Ngày 4.1.2015, Chủ tịch Nước sẽ nghe báo cáo vụ Hồ Duy Hải
Sau khi hết thời gian tạm hoãn thi hành án (THA), đến ngày 4.1.2015 tới đây, các cơ quan trung ương gồm TAND Tối cao và VKSND Tối cao sẽ báo cáo lại vụ việc xem xét đơn khiếu nại của gia đình Hồ Duy Hải với Chủ tịch Nước.
Sau khi có ý kiến của Chủ tịch Nước, Hội đồng THA tỉnh Long An mới có hướng giải quyết tiếp theo”. Ngày 30-12, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng THA tỉnh Long An, cho biết như trên.
Trong sáng 30.12, khoảng 10 người nhà tử tù Hồ Duy Hải đã đến trại tạm giam tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa (Long An) để thăm nuôi theo định kỳ mỗi tháng một lần vào ngày cuối tháng. Tuy nhiên, lần này cán bộ trại giam thông báo với thân nhân tử tù Hồ Duy Hải là không được vào thăm nuôi trực tiếp như những lần trước, chỉ được gửi đồ vào. Gia đình Hải đã bức xúc, phản ứng tại khu vực cổng trại giam yêu cầu cho gặp người thân.
Đến 13 giờ chiều cùng ngày, gia đình Hồ Duy Hải vẫn còn tụ tập tại khu vực trại giam để yêu cầu cán bộ trại cho gặp người thân.
Lý giải về nguyên nhân không cho tiếp xúc, ông Hồ Văn Phước, giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Long An, thông tin: Hiện vụ án đang trong giai đoạn được các cơ quan ban ngành liên quan xem xét giải quyết nên hạn chế cho gia đình tiếp xúc với phạm nhân, chỉ cho phép gửi đồ.
Theo quyết định, thời gian hoãn THA tử hình với tử tù Hồ Duy Hải chỉ còn bốn ngày nữa là hết.
-------------------------
Giải quyết dứt điểm những vụ án kéo dài
Ngày 30.12, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH do Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Theo báo cáo của Viện KSND tỉnh, từ năm 2011 - 2014, cơ quan này đã giải quyết 13 đơn và đang xem xét 1 đơn đề nghị bồi thường oan sai. Trong đó, có 3 vụ án oan sai nổi cộm gồm: vụ án Trần Quốc Sỹ bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy đã đình chỉ vì không cấu thành tội phạm; vụ Thái Trọng Hoàng cùng 3 đồng phạm bị truy tố về tội hiếp dâm từ năm 2004 cũng được đình chỉ điều tra; vụ án Đinh Đức Hạnh và đồng phạm bị truy tố tội thiếu trách nhiệm cũng được tòa tuyên trắng án. TAND cũng để một số vụ án kéo dài, trong đó có 2 vụ trên 5 năm.
Tại buổi làm việc, ông Uông Chu Lưu yêu cầu giải quyết dứt điểm các vụ án áp dụng pháp luật chưa đúng, kéo dài, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc dấu hiệu oan sai. Điển hình như vụ Trần Văn Lý bị truy tố về tội lừa đảo xảy ra năm 2004, đến nay TAND vẫn đang thụ lý xét xử sơ thẩm lần thứ 3; vụ Đặng Văn Công bị truy tố tội thiếu trách nhiệm đã qua 2 cấp xét xử nhưng bị cáo kháng cáo kêu oan, hiện xem xét theo hướng miễn trách nhiệm hình sự…
Liên quan đến “Kỳ án vườn mít”, ông Uông Chu Lưu nhận định: “Chứng cứ buộc tội Lê Bá Mai chưa vững chắc, lời khai của nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn, có nhiều sai sót trong quá trình điều tra... Vì vậy, đoàn sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu hồ sơ một cách khách quan, kỹ lưỡng trước khi trình lên Quốc hội”.
-------------------------
Không rút dự luật Biểu tình trong năm 2015
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 30.12, một số thành viên Chính phủ đề nghị xin rút luật Biểu tình, chưa trình Quốc hội (QH) vào kỳ họp thứ 9 khai mạc tháng 5.2015. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2015 mà nghị quyết QH đã thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2014 công tác xây dựng luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật có nhiều cố gắng, tiến bộ cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, công tác này còn hạn chế như vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản, nội dung trong một số văn bản có tính khả thi không cao, chưa sát thực tế. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, những văn bản đã có trong chương trình, phải tập trung hoàn thiện để trình QH theo đúng yêu cầu; phải nghiên cứu, đánh giá kỹ về các tác động xã hội của các dự thảo luật, pháp lệnh và khi đã được đưa vào chương trình, phải hạn chế thấp nhất việc xin rút, xin lùi.
Đối với dự án luật Biểu tình, Thủ tướng nói rõ Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định, nhưng hiện mới chỉ có nghị định của Chính phủ quy định. Trên tinh thần đó, Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này cần tập trung hoàn thiện để trình QH theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình dự án luật.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sau hơn 9 tháng được ban hành. Theo báo cáo, nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai nghị quyết, bước đầu đạt được một số kết quả. Thủ tục khởi sự kinh doanh giảm còn 5 thủ tục với thời gian khoảng 16 ngày (thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây), trong đó, thời gian đăng ký kinh doanh là 5 ngày (ít hơn 1 ngày so với yêu cầu trong nghị quyết). Tổng số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế dự kiến giảm được 370 giờ, còn 167 giờ (yêu cầu của nghị quyết là 121,5 giờ).
Về thời gian tiếp cận điện, theo kiến nghị của Tập đoàn điện lực VN với các cơ quan quản lý nhà nước, rút ngắn tổng thời gian thực hiện các thủ tục đối với công trình lưới điện trung áp là 37 ngày (thấp hơn so với yêu cầu của nghị quyết). Về thời gian nộp bảo hiểm xã hội, dự kiến bảo hiểm xã hội sẽ rút gọn từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục, giảm 50% số giờ giao dịch của các doanh nghiệp so với hiện nay. Với những kết quả này, dự kiến xếp hạng tổng thể về môi trường kinh doanh của VN tăng lên thứ hạng 56.
-------------------------
Kỷ luật 7 cán bộ Trung tâm đăng kiểm Thanh Hóa
Với những vi phạm quy định về cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật của xe xi téc trong quá trình kiểm định xe cơ giới, 7 cán bộ, đăng kiểm viên thuộc Trung tâm đăng kiểm Thanh Hóa bị kỷ luật.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa quyết định thi hành hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Lâm Minh Phúc - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa. Trong thời gian thi hành kỷ luật, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa kiêm Giám đốc 2 Chi nhánh đăng kiểm 3601S và 3602S tiếp tục vi phạm quy định về cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật của xe xi téc theo quy định tại điều 5 Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT ngày 27/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa, Giám đốc Chi nhánh đăng kiểm 3601S - bị kỷ luật mức khiển trách do không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, để viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách ký và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho sơ mi rơ-moóc xi téc chở xi măng rời không có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật của xe xi téc.
Bên cạnh đó, Sở GTVT Thanh Hóa thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa, Giám đốc chi nhánh đăng kiểm 3602S. Trong quá trình đang thi hành kỷ luật nhưng cá nhân là viên chức quản lý không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, để viên chức thuộc quyền vi phạm về quy định khi kiểm tra xe sơ mi rơ-moóc xi téc chở xi măng rời.
Ngoài ra với các Đăng kiểm viên thuộc Chi nhánh đăng kiểm 3601S và 3602S gồm: Phạm Tuân, Nguyễn Hồng Ngọc, Phạm Thanh Minh và Trịnh Giang Nam chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo do không thực hiện hướng dẫn số 1366/ĐKVN-VAR ngày 28/6/2013 của Cục Đăng Kiểm Việt Nam về kiểm tra xi téc chở xi măng rời trong việc kiểm tra đầy đủ tính hợp lệ của các giấy tờ liên quan và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị trong khai thác sử dụng.
Sở GTVT Thanh Hóa cũng đã yêu cầu ông Lâm Minh Phúc - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa bố trí công việc không liên quan đến quy trình đăng kiểm xe cơ giới thời hạn 1 năm đối với các ông: Lê Thanh Tùng; Trịnh Giang Nam; Phạm Tuân; Phạm Thanh Minh; Nguyễn Hồng Ngọc và 6 tháng đối với ông Nguyễn Ngọc Thái.
-----------------------------