Phát hiện nhiều sai phạm tại Ngân hàng Chính sách xã hội
Ngày 12.9, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010 theo Quyết định 101/2007 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ rõ nhiều thiếu sót, vi phạm của Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương.
Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội với trách nhiệm trong việc quản lý, cho vay, bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ quốc gia về việc làm và tổ chức giải ngân các dự án hỗ trợ việc làm tại các địa phương còn để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngân hàng này cũng chưa thực hiện đúng quy trình về thẩm định, phê duyệt dự án, thẩm định một số dự án còn sơ sài, cho vay giải quyết việc làm không đăng ký giao dịch đảm bảo, hợp đồng thế chấp thiếu chữ ký của người đồng sở hữu tài sản, thời hạn cho vay vượt quá thời gian trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, một số dự án có hợp đồng tín dụng không đúng với quyết định phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền, sử dụng vốn vay không đúng mục đích.
-----------------------
Mỗi ngày Đắk Lắk phát hiện hơn 5 vụ phá rừng
Trong 5 năm (2009-2014), cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo về tình hình thực hiện chủ trương quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Tây nguyên.
Theo đó, trong 5 năm (từ 2009-2014), cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và xử lý hơn 10.000 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tính trung bình mỗi ngày có hơn 5 vụ vi phạm.
Trong đó hơn 9.863 vụ xử lý hành chính, 173 vụ khởi tố hình sự với 78 người (đã xét xử 38 vụ), tịch thu trên 19.000m3 gỗ các loại.
Tổng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép thống kê được trong giai đoạn này là hơn 26.471ha. UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi gần 2.000ha đất do phá rừng để trồng lại rừng.
-----------------------
UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý hiện tượng 'xã hội đen' bảo kê xe quá tải
Ngày 11.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín có văn bản chỉ đạo xử lý tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Công an TP.HCM và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố tăng cường phối hợp, quản lý có hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ.
Lãnh đạo thành phố giao Giám đốc Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm, đúng theo quy định đối với các hành vi vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng thiết kế của xe và các đối tượng chống đối, phá hoại trạm kiểm tra tải trọng xe; có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông của cán bộ, chiến sĩ khi thi hành nhiệm vụ.
Trước đó, tình trạng tiêu cực tại các trạm cân và hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải, quá khổ từng được dư luận phản ánh trong thời gian qua.
Chính phủ cũng đã tổ chức cuộc họp về vấn đề này và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đã chỉ đạo phải kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng này trên phạm vi toàn quốc.
-----------------------
Trung Quốc chối bỏ việc tấn công tàu cá Việt Nam
Trung Quốc hôm qua chối bỏ việc các lực lượng của nước này phá hoại tàu cá và đánh đập các ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh thừa nhận lực lượng Trung Quốc đã khống chế và giam giữ tàu cá của Việt Nam nhưng biện bạch rằng tàu này "dùng chất nổ để đánh bắt cá" và phía Bắc Kinh đã "tịch thu các chất nổ trên tàu".
Bà Hoa còn gọi quần đảo Hoàng Sa bằng cái tên Tây Sa và lặp lại luận điệu trắng trợn rằng vùng nước quanh khu vực này thuộc "vùng biển của Trung Quốc". Đại diện Bắc Kinh cho rằng tàu của họ không tấn công tàu của Việt Nam, theo Reuters.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 15/8, khi đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96697 TS đã bị lực lượng Trung Quốc từ hai ca nô cao su cùng số hiệu 207 khống chế, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản và đánh đập các ngư dân.
Tàu Trung Quốc cũng khống chế, ngăn cản và lấy đi một số tài sản trên hai tàu cá khác của Việt Nam vào những ngày trước đó. Tuy nhiên, bà Doanh không đề cập gì đến các tàu này trong cuộc họp trên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hôm 9/9, Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối những hành vi bạo lực trên.
"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm các hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc đồng thời không để tái diễn những hành động trên và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam", ông Lê Hải Bình nói.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nơi được cho là có nguồn dầu khí dồi dào và là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất, bất chấp sự phản đối của quốc tế. Hồi tháng 5, nước này làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông khi ngang nhiên hạ đặt một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trên quần đảo Trường Sa, Trung Quốc bị tình nghi đang đào đắp đất cát, biến các bãi đá ngầm thành đảo nổi, thay đổi hiện trạng trên vùng có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn, vi phạm Tuyên bố ứng xử DOC 2002.
-----------------------
Cán bộ hội phụ nữ cho vay 6 năm lấy lãi 10 tỉ đồng
Trong thời gian từ tháng 10-2008 đến tháng 2-2014, tổng cộng số tiền lãi chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4, TP Vị Thanh (Hậu Giang) cho vay nặng lãi là 10 tỉ đồng.
Ngày 11-9, nguồn tin từ Ủy ban kiểm tra (UBKT) Thành ủy Vị Thanh (Hậu Giang) cho biết Ban thường vụ Thành ủy đã thống nhất ý kiến cách chức đảng ủy viên, chủ tịch Hội LHPN VN phường 4 đối với bà Trương Ánh Nguyệt.
Theo UBKT Thành ủy Vị Thanh, bà Nguyệt vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm là cho vay trái quy định.
Theo báo cáo của UBKT, bà Nguyệt liên quan đến vụ bà Trần Thị Kim Tỵ - nguyên thường trực Ủy ban MTTQ VN TP Vị Thanh - đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hậu Giang khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền trên 20 tỉ đồng.
Cụ thể, bà Nguyệt đã cho bà Tỵ vay để đáo hạn ngân hàng cứ 1 triệu đồng bà Tỵ phải trả cho bà Nguyệt 5.000 đồng/ngày.
Tiền lãi mà bà Tỵ trả cho bà Nguyệt từ tháng 10-2008 đến tháng 2-2014 tổng cộng 10 tỉ đồng.
-----------------------
Bế mạc kỳ họp bất thường HĐND: Thành lập Sở Du lịch TP.HCM
Chiều 11-9, sau một ngày làm việc, kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM (kỳ họp bất thường) đã bế mạc. Tại kỳ họp này, ba nghị quyết đã được thông qua.
Trong đó, đáng lưu ý là nghị quyết về mức ưu đãi bổ sung cho dự án đầu tư của Tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc) đầu tư tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết việc HĐND TP thông qua nghị quyết này nhằm tạo điều kiện cho TP thu hút đầu tư của Tập đoàn Samsung vào Khu công nghệ cao TP.
Cùng với nghị quyết nói trên, HĐND TP đã thông qua hai nghị quyết về thành lập Sở Du lịch TP; chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phường, xã, thị trấn; phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và kinh phí hoạt động của khu phố, ấp.
Ngoài ra, tại kỳ họp, HĐND TP đã nghe báo cáo của UBND TP về tiến độ thực hiện đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM. HĐND TP đề nghị UBND TP, các đơn vị thi công đảm bảo công trình này hoàn thành đúng thời gian, chất lượng, cảnh quan đồng bộ…
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh đối với việc thành lập Sở Du lịch TP, đề nghị UBND TP đảm bảo nguồn lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của sở này, đồng thời không làm tổng biên chế tăng đột biến, không làm cồng kềnh thêm bộ máy...
Tại kỳ họp, UBND TP đã trình HĐND TP về thành lập Sở Du lịch TP trên cơ sở tách chức năng quản lý Nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.
UBND TP nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Sở Du lịch TP.
Theo đó, “để tiếp tục đạt được mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng bền vững, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, đóng góp hiệu quả cho hoạt động du lịch cả nước và phát triển kinh tế văn hóa xã hội TP, việc thành lập một cơ quan chuyên môn giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về du lịch là cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển của TP và chủ trương của trung ương cho phép TP thí điểm một số lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù của TP, nhất là hoạt động phát triển ngành du lịch”.
Tuy nhiên, tại thảo luận tổ sáng 11-9, đại biểu Lâm Thiếu Quân băn khoăn ở nhiều TP các nước lân cận trong khu vực không có Sở Du lịch. “Nếu thành lập sở và đặt mục tiêu cao hơn cho ngành du lịch TP thì mới có lý” - đại biểu Quân nói.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng ghi nhận ý kiến của các đại biểu đặt vấn đề sau khi lập Sở Du lịch TP sẽ tác động như thế nào, hay nói cách khác là mục tiêu phát triển ngành du lịch TP phải cao hơn hiện tại. Theo đề án kèm theo tờ trình thành lập Sở Du lịch TP, chỉ tiêu biên chế hành chính cần thiết để hoạt động là 75 người, trong đó Ban giám đốc sở dự kiến là bốn người.
Riêng về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phường, xã, thị trấn; phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân và kinh phí hoạt động của khu phố, ấp, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu UBND TP cần hướng dẫn nhằm đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả hoạt động ở khu phố, ấp…
Khi HĐND TP thông qua các chính sách này, trước mắt tổng kinh phí tăng thêm (đối với ba nhóm chế độ, chính sách) là hơn 164 tỉ đồng đồng/năm.
UBND TP cho biết thêm tổng kinh phí chi cho cán bộ không chuyên trách công tác mặt trận, đoàn thể phường - xã, thị trấn và phụ cấp khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân là hơn 370 tỉ đồng/năm, chiếm hơn 22% tổng chi quản lý hành chính khối phường xã, thị trấn (hơn 1.669 tỉ đồng).
-----------------------
Lộ nhiều vụ dùng nhục hình với nghi phạm
Trong hai năm, số vụ dùng nhục hình do tòa án thụ lý tăng từ một lên 5 vụ. Nhiều nghi can tố bị đánh, ép cung trong quá trình điều tra song việc chứng minh được cho là rất khó.
Ngày 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp mở phiên giải trình việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung nhục hình trong hoạt động điều tra án hình sự.
Nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc với những tố cáo có việc dùng bức cung, nhục hình. Đại biểu Bùi Thị An cho rằng đây là vấn đề nóng nhưng lâu nay không dám công khai, cứ râm ran trong cử tri.
Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND Tối cao cho biết, tội Dùng nhục hình có xu hướng tăng. Năm 2011 tòa án thụ lý một vụ với 2 bị cáo, năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo, năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo. Tại một số phiên tòa hình sự gần đây, nhiều bị cáo tố bị đe dọa, đánh, ép cung, mớm cung trong quá trình điều tra nhưng không đưa chứng cứ. Tuy nhiên, theo ông, việc chứng minh được cán bộ điều tra bức cung "là rất khó".
Nêu vụ án 5 cựu cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên bị cáo buộc dùng dùi cui cao su đánh chết nghi phạm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc xét xử không thực hiện đúng quy định. Chẳng hạn: hình phạt nhẹ, xác định đồng phạm không chính xác trong trường hợp nạn nhân tử vong với 72 vết thương trên người.
Bà tỏ ra nghi ngờ khi báo cáo VKSND Tối cao cho hay những vụ dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Bà Nga đề nghị đại diện VKS có mặt trong phiên giải trình đánh giá lại nhận định đó có đúng không?
"VKS nói vậy nhưng chúng tôi chỉ lấy một vụ đủ để thấy rằng việc xử lý này chưa đúng quy định, chưa nghiêm minh, có dấu hiệu bỏ lọt người, bỏ lọt tội và có dấu hiệu xử phạt nhẹ", bà nói.
Tại buổi giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng vụ án dùng nhục hình trong điều tra tại Phú Yên là đáng tiếc, lẽ ra các cán bộ điều tra không cần nóng vội như vậy.
Tiếp đó, bà Nga đề nghị ba ngành công an, tòa án, VKS trả lời có hay không việc bức cung nhục hình trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn theo tố cáo của người bị giam oan suốt 10 năm này và tiến trình điều tra hiện đến đâu.
“Sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, có hàng loạt đơn kêu oan như vụ ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), vụ bà Nguyễn Thị Hằng (Bắc Giang), vụ Lê Bá Mai (Bình Phước). Đây là những vụ án có đơn kêu oan kéo dài, Tổ chuyên viên liên ngành đã xem xét chưa?”, bà nói.
Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế việc bức cung, dùng nhục hình, thượng tướng Lê Quý Vương đề xuất Quốc hội cho phép lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình ở nhà tạm giữ, phòng hỏi cung.
Còn bà Nga cho rằng "tách việc quản lý giam giữ khỏi hoạt động điều tra mới có thể giảm thiểu việc dùng bức cung, nhục hình". Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, quyền được ghi âm, ghi hình những buổi hỏi cung nên là của bị can, bị cáo, luật sư.
Hôm nay, Ủy ban Tư pháp tiếp tục làm việc.