Không rầm rộ tuyên bố các chiến lược, Nguyễn Kim âm thầm tìm kiếm hậu thuẫn về tài chính, quản trị khi bán 49% cổ phần cho công ty của tý phú Chirathivat.
Power Buy – công ty chuyên về bán lẻ thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim.
Trao đổi với báo chí Việt Nam, đại diện truyền thông của Central Group - tập đoàn nắm cổ phần của Power Buy cho biết việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp công ty mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam. Tổng giám đốc Central Group Việt Nam Philippe Broianigo sẽ kiêm chức này tại Nguyễn Kim, trong khi ông Nguyễn Văn Kim vẫn nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Đại diện này không tiết lộ giá trị thương vụ, song theo Forbes Việt Nam số ra tháng 1/2015, trong thương vụ này, Nguyễn Kim được định giá 200 triệu USD.
Cũng theo nhận định của tạp chí này, động thái nhiều ông chủ các doanh nghiệp tư nhân bán cổ phần lớn, nhường quyền kiếm soát cho đối tác nước ngoài được xem là bước tìm kiếm hậu thuẫn về tài chính, quản trị tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Thương vụ mua cổ phần sẽ giúp tận dụng thế mạnh của hai bên phát triển mảng bán lẻ. Đây cũng nằm trong kế hoạch kêu gọi đối tác ngoại của Nguyễn Kim giai đoạn 2011 - 2015 và đã được chia sẻ với các nhà cung cấp. Nguyễn Kim được thành lập năm 2001 và hiện có 21 siêu thị điện máy trên cả nước, chiếm thị phần bán lẻ điện máy hàng đầu tại Việt Nam. Trong năm tài chính kết thúc 31/3/2014, công ty đạt doanh số bán hàng hơn 8.400 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 352 tỷ đồng.
Trong khi đó, Power Buy được đánh giá là một trong những nhà bán lẻ hàng điện máy, điện tử hàng đầu Thái Lan, với hơn 80 cửa hàng trên toàn quốc. Tại Việt Nam, gia đình tỷ phú Chirathivat đang ráo riết mở chuỗi trung tâm thương mại Robins tại Hà Nội và TP HCM.
Theo yêu cầu của Chính phủ, đến 2015 EVN phải cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ, cân bằng tài chính. Tuy nhiên, đến nay EVN vẫn còn “treo” trên 8.800 tỷ đồng lỗ tỷ giá. Năm 2014, chi phí tăng mạnh do giá than, khí bao tiêu và các khoản thuế tăng.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra sáng nay (ngày 13/1/2015), ông Dương Quang Thành – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trong năm 2015, kế hoạch của EVN sẽ đưa giá điện bình quân toàn tập đoàn xuống còn 1.515,69 đ/kWh.
Năm 2014 vừa rồi, giá bán điện bình quân toàn Tập đoàn ước đạt 1.529 đ/kWh, tăng 30 đ/kWh so với năm 2013. Như vậy, với mục tiêu trên của EVN, giá điện bình quân toàn tập đoàn sẽ giảm nhẹ 0,87%.
Về mặt thuận lợi, trong năm, các nhà máy thủy điện miền Trung có sản lượng khai thác thấp do khô hạn, nhưng các nhà máy thủy điện còn lại đều khai thác đạt hiệu quả cao về công suất và sản lượng trên 60 tỷ kWh, góp phần giảm được lượng điện sản xuất từ các nguồn điện có giá thành cao, trong đó sản lượng điện phát bằng dầu chỉ huy động bằng 38% kế hoạch.
Các nhà máy nhiệt điện than vận hành ổn định hơn năm 2013, không có sự cố lớn, tổng sản lượng vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh. Các nhà máy tuabin khí đã huy động tối đa từ đầu năm và tổng sản lượng đạt xấp xỉ kế hoạch năm, tuy nhiên nguồn khi PM3 vận hành không ổn định hay xảy ra sự cố, làm ảnh hưởng đến huy động các tổ máy tuabin khí Cà Mau.
Cũng trong năm 2014, có một số yếu tố mới, xuất hiện trong năm và có tác động ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn.
Cụ thể, giá than cho sản xuất điện từ 1/1/2014 và 22/7/2014, điều chỉnh giá khí trên bao tiêu theo giá thị trường từ 1/4/2014; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% từ 1/2/2014; bổ sung phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy IPP dưới 30MW, các yếu tố này làm gia tăng chi phí sản xuất điện và mua điện hàng nghìn tỷ đồng và đều chưa được tính vào trong giá bán điện hiện hành.
Cuối năm công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt khoảng 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,2%.
Mới đây, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cũng đánh giá, mức lãi 300 tỷ đồng của Tập đoàn trong năm 2014 là “quá ít”.
Báo cáo tại Hội nghị với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại diện EVN – ông Dương Quang Thành đề xuất, “Bộ quan tâm bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015 như tăng giá khí, giá than cho sản xuất điênh, thuế tài nguyên, chi phí trng rừng, chi phí trả tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện theo Luật đất đai mới”.
Ông Phạm Lê Thanh – Tổng giám đốc EVN cho biết thêm, theo yêu cầu của Chính phủ, đến 2015 EVN phải cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ, cân bằng tài chính. EVN đã công bố lỗ 12.000 tỷ năm 2010-2011; lỗ chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ. Số dư còn lại chỉ còn hơn 8.800 tỷ về lỗ tỷ giá, toàn bộ lỗ kinh doanh đã được bù hết.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, dự kiến cuối tháng này, Chính phủ sẽ họp về hai nôi dung quan trọng: với giá dầu xuống thấp, Việt Nam sẽ khai thác, tiêu thụ dầu thô như thế nào; vấn đề thứ hai là về chi phí giá điện
Tính đến nay, giá điện đã không tăng trong 16 tháng. Theo biểu giá điện hiện hành áp dụng kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
-------------------------------
TPHCM: Công bố 3 tuyến đường có mức giá đất cao nhất
UBND TPHCM vừa có quyết định ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ nay cho đến hết 31/12/2019. Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1) là 3 tuyến đường có mức giá đất cao nhất với 162 triệu đồng/m2.
Theo bảng giá đất năm 2015, TPHCM có 19 quận áp dụng khung giá của đô thị đặc biệt (vùng 6 - vùng Đông Nam bộ), từ 1,5 triệu đồng/m2 đến 162 triệu đồng/m2; có 5 thị trấn của 5 huyện áp dụng khung giá đô thị loại V - vùng Đông Nam bộ, từ 120 ngàn đồng/m2 đến 15 triệu đồng/m2; các xã của 5 huyện áp dụng theo khung giá đất của xã đồng bằng vùng Đông Nam bộ.
Đất thương mại, dịch vụ có giá bằng 0,8 lần so với đất ở liền kề. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ có giá đất bằng 0,6 lần giá đất ở liền kề.
Đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp có giá bằng 0,6 lần giá đất ở liền kề. Đối với đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, UBND TP sẽ quyết định cụ thể cho từng trường hợp phát sinh.
Đối với đất chưa sử dụng, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để đưa vào sử dụng thì căn cứ phương pháp định giá đất và giá của loại đất cùng mục đích sử dụng đã được giao đất, cho thuê đất tại khu vực lân cận để xác định mức giá.
Thành phố có 3 tuyến đường áp dụng mức giá cao nhất khung giá của đô thị đặc biệt (vùng 6 – Vùng Đông Nam bộ). Tuy nhiên, mức giá này chị bằng khoảng 1/4 so với giá thị trường. Mức giá chung của 3.833 tuyến đường trên địa bàn thành phố chỉ bằng khoảng 30% mức giá thị trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín, việc ban hành bảng giá đất năm 2015 bên cạnh thực hiện đúng quy định của Chính phủ về khung giá đất, còn nâng cao ý thức của người sử dụng đất nhằm làm cho đất đai ngày càng được quản lý, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn, giảm tình trạng đầu cơ về đất. Bên cạnh đó là tạo sự minh bạch, công bằng hơn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh doanh phát triển.
---------------------------
Khó khăn, nước Pháp sẽ bán... “nàng Mona Lisa”?
Trong muôn vàn khó khăn vây bủa, nước Pháp đã đưa ra đề xuất bán bớt các tác phẩm nghệ thuật của nước này, trong đó có bức nàng Mona Lisa danh tiếng.
Nước Pháp hiện đang phải đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lên tới 150 tỉ bảng (tương đương 4826 nghìn tỉ đồng), vì vậy, Pháp có thể sẽ đem bán hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật mà các viện bảo tàng của nước này đang sở hữu, để có thể khỏa lấp khoản thâm hụt khổng lồ này. Thông tin này vừa được đưa ra trong một bản báo cáo đề xuất của nghị viện.
Kế hoạch quyết liệt đem bán những bức tranh, bức tượng đang nằm trong nhà kho của các viện bảo tàng hàng đầu tại Pháp đã được các thành viên nghị viện đưa ra khi họ phải nghiên cứu cách xử lý số thâm hụt ngân sách khổng lồ của nước Pháp.
Đề xuất này được đưa ra sau khi kênh tin tức quốc gia France 24 năm ngoái đã từng đưa ra ý kiến đem bán bức nàng Mona Lisa - bức tranh nổi tiếng nhất thế giới hiện đang được treo ở viện bảo tàng Louvre, Paris, Pháp - để “giải cứu” số thâm hụt ngân sách.
Giờ đây, những nhà làm luật của Pháp đã tìm kiếm sự tư vấn từ những nhà đấu giá hàng đầu thế giới, đối với việc đem bán những tác phẩm nghệ thuật do nhà nước sở hữu.
Các nhà đấu giá khuyên chính phủ Pháp hãy thực hiện những điều mà nước Mỹ đã đem áp dụng, đó là các viện bảo tàng được phép tiến hành “dọn kho”. Họ có thể đem bán những tác phẩm chưa từng được đem triển lãm, đã phải nằm “chất đống” trong kho suốt nhiều năm. Làm như vậy vừa giúp giải tỏa nguồn lực, vừa tận dụng triệt để những tác phẩm đã bị bỏ quên quá lâu.
Cách làm này còn có thể đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn, để các viện bảo tàng có thêm tiềm lực kinh tế để mua những tác phẩm nghệ thuật lớn mà họ đang “nhắm tới”.
Việc đem bán một số tác phẩm nghệ thuật phải nằm trong kho trong suốt nhiều năm có thể coi là việc làm cần thiết để hạn chế những sự lãng phí đối với tài sản quốc gia. Chỉ tính riêng viện bảo tàng Louvre, hiện có khoảng 250.000 tác phẩm nghệ thuật nằm chất đống trong nhà kho.
Ngoài ra, một số viện bảo tàng lớn trên thế giới còn thường đem bán những tác phẩm mà họ đã trưng bày trong suốt 50 năm để đổi mới diện mạo của viện bảo tàng.
Nếu đề xuất lần này được thông qua, đây cũng không hẳn là lần đầu tiên nước Pháp đem bán những món đồ được coi là bảo vật để xử lý vấn đề kinh tế.
Năm 2013, Điện Elysee - dinh Tổng thống Pháp tại Paris - đã tuyên bố bán 1.000 chai rượu lâu năm ngon hảo hạng để có tiền thực hiện những hoạt động sửa chữa, tu bổ.
Từ trước tới nay, chính phủ Pháp luôn bác bỏ đề xuất bán bức tranh nàng Mona Lisa của danh họa người Ý Leonardo Da Vinci và luôn khẳng định đây là bức tranh vô giá, nhưng thực tế khi phải thực hiện những điều khoản bảo hiểm cho bức tranh hồi năm 1962, bức họa đã được định giá 60 triệu bảng (gần 2 nghìn tỉ đồng).
---------------------------