Khó xây dựng thương hiệu gạo
Sau khi nghe ý kiến của nhiều nông dân đến tham dự phiên điều trần của Ủy ban Kinh tế về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh ngày 31-12, ông Cao Đức Phát đã nói như vậy.
Điều khá đặc biệt tại phiên điều trần đúng vào ngày cuối năm 2014 là sự xuất hiện của 30 nông dân cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng các đại biểu Quốc hội.
Thua trên sân nhà với gạo không thương hiệu
Là một điển hình trong việc liên kết “bốn nhà” tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn - tổng giám đốc Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) - cho biết AGPPS đang gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất lớn hơn, bởi cách làm ăn trực tiếp với từng bà con nông dân đã đến giới hạn.
“Cần tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Thay vì một cán bộ “ba cùng” quản lý 50-100ha như hiện nay, mô hình HTX có quy mô 500-1.000ha chỉ cần một cán bộ “ba cùng” - ông nói.
Dù muốn tổ chức mạng lưới bán lẻ gạo với chất lượng đảm bảo, có thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý nhưng ông Thòn cho biết sợ không cạnh tranh được với mạng lưới những thương buôn tự do, bởi doanh nghiệp phải nộp thuế VAT 5% trong khi những người buôn bán nhỏ không phải nộp thuế.
“Với VAT 5%, giá gạo tăng thêm 500-1.000 đồng/kg khiến chúng tôi không thể bán gạo ra thị trường được. Mà không xây dựng được thương hiệu gạo để cạnh tranh với hệ thống bán lẻ, đặc biệt là Thái Lan, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà” - ông Thòn nói.
Ông Thòn khẳng định nếu giải quyết được vấn đề thuế VAT, từ nay đến năm 2018 AGPPS có thể tổ chức được hệ thống bán lẻ tiêu thụ khoảng 300.000 tấn gạo/năm và nâng lên 500.000-1.000.000 tấn gạo/năm vào năm 2020.
Trao đổi tại buổi điều trần, ông Cao Đức Phát cho biết sẽ “nghiêm túc ghi nhận, nghiên cứu sâu để giải quyết”. Riêng chính sách thuế, theo ông Phát, là vấn đề lớn nhưng ghi nhận để báo cáo với Chính phủ, Chính phủ báo cáo với Quốc hội.
(Tuổi Trẻ)
-------------------------
Bay giá rẻ ở Đông Nam Á liệu có an toàn?
Các hãng hàng không giá rẻ đang ngày càng bành trướng thị trường hàng không Đông Nam Á, tăng nhiều đường bay toàn khu vực. Liệu bay ở bán đảo này có thật sự an toàn?
Dù tỉ lệ tử vong vì tai nạn máy bay chỉ khoảng 1/1.000.000, nhưng năm 2014 có đến hai chiếc thuộc Malaysia Airlines và một của AirAsia (Malaysia) chi nhánh Indonesia.
Phát triển nhanh, thử thách lớn
Các hãng hàng không giá rẻ đang ngày càng bành trướng trong thị trường hàng không Đông Nam Á, tăng nhiều đường bay toàn khu vực và trải dài kiểm soát không lưu. Theo đó, AirAsia cũng mở rộng nhanh chóng tại Indonesia - quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á và cực kỳ chuộng du lịch bằng máy bay giá rẻ.
Năm 2013, Hãng hàng không giá rẻ Lion Air trụ sở Indonesia đã đặt hàng 234 máy bay Airbus mới và tiếp tục đặt thêm 40 máy bay hồi tháng 11-2014. Một số hãng bay giá rẻ khác như Citilink, Tigerair, Valuair cũng xây dựng thêm mạng lưới bay trên khắp quần đảo này.
Nhưng khi giao thông hàng không khu vực phát triển và trong khi AirAsia đã đạt đến độ an toàn đáng tin, ngày càng có nhiều chuyến bay giá rẻ trao tay lái cho các phi công nam/nữ non kinh nghiệm.
Không phận bay ở Đông Nam Á vẫn là địa hình ấy, núi non, thời tiết hỗn loạn và thách thức vẫn khó nhằn như trước đây.
Phi công trên chuyến bay AirAsia Flight QZ8501 đã có hơn 6.000 giờ bay với Airbus, nhưng không rõ họ có bao nhiêu kinh nghiệm bay ở độ cao trên 34.000 feet (10.363m) - nơi phi công cố gắng đưa máy bay ra khỏi vùng thời tiết xấu. Bay càng cao, phi công càng khó điều hướng trong điều kiện khắc nghiệt như không khí loãng và tinh thể đá.
Một số hãng hàng không giá rẻ đặc biệt tuyển đội ngũ bay lành nghề và buộc họ làm việc quá nhiều giờ để bay nhiều chuyến hơn. Từ năm 2011, Lion Air có ít nhất ba phi công bị bắt vì sử dụng ma túy đá tổng hợp dạng tinh thể (crystal methamphetamine) để tăng độ tỉnh táo và tập trung.
Quản lý ngành không theo kịp
Tăng chuyến bay đồng nghĩa với việc tăng hoạt động kiểm soát không lưu, điều hành thợ máy, phi công. Nhưng Indonesia từ lâu nổi tiếng với khả năng quản lý vận hành bay và bảo trì máy bay yếu kém.
Chi phí trả cho hoạt động kiểm soát không lưu, thợ máy và các cơ quan quản lý ngành hàng không vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn khu vực. Thực tế, Transparency International xếp Indonesia vào nhóm các quốc gia tham nhũng nhiều nhất Đông Á theo chỉ số Corruption Perceptions Index hằng năm.
Hiện có rất ít bằng chứng cho thấy giới chức trách Indonesia từ lâu quan tâm đến vấn đề an toàn bay xung quanh quần đảo quốc gia. Trong 10 năm qua, chỉ riêng Lion Air đã gặp bảy tai nạn - một con số khủng khiếp (trong khi tất cả hãng bay của Mỹ - với số lượng chuyến bay hằng ngày gấp nhiều lần Lion Air - cũng chỉ gặp ba tai nạn nghiêm trọng cùng kỳ).
Các sự cố bao gồm tai nạn gần thành phố Solo làm 25 người thiệt mạng năm 2004, tai nạn năm 2013 xảy ra khi máy bay cố gắng đáp xuống đường băng Bali trong thời tiết mưa gió và tai nạn đầu năm 2014 khi máy bay Lion Air hạ cánh thất bại ở Bali, nảy lên đường băng bốn lần gây thương tích nghiêm trọng.
Ngoài ra, Mandala Airlines cũng gặp nạn ở Medan, Indonesia làm 105 người chết vào năm 2005, Adam Air chở 102 người rơi xuống biển Sulawesi năm 2007 - đây là tai nạn tồi tệ nhất liên quan đến máy bay Boeing 747-700, và chuyến bay Garuda gặp nạn trên đường băng Yogyakarta năm 2007 làm 22 người chết.
Liên minh châu Âu hầu như cấm tất cả hãng bay Indonesia bay qua EU, ngay cả hãng hàng không quốc gia Indonesia Garuda, vì lo ngại an toàn. Thậm chí Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cũng không kết nạp Lion Air là thành viên với cùng lý do trên.
-------------------------
Xuất khẩu thủy sản vượt gần 1 tỉ USD so với kế hoạch
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu thủy sản VN trong năm 2014 ước đạt 7,9 tỉ USD, tăng 900 triệu USD so với kế hoạch 7 tỉ USD đưa ra từ đầu năm.
Trừ mặt hàng cá ngừ giảm 9%, các ngành thủy sản xuất khẩu còn lại đều có sự tăng trưởng. Trong khi cá tra chỉ tăng nhẹ 0,6% so với năm 2013 đạt 1,77 tỉ USD, xuất khẩu tôm lại tăng mạnh tới 28% với kim ngạch 3,9 tỉ USD.
Theo Xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu cá tra tăng nhẹ do hai thị trường chính là EU và Mỹ đều giảm khá mạnh, nhưng bù lại xuất khẩu sang Asean, Mexico và Trung Quốc tăng trưởng khả quan.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm trong đầu năm nay tăng mạnh do nguồn cung trong nước tăng nhanh, đồng thời hai nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới là Thái Lan và Trung Quốc lại giảm sản lượng do dịch bệnh.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2014 xuất khẩu tôm của VN giảm dần do Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức cao.
-------------------------