Sáng qua (16.1), tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), sự sụt giảm mạnh của giá dầu đã trở thành mối quan tâm chung của các doanh nghiệp ngành dầu khí.
Theo tính toán của ngành này, với kịch bản giá dầu giảm tới 40USD/thùng thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm tới 284.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế của tập đoàn giảm tới 32.800 tỉ đồng.
Khi “ông lớn” kêu cứu!
Chưa khi nào diễn biến của giá dầu tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ngành dầu khí như năm nay. Lãnh đạo 2 công ty chủ lực về thăm dò, khai thác thuộc PVN là Liên doanh Việt- Nga (Vietsovpetro) và TCty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) đều lên tiếng. Ông Từ Thành Nghĩa - TGĐ Vietsovpetro cho biết, nếu như năm 2014 - năm thành công của VSP khi đạt sản lượng khai thác 5,36 triệu tấn, vượt 260.000 tấn so kế hoạch, doanh thu từ xuất khẩu dầu đạt 4,34 tỉ USD, hoàn thành việc nộp ngân sách, lợi nhuận cho cả 2 phía VN, Nga thì năm 2015, khó khăn đã hiện hữu khi giá dầu giảm sâu. “Nếu giá dầu giảm ở mức dưới 50USD/thùng như hiện nay thì VSP sẽ hụt thu tới 2,3 tỉ USD, trong đó phần để lại phía VN chỉ khoảng 700 triệu USD. Điều này sẽ dẫn đến tình hình tài chính của liên doanh rất khó khăn, đặc biệt Hội đồng liên doanh VSP vừa họp vào cuối năm ngoái đưa ra doanh thu bán dầu là 3,87 tỉ USD (lấy giá dầu kế hoạch là 100USD/thùng).
Còn theo ông Hoàng Ngọc Đang - Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVEP thì giá dầu giảm dưới 60% PVEP sẽ gần như mất cân đối về tài chính. Ông phân tích: Theo kế hoạch, năm 2015, PVEP có khối lượng đầu tư lên tới 1,6 tỉ USD, trong đó PVEP đầu tư từ doanh thu bán dầu để lại khoảng 800 triệu USD, 800 triệu USD còn lại là vay từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nếu giá dầu xuống mức 40 - 50 USD như hiện nay, phần tiền để lại của PVEP chỉ còn 200 triệu USD. Đồng nghĩa với việc phải đi vay tới 1,4 tỉ USD, điều này sẽ dẫn đến mất cân đối tài chính. “Với giá dầu như vậy, sẽ khó có ngân hàng nào dám cho vay, hơn nữa, hiện nhiều ngân hàng đã cho PVEP vay vượt hạn mức rồi”- ông Đang nói.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - TGĐ Tập đoàn Dầu khí VN cho biết, trước diễn biến giảm sâu của giá dầu, PVN đã tính toán 6 phương án ứng với các kịch bản giá dầu giảm tương ứng từ 100USD, 70USD, 65USD, 60USD, 50USD và 40USD. Như vậy, ở phương án tối ưu với giá dầu đạt 100USD/thùng, doanh thu của tập đoàn sẽ đạt 718,4.000 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 58.000 tỉ đồng, nhưng nếu giá dầu xuống mức 40USD/thùng thì doanh thu toàn tập đoàn chỉ còn khoảng 434,5.000 tỉ đồng, lợi nhuận giảm còn 25,2.000 tỉ đồng. Tương ứng mức nộp ngân sách nhà nước cũng giảm từ 159.000 tỉ đồng xuống còn 79,8.000 tỉ đồng.
Cơ hội cho tái cơ cấu
Khó khăn về giảm doanh thu từ giá dầu, song lại mở ra cơ hội tốt để PVN có thể tính đến nhiều dự án dài hơi. Giám đốc Công ty điều hành Biển Đông Nguyễn Quỳnh Lâm - chủ đầu tư điều hành dự án khí Hải Thạch - Mộc Tinh (lô 05-20, 05-3) cho biết: Với kinh nghiệm tự triển khai dự án khí Biển Đông, giá dầu giảm sẽ là cơ hội để PVN đặt vấn đề với nhà đầu tư mua lại cổ phần tại dự án khí lô B - Ô Môn để VN tự đầu tư, đưa khí vào bờ phục vụ các dự án điện trong quy hoạch tại ĐBSCL. Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Khang Ninh - TGĐ TCty Khí - PV Gas - đơn vị đang đầu tư đường ống khí sử dụng nguồn khí lô B - khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn làm được, việc mua mỏ không khó khi giá dầu thấp, các chỉ tiêu tài chính sẽ hiệu quả. Đây là cơ hội hiếm có, kể cả vay vốn từ ngân hàng cũng dễ dàng”.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, dù khó khăn, dầu khí vẫn là ngành kinh tế lớn, phải đảm bảo các cân đối vĩ mô của Chính phủ. Hiện dầu khí đang đóng góp tới 25% nguồn thu ngân sách, đảm bảo các cân đối lớn về an ninh năng lượng quốc gia, vì vậy, ngành cần bám sát các diễn biến giá dầu để có định hướng đầu tư đúng đắn. Đặc biệt cần tranh thủ khi giá hạ để tập trung cho đầu tư nhằm tăng nhanh sản lượng khai thác cho giai đoạn tiếp theo. “Nhiều dự báo trên thế giới cho thấy, giá dầu sẽ còn hạ xuống tới 31USD/thùng, nhưng là trong ngắn hạn. Trước mắt, ngành dầu khí cần làm tốt việc đánh giá tổng thể tiềm năng dầu khí trong nước, hoạch định chiến lược khai thác để có nguồn bổ sung dài hạn, kiên quyết không dãn, hoãn tiến độ các khâu quan trọng” - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành dầu khí.
Kiến nghị lập ban chỉ đạo nhà nước dự án nâng cấp NMLD Dung Quất
Ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Cty lọc hoá dầu Bình Sơn- đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất cho biết: Năm 2014, Cty lọc hóa dầu Bình Sơn đã sản xuất đạt 5,8 triệu tấn xăng dầu các loại, vượt gần 1 triệu tấn (tăng 20%) so với kế hoạch; tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 5,85 triệu tấn; doanh thu đạt gần 128.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 23.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, cạnh tranh dự báo rất khốc liệt, thì việc chậm trễ trong việc đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ khiến hiệu quả hoạt động của Cty thiếu bền vững. Cùng với việc Chính phủ mới đây cho phép NMLD Dung Quất mở rộng, nâng công suất chế biến từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm, ông Giang kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập ban chỉ đạo nhà nước dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu như dự án giai đoạn đầu để có những quyết sách kịp thời hỗ trợ nhà máy, tạo điều kiện sớm triển khai dự án.
---------------------------
Thống đốc “vẽ đường” cho Vietcombank trở thành ngân hàng số 1
Mặc dù tổng tài sản Vietcombank đã lần đầu tiên vượt mức 500 nghìn tỷ, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 thì phải mở rộng quy mô, và cách nhanh nhất là hợp nhất sáp nhập.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Hà Nội hôm qua 16/1.
Đánh giá cao những kết quả kinh doanh của Vietcombank trong năm 2014, Thống đốc cho rằng nhà băng này có một “cơ thể” khá tốt, các chỉ số lành mạnh.
Mặc dù vậy, ông Bình cũng cho rằng “cái gì tốt nhưng kéo dài cũng không còn tốt nữa”, với hàm ý Vietcombank cần vượt qua những dấu hiệu trì trệ xuất phát từ sự ổn định kéo dài.
Thống đốc cho rằng dù được coi là tốt và vượt các yêu cầu tối thiểu nhưng Vietcombank vẫn cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế, xử lý nợ xấu như một điển hình trong giới ngân hàng.
Với bộ máy lãnh đạo trẻ, Vietcombank đặt ra mục tiêu trở thành “ngân hàng số 1 Việt Nam”. Bình luận về mục tiêu này, người đứng đầu cơ quan điều hành tiền tệ cho rằng “ai cũng có mặt mạnh để tuyên bố mình là số 1”.
“Tuy nhiên, để được coi là số 1 thì Vietcombank phải thể hiện được vị thế số 1 trong nhiều lĩnh vực, từ việc xử lý nợ xấu, đến tổng tài sản, chiếm thị phần lớn cả lĩnh vực bán buôn, bán lẻ”, Thống đốc nói.
“Hiện tổng tài sản của Vietcombank là trên 500 nghìn tỷ, nhưng để trở thành số 1 về tổng tài sản thì có thể mất nhiều năm nếu không có những bước đột phá”, ông Bình ví dụ.
Trong bối cảnh đặt mục tiêu tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng trong năm 2015, hướng tới việc co hẹp số lượng ngân hàng thương mại trong nước và tăng quy mô, năng lực, Thống đốc khuyến khích Vietcombank nhận sáp nhập ngân hàng khác.
“Muốn trở thành số 1 về mặt quy mô, thị phần, không có cách nào tốt hơn và nhanh hơn việc sáp nhập, hợp nhất. Hiện Vietcombank có thế mạnh truyền thống bán buôn, việc nhận sáp nhập một ngân hàng có thế mạnh bán lẻ sẽ giúp Vietcombank mở rộng nhanh chóng thị phần bán lẻ, tiến nhanh hơn trong chiến lược trở thành ngân hàng số 1”, Thống đốc gợi ý.
Người đứng đầu NHNN cũng khẳng định sẽ đảm bảo về cơ chế để “không để Vietcombank phải thiệt và mất tiền” khi tham gia M&A theo định hướng của NHNN.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết:sau thành công trong năm 2014, Vietcombank phấn đấu đạt lợi nhuận tối thiểu 6.000 tỷ trong năm 2015, đồng thời xây dựng phương án mua bán, sáp nhập theo đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt.
Ông Dũng cũng kiến nghị NHNN gian hạn thời gian chuyển nhượng để thoái vốn khỏi 4 tổ chức tín dụng, nhằm có thời gian tìm đối tác chuyển nhượng và không bị bán rẻ cổ phần.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 của Vietcombank, dư nợ tín dụng đạt 323.966 tỷ đồng, tăng 17,68%. Số dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2014 là 7.407 tỷ đồng, ở mức 2,29%, tổng tín dụng. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) xấp xỉ 11%. Lãi trước thuế năm 2014, sau khi đã trích lập dự phòng đạt 5.680 tỷ đồng.
-------------------------
30 sàn vàng “chui” đang hoạt động trên cả nước
Trong tổng số 30 sàn vàng đang hoạt động “chui” trên cả nước, TP.HCM có 10 sàn. 10 sàn vàng “chui” này có thể sập bất cứ lúc nào nên nhà đầu tư đang đứng trước nguy cơ bị mất trắng khi tham gia vào các giao dịch “ảo”.
Thông tin trên được Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết tại “Hội nghị các địa bàn giáp ranh phối hợp với TPHCM thực hiện cao điểm phòng chống tội phạm dịp Tết Nguyên đán” diễn ra tại TPHCM vào ngày 17/1.
Theo Trung tướng Triệu Văn Đạt, hiện có khoảng 10 sàn vàng chui đang hoạt động ở TP HCM trong tổng số 30 sàn vàng “chui” trên cả nước. Nhắc lại việc Bộ Công an vừa điều tra xử lý sàn vàng của công ty HGI mới đây, ông Đạt cho biết, Bộ Công an vừa khởi tố, bắt khẩn cấp các đối tượng “cộm cán” điều hành sàn vàng của công ty HGI và đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các sai phạm. Theo kết quả điều tra ban đầu, công ty HGI đã huy động vốn trái phép gần 300 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
“Thủ đoạn của những nhóm tội phạm công nghệ cao này rất tinh vi. Khi người dân bỏ tiền đầu tư, chúng thường làm những hợp đồng ủy quyền để góp vốn đầu tư với lãi suất mỗi tháng từ 1,2% trở lên. Tại TP.HCM vừa qua, cảnh sát cũng nhận được nhiều đơn trình báo của người đầu tư vào chi nhánh của HGI ở Sài Gòn. Nguy cơ mất hết tiền rất cao và cơ quan điều tra cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn có đông người tham gia. Nguyên nhân chủ yếu là do lòng tham” - Trung tướng Đạt nhấn mạnh.
Trước đó, PV Dân trí đã tìm hiểu nhiều chiêu thức “hợp tác huy động vốn” của một số sàn vàng chui trên địa bàn thành phố. Chiêu thức này đã được một số sàn lớn sử dụng để chiêu dụ khách, cụ thể, các sàn sẽ ký với khách hàng những hợp đồng kinh doanh dưới dạng “hợp tác đầu tư”. Khách hàng phải đóng tiền thật cho “sàn cái”. Tuy vậy, những dự án mà sàn cái đưa ra chỉ là “ảo”, chủ yếu đưa khách hàng vào “kịch bản” lừa đảo đã dựng từ trước.
Khi đã nhận tiền, sàn cái sẽ lập cho khách hàng tài khoản tương đương với số tiền khách đã đóng để thoải mái kinh doanh trên hệ thống. Khi có tài khoản, người chơi có thể mua bán, chốt có lời, nếu chốt lỗ thì coi như là mất trắng. Một điểm đặc biệt trong chiêu thức “hợp tác đầu tư” này là khách sẽ được hưởng mức lợi nhuận 2%/tháng từ số tiền khách đóng vào ban đầu. Đây được coi là một chiêu thức mới khiến người chơi lao vào nhiều hơn.
Cùng với chiêu “huy động vốn đầu tư”, nhiều sàn còn tung ra chiêu trò “mạo danh thương hiệu” để thu hút khách. Cụ thể, sàn cái sẽ lấy tên giống với những ngân hàng, doanh nghiệp lớn để lừa khách hàng. Khi khách hàng tỉnh táo vào trang chính của sàn thì hoàn toàn không phải là tên như vậy. Một trong những sàn lớn đang dùng chiêu thức này là sàn P.N, khiến nhiều người lầm tưởng đến tên một ngân hàng. Tuy nhiên, hệ thống lõi của sàn DFX này lại không phải. Với chiêu thức này, sàn DFX đã lừa được hàng ngàn khách hàng tham gia sàn.
Việc sàn cái lừa đảo và chiếm đoạt tiền của khách hàng đã diễn ra từ lâu nhưng vì những món lợi khủng mà khách hàng vẫn tiếp tục lao vào đầu tư. Không biết việc lừa đảo của các sàn cái này sẽ diễn ra đến bao giờ nhưng nếu người chơi vẫn tiếp tục mờ mắt thì những sàn vàng chui sẽ tiếp tục nở rộ. Nhiều chiêu thức mới nữa sẽ vẫn được những sàn tung ra để đưa người chơi vào “tròng”.
Không chỉ dùng đủ chiêu lừa người chơi, để tồn tại đội ngũ đầu não kinh doanh vàng tài khoản đã tìm đủ chiêu trò để qua mắt cơ quan chức năng.
Theo T.A (một đầu nậu trong giới kinh doanh vàng tài khoản tại TP.HCM), thông thường, các chủ sàn sẽ thành lập một công ty lấy danh nghĩa “tư vấn vàng” và tự giới thiệu mình kết nối, trung gian với sàn FX nước ngoài. Nhưng thực tế, khi nhà đầu tư tham gia, chuyển tiền, tiền không “ra nước ngoài” mà ở lại các doanh nghiệp tư vấn, môi giới đó. Đây là cách kinh doanh phổ thông của nhiều sàn tại Việt Nam.
Các sàn này trực tiếp mở một hệ thống riêng, có khả năng làm “đơ” phần mềm giao dịch, thay đổi đồ thị trên phần mềm, không cho “chốt giá”... Vậy nên, khách hàng thua thì tiền mất, thắng thì họ đổ lỗi cho “lỗi hệ thống” (một điều khoản có ghi trong hợp đồng để “ăn chặn” tiền, hoặc chỉ trả lại tiền gốc - PV). Nhiều nhà đầu tư thua lỗ lớn cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi không biết phải kiện ở đâu, vì nhà nước đang đứng ngoài cuộc trong kênh đầu tư này.
--------------------------