Bộ trưởng tài chính Ukraine Natalia Yaresko ngày 3/2 cho biết, mỗi ngày nước này phải chi ra từ 5-10 triệu USD vì giao tranh với phe ly khai ở miền Đông. Dù vậy, tổn thất thực tế vì chiến tranh theo các chuyên gia còn cao hơn nhiều và nó đang khiến kinh tế Ukraine kiệt quệ.
Thông tin được bà Natalia Yaresko tiết lộ trong một cuộc hội thảo trực tuyến, do Hội đồng Mỹ - Đại Tây Dương tổ chức.
Dù vậy, tổn thất tài chính không phải là yếu tố chính, bà Yaresko nói. Số người chết đã vượt con số 5000 người và số người tị nạn lên tới 650.000 người. Và do hậu quả của chiến tranh, kinh tế Ukraine giảm 20% sản lượng và bị mất 7% lãnh thổ.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 24 của Pháp hôm 11/1, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng đã thừa nhận con số chi phí lớn cho chiến tranh nêu trên.
“Mỗi ngày chúng tôi chi hơn 10 triệu USD cho chiến tranh. Đó là một áp lực rất lớn đối với đất nước tôi. Không một nước nào trên thế giới có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong một cuộc chiến như vậy, bởi chúng tôi đang phải đối đầu, có lẽ với lực lượng vũ trang mạnh nhất tại châu lục”, vị Tổng thống trả lời khi được hỏi về tình hình kinh tế Ukraine.
Cùng với việc đưa ra con số chi phí cho chiến tranh, ông Poroshenko cho biết chính quyền Kiev sẽ cần thêm 13-15 tỷ USD để khôi phục nền kinh tế và hạ tầng trong vòng 2 năm tới.
Tình hình kinh tế tồi tệ nhất từ Thế chiến II
Những xung đột triền miên trong năm 2014 đã khiến kinh tế Ukraine rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Theo công bố của thống đốc ngân hàng trung ương Valeria Gontareva hồi cuối tháng 12, tăng trưởng GDP của Ukraine năm qua ở mức -7,5%, tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
“Đất nước chúng ta chưa từng trải qua một năm khó khăn như vậy ít nhất kể từ Thế chiến II”, bà Gontareva phát biểu tại buổi họp báo cuối năm.
Hồi cuối năm, quốc hội Ukraine đã phải thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng, để đổi lại khoản cứu trợ khẩn cấp của IMF. Trong năm qua, lạm phát tại nước này đã lên mức 24,9%, cao nhất 14 năm qua. Chỉ một năm trước đó, CPI của Ukraine chỉ là 0,5%.
Lần gần nhất quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) từng chứng kiến CPI cao như vậy là năm 2000, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu tràn tới quốc gia này, đẩy lạm phát vọt lên 25,8%.
Khủng hoảng khiến cho dự trữ vàng và ngoại tệ của nước này bị mất đi hơn một nửa, sụt xuống dưới mức 10 tỷ USD, thấp nhất trong 5 năm qua. Tình hình khiến ngân hàng trung ương buộc phải thả nổi đồng nội tệ hryvnia, khiến nó mất giá gần 100% so với USD, từ 8,24 hryvnia đổi 1 USD đầu năm 2014, lên trên 16 hryvnia đổi 1 USD hiện nay.
Phương Tây thờ ơ trước tiếng kêu cứu từ Kiev
Để ngăn nền kinh tế Ukraine khỏi sụp đổ, nước này sẽ cần thêm 15 tỷ USD trong năm 2015, sau khi đã được thu xếp IMF cứu trợ 17 tỷ USD hồi năm ngoái, Washington Post dẫn số liệu của Liên minh châu Âu cho biết.
Tổng thống Petro Poroshenko và thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã nhiều lần hối thúc, kêu gọi EU, IMF và Washington hỗ trợ, nhưng đáp lại là những phản hồi không mấy tích cực.
Đến nay, Mỹ mới chỉ đồng ý cung cấp các khoản vay trị giá 2 tỷ USD trong năm nay. Tương tự, EU hồi đầu tháng trước cũng đưa ra con số cam kết 1,8 tỷ euro (2,13 tỷ USD) dành cho Ukraine.
Chính phủ các quốc gia phương Tây từng khẳng định, những hỗ trợ tiếp theo phải gắn liền với một chương trình cải cách kinh tế đáng tin cậy. Những cải cách đó bao gồm cắt giảm chi tiêu chính phủ 10%, thả nổi giá khí đốt theo giá thị trường, dỡ bỏ những hạn chế về nhập khẩu và lao động, cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh cùng nhiều điều kiện khó khăn khác.
Trước tình cảnh khốn khó, quốc hội Ukraine đã phải phê chuẩn các biện pháp này để nhận các khoản cứu trợ. Nhưng số tiền trên vẫn nhỏ hơn nhiều khoản nợ dự kiến lên tới 10 tỷ USD mà Kiev phải hoàn trả trong năm nay, Viện kinh tế quốc tế, có trụ sở tại Washington cho biết.
Tình hình sẽ càng ngặt nghèo hơn cho Ukraine khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/2 khẳng định nước này muốn đòi lại khoản vay 3 tỷ USD đã cấp cho Kiev hồi năm ngoái, để phục vụ chương trình kích thích kinh tế của mình.
Hồi tuần trước, Moscow đã công bố gói kích thích 34,7 tỷ USD, nhằm mục tiêu cứu trợ các ngân hàng và các công ty lớn. Dự kiến khoản vay 3 tỷ này sẽ đến hạn vào tháng 12/2015, và khi đó, tình hình của Ukraine sẽ thực sự càng khó khăn chồng chất.
-------------------------
Báo cáo quản trị công ty hé lộ chuyện gia đình Cường Đôla
Gây rúng động showbiz với nghi án “ly dị” Cường Đôla trong năm 2014, song tại báo cáo quản trị vừa công bố của Quốc Cường Gia Lai, Hồ Ngọc Hà vẫn xuất hiện với danh xưng là “vợ” của Phó Tổng giám đốc công ty này.
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) vừa công bố Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2014 trong đó cho thấy, bà Hồ Thị Ngọc Hà (ca sĩ Hồ Ngọc Hà) vẫn nằm trong danh sách những người liên quan với ông Nguyễn Quốc Cường – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc công ty với tư cách là “vợ”.
Điều này không có gì bất thường nếu như trong thời gian gần đây, dư luận không xôn xao về nghi án “ly dị” của cặp đôi nổi tiếng showbiz: Cường Đô la – Hà Hồ. Có thông tin cho rằng “nữ hoàng giải trí” đã ly thân với Cường Đô la gần 1 năm và cả hai gia đình đã đồng ý cho cặp vợ chồng này đi đến quyết định chia tay trong không khí rất ôn hòa.
Nguyên nhân chia tay được cho là có người thứ ba xen vào cuộc sống gia đình hai người. Tháng 11 năm ngoái, xuất hiện trên báo chí, Hồ Ngọc Hà từng chia sẻ, cần phải suy nghĩ “nếu bước cùng nhau thì còn vui nữa không. Mà nếu không vui thì phải làm gì để đến với nhau bằng tình yêu và ra đi bằng tình người”. Mặc dù vậy, cả Hồ Ngọc Hà và Cường Đô la vẫn chưa một lần lên tiếng chính thức về việc đã ly dị.
“Cường Đô la” là biệt danh trong giới showbiz thường gọi ông Nguyễn Quốc Cường – lãnh đạo công ty Quốc Cường Gia Lai, con trai Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc QCG Nguyễn Thị Như Loan. Và cho đến nay, tên tuổi ông Cường vẫn thường được nhắc đến với tư cách là một thiếu gia chơi sang, thích sưu tầm siêu xe và gắn với những người đẹp chân dài hơn là một doanh nhân trong Ban điều hành QCG.
Trở lại với Báo cáo quản trị của QCG, trong khi ông Nguyễn Quốc Cường chỉ sở hữu 537,5 nghìn cổ phiếu công ty thì vợ và con ông Cường không nắm cổ phần nào.
Ngược lại, người em gái của ông Cường là Nguyễn Ngọc Huyền My – dù trên thực tế không giữ chức vụ quan trọng nào tại QCG nhưng lại là cái tên “gắn” rất chặt với tình hình tài chính công ty này.
Theo báo cáo tài chính quý III hợp nhất của QCG, tính đến ngày 30/9, công ty còn khoản phải trả 305,5 tỷ đồng cho bà Nguyễn Thị Như Loan và 390,1 tỷ đồng cho bà Nguyễn Ngọc Huyền My.
Sau đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi trái phiếu và cấn trừ nợ cuối năm ngoái, bà Nguyễn Thị Như Loan đã nhận được trên 41,3 triệu cổ phiếu QCG trong khi đó Nguyễn Ngọc Huyền My nhận được 39 triệu cổ phiếu. Nhờ đó, tỉ lệ sở hữu của Nguyễn Ngọc Huyền My tại công ty đã tăng lên đáng kể, từ 0,29% lên 14,32% với tổng cộng 39,2 triệu cổ phiếu. Như vậy, tại QCG, hai mẹ con bà Loan đã năm gần 52% vốn điều lệ công ty.
Thời điểm hiện tại, cổ phiếu QCG đang giao dịch quanh mức giá 9.000 đồng/cp. Với mức thị giá này, Cường Đô-la chỉ có khoảng 4,8 tỷ đồng tài sản chứng khoán; trong khi khối tài sản của Nguyễn Ngọc Huyền My là gần 353 tỷ đồng và của bà Nguyễn Thị Như Loan là 918 tỷ đồng (với 102 triệu cổ phần). Riêng Hồ Ngọc Hà và con trai vẫn đang “trắng tay” tại QCG.
----------------------
Xi măng Sông Gianh và mục tiêu chinh phục thị trường châu lục
“Mục tiêu của chúng tôi là đưa xi măng Sông Gianh trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam và vươn đến thị trường Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Trung Hậu - Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Miền Trung cho biết.
Ngành xuất khẩu xi măng sắp sửa gia nhập nhóm ngành xuất khẩu “tỉ đô”. Xin ông cho biết đó có phải là tín hiệu lạc quan cho ngành xi măng Việt Nam?
Đây có thể là tín hiệu lạc quan của ngành xi măng Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng việc xuất khẩu tiếp tục tăng sẽ có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xi măng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong tình trạng nguồn cung xi măng đang thừa rất lớn so với nhu cầu hiện nay, giải pháp xuất khẩu có thể giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán tài chính và sản xuất để tiếp tục tồn tại. Mặc dù nhu cầu xi măng nội địa đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại (xấp xỉ 10% trong năm 2014) nhưng cũng khó giúp thu hẹp khoảng cách cung-cầu nội địa. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực xuất khẩu xi măng mà không mang lại giá trị bền vững thực sự.
Như vậy, theo ông xu hướng của ngành xi măng Việt Nam trong năm 2015 là gì?
Nhu cầu xi măng sẽ tiếp tục tăng trưởng do có sự ảnh hưởng từ tín hiệu lạc quan từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính sách hỗ trợ của chính phủ và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng.
Cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt với sự tham gia của nhiều đối thủ được khối tư nhân đầu tư với chiến lược kinh doanh linh hoạt và hệ thống quản trị định hướng chuyên nghiệp.
Việc tái cấu trúc vận tải do chính sách siết chặt trọng tải và giá xăng dầu thế giới trên đà giảm từ 2014 sẽ diễn ra trên phạm vi rộng làm cho việc cạnh tranh càng diễn ra gay gắt.
Theo tôi được biết, xi măng Sông Gianh đã có một năm thành công dù thị trường xi măng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Xi măng Sông Gianh có “bí quyết” gì để đạt được thành tích như vậy?
Kết quả kinh doanh hiện tại đạt được không chỉ nhờ chính sách thị trường trong một năm mà là nhờ vào chiến lược kinh doanh dài hạn được hoạch định kỹ lưỡng từ trước. Bài học thành công cho thương hiệu xi măng Sông Gianh trong thời gian vừa qua là xây dựng hệ thống kiểm soát đảm bảo chất lượng sản phẩm, năng lực cung ứng kịp thời cho khách hàng và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, chu đáo.
Không phải công ty nào áp dụng Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP cũng có thể thành công. Trong quá trình triển khai hệ thống ERP, công ty đã vượt qua những thách thức nào?
Một trong những khó khăn mà Tổng Công ty Miền Trung cần vượt qua là quản trị sự thay đổi. Tổng Công ty Miền Trung đã từng hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp nhà nước nên mô hình quản trị mới có sự khác biệt. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng là một thách thức cho dự án. Việc áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới đòi hỏi năng lực thích nghi và ứng dụng của các cá nhân trong doanh nghiệp. Tình hình thị trường khó khăn cũng như yêu cầu thiết lập một hệ thống lớn như ERP trong khi vẫn phải đảm bảo doanh số kinh doanh làm gia tăng áp lực lên toàn bộ hệ thống.
Định hướng phát triển của Tổng Công ty Miền Trung cho thương hiệu Xi măng Sông Gianh trong những năm tới là gì?
Tầm nhìn của Xi măng Sông Gianh là trở thành thương hiệu xi măng hàng đầu Miền Trung và quốc gia. Để hiện thức hóa điều này, thương hiệu xi măng Sông Gianh đang được xây dựng trên nền tảng tinh thần dẫn đầu. Để có được điều này, Tổng Công ty Miền Trung hướng tới xây dựng tính chuyên nghiệp và trở thành đối tác gần gũi nhất với khách hàng. Việc xây dựng hệ thống ERP cùng với hệ thống quản trị khách hàng sẽ giúp Xi măng Sông Gianh đạt được mục tiêu này.
Cám ơn ông về những chia sẻ trên. Chúc xi măng Sông Gianh sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra!
--------------------------
HSBC: Điện tăng 9,5% sẽ gây áp lực lên giá hàng hóa
HSBC cho rằng, việc tăng giá điện sẽ được thực hiện trong năm 2015 và 2016 nếu lạm phát vẫn duy trì sự ổn định và đồng thời, việc tăng giá điện này sẽ gây thêm áp lực lên một số loại giá.
Tại báo cáo “Kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam” vừa được Ngân hàng HSBC phát hành ngày 3/2, tổ chức này cho rằng, điều khá thú vị ở Việt Nam là sau khi chiến đấu với mức lạm phát quá cao trong năm 2011 (đỉnh điểm là mức 23% vào tháng 8/2011 so với năm trước) thì nay, lạm phát giảm lại đang trở thành một vấn đề quan tâm trong những tháng gần đây.
Trong 5 tháng qua, giá cả đã giảm bình quân 0,2% so với tháng trước. Đến tháng 1/2015, lạm phát tăng rất ít khoảng 0,9% so với cùng kỳ năm trước trong khi tháng 1/2014 là 6,5%. Câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát giảm sẽ “tốt” - vốn sẽ dẫn đến sản lượng cao hơn trong những tháng tới - hay là một biểu hiện xấu do yếu tố nhu cầu suy yếu sẽ dẫn tới một bẫy thanh khoản?
HSBC đưa ra 3 vấn đề chính để thảo luận, đó là lạm phát có khả năng chạm đáy trong tháng 1/2015; áp lực lạm phát trong những tháng gần đây là do cú sốc nguồn cung tích cực từ giá cả hàng hoá thấp hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng và sản lượng trong những tháng tới; và cho phép nhiều động thái chính sách hơn bao gồm việc tăng giá điện.
Từ tháng 7/2014 đến nay, giá dầu thô Brent sụt giảm đã kéo mọi thứ giảm xuống từ chi phí vận chuyển đến chi phí tiêu dùng ở các hộ gia đình Việt Nam. Theo HSBC, khi giá dầu Brent xoay quanh mức này trong 6 tháng tới thì cơ hội giảm thêm chi phí vận chuyển sẽ bị thu hẹp. Chính phủ cũng nhân cơ hội này để tăng giá điện và có mục tiêu tự do hoá ngành này để thu hút đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, EVN đã đề xuất tăng giá điện 9,5% trong năm 2015. Do giá điện thấp, lợi nhuận ngành điện sẽ thấp và Chính phủ sẽ nhân cơ hội này để tăng giá. HSBC cho rằng, việc tăng giá điện sẽ được thực hiện trong năm 2015 và 2016 nếu lạm phát vẫn duy trì sự ổn định và đồng thời, việc tăng giá điện này sẽ gây thêm áp lực lên một số loại giá.
Xuất khẩu Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào dầu mỏ, than đá
Giá cả hàng hoá suy giảm trong thời gian qua cũng có một ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu. Theo nhận định của HSBC, một điểm yếu rõ ràng xuất phát từ những tác động định giá trong đó những hàng hoá chính yếu như dầu mỏ và than đá lại đem lại rất ít nguồn thu. Số lượng có thể cũng sẽ giảm trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm.
Tin tốt lành là xuất khẩu của Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô mà tập trung vào các mặt hàng sản xuất. Ví dụ, thị phần của ngành hàng sản xuất trong tổng doanh thu xuất khẩu đã tăng từ 33% trong năm 2007 lên 48% trong năm 2014. Chính vì vậy, chi phí đầu vào thấp đã hỗ trợ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và đối trọng một vài yếu tố tiêu cực từ việc giá trị xuất khẩu hàng hoá suy giảm. Bên cạnh đó, giá cả đầu vào giảm mạnh cũng đã đẩy mạnh lợi nhuận của các nhà sản xuất, cho phép họ chuyển một phần tiết kiệm cho người tiêu dùng.
Báo cáo của HSBC cũng thừa nhận rằng, Việt Nam không thể tách rời khỏi xung quanh và những sự kiện bên ngoài có ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng cạnh tranh và hoạt động của đất nước.
Ví dụ, mặc dù xuất khẩu vẫn tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây nhưng tốc độ tăng trưởng đã giảm. Trong năm 2014, xuất khẩu đã đạt mốc 150 tỷ USD và tăng trưởng đạt mức 13,6% so với năm 2013. Tuy nhiên, đấy lại là mức giảm so với mức tăng trưởng 15,2% trong năm 2013 và 18,2% trong năm 2012.
Phần lớn sự sụt giảm là do xuất khẩu hàng hoá suy giảm cả về giá trị lẫn số lượng, đặc biệt là các mặt hàng dầu thô, cao su, than và gạo.
Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng giày dép (tăng 22% trong năm 2014), dệt may (16%), hải sản (18%), linh kiện điện thoại (13%) và máy tính (10%) đều tăng mạnh chủ yếu nhờ vào khả năng cạnh tranh từ chi phí nhân công giá rẻ của Việt Nam.
HSBC tin rằng khuynh hướng này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2015 – xuất khẩu các mặt hàng sản xuất sẽ hoạt động tốt hơn, trong khi xuất khẩu các mặt hàng dựa vào nguyên liệu thô sẽ chậm đi.
-----------------------