tự do thông tin phải tuân thủ pháp luật, xử lý vấn đề cần chế tài đủ rõ hơn, đủ mức độ răn đe mạnh hơn.
Bộ TT&TT đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hành lang pháp lý tạo cơ sở thực hiện công tác bảo đảm an ninh mạng. Ngoài những giải pháp kỹ thuật, pháp lý thì cũng phải giáo dục nhận thức để cư dân mạng miễn nhiễm thông tin xấu, độc, tăng cường giáo dục.
Ông Sĩ Dũng đồng tình ngoài các biện pháp kỹ thuật thì cần đẩy mạnh giáo dục, nhận thức để cư dân mạng, 36 triệu người tiếp cận thông tin Internet không phải là ngây thơ, nếu xuyên tạc thì chỉ tham khảo, họ tìm hiểu ra không phải thì loại bỏ những trang mạng xấu
Thứ trưởng Minh Tuấn nhắn nhủ những người làm báo mạng cần quan tâm sự trung thực, cách tiếp cận sự kiện, nêu vấn đề đứng trên lợi ích lâu dài của dân tộc, mang tính xây dựng. Nói cái xấu để khắc phục sữa chữa, nói cái tốt để khuyến khích phát triển, phải lấy cái tích cực lấn át cái tiêu cực.
--------------------------
Khi Thủ tướng nói về Facebook
Thủ tướng yêu cầu chủ động đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội như Facebook, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin của người dân.
“Đưa thông tin Chính phủ lên mạng xã hội”, “Không thể cấm đưa thông tin lên mạng”, “Phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội” – đó là những tiêu đề nổi bật trên báo chí khi thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị ngày 15/1 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng đưa ra chỉ đạo này tại hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ năm mới của Văn phòng Chính phủ, bởi “bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và cung cấp thông tin cho công chúng” là một trong 3 chức năng, nhiệm vụ chính được Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ.
“Chúng ta quản lý, điều hành mà người dân không biết chủ trương, chính sách thì không được”, Thủ tướng nói.
Đối với những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ động tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, cùng với các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin chính thống, chính xác và đúng đắn để xã hội hiểu đúng.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, hiện nay có hàng chục triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”.
Có thể thấy, chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện một cái nhìn khác trước về Internet, về mạng xã hội, về Facebook từ phía cơ quan quản lý. Phải thừa nhận rằng những thông tin thiếu chính xác, thậm chí sai trái, bịa đặt và mang ý đồ xấu, gây hoang mang và làm nhiễu loạn dư luận đã có lúc khiến không ít cơ quan quản lý có cái nhìn thiếu thiện cảm với những công cụ này.
Nhưng theo quan điểm của Thủ tướng, mạng xã hội hay Internet rõ ràng chỉ là công cụ, có điều công cụ ấy sắc bén hơn nhiều so với các công cụ truyền thống. Thủ tướng nói rõ, tình hình hiện nay đã rất khác do sự phát triển của công nghệ thông tin, trong nhiều trường hợp nếu chờ các bộ, ngành chức năng triển khai kế hoạch truyền thông, chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin sẽ rất chậm.
Thủ tướng nhắc lại, trước đây sau khi xảy ra một số hành vi kích động, gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, để truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng kêu gọi người dân không tham gia các hành vi đó thì chỉ cần một tin nhắn điện thoại là “toàn dân biết ngay”.
Điện thoại di động, cũng như Internet hay Facebook là những công cụ mới, điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi để bắt kịp thời đại, để sử dụng chúng như thế nào. Chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, minh bạch, đó là giải pháp hiệu quả nhất trước những thông tin sai trái, thay vì những rào cản nhiều khi không những kém hiệu quả mà còn phản tác dụng.
Nhưng các cơ quan chức năng chủ động nắm lấy các công cụ mới ấy cũng không phải chỉ để phản bác lại thông tin sai trái, ác ý, mà còn có thể phục vụ rất đắc lực cho hoạt động chỉ đạo, điều hành. Chẳng hạn, theo Thủ tướng, để ứng phó với những trận siêu bão, trong thời gian ngắn phải di dời hàng triệu người dân thì việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng tới được ngay lập tức từng vị chủ tịch xã.
Và còn một lý do cũng rất quan trọng, “chủ động cung cấp thông tin để toàn dân biết, toàn dân thực hiện, nhưng đây cũng là quyền được cung cấp thông tin của người dân”, Thủ tướng nói.
Nói cách khác, chủ động cung cấp thông tin phải là một nghĩa vụ của cơ quan quản lý. Và để thực hiện cho tốt nghĩa vụ ấy trong một thế giới đang đổi thay hằng ngày, anh bắt buộc phải biết sử dụng những công cụ, công nghệ mới nhất. Internet và mạng xã hội đã đem lại cơ hội lớn chưa từng có cho việc giao tiếp giữa chính quyền với người dân.
Cách đây chưa lâu, tại phiên họp Chính phủ tháng 12/2014, người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhắc đến quyền tiếp cận thông tin của người dân. Đánh giá dự án Luật Tiếp cận thông tin là phức tạp, cần được quy định chặt chẽ, phù hợp và có tính khả thi, Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần sớm báo cáo Chính phủ việc xây dựng, trình dự án để Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.
“Thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, ai phải làm việc này ngoài Chính phủ?”, Thủ tướng đã đặt vấn đề như vậy trước đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng Chính phủ.
Thực tế thời gian qua, Chính phủ, và trực tiếp nhất là Văn phòng Chính phủ, đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cung cấp thông tin cho người dân, thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, qua các chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, các thông cáo báo chí được cung cấp hằng ngày đến các cơ quan thông tin truyền thông…
Những nỗ lực ấy đã được Thủ tướng ghi nhận, nhưng rõ ràng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải thấu triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, mà còn để đáp ứng tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân.
-------------------------
Giãn 1.530 hộ dân phố cổ Hà Nội
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho rằng, nơi ở mới trong đề án giãn dân là nơi kết tinh về không gian phố cổ và không gian công cộng.
Thông tin tới báo chí ngày 16/1, theo UBND quận Hoàn Kiếm, đề án giãn dân phố cổ Hà Nội nhằm mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 xuống 500 người/ha đến năm 2020, góp phần cải thiện môi trường đô thị, cải thiện đời sống nhân dân khu phố cổ, tạo thuận lợi để thực hiện bảo tồn, tôn tạo di tích…
Đề án này được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 được thực hiện với diện tích hơn 11 ha tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), di dời 1.530 hộ dân. Sang giai đoạn 2, quận sẽ đề nghị TP bố trí quỹ đất 30 ha để di dời hơn 5.000 hộ dân, và sẽ kết thúc đề án vào năm 2020.
Trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan, ông Phạm Tuấn Long - đại diện Ban quản lý các dự án khu phố cổ cho biết, trong giai đoạn 1 sẽ tập trung vào các hộ gia đình đang sống trong các khu đình, đền, chùa, di tích, khu trường học, trụ sở các cơ quan trong địa bàn quận với khoảng 533 hộ.
Còn lại là các hộ dân sống tại các công trình đặc biệt cần bảo hộ, các hộ dân sống trong một nhà có đông hộ, nhà xuống cấp nguy hiểm.
Liên quan đến việc giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân sau khi di dời, ông Long cho biết, khu đô thị Việt Hưng được thiết kế với không gian tầng một dành cho chính người dân trong khu đô thị, tạo điều kiện để họ lập kiốt kinh doanh sinh sống.
Các vị trí này sẽ được nghiên cứu triển khai thành các khu vực kinh doanh theo chuyên đề, chủ đề, đặc biệt là tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng, đi bộ, tạo không gian xanh, cải thiện nhu cầu sinh hoạt của người dân…
Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ Lê Quỳnh Anh cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư đề án khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Thành phố đã có quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Người thực hiện phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính, có quyên môn để thực hiện dự án. Đồng thời họ sẽ được hưởng một số quyền lợi như vay vốn ngân hàng, ứng vốn trước để thi công dự án, sau khi hoàn thành sẽ bán nhà cho người dân khu phố cổ thu hồi vốn.
Thời gian thực hiện dự kiến, trong quý 3/2015 sẽ thi công và đến quý 4/2017 sẽ hoàn thành dự án giai đoạn 1.
Cùng trao đổi với báo chí về việc này, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết, 4 nhóm đối tượng trong diện di dời kể trên sẽ được hưởng chính sách GPMB nhà nước đang thực hiện với mức giá cao nhất 162 triệu đồng/m2, và được hưởng chính sách tái định cư tại nơi ở mới. Phần diện tích sau khi thu hồi sẽ phục vụ mục đích chung.
Đối với các hộ dân diện tích đang ở rất bé, không đủ tiền mua căn hộ tái định cư thì sẽ được ở căn hộ tái định cư diện tích dưới 30 m2 và không phải trả tiền.
Còn nếu có nhu cầu ở căn hộ trên 30 m2 sẽ áp dụng chính sách trả chậm, hoặc có quyền được thuê mua căn hộ.
Đối với các hộ không đăng ký mua căn hộ, nhà nước sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng ngoài tiền đền bù. Khi nhận nhà tái định cư, người dân có quyền bán, nhưng không được quay trở lại nơi ở cũ trong phố cổ.
Ông Hùng cũng cho biết, người dân đang rất trông chờ vào dự án này. Dù là khu tái định cư nhưng dự án này được thiết kế rất đẹp theo tiêu chuẩn, chất lượng đồng bộ, có 2 mặt nhìn ra ngoài và nội đô bên trong.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cũng cho rằng, nơi ở mới trong đề án giãn dân là nơi kết tinh về không gian phố cổ và không gian công cộng.
Toàn bộ khu phố cổ đang được tiến hành quy hoạch phân khu, sau đó thẩm định và sẽ trình UBND TP sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng.
----------------------
Truy tặng ngư dân quên mình cứu người Bằng Tổ quốc ghi công
Ngày 15/1, chính quyền huyện Nghi Xuân phối hợp với xã Xuân Yên tổ chức lễ truy điệu công nhận liệt sĩ, trao Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cho ngư dân Phạm Văn Thời đã hi sinh khi cứu người trên biển.
Trước đó, vào trưa ngày 30/11/2013, khi đang đứng ở bờ biển Yên Ngư, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, anh Thời phát hiện một chiếc thuyền gặp nạn cách bờ chừng 300m. Anh Thời lập tức gọi thêm anh Trần Văn Thọ (SN 1978) và anh Trần Văn Hưởng (SN 1977) chèo thuyền ra cứu giúp.
Sau khi cứu được hai cậu cháu anh Trần Văn Trường (SN 1982) và Trần Văn Thường (SN 1993) vào bờ an toàn, cả ba người tiếp tục quay ra biển để tiếp tục cứu những người còn lại, nhưng không may sóng lớn đã khiến chiếc thuyền của anh Thời bị đánh úp. Anh Thọ và Hưởng bơi được vào bờ, còn anh Thời do kiệt sức nên đã bị sóng cuốn mất tích.
Mặc dù lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm nhưng đến 4 ngày sau, thi thể của anh Thời mới được tìm thấy.
Ghi nhận lòng dũng cảm quên mình cứu người, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký quyết định công nhận liệt sĩ đối với ngư dân dân Phạm Văn Thời
Trước đó, vào tháng 6/2014, UBND huyện Nghi Xuân cũng đã tiến hành trao tặng “Huân chương dũng cảm” của Chủ tịch nước cho người nhà anh Phạm Văn Thời.
-------------------------