20.000 tỉ đồng để kiểm soát lũ ở ĐBSCL
Tại hội thảo “Quy hoạch, kiểm soát lũ vùng ĐBSCL đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được tổ chức vừa qua ở An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cần 20.000 tỉ đồng để thực hiện các công trình quy hoạch kiểm soát lũ ĐBSCL giai đoạn từ năm 2015 đến 2020.
Theo ông Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, dự án trên là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác vận hành, cảnh báo lũ, qua đó bố trí cơ cấu mùa vụ cho thích hợp, nhất là ở những nơi có hệ thống đê bao sản xuất vụ ba. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có đánh giá chính xác về hiệu quả của việc làm đê bao tăng vụ vì phần đầu tư cho diện tích ở những khu vực này quá lớn. Hơn nữa, vấn đề đê bao cũng làm tăng áp lực nước cho các tỉnh thượng nguồn cũng như gây phức tạp vấn đề xâm nhập mặn ở hạ nguồn hệ thống sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đồng tình với những nhận định trên và yêu cầu các ngành chức năng đánh giá lại các dự án cũng như công trình chống lũ, kiểm soát lũ đã thực hiện để tìm ra giải pháp hoàn chỉnh cho việc quy hoạch, kiểm soát lũ vùng ĐBSCL.
-----------------------
Việt Nam-Thái Lan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quân
Ngày 25/8, nhân chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã đến thăm, chào xã giao Tư lệnh Hải quân Thái Lan Narong Pipattanasai và vinh dự nhận Huân chương Hiệp sỹ bội tinh đệ nhất của Hoàng gia nước này.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận Huân chương cao quý nhất này của phía Thái Lan, nhờ những đóng góp của ông trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác hải quân.
Trong những năm qua, hải quân hai nước đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Hai bên thực hiện được 29 chuyến tuần tra chung, góp phần duy trì trật tự trên biển. Hoạt động này vẫn được tiến hành thường niên tại khu vực Vịnh Thái Lan và trở thành điểm nhấn trong quan hệ quốc phòng hai nước.
Đố đốc Nguyễn Văn Hiến nới với PV TTXVN: "Tôi cho rằng vinh dự này không phải chỉ dành riêng cho cá nhân tôi, mà đây là sự đánh giá thành tựu hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước nói chung và hải quân hai nước nói riêng. Trong những năm qua, hải quân hai nước đã có nhiều bước đột phá trong việc thiết lập đường dây nóng và tuần tra chung, góp phần rất tốt vào việc ổn định vùng biển Tây Nam, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và từ đó đến nay vẫn duy trì rất tốt.
Hai bên đã tổ chức được 29 chuyến tuần tra chung và 17 chuyến rút kinh nghiệm. Hoạt động này vẫn tiếp tục được duy trì nhằm ổn định vùng biển Tây Nam. Nó cũng sẽ là cơ sở để hai bộ quốc phòng và hải quân hai nước tiếp tục phát huy vai trò hợp tác của mình cho tới năm 2015, thời điểm hình thành Cộng đồng chung ASEAN và sau đó nữa."
Tại cuộc gặp xã giao, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến đã đề nghị việc hải quân hai nước tiếp tục phát huy hiệu quả của việc hợp tác qua đường dây nóng, tuần tra chung và thúc đẩy hợp tác thực chất nhằm chuẩn bị cho việc thành lập cộng đồng chung vào năm 2015.
Dự kiến, trong thời gian tới, hải quân hai nước sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi về công tác huấn luyện, đảm bảo hậu cần và kỹ thuật; tăng cường tuần tra chung nhằm đảm bảo cứu hộ, chống buôn lậu và cướp biển, giao lưu sỹ quan trẻ cùng một số hoạt động khác bên cạnh việc trao đổi giáo dục đào tạo, cử các đoàn và tàu thăm viếng lẫn nhau.
-----------------------
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc
Ngày 25-8, Bộ Ngoại giao cho biết ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 26-8 đến ngày 27-8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết ông Lê Hồng Anh sang thăm Trung Quốc với danh nghĩa là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Mục đích chuyến đi là nhằm trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc".
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý ảnh hưởng của vụ gây rối, mất trật tự tại một số địa phương trung tuần tháng 5 vừa qua đối với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Phía Việt Nam lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này".
Ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam sẽ có hình thức hỗ trợ nhân đạo đối với công nhân Trung Quốc bị nạn. Hội hữu nghị Việt - Trung sẽ cử đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi một số gia đình đại diện cho những người bị nạn.
Phía Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ mà Chính phủ đã công bố đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giảm bớt thiệt hại và triển khai hoạt động bình thường.
"Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra vụ việc một cách nghiêm túc và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tại Việt Nam” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.
-----------------------
VN tiếp tục là trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ
Sáng nay 25-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj.
Tại cuộc hội đàm, hai bên bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua, nhất là trên các lĩnh vực trụ cột của mối quan hệ đối tác chiến lược như chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục.
Đặc biệt, Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj khẳng định Chính phủ mới của Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những trụ cột của chính sách hướng Đông của Ấn Độ.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể như thương mại, nông nghiệp, ngân hàng…, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và 15 tỷ USD vào năm 2020 như thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân.
Đồng thời, hai bên cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.
Việt Nam hoan nghênh các công ty và doanh nghiệp Ấn Độ sang hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như năng lượng, thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp chế biến, xây dựng, dược phẩm.
Dự kiến, hàng hãng không Ấn Độ Jet Airways mở đường bay thẳng giữa hai nước vào tháng 11 năm nay, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ.
Việt Nam đánh giá cao việc Ấn Độ khẳng định tiếp tục hợp tác lâu dài về thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông. Việt Nam và Ấn Độ cùng thống nhất về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982), thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử COC.
-----------------------
Cách chức, chuyển công tác một số cán bộ sai phạm
Chiều 25/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Đoàn công tác đã công bố kế hoạch kiểm tra với Ban cán sự Đảng Bộ NNPTNT về công tác phòng, chống tham nhũng.
Tham gia đoàn còn có Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Quang Thắng và lãnh đạo các vụ, cục chức năng.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Hà Công Tuấn, Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết Bộ NNPTNT quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với 112 đơn vị trực thuộc, quản lý nhiều nguồn lực lớn của đất nước. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra một số lĩnh vực nhạy cảm để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng như đầu tư xây dựng cơ bản, các đề tài, chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, hoạt động khuyến nông-khuyến ngư, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác rừng và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Trong năm 2013, Thanh tra Bộ, các Tổng cục, Cục và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ NNPTNT đã tiến hành 148 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, Thanh tra Bộ đã triển khai 26 cuộc thanh tra kiểm, kiểm tra, giải quyết đơn tố cáo; 10 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất và xác minh giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; 4 cuộc thanh tra, kiểm tra khác. Các Tổng cục, Cục thuộc Bộ đã triển khai 62 cuộc; Tập đoàn Công nghiệp cao su, các tổng công ty thuộc Bộ đã triển khai 60 cuộc.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi về kinh tế nộp ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng, giảm trừ hơn 342 triệu đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và kịp thời chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực NNPTTNT.
Các Tổng cục đã ban hành 3.940 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 5,932 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp cao su và các tổng công ty thuộc Bộ đã phát hiện xử lý thu hồi gần 154 tỷ đồng; khiển trách 39 cá nhân; kỷ luật hành chính 6 cá nhân; sa thải 1 cá nhân; kỷ luật cách chức 2 cá nhân.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết mỗi năm, Bộ NNPTNT quản lý khoảng 10.000 tỷ đồng ngân sách và 5.000 tỷ đồng ngân sách sự nghiệp. Qua thanh tra, Bộ đã kỷ luật cách chức, chuyển công tác một số cán bộ sai phạm về tài chính tại một số cục, vụ, trung tâm thuộc Bộ.
Ban Cán sự Đảng Bộ NNPTNT cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém. Đó là, chưa xây dựng được cơ chế phản ánh, thu thập thông tin về tham nhũng, lãng phí nên việc tự phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí trong nội bộ còn rất hạn chế; chưa có chế tài của pháp luật để thu hồi nhanh chóng, đầy đủ số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.
Thay mặt Đoàn công tác Trung ương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự chuẩn bị tích cực của Ban Cán sự Đảng Bộ NNPTNT trong làm việc với Đoàn kiểm tra. Bộ NNPTNT đã tạo điều kiện cho Đoàn kiểm tra trong quá trình làm việc tại một số cục, vụ, đơn vị của Bộ nhằm nắm bắt tình hình, để làm việc công tâm, khách quan, đúng đắn, tránh làm phiền, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị kiểm tra.
Đây là dịp đánh giá tình hình công tác phòng, chống tham nhũng, khắc phục những yếu kém, đem lại niềm tin cho cán bộ, công chức và nhân dân đối với Bộ đa ngành, đa lĩnh vực như Bộ NNPTNT.
Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra sẽ công bố kết quả kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ NNPTNT vào cuối giữa cuối tháng 10/2014.
----------------------
Phẫu thuật từ thiện: Hai trẻ tử vong, một trẻ nguy kịch
Lúc 14g20 ngày 24-8, bé Nguyễn Quang Minh (14 tháng tuổi, ở P.Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Trước đó không lâu, bé Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (11 tháng tuổi, ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) cũng tử vong tại bệnh viện này. Còn bé Pi Năng Tuấn Hữu (16 tháng tuổi, người Răklay, ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hạnh - giám đốc Bệnh viện Quân y 87, ba cháu bé này nằm trong số 11 bệnh nhân được đoàn khám chữa bệnh từ thiện của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA, Hà Nội) tiến hành phẫu thuật ngày 23-8. Đây là lần thứ ba (mỗi năm một lần), trung tâm thực hiện phẫu thuật từ thiện cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch tại Bệnh viện Quân y 87. Họ chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt chuyên môn, các bác sĩ, thầy thuốc của đoàn từ trực tiếp gây mê, phẫu thuật, cung cấp thuốc men, theo dõi bệnh nhân sau khi mổ. Bệnh viện Quân y 87 cho mượn phòng mổ, phòng điều trị và trang thiết bị để mổ.
Trước khi gây mê để phẫu thuật, cả ba bệnh nhi gặp nạn đều được ghi nhận “tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhịp tim bình thường, thông khí phổi rõ, không ho, không sốt, không khó thở...”. Nhưng khi đưa vào phòng mổ chuẩn bị phẫu thuật thì cả ba bệnh nhi đều bị tím, suy hô hấp nặng “sau khi khởi mê”, phải lần lượt chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu.
Bệnh nhi Nguyễn Ngọc Tuyết Vân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa lúc 9g47 ngày 23-8 trong tình trạng “hôn mê sâu, nặng nhất, ở dạng đã chết não; đồng tử giãn, mạch không, huyết áp không đo được...”. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy - phó khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - cho biết chưa đầy bốn giờ sau, cháu Vân tử vong.
Sau khi tiếp nhận cháu Vân một giờ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận cháu Pi Năng Tuấn Hữu vào cấp cứu. Các thầy thuốc khoa nhi của bệnh viện ghi nhận “bệnh nhân có dấu hiệu co giật tay, chân, thiếu ôxy não, suy tuần hoàn...” phải thở máy liên tục từ khi vào cấp cứu, hiện đang bị rối đường huyết, điện giải; suy gan, suy thận nặng.
Bệnh nhi thứ ba là bé Nguyễn Quang Minh chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu lúc 13g30 ngày 23-8. Sáng 24-8, theo yêu cầu của gia đình, bệnh viện chuẩn bị sẵn giấy ra viện để chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM điều trị theo nguyện vọng của gia đình. Cháu Minh được chẩn đoán “suy tuần hoàn, hô hấp nghi do sốc phản vệ với thuốc gây mê”. Chưa kịp chuyển đi TP.HCM thì cháu Minh tử vong.
Chiều 24-8, tại Bệnh viện Quân y 87, các bác sĩ ở đây cho biết đoàn khám chữa bệnh từ thiện này đã ngưng phẫu thuật. PV tìm khắp các khoa, phòng của bệnh viện này hỏi thăm nhiều thầy thuốc để tìm gặp đoàn phẫu thuật từ thiện nhưng đều nhận được câu trả lời: “Hiện giờ không biết, không thấy họ ở đâu!”.
Bác sĩ Hạnh - giám đốc Bệnh viện Quân y 87 - băn khoăn: “Các bác sĩ tại bệnh viện cũng thấy bất ngờ khi đoàn phẫu thuật từ thiện vừa mới tiến hành gây mê thì phải đẩy các bệnh nhân ra để chuyển viện đưa đi cấp cứu”.
----------------------
Rừng biên giới Việt - Lào bị chặt phá hơn 150m3 gỗ quý
Ngày 24/8, Cơ quan chức năng huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, cuối tháng 7 năm 2014, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng xã Tam Hợp và lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ tiến hành tuần tra kiểm tra rừng khu vực biên giới và phát hiện 1 vụ khai thác rừng gỗ rừng trái phép trên một diện tích khá lớn ở khu vực biên giới.
Sau khi Hạt Kiểm lâm báo cáo tình hình, UBND huyện Tương Dương đã ban hành Quyết định số 998/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, đoàn gồm Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Tương Dương, Lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Tương Dương, cán bộ Tổ Kiểm lâm địa bàn Tam Hợp, cán bộ Trạm bảo vệ rừng phòng hộ Tương Dương, cán bộ UBND xã Tam Hợp, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp.
Đoàn có nhiệm vụ phối hợp tiến hành kiểm tra làm rõ tình hình vụ việc khai thác lâm sản trái phép nói trên. Từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 8 năm 2014, đoàn đã tiến hành kiểm tra hiện trường rừng bị khai thác và điều tra nắm tình hình các đối tượng có liên quan.
Theo đó, đoàn đã phát hiện vụ khai thác rừng lớn trái phép tại khu vực biên giới xã Tam Hợp tại 5 chỏm đồi liền kề nhau thuộc các lô rừng: lô 3 khoảnh 6 và lô 3 khoảnh 10 tiểu khu 704, lô 1 khoảnh 10 tiểu khu 700; Độ cao trung bình của khu vực bị khai rừng trái phép có độ cao khoảng 1300 - 1500m so với mặt nước biển, khoảng cách từ Trạm Biên phòng cửa khẩu Tam Hợp đến đầu vị trí vùng bị chặt hạ khoảng 3,6km.
Số lâm sản bị chặt hạ đa phần là gỗ Pơ mu nhóm IIA và một cây gỗ Dổi nhóm III, phần lớn là gỗ tròn, chỉ số ít đã xẻ thành hộp, bao gồm 50 gốc chặt cưa thành 60 lóng gỗ tròn Pơ mu, Dổi và 46 tấm gỗ xẻ Pơ mu. Cơ quan chức năng xác định dấu chặt còn mới, lá cây héo chưa khô hẳn.
Tổng khối lượng lâm sản là 156,768 m3 gỗ tròn và xẻ. Trong đó (ỗ tròn Pơ mu nhóm IIA: 59 lóng = 150,534m3; Gỗ tròn Dổi: 01 lóng = 0,800m3 và Gỗ xẻ Pơ mu: 46 tấm = 5,434 m3).
UBND huyện Tương Dương cho biết thêm, khu vực rừng bị chặt phá là rừng phòng hộ vùng biên giới Việt - Lào thuộc xã Tam Hợp do Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương quản lý, bảo vệ.
Sau khi vào cuộc,các cơ quan chức năng nhận định ban đầu, có 4 nhóm người liên quan đến việc khai thác rừng trái phép nói trên, họ là 1 số người dân tộc Hơ Mông thuộc 2 bản Phà Lỏm và bản Văng Môn của xã Tam Hợp.
Theo đó, UBND xã đã triệu tập các đối tượng ra Văn phòng UBND xã Tam Hợp để làm việc, tuy nhiên mới có 3 đối tượng đã chấp hành đến làm việc và tự viết bản tường trình. Theo nội dung bản tường trình đã có 2 người tự khai nhận ở cùng 1 nhóm và chặt hạ 27 cây Pơ Mu.
Xác định đây là một vụ chặt phá rừng có tổ chức với quy mô lớn, nghiêm trọng và cần được xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Đồng thời nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp do địa bàn xảy ra vụ việc ở vùng biên giới giáp với nước bạn Lào, người vi phạm chủ yếu là người dân tộc Mông, nằm sát biên giới và có thể do một số đối tượng tiếp tay.
Theo đó, để điều tra xử lý vụ việc thuận lợi, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo và giao cho Công an huyện Tương Dương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện và UBND xã Tam Hợp kiên quyết điều tra làm rõ những cá nhân và tổ chức liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND huyện Tương Dương cũng giao cho Ban quản lý rừng Phòng hộ Tương Dương phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Hợp thường xuyên bố trí lực lượng tăng cường tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng khu vực Biên giới, bảo vệ nguyên trạng hiện trường và số lâm sản bị khai thác trái phép, tuyệt đối không để tẩu tán tang vật vụ việc trên.
Sau khi cơ quan Công an tổ chức khám nghiệm hiện trường xong, giao cho Hạt Kiểm lâm chủ trì tham mưu phương án đưa số lâm sản nói trên ra khỏi rừng và quản lý số lâm sản đó để phục vụ công tác điều tra xử lý.
Hiện vụ việc đang được Công an huyện Tương Dương và cơ quan liên quan phối hợp điều tra làm rõ.
-----------------------
Phạt tiền, đình chỉ công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm
UBND tỉnh Thanh Hóa đã phạt Công ty CP thương mại Sao Khuê 70 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 1,5 tháng vì đã sử dụng chất cấm Salbutamol, có khả năng gây ung thư trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngày 24-8, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết cơ quan này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng đối với Công ty CP thương mại Sao Khuê (có địa chỉ ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), vì kinh doanh thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm Salbutamol (Salbutamol thuộc nhóm beta agonist, thường sử dụng để kích thích tăng trọng hay còn gọi là chất tạo nạc, chất này hiện bị cấm dùng trong chăn nuôi do có thể gây biến chứng ung thư).
Ngoài phạt tiền, công ty này còn bị UBND tỉnh Thanh Hóa đình chỉ hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi 1,5 tháng, đồng thời yêu cầu công ty tiêu hủy toàn bộ số thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm bị phát hiện.
Trước đó, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 8 tấn thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt được Công ty CP thương mại Sao Khuê phân phối, buôn bán có chứa chất cấm Salbutamol.
Đây là loại thức ăn do Công ty TNHH liên kết đầu tư Livabin (có địa chỉ tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) sản xuất ngày 31-5-2014. Theo kết quả kiểm tra thì chất cấm Salbutamol trong lô thức ăn có hàm lượng lên tới 1,43mg/kg.