Cho thôi việc nguyên giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Long
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Tố Tranh, nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long.
Lý do buộc thôi việc là do vi phạm pháp luật, bị phạt tù giam.
Theo bản án phúc thẩm ngày 7-7 của TAND tối cao TP.HCM, ông Nguyễn Tố Tranh bị tuyên án ba năm tù giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, trong thời gian đương chức tại Sở VHTT&DL, ông Tranh đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát để Bùi Hữu Trí (chuyên viên xây dựng cơ bản) và Trần Lê Đông (nguyên kế toán trưởng) câu kết với các nhà thầu bên ngoài lập hồ sơ khống chiếm đoạt 819 triệu đồng.
Ngoài ra các đối tượng Trí và Đông còn nhận hối lộ của ba bị cáo khác là Phạm Tiến Ngọ (Chủ DNTN Thành Tiến), Phan Đăng Khôi (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng An Thái Long) và Nguyễn Văn Dự (Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH TM-DV Minh Thông) với số tiền gần 2,5 tỉ đồng.
-------------------------
Tạm giữ người đâm xe vào công an
Công an quận 3, TP.HCM cho biết đang tạm giữ Nguyễn Nhật Tân (ngụ quận Phú Nhuận) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo thông tin ban đầu, rạng sáng 10-9, tổ trinh sát thuộc Đội Hình sự đặc nhiệm Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM phối hợp Trung đoàn CSCĐ, Công an TP.HCM tuần tra trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận. Tổ công tác phát hiện Tân điều khiển xe máy lưu thông tốc độ cao, có dấu hiệu khả nghi nên truy đuổi. Khi đến trước nhà 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì Tân bị chặn đầu xe, các trinh sát giới thiệu và đưa thẻ để yêu cầu Tân xuống xe kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, Tân không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy, đâm trực diện vào một trinh sát là anh Nguyễn Anh Tuấn gây thương tích. Tổ công tác đã khống chế, bắt giữ Tân giao cho công an địa phương xử lý.
-------------------------
Bị khởi tố vẫn làm chủ tịch xã
Ngày 12-9, UBND huyện Minh Hóa cho biết Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với hai ông Đinh Xuân Đại và Hồ Tuân do vi phạm quản lý xây dựng đầu tư trên địa bàn.
Hai người này lần lượt là chủ tịch UBND xã Hóa Sơn và xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa).
Ông Đinh Xuân Đại và ông Hồ Tuân được cho tại ngoại. Tuy bị đình chỉ chức vụ phó bí thư Đảng ủy xã nhưng hai người này vẫn giữ chức chủ tịch UBND xã.
Ông Đại bị khởi tố vì đã chuyển tiền sai nguyên tắc công trình đường nội thôn Đặng Hóa (công trình có giá trị hơn 500 triệu đồng), trong khi nhà thầu chưa thi công và hiện không được thi công. Ông Hồ Tuân cũng làm như vậy đối với công trình nhà bán trú dân nuôi có giá trị hơn 3 tỉ đồng… Được biết ngoài chuyển tiền sai nguyên tắc, hai cá nhân này còn thông đồng nghiệm thu khống từng công đoạn để trục lợi.
-------------------------
Tiếp nhận bảy cô gái bị lừa bán sang Campuchia
Tại Đồn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) ngày 12-9, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận từ Bộ LĐ-TB&XH Campuchia hai cô gái Việt Nam Trần Như Quỳnh (quê Cần Thơ) và Chao Kim Tha (Kiên Giang).
Một ngày trước đó, năm người khác gồm Võ Minh Thơ, Trịnh Thị Cẩm Tiên, Lê Thị Trúc Ly, Phạm Thị Trang Đài, Trần Thị Bông (cùng ngụ tỉnh An Giang) cũng được tổ chức trao trả tại Đồn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Cả bảy cô gái này trước đó đã bị lừa bán sang Campuchia.
Theo các cô, đầu năm 2013, họ sang Campuchia vì nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu là sang đó bán cà phê với mức lương cao. Tuy nhiên, khi đến nơi thì bị ép vào các nhà chứa để làm tiếp viên massage, karaoke.
Đến tháng 10-2013, trong chiến dịch kiểm tra các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các cô gái bị cảnh sát Campuchia tạm giữ với lý do không có giấy tờ tùy thân, cư ngụ bất hợp pháp. Phía Campuchia thông báo cho công an Việt Nam xác minh nhân thân và tổ chức trao trả họ về nước.
Sau khi tiếp nhận, Công an tỉnh Tây Ninh sẽ bàn giao các cô cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh.
-------------------------
Bị hại bảo mất 43,5 chỉ vàng, bị cáo nói chỉ lấy sáu chỉ vàng
Chiều 12-9, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chấp nhận một phần kháng cáo, giảm mức phạt từ tám năm tù xuống bảy năm tù đối với Cao My San (trú xã Vinh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) về tội trộm cắp tài sản.
Theo hồ sơ, ngày 2-9-2013, San đột nhập vào nhà chị Hồ Thị Thoa. San phát hiện một két sắt nên đi ra sau nhà bếp lấy dao vào phòng cạy khóa mở két sắt nhưng không cạy được. Sợ gia đình chị Thoa thức giấc, San lấy thảm chùi chân kê két sắt lên để kéo ra ngoài. Sau đó, San quay lại nhà chị Thoa lấy trộm dao, kềm để phá két sắt. Sau khi phá được két sắt, San gom toàn bộ tài sản bên trong gồm 43,5 chỉ vàng, 3.000 đôla Mỹ và 900 đôla Canada (tổng giá trị tài sản hơn 224 triệu đồng). Hôm sau, San vào TP.HCM đem bán vàng, đôla. Số tiền có được San mua xe máy, laptop và ăn chơi, tiêu xài. Đến ngày 10-10-2013, San đã bị Công an huyện Phú Vang bắt giữ khi đang lẩn trốn tại TP Cần Thơ.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Phú Vang đã tuyên phạt San tám năm tù. Sau đó, San kháng cáo cho rằng số vàng San lấy trong két sắt chỉ có sáu chỉ vàng, không phải 43,5 chỉ vàng như cáo trạng và người bị hại khai báo.
Tại phiên phúc thẩm, San vẫn không thừa nhận đã trộm 43,5 chỉ vàng như cáo trạng quy kết. Tuy nhiên, xem xét các lời khai, tòa chấp nhận một phần kháng cáo và tuyên mức án trên.
-------------------------
Trộm Laptop của hàng xóm rồi 'tìm giúp' lấy tiền công
Ngày 11/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) cho biết vừa bắt nghi can Dư Văn Hà (36 tuổi), trú tại thôn 1, xã Suối Kiết (Tánh Linh) về hành vi trộm cắp tài sản.
Trước đó vào rạng sáng ngày 6/9, gia đình chị Võ Thị Như Quỳnh là hàng xóm của Hà ngủ quên không đóng cửa. Phát hiện sơ hở, Dư Văn Hà đã đột nhập vào nhà chị Quỳnh lấy trộm một máy vi tính xách tay trị giá 12 triệu đồng. Sau khi phát hiện máy mất, nghi ngờ Hà là thủ phạm nên chị Quỳnh đặt vấn đề “nhờ” Hà tìm giúp và sẽ trả tiền công 1 triệu đồng. Sau đó gia đình chị Hà bí mật trình báo sự việc cho công an.
Sau khi nhận lời “truy tìm” giúp, khoảng hai ngày sau, Hà báo đã “tìm” được máy vi tính trên do bọn trộm nào đó để lại và đưa cho chị Quỳnh để nhận thưởng. Tuy nhiên sau đó tại cơ quan điều tra, khi bị lật tẩy Hà đã thừa nhận chính mình là thủ phạm.
-------------------------
Nguyên trưởng công an “ăn chặn” trầm kỳ kêu oan
Ngày 12-9, TAND tỉnh Khánh Hòa quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án nhóm công an huyện Khánh Sơn “ăn chặn” trầm kỳ vì vắng nhiều nhân chứng quan trọng.
Trước đó, ngày 20-6, TAND huyện Khánh Sơn tuyên án sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thành Trung, nguyên trưởng công an huyện Khánh Sơn 10 năm tù vì tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Với tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, các bị cáo Nguyễn Hồng Hà - nguyên đội trưởng đội CSGT và Vũ Anh Trung - nguyên Đội trưởng đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường lãnh án 5 năm 6 tháng tù, bị cáo Trần Lệ Kiên - nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp lãnh 5 năm tù và Luân Văn Nam với vai trò đồng phạm lãnh 3 năm tù.
Hai bị cáo Luân Văn Nam và Nguyễn Thành Trung đã làm đơn kháng cáo. Bị cáo Nam xin giảm nhẹ hình phạt, còn bị cáo Trung cho rằng mình bị oan. Hai luật sư Trần Đình Thơ (Đoàn luật sư Khánh Hòa) và Lê Văn Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng bị cáo Thành Trung có bằng chứng ngoại phạm. Cụ thể, theo cáo trạng, tối 27-9-2012, bị cáo Trung gặp mặt các bị cáo Anh Trung, Hà, Kiên, Trần Văn Khánh (người đào trầm) tại quán cà phê tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn để bàn bạc việc ăn chia tiền bán trầm kỳ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, bị cáo Thành Trung cho biết đang ăn nhậu tại TP Cam Ranh và có nhiều người làm chứng cho điều này.
Như đã thông tin, vào tháng 9- 2012, lợi dụng là cán bộ liên ngành ngăn chặn việc khai thác trầm kỳ trái phép tại xã Sơn Trung (Khánh Sơn), Anh Trung, Hà, Kiên và Nam đã lấy của người đào trầm 2 khúc trầm giao cho Thành Trung tiêu thụ. Thành Trung chia cho nhóm Nam 800 triệu đồng, nhóm Anh Trung 1,4 tỉ đồng, nhóm người đào trầm 1,6 tỉ đồng, Hồng Hà 350 triệu đồng. Tổng số tiền bán 2 đoạn trầm kỳ là 4,15 tỉ đồng nhưng đến nay, các cơ quan chức năng chỉ thu hồi được 1,62 tỉ đồng.
-------------------------
Quan tâm phòng, chống tội phạm công nghệ cao
Qua thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về tội phạm công nghệ cao, VKSND TP.HCM đã nhận dạng một số loại tội phạm mới với các phương thức, thủ đoạn tinh vi nên vừa kiến nghị về một số biện pháp phòng ngừa tội phạm đến chủ tịch UBND TP.HCM.
Theo VKSND TP.HCM, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giả danh nhân viên viễn thông báo nợ cước điện thoại, sau đó giả người có chức vụ, quyền hạn như công an, kiểm sát viên… khai thác thông tin, đe dọa liên quan đến các vụ án, đường dây tội phạm… rồi yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để chiếm đoạt. Trong các vụ án này, đối tượng cầm đầu hầu hết là người Đài Loan, sử dụng hệ thống cuộc gọi Internet, tạo đầu số cuộc gọi là tổng đài điện thoại VNPT, công an, VKS, tòa án… để thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ trong chín tháng đầu năm 2014, cơ quan điều tra (CQĐT) đã phát hiện, bắt 21 vụ/61 bị can với số lượng người bị hại lên đến gần 300 người, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng chục tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều người đã lợi dụng sơ hở của người tiêu dùng, tâm lý ham rẻ nên đã lập các trang web trên mạng Internet quảng cáo, bán các sản phẩm điện tử với giá rẻ, trả góp… không có thật. Tất cả đều có sự phân công vai trò giám đốc, nhân viên bán hàng, giao hàng để khách hàng tin, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Một số người khác thì sử dụng thủ đoạn mua thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài được bán trên mạng để trực tiếp mua hoặc thuê các đối tượng khác mua hàng hóa từ tài khoản của các chủ thẻ tín dụng, qua đó chiếm đoạt tiền của các ngân hàng quản lý, phát hành thẻ.
Theo VKSND TP.HCM, xuất phát từ sự mất cảnh giác, sơ hở và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; quy trình đăng ký mở tài khoản, mở thẻ tín dụng, quản lý tài khoản và các giao dịch của ngân hàng còn nhiều bất cập; công tác quản lý, quản trị mạng Internet chưa chặt chẽ nên dễ bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Từ đó, VKSND TP.HCM kiến nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan áp dụng các biện pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin; tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên phương tiện, thông tin đại chúng, tại các địa bàn dân cư. VKS cũng kiến nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo ngành ngân hàng kiểm tra, rà soát, thực hiện đúng quy trình về mở tài khoản, giao dịch thanh toán, chuyển khoản…, lưu ý các giao dịch bất thường, thiếu minh bạch để kịp thời phong tỏa tài khoản, thông báo và hỗ trợ cơ quan CSĐT trong việc điều tra, xử lý tội phạm.
-------------------------
Vào tù vì không chịu nhậu tiếp
Ngày 12-9, TAND tỉnh Bình Định xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Quốc Trọng (ngụ thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) tám năm tù về tội giết người.
Đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường 100 triệu đồng cho gia đình người bị hại, cấp dưỡng 700.000 đồng mỗi tháng nuôi con trai mới một tuổi của nạn nhân.
Theo hồ sơ, chiều 5-4, sau khi ăn nhậu, Trọng về ngồi nghỉ trước nhà. Lúc này, Trần Xuân Việt (hàng xóm của Trọng) đi ngang qua rủ nhậu tiếp nhưng Trọng từ chối. Cho rằng Trọng coi thường mình, Việt chửi bới Trọng. Sau khi cãi nhau với Trọng, Việt về nhà cầm rựa chạy sang chém Trọng. Lúc này Trọng cũng cầm một cây gỗ dài để chuẩn bị đánh nhau. Khi Việt cầm rựa bổ xuống, Trọng đưa cây ra đỡ, cây đập vào vùng thái dương của Việt khiến nạn nhân chết do bị chấn thương sọ não.