Tịch thu 6,5 tấn bao bì có dấu hiệu giả nhãn hiệu
Ngày 26.8, Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Tổ kiểm tra tuyến (Phòng bảo vệ chính trị 4), Đội kinh tế tổng hợp an ninh kinh tế tổng hợp an ninh kinh tế - Công an TP.Hà Nội tiến hành kiểm tra xe ôtô mang BKS 29C - 11632 dang bốc dỡ hàng vào kho hàng tại địa chỉ thôn Lã Côi, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ôtô vận chuyển 28 bao tải đựng bao bì nilon các nhãn hàng như: Bột ngọt Ajinomoto, Miwon: A-one; xàphòng Omo, bột nêm Knorr. Tổng trọng lượng khoảng 2 tấn.
Lái xe Lân Ngọc Sáng (địa chỉ Thanh Lân, Thanh Ba, Phú Thọ) không xuất trình được hoá đơn chứng từ.
Mở rộng kiểm tra kho hàng lực lượng phối hợp phát hiện 103 bao hàng chứa đựng bao bì nilon các nhãn hàng nói trên với tổng trọng lượng 4,5 tấn. Ông Vũ Văn Triệu phụ trách kho hàng không xuất trình được hoá đơn chứng từ.
Hiện toàn bộ hai lô hàng có dấu hiệu giả trên đang được xác minh làm rõ.
-------------------------
Sửa quyết định của UBND tỉnh để phân lô bán nền đất dự án
Bằng các thủ đoạn tinh vị, bị cáo cùng đồng phạm đã tự ý sửa chữa một phần nội dung trong quyết định của UBND tỉnh từ “không cho phép phân lô bán nền” thành “cho phép phân lô bán nền”, rồì chia nhỏ diện tích dự án thành nhiều lô có diện tích nhỏ hơn để bán cho nhiều người, cá biệt có lô đất được bán đi bán lại nhiều lần cho các chủ khác nhau.
Chưa dừng lại, bị cáo còn đi mua các mảnh đất nông nghiệp rồi tự ý vẽ bản đồ, san lấp mặt bằng rồi phân lô bán nền chiếm đoạt hành chục tỉ đồng của hàng trăm người.
Sáng 26.8, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xét xử bị cáo Trần Thị Doan (38 tuổi; ngụ phường 9, TP Vũng Tàu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về đất đai.
Theo cáo trạng, tháng 11.2007, Trần Thị Doan và Nguyễn Văn Hạ đứng ra thành lập Công ty cổ phần xây dựng -thương mại Hương Doan do Doan làm chủ tịch, Hạ làm giám đốc. Sau khi thành lập công ty, Doan cùng Hạ đã mua một số thửa đất nông nghiệp với thủ đoạn: Mua chỉ thanh toán một phần tiền cho người bán, kéo dài thời gian thanh toán rồi hủy hợp đồng chuyển nhượng, tự ý san ủi, phân lô, bán nền… không xin phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Không những vậy, khi được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch làm biệt thự, nhưng công ty của Doan chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa thanh toán tiền làm các thủ tục sang nhượng theo quy định của pháp luật, Doan cùng Hạ đã tự ý sửa một phần nội dung trong quyết định số 1528/QĐ-UBT từ “không cho phép phân lô bán nền” thành “cho phép phân lô bán nền” để phân lô đất thành nhiều mảnh nhỏ rồi mang bán cho nhiều người khác nhau.
Cá biệt có một số lô đất được Doan và Hạ bán đi bán lại rất nhiều lần cho nhiều người khác nhau. Tổng số người được mua đất và bị chiếm đoạt là 235 người với số tiền gần 63 tỉ đồng. Sau khi gây án, Doan bị người dân phát hiện tố giác và bị cơ quan công an bắt. Nguyễn Văn Hạ đã nhanh chân tẩu thoát, hiện tại cơ quan điều tra đang phát lệnh truy nã.
Phiên tòa dự kiến xét xử trong 4 ngày, từ 26 - 29.8 và tuyên án vào sau kỳ nghỉ lễ 2.9.
-------------------------
Trốn biệt tích 10 năm, kẻ buôn ma túy thoát án tử
Chiều 26.8, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác kháng nghị của VKSND TPHCM, bác kháng cáo của bị cáo, tuyên y án chung thân đối với Nguyễn Hữu Quan (SN 1966, ngụ quận 5, TPHCM) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Tối 2.2.2002, lực lượng trinh sát công an TPHCM đã bắt quả tang Huỳnh Kim Ngân đang vận chuyển 4 bánh ma túy trọng lượng hơn 1,3kg. Tiến hành lấy lời khai, Ngân thừa nhận 4 bánh ma túy này do Nguyễn Hữu Quan môi giới cho Ngân mua từ cặp vợ chồng Trần Thị Ngọc Yến và Nguyễn Ngọc Vương.
Sau đó, Yến, Vương và Ngân cùng một số đối tượng khác lần lượt bị bắt. Yến, Vương, Ngân bị xử tử hình, các đối tượng liên quan bị tòa tuyên từ 17 năm tù đến chung thân. Riêng Quan bỏ trốn biệt tích gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án. Đến năm 2012 thì Quan bị bắt.
Tại phiên tòa sơ thẩm, VKSND TPHCM đã đề nghị án tử hình đối với Quan vì cho rằng y là mắt xích quan trọng, giúp sức tích cực cho các đối tượng khác mua bán ma túy. Sau khi gây án Quan bỏ trốn một thời gian dài gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý nhưng tòa sơ thẩm chỉ tuyên Quan án chung thân.
Lãnh đạo VKSND TPHCM cho rằng mức án không phù hợp nên kháng nghị tử hình. Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao cũng đồng tình với quan điểm kháng nghị của VKSND TPHCM đề nghị tử hình.
Tuy nhiên, HĐXX Tòa phúc thẩm TAND Tối cao nhận định bị cáo ít học, ít hiểu biết pháp luật đồng thời trong thời gian lẩn trốn không phạm tội gì, thể hiện thái độ ăn năn hối cải, quay đầu làm lại cuộc sống nên mức án chung thân là phù hợp. Từ đó, Tòa phú cthẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác kháng nghị của VKSND TPHCM, tuyên y án chung thân đối với bị cáo Quan.
-------------------------
Đấu thầu thuốc tại Long An: Giá trúng thầu cao hơn giá phê duyệt 24 tỉ đồng
Ngày 25-8, Thanh tra tỉnh Long An cho biết chủ tịch UBND tỉnh đã thông qua kết luận thanh tra về công tác đấu thầu mua thuốc năm 2010 và 2011 tại Sở Y tế Long An.
Theo đó, chủ tịch UBND chỉ đạo Sở Y tế tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Lê Thanh Liêm (giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An), ông Lê Văn Hậu (tổ trưởng tổ tư vấn), ông Đoàn Thanh Chiến (thư ký tổ tư vấn) và ông Nguyễn Minh Tuấn (tổ trưởng tổ thẩm định).
Các thành viên còn lại của tổ tư vấn và tổ thẩm định cũng phải kiểm điểm trách nhiệm.
Kết quả thanh tra cho thấy quá trình tổ chức đấu thầu mua thuốc trong hai năm 2010 và 2011 tại Sở Y tế Long An đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hồ sơ mời thầu như: đưa ra hồ sơ với những tiêu chí đánh giá ưu tiên cho một số doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh, thời gian mở thầu sai so với quy định hiện hành...
Cụ thể, trong hai năm 2010 và 2011 có 664 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá kế hoạch được duyệt, với tổng giá trị chênh lệch lên đến gần 24 tỉ đồng.
-------------------------
Yêu cầu xử lý vụ nâng điểm tại ĐH Quy Nhơn
Ngày 25-8, Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo “về việc thanh tra kết quả đào tạo khóa 33”.
Theo đó, qua thanh tra, Trường ĐH Quy Nhơn xác nhận đã xảy ra việc ông Nguyễn Ngọc Danh - thạc sĩ công nghệ thông tin, chuyên viên của phòng đào tạo - tự ý đột nhập cơ sở dữ liệu của nhà trường để thực hiện hành vi nâng điểm cho 71 sinh viên khóa 33 và nhận tổng số tiền 132 triệu đồng của các sinh viên này.
Trong số sinh viên đã tốt nghiệp thì phần lớn nhờ nâng điểm từ chưa đủ điều kiện tốt nghiệp thành tốt nghiệp (42 trường hợp), còn lại là sinh viên tốt nghiệp từ loại trung bình được “biến hóa” thành loại khá (14 trường hợp) và sinh viên tốt nghiệp sai điểm trung bình chung (4 trường hợp).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu trường phải có kết luận thanh tra chính thức gửi Bộ GD-ĐT. Đồng thời thực hiện quy trình xử lý vi phạm trên cơ sở kết luận thanh tra đối với toàn bộ sự việc, trong đó có những hình thức xử lý cụ thể với viên chức vi phạm, sinh viên vi phạm...
Đặc biệt, những cá nhân, tập thể chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc xét tốt nghiệp cho sinh viên và trong những khâu công việc liên quan khác khiến vụ việc không được phát hiện sớm.
-------------------------
Đơn vị thi công “rút ruột” cát, đá
Kết quả kiểm tra kết cấu tái lập phui đào đặt ống cấp nước trên đường Nguyễn Trọng Tuyển và Trương Quốc Dung (Q.Phú Nhuận) cho thấy đơn vị thi công rút ruột công trình tái lập mặt đường.
Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định vừa làm chủ đầu tư vừa là đơn vị thi công đã tái lập mặt đường không đúng kết cấu thiết kế được duyệt.
Cụ thể, đơn vị này chỉ lắp đặt chiều dày lớp cát từ 3-5cm trong khi thiết kế yêu cầu lớp cát dày 10cm, lắp đặt chiều dày lớp đá chỉ 27cm, trong khi thiết kế yêu cầu lớp đá dày 50cm.
Thanh tra Sở GTVT TP.HCM sau khi kiểm tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định và yêu cầu phải tái lập mặt đường theo đúng thiết kế
-------------------------
Tiếp hai đoàn khiếu kiện đông người
Ngày 25-8, lần thứ hai Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trực tiếp tiếp công dân tại Ban tiếp công dân trung ương.
Đến gặp ông Nên lần này là hai đoàn khiếu kiện đông người thuộc các quận Bắc Từ Liêm và Hà Đông (Hà Nội).
Vụ khiếu kiện đất đai của một số công dân tại xã Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm đã kéo dài suốt 15 năm, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì nhưng bản kết luận thanh tra không nhận được sự đồng tình.
Gặp Bộ trưởng Nên, mười đại diện công dân Cổ Nhuế (phần lớn là các cụ già) tiếp tục đề nghị “làm rõ trắng đen để dân sai dân sửa, quan sai quan sửa”.
Sau khi nghe các bên (công dân, đại diện UBND quận, UBND TP Hà Nội, Bộ Tài nguyên - môi trường) trình bày quan điểm của mình (có những lúc cuộc họp rất căng thẳng), Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói rằng “tôi đặt mình vào vị trí của người đi khiếu kiện và xin chia sẻ với những bức xúc của các bác, các dì, các chị...”.
Bộ trưởng Nên cũng giải thích rằng ông không đến đây để giải quyết vụ việc vì không thuộc thẩm quyền.
“Tôi đến đây để lắng nghe một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Sau đó tôi sẽ tiếp tục nghe báo cáo, sẽ ngồi bàn với bộ phận tham mưu để báo cáo Thủ tướng. Các cơ quan có trách nhiệm sẽ tiếp tục đối thoại với dân, quan điểm của chúng tôi là nếu có sai ở đâu thì sửa ở đó, người nào sai thì chỉ ra người đó” - ông Nên nói.
Đối với vụ việc ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, người dân đã theo đuổi bảy năm vì cho rằng chính quyền nơi đây không thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ (trong khi Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh và chủ tịch UBND quận Hà Đông Lê Cường khẳng định đã thực hiện). Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì cuộc đối thoại giữa chính quyền với dân về từng nội dung cụ thể.