Phó trưởng công an xã xin lỗi sau khi đánh người
Ông Nguyễn Văn Cà, phó trưởng công an xã Tam Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang), đã đến thăm hỏi và xin lỗi anh Võ Tân Vũ Anh Duy.
Ngày 31-12, lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, xác nhận bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho anh Võ Tân Vũ Anh Duy (26 tuổi, ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bị đánh chấn thương vùng đầu và mặt.
Khi nhập viện, bệnh nhân Duy trong tình trạng đau đầu, nôn ói, khai những vết thương này do bị ông Cà và ông Tân đánh. Sau gần một tuần điều trị sức khỏe, bệnh nhân Duy đã ổn định nên gia đình xin điều trị tại nhà.
Theo đơn tố cáo của bà Võ Thị Mộng Thu (mẹ ruột Duy), do nghi ngờ con bà là Võ Tân Vũ Anh Duy đánh ông Võ Thành Long (ngụ tại xã Tam Hiệp) nên công an xã Tam Hiệp đã bắt và đánh Duy.
Cụ thể, sáng ngày 26-12, ông Nguyễn Văn Cà và ông Nguyễn Thanh Tân (phó công an xã Tam Hiệp) cùng hai công an viên khác đến cầu Ba Châu (xã Long Định, huyện Châu Thành) bắt Duy khi anh đang ngồi ăn cơm dưới ghe.
Dù chưa có chứng cứ phạm tội nhưng công an xã Tam Hiệp còng tay Anh Duy đưa về đồn công an xã nhốt từ 8g-20g đêm và tịch thu điện thoại cá nhân không cho liên lạc với gia đình.
Chưa dừng lại ở đó, ông Cà và ông Tân còn còng một tay Anh Duy treo lên cửa sổ suốt mấy giờ và thay nhau dùng gậy ba trắc đánh vào người, đầu, tay của anh Duy, yêu cầu anh phải nhận tội đánh người.
Không chịu nổi những đòn tra tấn, anh Duy bị bất tỉnh, thương tích đầy mình. Sự việc được trình báo đến công an huyện Châu Thành và do thương tích quá nặng nên Võ Tân Vũ Anh Duy được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang điều trị cho đến ngày 31-12 mới xuất viện.
Theo kết quả chẩn đoán từ bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, anh Duy bị chấn thương mặt, vùng đầu. Hiện tại, anh còn bị nhức đầu, rối loạn tinh thần.
Trao đổi với báo chí, có mặt cả lãnh đạo Đảng ủy-UBND xã Tam Hiệp chứng kiến, ông Nguyễn Văn Cà thừa nhận hành vi sai trái của mình là có dùng gậy ba trắc đánh anh Duy. Hiện Công an huyện Châu Thành, đang chờ kết quả xác minh vụ việc để có hướng xử lí.
Ông Lý Văn Sơn, phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hiệp cho biết mới nghe vụ việc từ lãnh đạo công an huyện, còn công an xã chưa có báo cáo gì. Trước đây, ông Cà đã hai lần bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm về việc nhận tiền người dân, đánh người.
“Việc bắt người, đánh người của ông Cà và ông Tân là sai nguyên tắc. Đảng ủy xã sẽ căn cứ vào mức độ sai phạm xử lý nghiêm khắc hai đảng viên này”, ông Sơn nói.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo công an huyện Châu Thành về vụ này nhưng lãnh đạo huyện từ chối tiếp với lý do là bận đi học và đang nghỉ phép.
-------------------------
Sự cố đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Đá bóng” trách nhiệm?
“Trong thời gian dài từ năm 2009 đến nay, Tổng thầu EPC của Trung Quốc điều hành một cách chưa bài bản, khoa học. PMU Đường sắt đã chỉ đạo quyết liệt đối với Tổng thầu, mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chậm trễ…”.
Đó là những lời giải trình của lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt (PMU) vừa gửi lên lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sau sự cố sập hệ thống sàn, đà giáo và sụt bê tông tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
“Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (EPC) - tổng thầu, là nhà thầu được chỉ định theo Hiệp định khung vay vốn của hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thầu này thiếu kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, công tác điều hành yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, mặc dù đã được chỉ đạo và đôn đốc nhắc nhở nhiều lần” - lãnh đạo PMU Đường sắt cho biết.
Cũng theo PMU Đường sắt, “Trong thời gian dài từ năm 2009 đến nay, Tổng thầu điều hành một cách chưa bài bản, khoa học. Do vậy, thời gian qua PMU Đường sắt đã chỉ đạo quyết liệt Tổng thầu, mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chậm trễ”.
Với nhà thầu là tư vấn giám sát, PMU Đường sắt nhận định rằng: Nhà thầu này điều hành chưa khoa học, chưa từng tham gia làm tư vấn giám sát đối với hợp đồng EPC, thiếu kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam.
Trong khi đó, tư vấn thiết kế là Công ty HH tập đoàn thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh do Tổng thầu lựa chọn thì thời gian thực hiện việc thiết kế kéo dài. Lí do khách quan là Việt Nam chưa có quy trình đối với đường sắt trên cao, quy trình quy phạm của Việt Nam và Trung Quốc còn có sự khác nhau.
“Một số hồ sơ sau khi được Tư vấn thẩm tra có ý kiến nhưng Tư vấn thiết kế không chỉnh sửa, hoàn thiện đầy đủ dẫn đến hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, mặc dù đã được PMU Đường sắt yêu cầu chỉ chỉnh sửa một lần theo ý kiến thẩm tra. Theo hợp đồng EPC thời gian thiết kế là 9 tháng nhưng đến năm 2015 mới cơ bản hàn thành thiết kế” - PMU Đường sắt nhấn mạnh.
Với nhà thầu phụ là Công ty CP tư vấn công nghệ và đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) - đơn vị trực tiếp thi công và xảy ra sự cố sập hệ thống sàn hôm 28/2, PMU Đường sắt cho biết nhà thầu này do Tổng thầu lựa chọn, được tư vấn giám sát thẩm tra và được Cục Đường sắt chấp thuận vào 17/7/2013.
Tuy nhiên, PMU Đường sắt đánh giá: “Vinacontech chưa có nhiều kinh nghiệm thi công cầu theo yếu kiến thẩm tra hồ sơ của tư vấn giám sát, năng lực yếu kém. Quá trình xử lý thi công, quá trình xử lý sự cố của nhà thầu cũng yếu kém, chậm chạp. Đặc biệt, qua sự cố sập giàn giáo ngày 28/12 đã có nhiều đơn vị trợ giúp nhưng sự hợp tác của thầu phụ Vinacontech chưa cao”.
Báo cáo giải trình của PMU Đường sắt cũng nhắc đến những chỉ đạo quan trọng của PMU này, trong đó hạng mục kết cấu phần trên của nhà ga bến xe Hà Đông được triển khai thi công từ ngày 6/8 cho tới ngày 15/12 thì PMU Đường sắt đã có 10 văn bản liên quan chỉ đạo nhà thầu trong việc đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Gần đây nhất là trong ngày 24/11 và 15/12 đã có 2 văn bản chỉ đạo nâng cao đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trên công trường.
Theo đánh giá phân tích của PMU Đường sắt thì rõ ràng toàn bộ nhà thầu lớn nhỏ, thậm chí là Tổng thầu EPC và đội ngũ tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đều yếu kém. Về nguyên tắc quản lý cũng yêu cầu triển khai dự án thực tế thì nhà thầu yếu kém phải thay, và với vai trò quản lý và giám sát dự án thì PMU Đường sắt có quyền được thực hiện các động tác thay thế nhà thầu vì các nhà thầu này không đủ năng lực.
Với PMU Đường sắt, đây là đơn vị thay mặt Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quản lý và điều hành Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong báo cáo giải trình sau sự cố gửi lên lãnh đạo Bộ chủ quản, PMU Đường sắt đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về sự yếu kém của Tổng thầu và các thầu phụ, tuy nhiên vai trò quản lý và trách nhiệm xử lý của PMU này (đặc biệt là sau các sự cố) thì không thấy nhắc tới!?
Đã 3 ngày sau sự cố, phía Tổng thầu EPC và nhà thầu Vinacontech vẫn chưa một lần lên tiếng giải thích về sự việc, càng chưa thấy động thái xin lỗi sau những vi phạm hàng loạt đe dọa tới tính mạng con người, làm ảnh hưởng tới công trình trọng điểm của quốc gia. Còn người dân, đặc biệt là những người hàng ngày tham gia giao thông trên tuyến đường vẫn phải oằn mình đối diện với rủi ro do chính các đơn vị thi công gây ra.
----------------------------
Làm rõ doanh nghiệp vận tải bắt tay nhau làm giá
Cước vận tải chưa chịu giảm sau đợt giá xăng dầu giảm sâu nhất mới đây. Việc “án binh bất động” này không ngoại trừ khả năng các doanh nghiệp (DN) vận tải bắt tay nhau “làm giá”.
Ông Nguyễn Tất Thành, GĐ Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho hay, giá vé xe khách chưa có biến động sau đợt giảm sâu nhất giá xăng dầu hôm 22/12.
“Vẫn chỉ có 20 doanh nghiệp giảm giá cước như trước ngày 22/12. Sau ngày đó, chỉ có Cty Phương Trang giảm từ 80.000 đồng xuống 75.000 đồng tuyến Hà Nội - Nam Định” - ông Thành nói.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho biết, sau đợt giảm giá xăng gần đây, các DN vẫn đang nghe ngóng chưa điều chỉnh giá. Trước đó, trung bình, hơn 100 hãng taxi ở Hà Nội chỉ giảm ở mức nhỏ giọt, 500 đồng/km.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sau chỉ thị của Bộ GTVT về điều chỉnh giá cước hôm 23/12, các tỉnh vẫn chưa báo cáo về Bộ. “Ước tính hiện nay, số DN giảm giá cước chưa đến một nửa” - Bà Hiền nói.
Một GĐ bến xe Hà Nội cho rằng, không loại trừ khả năng các DN vận tải bắt tay, “cam kết ngầm” không giảm giá; nhất là trong điều kiện trên một tuyến chỉ có vài DN tham gia.
Chiều 30/12, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết đã yêu cầu các đơn vị quản lý giá địa phương có văn bản gửi các DN đề nghị kê khai giảm giá cước, tính toán lại chi phí đầu vào.
“Nếu các DN không kê khai lại giá theo thời hạn nhất định, sẽ bị xử phạt. DN kê khai chiếu lệ sẽ bị kiểm tra yếu tố làm giá. Thông tin báo chí đưa các hãng vận tải bắt tay nhau không giảm giá nếu có thật, tức là các DN này vi phạm Luật Cạnh tranh”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, giá cước vận tải ô tô đã được Nhà nước cho phép vận hành theo cơ chế thị trường; không thể dùng các biện pháp hành chính để buộc giảm giá.
Trước mắt, ông Thanh đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần công bố công khai DN nào không chịu giảm giá cước để “bêu xấu” và biểu dương DN giảm giá sâu. “Việc Nhà nước cần làm lúc này là khuyến khích các DN giảm giá cước, để khuyến khích cơ chế cạnh tranh. Cụ thể là công khai tên DN giảm giá cước, biểu dương họ kịp thời; không thể vào kiểm tra xong rồi cứ im thít như hiện nay”- ông Thanh nói.
Hiện, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá tối đa 150 triệu đồng; đối với tổ chức tăng lên gấp đôi.
-----------------------
Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo ông Trần Văn Truyền
Ngày 30/12, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 9396-CV/VPTW về việc công bố Thông báo của Ban Bí thư về xem xét xử lý kỷ luật ông Trần Văn Truyền.
Thông báo của Ban Bí thư nêu: Tại phiên họp ngày 23/12/2014, sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ về thực hiện chế độ, chính sách nhà, đất ở và Báo cáo của Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm điểm ông Trần Văn Truyền về công tác cán bộ.
Ban Bí thư quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ.
Yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm trong việc quyết định, xử lý một số trường hợp về nhà, đất có liên quan đến sai phạm của ông Truyền.
Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền trong công tác cán bộ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện triệt để việc khắc phục và việc xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Giao Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát việc sử dụng nhà ở công vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, kiên quyết thu hồi ngay những trường hợp nhà công vụ sử dụng không đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
------------------------
Kỷ luật, điều chuyển 4-5 cán bộ vì xây dựng quy định “trên trời”
TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết đã có 4-5 cán bộ ở các bộ ngành bị kỷ luật, điều chuyển công tác khác do xây dựng văn bản có quy định “trên trời”, thiếu thực tế gây bức xúc dư luận.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 31-12, TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết năm 2014 cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 3.887 văn bản do bộ ngành, địa phương ban hành và phát hiện ra 634 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức (số văn bản do bộ ngành ban hành là 46 và các địa phương là 588).
Ông Sơn cho biết từ các nguồn thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức, công dân, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kiểm tra, phát hiện nội dung trái pháp luật của nhiều văn bản, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tự kiểm tra, xử lý và được dư luận đồng tình ủng hộ như: “tuýt còi” Thông tư 16/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ; Công văn số 131/2014 của Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạm dừng cho phép hoa hậu Diễm Hương tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; công văn của tỉnh Quảng Nam về việc khuyến khích sử dụng xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh; công văn của UBND tỉnh Nghệ An khuyến khích các đơn vị trên địa bàn tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất ở địa phương này….
“Năng lực của đội ngũ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các bộ ngành, địa phương vẫn còn rất nhiều vấn đề, thậm chí yếu kém nên mới có chuyện nghĩ ra việc cấm bán bia hơi vỉa hè, cấm bán bia cho phụ nữ đang cho con bú hay ngực lép không được phép lái xe,... Sắp tới Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Luật ban hành quyết định hành chính, trong đósẽ tính tới cơ chế buộc cơ quan ban hành văn bản trái luật, có quy định“trời ơi đất hỡi” gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức phải bồi thường, xin lỗi xứng đáng”- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, trong năm 2014 đã có 4-5 cán bộở các bộ ngành bị kỷ luật, điều chuyển công tác khác do xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái thẩm quyền, quy định “trên trời” không phù hợp với thực tế, gây bức xúc dư luận nhân dân. “Tôi nắm được danh tính của họ cả nhưng vì tế nhị nên không tiện nêu ra”- ông Sơn nói.
---------------------------