Trong khi Bộ Tài chính cùng Bộ GTVT đang tích cực kiểm tra giá cước vận tải ô tô giảm chưa hợp lý; nhiều doanh nghiệp vận tải (DN) lại đòi tăng giá tới 60%.
Ngày 28/1, PV Tiền Phong theo chân một đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính chủ trì có mặt tại Bến xe phía Nam (Hà Nội). Được biết, bến xe này vừa nhận được 2 bộ hồ sơ tăng giá DN. Cụ thể, Cty TNHH Hiền Phước trong bảng kê khai mức giá gần đây đã tăng giá cước tuyến Bắc Nam với mức dao động từ 20-60% tùy thời điểm.
Ví dụ, chiều Sài Gòn - Hà Nội giá vé sẽ tăng từ 880.000 đồng/khách lên 1.408.000 đồng/khách áp dụng từ ngày 10/2 đến 19/2; chiều ngược lại giữ nguyên. Sau Tết Nguyên đán chiều Hà Nội - Sài Gòn tăng từ 880.000 đồng lên 1.408.000 đồng/khách áp dụng từ 19/2 đến 25/2, chiều ngược lại giữ nguyên.
Đại diện DN này lý giải: Trước Tết Âm lịch, lượng khách đi lại chiều vào Sài Gòn giảm nhiều, doanh thu không thể bù đắp được chi phí. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đơn vị đã đầu tư lô xe mới, dẫn đến chi phí khấu hao và các chi phí cố định khác cũng tăng theo. Còn sau Tết, DN này cũng đưa ra lý do doanh thu không đủ bù đắp nổi chi phí chiều ngược lại. Phương án tăng giá sẽ có hiệu lực từ ngày 30/1/2015.
Tương tự, Cty TNHH Dịch vụ Vận tải và Thương mại Hùng Thắng (tuyến Hà Nội-Thanh Hoá), trong mẫu phương án giá gửi cơ quan chức năng cũng tăng 40% giá vé (từ mức 80.000 đồng/khách lên 112.000 đồng/khách). Lý do DN này đưa ra tương tự: Tăng giá do dịp Tết khách hàng chỉ đi một chiều và chiều còn lại chạy rỗng. Mức giá mới của DN này có hiệu lực từ ngày 8/2 đến 28/2.
Phương án tăng giá cũng được các DN thông báo với Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội). Cụ thể, Cty THNN Chín Nghĩa tăng giá vé chiều Hà Nội - Quảng Ngãi từ mức 350.000 đồng/khách lên mức 490.000 đồng/khách, tức tăng 40% từ ngày 19/2 đến 21/2; HTX xe khách Trung Nam tăng giá lần lượt từ 20-60% tùy vào từng thời điểm, nhưng xoay quanh mấy ngày Tết (từ ngày 31/1 đến 21/2).
Theo giải thích của một số nhà xe tại Bến xe phía Nam: Những năm trước, tăng mức phụ thu là bình thường. Năm nay, vì xăng dầu giảm mạnh nên giá cước vận tải mới bị để ý nhiều như vậy.
Kết luận thanh tra chỉ rõ chủ đầu tư của hai dự án Mullberry Lane và Capitaland - Hoàng Thành chưa thực hiện các thủ tục xác định lại nghĩa vụ tài chính và nộp phí xây dựng.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có kết luận thanh tra tại hai dự án căn hộ lớn của Công ty TNHH CapitaLand - Hoàng Thành, phát hiện nhiều sai phạm trong đó đáng chú ý là việc chưa nộp phí xây dựng gần 7 tỷ đồng và chưa làm thủ tục xác định lại nghĩa vụ tài chính do điều chỉnh quy hoạch.
Kết luận thanh tra do Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong ký cho thấy, cả hai dự án được thanh tra là Khu chung cư và thương mại hỗn hợp CapitaLand Hoàng Thành (còn được thị trường biết đến với tên gọi Mulberry Lane) và Khu chung cư cao tầng CapitaLand Hoàng Thành (cùng do công tyTNHH CapitaLand - Hoàng Thành làm chủ đầu tư) đều có nhiều tồn tại.
Cụ thể, tại dự án Mulberry Lane (Mỗ Lao - Hà Đông) - dự án có tổng mức đầu tư 260 triệu USD, được sự đồng ý của cơ quan quản lý, chủ đầu tư đã điều chỉnh quy hoạch làm tăng số căn hộ (từ 992 căn lên 1.478 căn), tăng số tầng (2 tòa từ 32 lên 34 tầng, 2 tòa từ 25 lên 27 tầng), tăng mật độ xây dựng (từ 39,1% lên 39,2%), tăng tổng diện tích sàn (từ 232.000 m2 lên 235.853 m2, không kể tầng hầm).
Theo Thanh tra, điều này làm tăng diện tích kinh doanh và doanh thu dự án. Tuy nhiên, mặc dù dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ 8/2014, chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành các thủ tục xác định lại nghĩa vụ tài chính phù hợp với quy hoạch đã điều chỉnh.
Ngoài ra, mặc dù đã tiến hành huy động vốn từ năm 2009 cho dự án Mulberry Lane, nhưng đến nay vẫn chưa kê khai và nộp phí xây dựng với số tiền theo tính toán gần 6,9 tỷ đồng.
Tương tự, tại dự án Khu chung cư cao tầng CapitaLand - Hoàng Thành (tổng vốn đầu tư 170 triệu USD, đang triển khai ngay cạnh khu Mulberry Lane), từ quy hoạch 32 tầng và 960 căn hộ ban đầu, đến nay chủ đầu tư đã thay đổi quy hoạch để nâng chiều cao tòa nhà lên 40-41 căn, với số căn hộ lên tới 1.300 căn.
Giống như dự án Mulberry Lane, dự án này cũng chưa được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục xác định lại nghĩa vụ tài chính tăng thêm do thay đổi quy hoạch.
Căn cứ mức độ tồn tại của các dự án này, Sở Xây dựng đã kiến nghị với UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì cùng các sở, ngành liên quan xác định lại nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư ở hai dự án có sự điều chỉnh nói trên.
Đồng thời, Sở này cũng truy thu gần 6,9 tỷ đồng tiền phí xây dựng tại dự án Mulberry Lane mà CapitaLand - Hoàng Thành chưa nộp suốt 5 năm qua.
Được biết, đây là những dự án đầu tiên của CapitaLand thực hiện tại Hà Nội, bên cạnh 3 dự án của “đại gia” Singapore này ở TP.HCM.
Việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng thêm khoảng 800 căn hộ ở cả 2 dự án còn khiến lo ngại gia tăng về áp lực giao thông và hạ tầng, vốn chưa hoàn thiện ở khu đô thị mới Mỗ Lao.
-----------------------
Thị trường bánh kẹo Tết Ất Mùi: Chiếm lĩnh bằng hương vị cổ truyền
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là tới Tết Ất Mùi, lúc này đang là cao điểm của mua sắm Tết. Những mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo đã sẵn sàng trên kệ. Thị trường Tết năm nay đón nhận nhiều sản phẩm mới ra lò, trong đó hương vị cổ truyền vẫn được coi là thế mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến thời điểm này không khí mua sắm bánh kẹo Tết tại thị trường Hà Nội đang nóng lên từng ngày.
Tại các phố chuyên bán buôn như khu vực chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm, Hàng Đường…từ sáng sớm đến tối khuya luôn đông đúc người mua bán, đóng hàng. Bên cạnh những loại bánh kẹo được đóng gói sẵn, có thương hiệu, nơi sản xuất thì phần lớn bánh kẹo mứt Tết ở đây được “đổ đống” trong các bọc ni lông lớn hoặc những rổ nhựa với giá khá rẻ, dao động từ 40.000 – 80.000 đồng/kg tùy loại.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số tiểu thương thì mấy năm trở lại đây, mặt hàng bánh kẹo không tên, không nhãn mác tiêu thụ rất chậm, chủ yếu là đóng hàng đi các tỉnh.
Trong khi đó, tại các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội, đến thời điểm này các sản phẩm bánh mứt kẹo đã được ưu tiên bày bán tại những vị trí bắt mắt nhất. Nhiều siêu thị còn cầu kỳ xếp thành những hình khối lớn nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng.
Theo quan sát của phóng viên, năm nay, bánh kẹo ngoại có phần phong phú và đa dạng hơn. Bên cạnh các sản phẩm có xuất xứ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,…về nhiều do hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ thì thị trường năm nay ghi nhận thêm nhiều loại bánh kẹo đến từ Hàn Quốc, Italia, Pháp, Nhật. Những sản phẩm mang hương vị trái cây, socola hay bơ sữa được thị trường khá ưa chuộng. Tuy nhiên, giá cả khá đắt, dao động từ 30.000 – 150.000 đồng/gói (đối với kẹo) và từ 250.000 – 700.000 đồng/hộp (đối với bánh).
Không hề kém cạnh so với bánh ngoại, những thương hiệu bánh kẹo nội đã “ăn chắc mặc bền” như Bánh Mứt Kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị, Tràng An,..cũng tung ra nhiều sản phẩm mới cho mùa làm ăn lớn nhất năm này.
Theo đại diện của Kinh đô, năm nay, công ty này cung ứng ra thị trường 5.000 tấn bánh kẹo, tăng hơn 10% sản lượng so với 2014. Trong đó, nhiều sản phẩm được thiết kế bắt mắt, sang trọng phù hợp với nhu cầu biếu tặng của người dân. Bibicacũng tung bộ sản phẩm cao cấp Goody và bánh Lạc Việt với vỏ hộp trống đồng Ngọc Lũ.
Với các sản phẩm mang tính thưởng thức trong những ngày Tết thì những sản phẩm mang hương vị cổ truyền vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây cũng được xem là thế mạnh của những hãng bánh kẹo lâu năm ở Thủ đô như Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội.
Theo đại diện công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội (BMK Hà Nội), ngoài các nhãn hiệu đã được khẳng định như mứt Tết cổ truyền thì mùa Tết 2015 này BMK Hà Nội còn cho ra mắt thị trường nhiều sản phẩm mới như 10 loại ô mai mơ , kẹo dẻo Mimi, đậu phộng Jonjon và bánh mặn Amis.
“Với thế mạnh sẵn có trong việc chế biến củ quả, mùa Tết này chúng tôi mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm thú vị khác nhau. Sản phẩm được chế biến từ 100% nguyên liệu trong nước, với quy trình khép kín và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”,Đại diện BMK Hà Nội cho biết.
Đặc biệt, năm nay BMK Hà Nội còn cho ra mắt thêm sản phẩm bánh cracker vị mặn Amis. Bánh được sản xuất từ nguyên liệu bột mỳ, bơ cao cấp và được bổ sung thêm vừng, dừa theo hương vị và công thức Nhật Bản.
Những sản phẩm mang hương vị cổ truyền vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Chị Thu Hương, chủ một siêu thị mini nằm ở khu vực Thanh Xuân cho biết, năm nay mặt hàng bánh kẹo rất phong phú. Nhiều mẫu mã mới ra mắt giới thiệu nhưng đã có người hỏi mua và dùng thử. Những ngày này lượng hàng bán ra đã tăng gấp đôi so với ngày thường. Chủ yếu vẫn là hàng biếu tặng. Chắc chắn 1 tuần nữa sức mua mới tăng mạnh.
Theo nhận định của chuyên gia, sức mua các mặt hàng bánh kẹo năm nay sẽ tăng nhẹ từ 10-15% so với năm ngoái. Năm nay sự cạnh tranh trên thị trường cũng gay gắt hơn khi hàng ngoại tràn về rất nhiều do hàng rào thuế quan ASEAN được dỡ bỏ. Tuy nhiên, là dịp Tết cổ truyền nên người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm trong nước, nhất là những sản phẩm mang hương vị truyền thống. Đây là một thế mạnh mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để đầu tư bài bản cho những mùa Tết tiếp theo.
-------------------------