Kinh tế Trung Quốc sẽ sớm bị Ấn Độ vượt mặt?
Nếu phải nhìn nhận một sự trỗi dậy thực sự ngấm ngầm nhưng đầy sức mạnh trong tương lai của Châu Á, thì không ai có thể xứng đáng hơn Ấn Độ. Tương lai sự thách thức kinh tế của Châu Á đối với thế giới, nằm ở Ấn Độ.
Brzezinsky, vị cố vấn nổi tiếng với tài nhìn xa trông rộng của cựu Tổng thống Mỹ Carter trong thế kỷ 20 đã từng nói “tương lai là ở Châu Á”. Quả vậy, thế kỷ 21 đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của các cường quốc Châu Á, hai trong số ba cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới thuộc về Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, cả hai đã làm mưa làm gió trên nền kinh tế thế giới suốt hàng chục năm qua. Nhưng cũng đừng quên Ấn Độ.
Nếu phải nhìn nhận một sự trỗi dậy thực sự ngấm ngầm nhưng đầy sức mạnh trong tương lai của Châu Á, thì không ai có thể xứng đáng hơn Ấn Độ. Tương lai sự thách thức kinh tế của Châu Á đối với thế giới, nằm ở Ấn Độ.
So với hai cường quốc kinh tế số một và số hai Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, thì Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt. Đất nước đông dân thứ hai thế giới này không có những thời kỳ phát triển kinh tế chóng mặt được xem là thần kỳ như hai nước kể trên, thay vào đó quá trình phát triển kinh tế của Ấn Độ diễn ra chậm rãi và từ tốn với GDP luôn ở ngưỡng dưới 10%.
Rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảm thấy sốt ruột dùm Ấn Độ khi chứng kiến tốc độ phát triển như tên lửa của Trung Quốc khi nước này luôn đạt mức tăng trưởng trên hai con số, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi giống nhau, về dân số đông, giá nhân công rẻ và lãnh thổ rộng lớn.
Thậm chí Ấn Độ còn được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn Trung Quốc khi sở hữu một đường bờ biển dài gấp đôi Trung Quốc, lại nằm trên con đường hàng hải xuyên Âu – Á rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nếu như hầu hết hàng hóa của Trung Quốc phải vận chuyển trên một quãng đường rất dài để dồn về các tỉnh duyên hải phía Đông để đưa lên tàu xuất sang nước ngoài, thì ở Ấn Độ nơi biển bao quanh phần lớn lãnh thổ mọi thứ lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Thế nên không lấy gì làm lạ với sự hẫng hụt của thế giới khi chứng kiến sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng, nếu có một mô hình phát triển kinh tế nào đang được Trung Quốc thèm khát nhất ở thời điểm hiện tại, thì đó không gì khác ngoài Ấn Độ.
Nguyên nhân chủ đạo nằm ở việc các nhà lãnh đạo Ấn Độ chọn cách phát triển một cách bền vững thay vì chạy theo tốc độ và quy mô một cách lệch lạc như Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc để đạt mục tiêu tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất đã lao theo những kế hoạch phát triển tràn lan và thiếu tầm nhìn xa, và hậu quả sau ba mươi năm phát triển cao độ ở nước này giờ đây đang hiện ra rõ hơn hết, đó là sự thiếu cân đối giữa các bộ phận của nền kinh tế, ô nhiễm môi trường và một nền kinh tế ẩn chứa nhiều khuyết tật ngầm.
Những điều đó đã không xảy ra ở Ấn Độ. New Delhi đã tỏ ra có tầm nhìn xa hơn so với Bắc Kinh. Mở cửa nền kinh tế chậm hơn Trung Quốc một thập niên, chính phủ Ấn Độ tập trung xây dựng các lĩnh vực then chốt làm đòn bẩy cho nền kinh tế, đó là công nghiệp nhẹ và công nghệ thông tin.
Các tiêu chuẩn được áp dụng trong phát triển công nghệ và tài chính thương mại ở Ấn Độ cũng cao hơn Trung Quốc khi Ấn Độ áp dụng các tiêu chuẩn của Châu Âu, đồng thời lực lượng lao động của Ấn Độ cũng có trình độ cao hơn Trung Quốc nhờ hệ thống giáo dục dựa theo các tiêu chuẩn phương Tây và việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi trên toàn quốc bắt nguồn từ quá khứ là thuộc địa của Anh.
Chính vì vậy, nếu như Trung Quốc đang rơi vào thế bế tắc trong việc tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế, thì cánh cửa tương lai đang rộng mở với Ấn Độ hơn bao giờ hết. Với chiến lược phát triển bền vững được quy hoạch có chiến lược của mình, Ấn Độ đang còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, trong khi Trung Quốc với sự bừa bãi của mình lại đang cạn dần.
Một trong số đó là nguồn nhân lực, nếu như giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi và trở nên đắt đỏ khiến giá nhân công rẻ không còn là lợi thế của nước này, thì nó vẫn được giữ nguyên ở Ấn Độ. Giới phân tích dự báo một lượng lớn nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc để chuyển sang các khu vực khác có giá nhân công thấp hơn như Đông Nam Á và Ấn Độ.
Tương quan kích thước kinh tế và đi cùng với đó là tương quan sức mạnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vì thế sẽ ngày càng được rút ngắn. Trung Quốc được dự báo sẽ phát triển chậm lại ít nhất là trong hơn 10 năm tới, trong khi 20 năm tới lại được coi là giai đoạn kinh tế Ấn Độ có bước phát triển mạnh nhất, do Ấn Độ mở cửa nền kinh tế sau Trung Quốc hơn mười năm nên giai đoạn phát triển mạnh nhất của nước này cũng sẽ sau Trung Quốc chừng ấy thời gian.
Theo ADB và WB dự báo, mức tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2015 có thể lên tới 7% dù chính phủ nước này chỉ dự đoán trong khoảng 6,5%. Cùng là mức tăng trưởng 7% trong năm 2015 nhưng nếu như đó là chỉ dấu cho sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc thì đây lại là dấu hiệu cho việc Ấn Độ chuẩn bị đạt tới giai đoạn phát triển mạnh nhất của mình. Và quan trọng hơn hết là Ấn Độ đang đi trên một con đường thênh thang rộng mở trong khi Trung Quốc lại đang rơi vào ngõ cụt của phát triển kinh tế.
Trong tương lai, các chuyên gia dự đoán kinh tế Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ trước năm 2030. Nghiên cứu lịch sử kinh tế cho thấy kinh tế Ấn Độ vừa thoát khỏi giai đoạn nút cổ chai tăng trưởng và có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ tương tự như Trung Quốc đã làm nhưng sẽ bền vững hơn Trung Quốc khá nhiều.
Thách thức lớn nhất không chỉ với trật tự kinh tế thế giới trong tương lai, mà còn với trật tự sức mạnh và quyền lực trong khu vực Châu Á, vì thế đang nằm ở Ấn Độ. Đối thủ lớn nhất trong tương lai của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn tầm ảnh hưởng trong khu vực không ai khác ngoài Ấn Độ.
-----------------------------
Trái bần hoang dã trở thành đặc sản xuất ngoại
Bà Võ Thị Cúc, SN 1952 (ở xã Long Trị, Long Đức, TP Trà Vinh) đã mày mò nghiên cứu để biến trái bần hoang dã thành đặc sản bán trong và ngoài nước. Sản phẩm bột bần, mứt bần của bà được người tiêu dùng ưa thích nhất là ở thành thị.
Bà Cúc cùng chồng suốt mấy chục năm liền ở nhờ đất khu nông trường thuộc cù lao Long Trị nằm giữa sông Hậu. Xung quanh cù lao là đất bãi bồi, cây bần mọc thành rừng nên người dân nơi đây tận dụng lấy gỗ, rễ làm nút chai, trái bần thì nấu canh chua. Tuy nhiên để biến trái bần hoang dã thành món đặc sản là cả một chặng đường dài.
Bà Cúc cho biết: “Năm 2006, khi đất cù lao này được lập khu du lịch tôi mới mở quán nước giải khát, ăn uống phục vụ du khách. Những món ăn tôi chọn đều là thức ăn đồng quê như: cá bống sao, lịch, cá bông lau, cá tra bần… nhưng nấu chua với me, cơm mẻ là quá bình thường nên tôi chọn trái bần nấu để có vị lạ. Vậy mà du khách ăn rất thích thú nhưng đến tháng 2 (AL) là hết mùa bần chín không có để bán nên tôi suy nghĩ tìm cách trữ trái bần để sử dụng lâu như người ta bảo quản con cá, con tôm…”.
Trái bần được bà Cúc bảo quản bằng cách làm nhuyễn, xay thành bột nhưng gặp thất bại nhiều lần vì vỏ bần chát, hạt nhiều. Bà Cúc kể lại: “Ban đầu đem trái bần dốt (gần chín) luộc chín thì chà ra màu bần đen thui không sử dụng được. Sau đó tôi chọn trái bần chín chà ra nhưng vỏ trái bần có vị chát cũng không nấu canh chua được và thất bại thêm lần nữa. Sau đó tôi chọn cách gọt vỏ bần rồi chà lấy hạt để nấu thành bột bần mới dự trữ được mấy tháng không có trái bần chín cây”.
Sau khi làm bột bần thành công, bà Cúc chỉ bán cho khách đến quán ăn uống ngay tại nhà. Sau đó khách thấy ngon đòi mua đem về nhà sử dụng nên bà mới nghiên cứu bỏ vào hủ khoảng 300 gram bán cho du khách. Từ đó, khách hàng gần xa biết tiếng bà mới bỏ mối các cửa hàng, siêu thị và xuất sang cả nước ngoài.
Mới học hết lớp 8 nên bà Cúc không biết gì về đăng ký thương hiệu, trưng bày sản phẩm hay đầu tư máy móc để sản xuất. Tuy nhiên nhờ vào Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, giấy phép kinh doanh, máy sản xuất ra bột bần… Bà Cúc cho biết: “Lúc đó tôi cứ nghĩ làm ra bột bần để bán quán ăn rồi cao lắm là bán cho du khách đem về dùng chứ đâu nghĩ thành lập cơ sở, nhãn hiệu hàng hoá rồi đến xuất khẩu như bây giờ”.
Nhờ vào việc giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ hàng Việt nên sản phẩm bột bần, mứt bần… với thương hiệu Thuỷ Tiên của bà được nhiều khách hàng biết đến. Mỗi năm cơ sở làm ra được khoảng 20 tấn bột, mức bần cung ứng cho thị trường.
Chuyện trái bần hoang dã của bà Cúc được xuất ngoại cũng hết sức tình cờ. Bà Cúc kể lại: “Mấy năm trước ông Tú (Việt kiều Đức) xem trên ti vi thấy quay cảnh tôi làm bột bần để nấu lẩu chua bán cho du khách, ông cho rằng tôi nói xạo vì ở xứ sở này mấy chục năm mà không nghe ai làm bột bần. Lúc đó ông kêu người em ở tỉnh Trà Vinh thuê nguyên chiếc ghe sang vùng đất cồn này xem mới tin là thật. Do làm nghề bán quán ăn bên Đức nên năm nào ông đều đặt 1 thùng 50 hủ đem về bên đó bán cho tới nay”.
Ngoài ra, nhiều khách du lịch nước ngoài, Việt kiều về nước cũng tìm mua bột bần đem ra nước ngoài sử dụng trong thời gian dài.
Nhờ sản xuất thành công bột bần mà bà Cúc tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động ở vùng cù lao heo hút này với mức lương công nhật từ 100 đến 150 ngàn đồng/ngày. Trái bần hoang dã từ thứ bỏ đi rụng đầy ở ven bãi bồi giờ được bà con thu hoạch, lượm quả bán với giá khoảng 7.000 đồng/kg. Hiện tại ngoài sản phẩm bột bần, mức bần, bà Cúc dang nghiên cứu để làm ra sản phẩm kẹo bần, rượu bần để để giúp trái bần ở quê mình vươn xa và phục vụ nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
-------------------------------
“Giá dầu sẽ không bao giờ trở lại mốc 100 USD/thùng”
Phát biểu trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ USA của Mỹ, hoàng tử Alwaleed của Saudi Arabia nói rằng, giá dầu sẽ không bao giờ quay trở lại mốc 100 USD/thùng.
“Tôi tin chắc là chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến mức giá 100 USD/thùng dầu thêm nữa. Cách đây 1 năm tôi, tôi đã nói mức giá trên 100 USD/thùng là giá ảo, không chính xác”, ông Alwaleed, vị tỷ phú giàu nhất Trung Đông, nói. Theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, ông Alwaleed hiện sở hữu khối tài sản ròng 26,3 tỷ USD và là người giàu thứ 26 trên thế giới.
Hôm nay (13/11), giá dầu thế giới tiếp tục giảm xuống ngưỡng 45 USD/thùng, thấp nhất trong gần 6 năm. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 12/11, giá dầu tại London và New York giảm 5%.
“Nhu cầu tiêu thụ dầu đang chậm lại, mà nguồn cung thì lại dư thừa. Hai điều này tạo thành công thức cho giá dầu sụt giảm, không có gì là khó hiểu cả”, ông Alwaleed nói trong bài trả lời phỏng vấn.
Cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Ali al-Naimi, cũng có phát biểu tương tự. Khi đó, ông al-Naimi nói, giá dầu 100 USD/thùng có thể chỉ còn là câu chuyện của quá khứ.
Hồi năm 2008, khi giá dầu lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng, đã có một số dự báo cho rằng giá dầu sẽ lên tới 200 USD/thùng do nhu cầu tiêu thụ năng lượng gia tăng mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ. Sau đó, giá dầu đã lao dốc về 34 USD/thùng trong thời gian suy thoái kinh tế toàn cầu trước khi tăng mạnh trở lại.
Trong 3 năm qua, giá dầu khá ổn định trong vùng 90-110 USD/thùng. Lần gần đây nhất giá dầu ở trên ngưỡng 100 USD/thùng là vào cuối tháng 7/2014. Tuy vậy, mốc giá này đã không thể được duy trì do dư thừa nguồn cung toàn cầu khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng bùng nổ.
Giá dầu giảm sâu là tin vui đối với người tiêu dùng khắp thế giới, nhưng lại là “cơn ác mộng” đối với các nhà sản xuất dầu, trong đó có các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Hoàng tử Alwaleed nói, một “tác dụng phụ tích cực” của giá dầu giảm là sẽ cho phép Saudi Arabia xác định xem “có bao nhiêu công ty sản xuất dầu đá phiến phải ra đi”.
Các công ty năng lượng của Mỹ hiện đã cắt giảm kế hoạch đầu tư, giảm cổ tức và sa thải nhân công. Theo các chuyên gia một số công ty khai thác dầu đá phiến sẽ không chịu được sự giảm giá dầu chóng mặt đang diễn ra.
Giới đầu tư dự báo giá dầu sẽ còn giảm tiếp. Một số người cho rằng giá dầu sẽ giảm tới 30 USD/thùng. Hôm qua, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cắt giảm dự báo giá dầu Brent trung bình của quý 1 năm nay xuống còn 42 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng trước đó.
Mặc dù vậy, chuyên gia kinh tế trưởng Chris Lafakis của Moody’s cho rằng, một khi tìm được đáy, giá dầu sẽ tăng mạnh trở lại và lên ngưỡng 80 USD/thùng vào cuối năm 2015.
---------------------------
Hơn 3.000 người sập bẫy sàn vàng ảo, mất 270 tỷ đồng
Nhận được lời hứa sẽ trả lãi suất cao, hơn 3.000 nhà đầu tư đã bỏ ra 270 tỷ đồng đến nay... có khả năng mất trắng. Tổng giám đốc công ty mới tròn 30 tuổi.
Ngày 13/1, Phòng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) cùng các đơn vị có liên quan đã triệt phá vụ án kinh doanh vàng tài khoản, huy động vốn trái phép diễn ra tại Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI). Công ty này có chi nhánh đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Cơ quan chức năng đã thu giữ 4 máy chủ chứa dữ liệu của công ty HGI cùng một số hóa đơn, ổ cứng, chứng từ được cho có liên quan đến vụ việc.
Trong số các nghi can đưa về cơ quan điều tra có Phùng Quốc Huy (30 tuổi, ở Hà Nội) - Tổng giám đốc công ty HGI.
Theo kết quả điều tra, công ty HGI được thành lập vào tháng 5/2009, tổ chức sàn giao dịch vàng tài khoản. Công ty sử dụng phần mềm MT4 được mua của đối tác nước ngoài.
Qua phần mềm này, các nhà đầu tư tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu... Cơ quan điều tra làm rõ có khoảng hơn 3.000 nhà đầu tư tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại công ty này.
Từ tháng 5/2012, HGI còn tổ chức huy động vốn đưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư. HGI đã nhận của nhà đầu tư 270 tỷ đồng và đến nay không có khả năng thanh toán.
Theo nhà chức trách, công ty HGI dùng tiền ủy thác đầu tư để mua mua 5 hecta đất tại Phú Quốc, xây dựng xưởng gốm. Ngoài ra còn sử dụng vào việc chi trả lương thưởng và kinh phí hoạt động của công ty.
Tại chi nhánh Đà Nẵng, 61 khách hàng cũng đứng ra ủy thác đầu tư cho HGI với số tiền 14,3 tỷ đồng, 531 nhà đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với khoản tiền 15,7 tỷ đồng. Số tiền thu được chuyển ra trụ sở Hà Nội để đầu tư vào một công ty tại Mỹ với số tiền 15 triệu USD.
Một lãnh đạo PC50 cho biết, nhóm người liên quan đến vụ việc sử dụng thủ đoạn tinh vi như hứa hẹn trả lãi suất cao, xây dựng trụ sở công ty trang hoàng lộng lẫy dễ bề lôi kéo nhà đầu tư. Nạn nhân gồm đủ mọi tầng lớp, người thân cũng bị họ lôi kéo vào cuộc.
PC50 cùng Phòng cảnh sát hình sự và đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an đang mở rộng vụ việc.
------------------------------