Mỹ cho máy bay giám sát vì Trung Quốc thiếu minh bạch
Do Bắc Kinh thiếu minh bạch trong tăng cường quân sự nên Washington có quyền thực hiện các chuyến bay giám sát ở Đông Á, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Tuyên bố này do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đưa ra hôm 12-9, trong bối cảnh Trung Quốc kêu gọi Mỹ cắt giảm hoặc thậm chí là ngừng các chuyến bay tuần tra giám sát nước này nếu không muốn tổn hại quan hệ song phương.
Cách đây không lâu, ngày 19-8, một máy bay chiến đấu Trung Quốc chặn máy bay do thám của Mỹ trên không phận quốc tế gần đảo Hải Nam.
Khi được hỏi về yêu cầu trên, ông Daniel Russel cho rằng mục tiêu chính của Washington là tìm hiểu về sự tăng cường quân sự trong những năm gần đây của Trung Quốc cũng như các bí mật xung quanh điều này.
“Chúng tôi có quyền thực hiện các nhiệm vụ hợp pháp bên ngoài không gian lãnh thổ của Trung Quốc và có một sức thuyết phục hợp lý để làm như vậy. Thiếu minh bạch trong hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là nguồn gốc của một số lo ngại từ các nước láng giềng. Chúng tôi tin rằng tất cả các nước trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi từ sự tăng cường tính minh bạch” - ông Russel khẳng định.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh thực thi tuyên bố chủ quyền vô lý ở biển Đông, bao gồm tăng tốc cải tạo trái phép các rạn san hô, bãi đá ngầm cũng là nguyên nhân gây ra lo ngại cho các nước khác trong khu vực. Theo ông Russel, hoạt động cải tạo của Trung Quốc đã chứng minh sự “đáng sợ và đáng lo ngại” với các nước láng giềng.
---------------------------
Quan hệ Nhật-Trung khó giải quyết bằng ngoại giao
53,4% số người Trung Quốc (TQ) được hỏi tin rằng chiến tranh Trung-Nhật sẽ xảy ra theo kết quả cuộc khảo sát do tổ chức phi chính phủ Nhật Genron và TQ Nhật Báo hợp tác thực hiện được công bố hôm 10-9. Đây là bằng chứng cho thấy quan hệ Nhật-Trung khó có khả năng tiến triển.
Báo Japan Times (Nhật) ghi nhận theo kết quả khảo sát nêu trên, 93% số người Nhật được hỏi cho biết họ không thiện cảm với TQ vì ba lý do: TQ hành động ích kỷ nhằm thâu tóm tài nguyên; TQ thường xuyên chỉ trích Nhật về các vấn đề lịch sử và TQ đối đầu với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, 86,8% số người TQ được hỏi cũng không thiện cảm với Nhật về Senkaku/Điếu Ngư và cách nhìn nhận lịch sử.
Trả lời đài phát thanh Deutsche Welle (Đức), chuyên gia Yanmei Xie thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế (Bỉ) nhận định tình trạng mất niềm tin chiến lược Nhật-Trung ngày càng sâu rộng hơn.
Nhìn bề ngoài, mâu thuẫn Nhật-Trung phát sinh từ các vấn đề như tranh chấp đảo, TQ lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, thái độ của Nhật đối với lịch sử, Nhật điều chỉnh chính sách an ninh và TQ xây dựng quốc phòng thiếu minh bạch. Tựu trung lại, cốt lõi là vấn đề chuyển đổi cán cân quyền lực trong khu vực.
TQ muốn cán cân quyền lực nghiêng về mình nên phô trương sức mạnh để thúc đẩy yêu sách hàng hải và nỗ lực thay đổi trật tự khu vực. TQ cố áp đặt điều kiện với các nước láng giềng rằng các nước nên công nhận một TQ quyết đoán hơn. Tuy nhiên, Nhật không bao giờ chấp nhận điều này.
Để đáp trả, TQ đã huy động các nguồn lực để thúc đẩy yêu sách đảo đồng thời nhanh chóng xây dựng quốc phòng nhằm mục đích răn đe. TQ cũng ra sức nỗ lực cô lập Nhật bằng cách mô tả chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang theo chủ nghĩa xét lại và quân phiệt.
Theo chuyên gia Yanmei Xie, với sức mạnh quân sự, kinh tế và ngoại giao, TQ đang dần dần tìm cách thay đổi hiện trạng, tận dụng ác cảm của đối thủ để leo thang tình hình nhưng vẫn duy trì căng thẳng dưới mức xung đột.
Trong bối cảnh đó, Nhật đã kiên quyết từ chối thỏa hiệp về ngoại giao lẫn chính trị. Nhật đã tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ các đảo xa. Nhận thức được hạn chế và rủi ro một khi đối mặt với TQ, Nhật đã thắt chặt liên minh với Mỹ và hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Động thái mở rộng quyền phòng vệ tập thể là bước đi quan trọng của Nhật để đẩy mạnh liên minh Mỹ-Nhật. Mục tiêu của Nhật là thuyết phục các nước trong khu vực rằng hành động của TQ đã vi phạm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Nhật cũng đã tăng cường giúp đỡ Đông Nam Á xây dựng khả năng hàng hải và hợp tác quốc phòng.
Nhật tập trung vào hệ thống dựa trên luật pháp, cam kết giảm tình trạng mất cân bằng quyền lực với phương châm các nước nhỏ hay lớn đều phải được đối xử như nhau. Động thái này đã tạo tiếng vang ở Đông Nam Á vốn dễ bị thiệt thòi trong một trật tự khu vực do sức mạnh quyết định.
---------------------------
Hai chiếc máy bay Mỹ bị rơi tại phía Tây Thái Bình Dương
AFP đưa tin, Hải quân Mỹ ngày 12/9 cho biết hai máy bay F/A-18 Hornet của nước này đã bị rơi ở phía Tây Thái Bình Dương và một trong hai phi công đang mất tích.
Theo thông báo của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, vụ việc xảy ra lúc 17 giờ 40 phút theo giờ địa phương. Cả hai chiếc Hornet chưa được tìm thấy này đều thuộc Không đoàn 17 triển khai trên tàu sân bay USS Carl Vinson.
Một phi công đã được cứu và đang được chăm sóc y tế, trong khi lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm viên phi công còn lại. Hiện chưa biết đích xác địa điểm xảy ra vụ việc.
Trong báo cáo sơ bộ, Hạm đội 7 cho biết hai máy bay trên được phiên chế vào Phi đội tiêm kích 94 và Phi đội tiêm kích 113.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ chỉ cho hay tàu Carl Vinson "đang thực thi nhiệm vụ trong khu vực mà Hạm đội 7 phụ trách nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương truyền thống"./.
---------------------------
Thủ phạm đang vẽ lại bản đồ Biển Đông từng giờ
Các cơ quan tình báo ở Mỹ và châu Á hiện đang theo dõi vô cùng sát sao một tàu nạo vét khổng lồ của Trung Quốc, mà hoạt động nạo vét, bồi đắp của nó đang từng giờ vẽ lại bản đồ Biển Đông, mà cụ thể là ở Trường Sa.
Con tàu, được thấy qua các bức ảnh chụp vệ tinh, hoạt động ở quần đảo Trường Sa, thuộc Biển Đông. Hoạt động của nó cho phép Trung Quốc biến những thực thể không gì ngoài những bãi đá nhỏ, trơ trụi nhô lên chút ít từ đại dương thành những đảo lớn, có khả năng xây dựng được cả nhà cửa, các công trình công nghiệp, hay thậm chí là những đường băng nhỏ trên đó.
Giới phân tích quân sự cho rằng, hoạt động của tàu nạo vét Tian Jing Hao đang gây kinh ngạc kể cả trong tham vọng cũng như trong khả năng khiêu khích tại khu vực từ lâu đã trở thành nguồn cơn căng thẳng.
Hoạt động của tàu đang tập trung ở 6 đảo san hô vòng thuộc quần đảo Trường Sa. Khả năng hút cát với khối lượng khổng lồ từ dưới lòng biển của tàu và khả năng bồi đắp với tốc độ 4.500m3/giờ đồng nghĩa với việc: trong vòng chưa đầy 10 tháng, nó đã thay đổi hiện trạng quanh 5 bãi đá ngầm.
Các bức ảnh chụp từ trên không và được các nguồn tin tình báo phân tích với tờ The Times của Anh cho thấy con tàu nạo vét dài 127m này, trong ba tháng, có thể đưa 2 bãi ngầm ở Trường Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát tới tình trạng sẵn sàng cho hoạt động xây dựng bên trên chúng.
Các cường quốc nước ngoài hiện đặc biệt quan tâm tới hoạt động của tàu nạo vét này quanh rạn san hô Đá Chữ Thập. Đá Chữ Thập, bị Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988, nằm ở vị trí vô cùng quan trọng về mặt hải quân ở khu vực, là điểm giao giữa các tuyến đường biển quan trọng.
Ít nhất là hiện nay, giới cố vấn Lầu Năm Góc tin rằng, khả năng Trung Quốc xây dựng một cơ sở quân sự quan trọng ở trên hòn đảo được bồi đắp này là rất nhỏ, với lý do nó dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công bằng tên lửa.
Tuy nhiên, một số nguồn tin lại cho rằng thậm chí kế hoạch xây dựng một cảng biển nhỏ hay một đường bay cho máy bay hạng nhẹ có thể nằm trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc, đó là thiết lập và kiểm soát một vùng phòng không ở khu vực.
Thực tế, những đảo mới được mở rộng, bồi đắp giúp củng cố cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực, nơi một số chuyên gia dự đoán, cơn khát nguồn tài nguyên thiên nhiên và lợi thế chiến lược của Trung Quốc có thể cuối cùng khiến nước này bị ném vào xung đột với các nước láng giềng.
Giới phân tích chỉ ra quyết định cách đây không lâu của Trung Quốc, đưa giàn khoan dầu khổng lồ vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã đẩy căng thẳng Trung Quốc-Việt Nam và khu vực đến một nấc căng thẳng mới.
Theo các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh, hoạt động của tàu nạo vét có thể là quyết định có tính toán của chính quyền của ông Tập Cận Bình, nhằm thử giới hạn phản ứng của Mỹ, trong khi Washington đang còn mải tập trung giải quyết tình hình Trung Đông và Ukraine.
---------------------------
Mỹ - Nga bàn về vũ khí nguy hiểm bậc nhất
Các quan chức Nga và Mỹ ngày 11-9 hội đàm ở Moscow về số phận của tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn dù hiệp ước tiêu hủy loại vũ khí được xem là nguy hiểm hàng đầu này đã được hai bên ký kết năm 1987. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Rose Gottemoeller phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế.
Theo hiệp ước, các bên không được sản xuất, thử nghiệm và triển khai trên đất liền tên lửa đạn đạo và hành trình tầm trung (từ 1.000-5.500 km) và tầm ngắn (từ 500-1.000 km). Ngoài ra, các bên phải tiêu hủy mọi bệ phóng và tên lửa trên đất liền có liên quan. Lâu nay, cả Nga lẫn Mỹ đều nghi ngờ sự cam kết của nhau đối với hiệp ước. Khi quan hệ giữa 2 bên xấu đi do cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây, Reuters đưa tin Mỹ cho rằng Nga vi phạm hiệp ước qua hành động thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất. Trong khi đó, theo báo Vzglyad, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc thực hiện hiệp ước.
Cùng ngày 11-9, phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Alexander Pankin kêu gọi Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel và Pakistan nhanh chóng tham gia Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Dù được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10-9-1996 nhưng CTBT chưa có hiệu lực do 8 quốc gia chưa phê chuẩn. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi Mỹ và 7 nước trên tham gia CTBT để đạt mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
---------------------------
Obama áp đặt trừng phạt mới với Nga
Tổng thống Barack Obama hôm qua tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga vì những "hành động trái phép" của Moscow ở Ukraine.
Thông cáo của ông Obama cho hay quyết định này sẽ gia tăng sự cô lập với Nga cả về chính trị lẫn kinh tế. Quyết định trừng phạt của Mỹ có sự phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), tổ chức trước đó đã nhất trí áp đặt các biện pháp mới với Moscow.
"Chúng tôi đang thực thi các biện pháp mới này do những hành động của Nga làm gia tăng bất ổn ở Ukraine tháng qua, trong đó có sự hiện diện của lực lượng vũ trang hạng nặng Nga ở đông Ukraine", AFP dẫn lời ông Obama nói.
Tổng thống Mỹ cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn được Moscow và Ukraine thông qua. Tuy nhiên, ông "chưa nhận thấy bằng chứng nào thuyết phục rằng Nga đã ngừng các nỗ lực gây bất ổn cho Ukraine".
Chi tiết của các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố hôm nay, nhưng ông Obama tiết lộ chúng sẽ nhằm vào cả những quan chức thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.
Lãnh đạo Mỹ cũng đề nghị Nga thực hiện một lựa chọn đơn giản, đó là "rút lui khỏi Ukraine và được giảm trừng phạt hoặc là tiếp tục đối đầu với phương Tây".
"Nếu Nga thực hiện đầy đủ các cam kết của mình, những lệnh trừng phạt này có thể được rút lại", ông nói. "Nếu thay vào đó, Nga tiếp tục các hành động gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế, cái giá phải trả sẽ còn tăng lên".
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 10/9 cho rằng Nga đã rút một phần lớn lực lượng khỏi nước láng giềng, làm dấy lên hy vọng về kế hoạch hòa bình đang được triển khai sau 5 tháng xung đột. Kế hoạch này bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 5/9 ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Moscow bác bỏ cáo buộc của Kiev và phương Tây về sự hiện diện quân sự ở Ukraine, cũng như việc tiếp tay cho lực lượng ly khai ở miền đông.
---------------------------
Ấn Độ phóng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân
Ngày 11-9, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa Agni-I có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do nước này tự chế.
"Đây là một vụ phóng tên lửa hoàn hảo", M.V.K.V. Prasad - một quan chức trong nhiệm vụ phóng tên lửa nói với các phóng viên.
Trang tin IBN Live cho biết tên lửa đất đối đất Agni-I được phóng từ một căn cứ quân sự trên đảo Wheeler thuộc bang Odisha, miền đông Ấn Độ.
Đây là tên lửa đạn đạo tầm ngắn có tầm bắn khoảng 700-900 km. So với các “anh em” Agni tầm xa, chiều cao của nó chỉ đạt 15m. Nó đã được phóng thử lần đầu vào ngày 25-1-2002 và từ đó đã có nhiều cải tiến.
Theo kế hoạch, Agni-I được phóng vào ngày 10-9, tuy nhiên đã bị hoãn lại một ngày.
---------------------------
Putin bất ngờ ra lệnh tập trận lớn
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ra lệnh cho Bộ Quốc phòng kiểm tra đột xuất khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội ở quân khu miền đông bằng một cuộc diễn tập quy mô lớn.
"Theo chỉ đạo của Tổng thống Putin, các lực lượng phòng không cũng như những đơn vị quân sự nằm trong khu vực này cần được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu toàn diện, bắt đầu từ 10h sáng giờ Moscow", RIA Novsoti dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết.
Theo ông Shoigu, cuộc diễn tập được tiến hành ở quân khu miền đông, bao gồm cả những vùng lãnh thổ cực đông ở biên giới với Trung Quốc và Nhật Bản. Số lượng binh sĩ tham gia không được công bố.
Ông Shoigu cho biết thêm rằng hoạt động này sẽ kéo dài 7 ngày, nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ biên giới trên biển của Nga. Một trong những nội dung diễn tập là hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ đẩy lùi các cuộc tấn công trên biển của kẻ thù.
Đây là cuộc diễn tập lớn thứ hai được tổ chức nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga kể từ tháng 6. Cuộc diễn tập trước đó diễn ra ở vùng Volga và Urals, với sự tham gia của 65.000 binh sĩ.