Một phụ nữ Việt thuộc đường dây mại dâm cao cấp vào Macau bị bắt
Cảnh sát Macau vừa bắt giữ hơn 100 người, trong đó có cháu trai của ông trùm sòng bạc Stanley Ho Hung-sun (Hà Hồng Thâm) là Alan Ho cùng 96 cô gái bị cáo buộc hoạt động mại dâm, trong một chiến dịch chống lại hoạt động "tay trái" của một khách sạn ở Macau. Một phụ nữ Việt nằm trong số 96 phụ nữ bị bắt.
Một nhóm được cho là kiểm soát 100 phòng trong khách sạn này kể từ năm 2013. Alan Ho (68 tuổi) và 5 nhân viên khách sạn cũng nằm trong số những người bị bắt.
Cảnh sát cho biết 6 người này bị cáo buộc âm mưu điều hành đường dây mại dâm có lợi nhuận lên tới 400 triệu patacas/ năm (48 triệu USD/năm) tại một khách sạn không tên, nằm ở khu vực giữa bến phà chính với khách sạn nổi tiếng Lisboa. Đây là con số lợi nhuận từ kinh doanh mại dâm lớn nhất kể từ khi vùng đất Macau trở về với Trung Quốc đại lục vào năm 1999.
Alan Ho là một lãnh đạo cấp cao của khách sạn Lisboa, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội các Đại lý Du lịch Macau, phó chủ tịch Hiệp hội Chủ khách sạn và Nhà nghỉ Macau.
Một phát ngôn viên cảnh sát cho hay 6 người trên hôm qua (12.1) đã được chuyển giao cho cơ quan công tố để cơ quan này quyết định liệu có khởi tố họ hay không.
Khi tiến hành bắt giữ các đối tượng trên hôm 10.1, cảnh sát tịch thu hơn 1 triệu patacas tiền mặt vì nghi vấn đó là "tiền đen".
Khách sạn này cũng bị cáo buộc điều hành một đường dây mại dâm trực tuyến bằng cách chủ yếu điều gái từ đất liền vào Macau.
Cảnh sát cho biết những người phụ nữ phải trả "chi phí thành viên" 150.000 nhân dân tệ (NDT) mỗi năm (tương đương 25.000 USD/năm), cộng với "phí bảo vệ" 10.000 patacas (1.200 USD) trước khi sử dụng phòng khách sạn. Theo đó, "phí bảo vệ" cho phép những cô gái này "săn" khách tại sảnh của khách sạn. Sau đó, họ có thể giữ nguyên tiền kiếm được, thường dao động từ 200-650 USD/ngày.
Một phụ nữ Việt nằm trong số 96 cô gái nghi mại dâm bị bắt. Trong số này, 20 người nhập cư bất hợp pháp và 10 người sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo.
-------------------------
Hà Nội đề xuất tăng mức xử phạt người mua dâm
Sở Lao động, Thương Binh & Xã hội thành phố Hà Nội vừa đưa ra một số kiến nghị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn mại dâm, trong đó có đề xuất tăng mức xử phạt người mua dâm.
Theo Sở Lao động, ước tính khoảng 3.000 người bán dâm hoạt động trên địa bàn thành phố với những hình thức ngày càng tinh vi và đa dạng. Họ lợi dụng triệt để kẽ hở trong chính sách pháp luật, cơ chế quản lý, điều hành của nhà nước. Thành phần mua dâm cũng ngày càng đa dạng, từ trí thức đến công nhân, lao động bình thường.
Đáng chú ý, đơn vị này cho rằng, Nghị quyết 24 của Quốc hội về thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính quy định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh với người bán dâm mà chỉ xử phạt hành chính, khiến hiệu quả răn đe với người bán dâm không cao, có thể hiểu ngầm “phạt để tồn tại”. Nhiều người không có tiền hoặc không chịu nộp phạt vì biết không thể giữ họ quá 24 giờ.
Từ thực trạng trên, Sở Lao động đề xuất với Quốc hội, nghiên cứu thay thế Pháp lệnh phòng, chống mại dâm bằng ban hành Luật phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất cơ quan lập pháp tăng mức phạt hành chính đối với người mua dâm; sửa đổi khái niệm bán dâm; ban hành các quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người bán dâm có tính khả thi cao.
Trong năm 2015, Hà Nội chỉ hỗ trợ sinh kế được cho 2 người bán dâm hoàn lương mở của hàng làm tóc và chăn ga, gối đệm với mức hỗ trợ từ 15 - 20 triệu đồng
Trước đó, hồi cuối tháng 7/2014, trong báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đề nghị cần công khai danh tính người mua dâm. Tuy nhiên, đề xuất trên vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực từ cơ quan lập pháp.
Kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015 đặt ra mục tiêu: triệt phá 200 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm; triệt xóa 2 tụ điểm mại dâm tại các địa bàn công cộng; kiểm tra, quét vét, xử phạt hành chính 500 lượt người bán dâm...
-------------------------
Các cảng nội địa "đua nhau" xếp hàng quá tải
Các cảng nội địa trên đường 5 cũ của Hải Phòng đang vào chiến dich “thi nhau” xếp hàng quá tải. Xe quá tải chở theo những núi hàng nườm nượp ra đường. Người dân thấy, các cảng mặc nhiên thừa nhận nhưng cơ quan chức năng… vắng mặt.
Gần 1 tháng nay, gạo, tinh bột xuất khẩu đang vào mùa cao độ. Các chủ hàng, các tàu, xà lan chở hàng trước khi làm lệnh vào càng đều gọi điện thẳng cho các cảng để “cam kết”... phải xếp hàng quá tải. Vì lợi nhuận, các cảng bé, cảng thủy nội địa, thậm chí là bến bãi cóc đã “vượt mặt” rất nhiều cảng lớn như Cảng Vật Cách, Cảng Hải Phòng, Cảng Đình Vũ… để vươn lên “bao trọn” một lượng hàng lớn. Thực trạng này đẩy các cảng lớn, các cảng chấp hành quy định tải trọng vào tình thế “làm thật mất ăn”.
Dư luận lo ngại, các cảng thủy nội địa của Hải Phòng đua nhau xếp hàng quá tải sớm muộn sẽ khiến cho các văn bản đã ký, ban hành của Bộ GTVT, cảng vụ cũng như các đơn vị liên quan chỉ mãi mãi nằm lại trên giấy.
Như Dân trí đã thông tin, liên tục từ tháng 6/2014 đến nay, tình trạng xếp hàng quá tải tại đa số cảng thủy nội địa Hải Phòng trở nên “đỉnh điểm”. Bằng quá trình mật phục rồi công khai tác nghiệp, nhóm PV đã ghi nhận một thực trạng: cứ có tàu hàng vào là cảng sẵn sàng xếp hàng quá tải.
Qua một thời gian dài tìm hiểu, PV Dân trí đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng những "núi hàng di động" bò ra từ các cảng nội địa. Báo chí đăng hôm trước, hôm sau các cảng như Tiến Mạnh, Tuấn Loan, Quỳnh Cư vẫn tiếp tục làm. Có một số cảng “tế nhị” hơn là chờ đêm xuống tắt điện, đánh đèn pha ô tô để bí mật xếp dỡ.
Về phía cơ quan chức năng như Cảng Vụ Hải Phòng, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đều kêu khó về chủ trương, nhân lực và phương tiện khi thực hiện chiến dịch "không xe quá tải". Lực lượng CSGT để lọt xe quá tải như cơm bữa. Các trạm cân vẫn túc trực nhưng hiệu quả cũng không cao.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, liên tục trong 1 tháng gần đây, nhu cầu gạo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch đi Trung Quốc tăng cao, hàng tập trung về các cảng trên đường 5. Để giữ khách, tăng lợi nhuận, các cảng đua nhau xếp hàng cho xe quá tải bò ra đường. Nhiều cảng thủy nội địa trên đường 5 cũ hiện nay không có cân, thậm chí không có cả cổng cảng. Xe cứ chỗ nào trống là đi ra, không chịu sự kiểm soát nào về quy định tải trọng.
Để minh chứng cho hàng vi cố tình vi phạm của các doanh nghiệp vận tải và hành vi bất chấp quy định của các cảng nói trên, nhóm PV đã báo cho CSGT Quảng Ninh, CSGT Hải Dương và một số trạm cân trên tuyến mà xe quá tải đi qua. Kết quả kiểm tra tải trọng cho thấy các xe đều quá tải từ 200 - 300 % so với tải trọng cho phép. Khi bị các lực lượng bắt giữ, cân xe, các lái xe cũng như các chủ hàng đều không xuất trình phiếu lấy hàng hay phiếu cân tại các cảng với lý do: "Các thủ tục đó đều do một người trong công ty quản lý”.
Một thực tế là về mặt quản lý nhà nước, các phương tiện này nộp phạt xong lại lên đường đi tiếp. Hôm sau lại tiếp tục chở quá tải.
Dư luận đặt câu hỏi: Hành vi cố tình xếp hàng quá tải của các cảng thủy nội địa trên đường 5 rõ như ban ngày, diễn ra trong một thời gian dài, tại sao vẫn chưa có cảng nào bị xử lý?
----------------------------
“Giật mình” với hàng chục nhân viên y tế sử dụng bằng giả
Trong khi mỗi năm có hàng trăm sinh viên ngành y ra trường chịu cảnh thất nghiệp thì tại Thanh Hóa, từ bệnh viện tỉnh đến các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế đều có nhân viên sử dụng bằng chuyên môn giả.
Mới đây, ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ y kiêm người phát ngôn báo chí - Sở Y tế Thanh Hóa xác nhận có 20 trường hợp nhân viên y tế tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng bằng chuyên môn giả.
Cũng theo ông Uyển, từ đầu năm 2014, Sở Y tế Thanh Hóa đã bắt đầu tiến hành rà soát bằng cấp của tất cả các cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn. Sau gần 1 năm thanh tra, mới đây Sở Y tế Thanh Hóa đã kết luận có 20 trường hợp sử dụng bằng dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm là bằng giả.
Theo đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa có 1 trường hợp, Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa 1 trường hợp, BV Đa khoa thành phố 2 trường hợp.
Tại huyện Quan Sơn, ở Bệnh viện Đa khoa có 3 trường hợp, Trung tâm y tế 1 trường hợp. Tại huyện Ngọc Lặc, riêng BV Đa khoa Khu vực Ngọc Lặc 2 trường hợp, 1 trường hợp thuộc nhân viên của Trung tâm y tế.
Tại huyện Triệu Sơn có 2 trường hợp đều là nhân viên của Trung tâm y tế huyện. Tại huyện Thiệu Hóa và huyện Thạch Thành đều có 1 trường hợp của BV Đa khoa huyện và 1 trường hợp của Trung tâm y tế. Ngoài ra, tại BV đa khoa huyện Đông Sơn, BV đa khoa huyện Quảng Xương, Trung tâm y tế Lương Nội Bá Thước mỗi đơn vị 1 trường hợp.
Điều đáng nói là trong số 20 trường hợp dùng bằng giả trên, có những trường hợp thâm niên hành nghề cả chục năm nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện. Cụ thể, ông L.X.T (SN 1965) - BV Đa khoa Quan Sơn, bà B.T.X - Trung tâm Y tế Lương Nội- Bá Thước; bà N.T.T (SN 1969)- Dược sĩ, ông L.V.L (SN 1958) - Trung tâm y tế huyện Triệu Sơn. Ông L. có thâm niên hơn 20 năm công tác, trong đó gần 20 năm giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Thắng.
Ông Lê Hữu Uyển cho biết: “Sau khi có kết luận thanh tra, Sở đã yêu cầu các đơn vị buộc thôi việc đối với các trường hợp dùng bằng giả, đồng thời thu toàn bộ quyết định thôi việc cùng với bằng giao cho công an tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Cho thôi việc lại ký hợp đồng 1 năm!
Tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa, với tấm bằng Dược sĩ trung học giả, bà Lê Thị Thúy (SN 1986) đã có 8 năm hành nghề cấp phát thuốc tại đây.
Qua kết quả kiểm tra, rà soát hồ sơ của Sở Y tế Thanh Hóa phát hiện bà Lê Thị Thúy - Dược sỹ Trung học, cán bộ viên chức khoa Dược vật tư thiết bị y tế (Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa) sử dụng bằng giả.
Theo chỉ đạo, ngày 16/5/2014, ông Lê Minh Sứ - Nguyên Giám đốc BV Nội tiết đã ký Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động đối với bà Thúy, là cán bộ viên chức khoa Dược Vật tư thiết bị y tế thuộc BV Nội tiết Thanh Hóa do sử dụng bằng Dược sỹ trung học giả. Thời gian chấm dứt từ ngày 20/5/2014.
Nhưng không hiểu sao, việc chấm dứt hợp đồng chưa được bao lâu thì cũng chính ông Lê Minh Sứ lại ký tiếp hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm với bà Lê Thị Thúy từ ngày 1/10/2014 với chức danh hộ lý.
Trước sự việc một cán bộ viên chức được giao công việc cấp phát thuốc sử dụng bằng giả bị phát hiện, chấm dứt hợp đồng lao động nay lại tiếp tục được ký tiếp hợp đồng lao động khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Về vấn đề trên, ông Uyển cho hay: “Trường hợp cô Thúy sau khi bị phát hiện bằng giả đã được Giám đốc BV Nội tiết ký lại hợp đồng là không nằm trong hợp đồng của Sở. Nếu do đặc thù của đơn vị, lao động phổ thông thì Giám đốc của quyền ký hợp đồng. Tuy nhiên, ký hợp đồng 1 năm thì cũng không đúng quy định. Sở sẽ yêu cầu BV Nội tiết xem xét lại hợp đồng này”.
------------------------