Kỷ luật hiệu trưởng ưu ái cho giáo viên đánh vợ
UBND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Trọng Tám, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Định Quán).
Ông Nguyễn Văn Cư, Phó Chánh Thanh tra huyện Định Quán (Đồng Nai), ngày 3/1 cho biết, UBND huyện Định Quán vừa ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Trọng Tám, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Định Quán).
Lý do là trong quá trình công tác ông Tám đã có những sai phạm như đã chỉ đạo lập hợp đồng thỉnh giảng và thanh toán số tiền hơn 14 triệu đồng cho ông Nguyễn Tiến Hùng cũng là một giáo viên của trường trong khi ông này không trực tiếp giảng dạy.
Một sai phạm khác là ông Tám chỉ căn cứ vào bản tự nhận xét của một nam giáo viên trong trường để xếp loại xuất sắc cho giáo viên này, trong khi trước đó giáo viên này vừa bị xử phạt hành chính vì hành vi đánh vợ.
Bên cạnh đó, ông Tám vẫn quyết định giữ lại một nữ giáo viên để giảng dạy tại trường mà bỏ qua việc bà này xếp loại khá ba năm liền, theo quy định thì nằm trong diện điều chuyển giáo viên.
--------------------------
TP Sơn La “bỏ quên” lời hứa cấp sổ đỏ cho công dân?
Tròn một năm sau buổi đối thoại diễn ra tại trụ sở UBND TP. Sơn La, cho đến nay quyền lợi của bà Đỗ Hải Lan ở phường Tô Hiệu vẫn chưa được giải quyết, mặc dù Chủ tịch Thành phố đã chỉ đạo xử lý và trả lời công dân từ tháng 1/2014.
Như thông tin báo Dân trí đã đưa, bà Đỗ Hải Lan, trú tại số nhà 80, đường Thanh Niên, phường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La gửi đơn kêu cứu phản ánh: Năm 2011, gia đình bà Lan nhận chuyển nhượng của ông Tòng Văn Phanh mảnh đất ở phường Chiềng Sinh, TP Sơn La. Trước khi bà Lan nhận chuyển nhượng, mảnh đất trên đã được UBND TP Sơn La chấp thuận việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (gọi tắt là sổ đỏ). Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình bà Lan đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, sau gần 4 năm chờ đợi phần diện tích này vẫn chưa được cấp sổ đỏ, mặc dù bà Lan đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng TP. Sơn La, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Sơn La.
Sau khi sự việc được báo Dân trí phản ánh, cuối năm 2013, Thành ủy - UBND TP. Sơn La đã chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra thực tế, tìm phương án giải quyết quyền lợi của bà Lan. Sau quá trình rà soát, ngày 4/1/2014, tại trụ sở UBND Thành phố, ông Sa Trọng Đoàn - Chủ tịch TP. Sơn La đã chủ trì buổi đối thoại giữa các cơ quan chức năng với bà Đỗ Hải Lan để tìm hướng giải quyết kiến nghị cấp sổ đỏ của gia đình bà Lan.
Tại buổi làm việc, bà Lan đề nghị UBND TP. Sơn La cấp sổ đỏ theo hồ sơ đã làm và gia đình đã hoàn thành việc nộp tiền vào ngân sách. Bà Lan kiến nghị cấp sổ đỏ theo sơ đồ hình thể thửa đất cũ, trong trường hợp không phù hợp với quy hoạch hiện nay thì đề nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn làm các thủ tục tiếp theo cho phù hợp quy hoạch. Cùng làm việc, Bí thư Đảng ủy phường Chiềng Sinh, Nguyễn Hồng Giang đề nghị Chủ tịch TP. Sơn La và các phòng, ban chuyên môn xem xét cho gia đình bà Lan nộp một phần tiền thuế, không nộp 100%, thực hiện việc kế thừa hồ sơ và đề nghị bà Lan tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt tại thời điểm hiện nay (tháng 1/2014).
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Sa Trọng Đoàn - Chủ tịch TP. Sơn La yêu cầu đơn vị chức năng sớm cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, trong đó có gia đình bà Lan; triển khai các thủ tục để hoàn thiện việc mua bán giữa ông Tòng Văn Phanh và bà Lan, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt; giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra trách nhiệm, theo quy định thì việc bồi thường ai chịu trách nhiệm?.
Thời hạn giải quyết vụ việc của bà Lan được Chủ tịch TP. Sơn La giao cho các đơn vị chức năng thực hiện trong tháng 1/2014. Tuy nhiên, tròn một năm trôi qua, đến nay (ngày 5/1/2015) gia đình bà Đỗ Hải Lan chưa được cấp sổ đỏ theo tinh thần buổi đối thoại diễn ra tại trụ sở UBND TP. Sơn La ngày 4/1/2014. Từ sau buổi làm việc trên, bà Lan không nhận được bất kỳ thông báo, quyết định giải quyết khiếu nại của TP. Sơn La, hoặc phòng, ban chuyên môn, mặc dù bà Lan nhiều lần đến Phòng TN&MT TP. Sơn La hỏi trình tự cấp sổ đỏ cho công dân theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch TP Sơn La đưa ra tháng 1/2014. Đồng nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Đỗ Hải Lan tiếp tục đứng trước nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng.
Mảnh đất 175m2 đất ở và 1287,7m2 đất vườn gia đình bà Lan nhận chuyển nhượng từ ông Tòng Văn Phanh nằm trong thửa đất của hộ gia đình ông Tòng Văn Phanh được UBND thị xã Sơn La cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số B-0005968 theo Quyết định số 42/QĐ - UBND ngày 30/3/1993, có tổng diện tích 10.100,0m2 trong đó có 50m2 đất thổ cư và 10. 050,0m2 đất trồng dâu tằm, thời hạn sử dụng lâu dài ở bản Phung, xã Chiềng Sinh.
Từ khi được cấp sổ đỏ, gia đình ông Phanh sinh sống ổn định trên mảnh đất đó cho đến nay. Từ năm 1998, tỉnh Sơn La không còn trồng dâu nuôi tằm và phường Chiềng Sinh cũng không còn kế hoạch trồng dâu nuôi tằm nên các hộ đã chuyển loại cây trồng, từ dâu tằm sang các loại cây trồng khác.
Ngày 21/2/2011, ông Tòng Văn Phanh làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cây trồng hàng năm sang đất ở đô thị, phần đất xin chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch khu dân cư đã được phê duyệt tại Quyết định số 1933/QĐ-UB ngày 11/8/2011 của UBND tỉnh Sơn La. Ngày 10/3/2011, UBND TP Sơn La ban hành Quyết định 966/QĐ-UBND, cho phép ông Tòng Văn Phanh được chuyển mục đích sử dụng 175m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị.
Ông Phanh đã nộp đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất đúng theo quy định pháp luật. Sau đó ông Phanh chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình bà Lan 175m2 đất ở và 1287,7m2 đất vườn. Bên nhận quyền sử dụng đất là bà Lan đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước. Sau khi nhận chuyển nhượng, ngày 15/7/2011, bà Lan nộp đầy đủ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của TP. Sơn La và nhận giấy hẹn số 61, 62, 63, 64, 65/VP -TTHC. Thời gian cấp sổ đỏ ghi trong giấy hẹn là ngày 7/10/2011.
Ngày 10/10/2011, Văn phòng đăng ký nhà đất ban hành phiếu trả lời bà Lan thông báo việc: Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sơn La đang kiểm tra hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của ông Tòng Văn Phanh, đến nay chưa có kết luận, nên việc trình ký sổ đỏ của gia đình bị tạm dừng. Sau khi kết luận kiểm tra, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Trong thời gian chờ đợi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét, tháng 4/2012, bà Lan xin làm nhà tạm để ở, nộp hồ sơ đủ điều kiện xin cấp giấy phép xây dựng nộp tại bộ phận một cửa UBND TP Sơn La và nhận giấy hẹn trả kết quả ngày 15/5/2012. Đến hạn trả Phòng Quản lý Đô thị lại trả lời Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có công văn số 130-CV/UBKTTU ngày 13/6/2012, chỉ đạo tạm dừng cấp phép xây dựng đối với gia đình bà Lan.
Tháng 10/2012, TP. Sơn La thông báo việc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Sơn La ban hành thông báo số 47/TB/UBKTTU, đề nghị TP. Sơn La thu hồi 10.100m2 đất của hộ ông Tòng Văn Phanh để bán đấu giá thu ngân sách nhà nước. Đồng nghĩa, 175m2 đất ở và 1.287,7m2 đất vườn bà Lan nhận chuyển nhượng và chuyển đổi mục đích sử dụng đứng trước nguy cơ bị thu trắng. Trong khi đó, phần diện tích 175m2 đã được TP. Sơn La đồng ý cho chuyển đổi, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được các cơ quan chức năng xác nhận đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng.
Cùng thời gian này, Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn số 3983/TCT-CS, ngày 9/11/2011, gửi Cục Thuế tỉnh Sơn La xác nhận việc 175m2 ông Tòng Văn Phanh đã có Quyết định của UBND TP Sơn La cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng là đúng quy định nên phải thực hiện nộp thuế theo khung giá đất ở. Sau đó, Cục Thuế tỉnh Sơn La tiếp tục có văn bản yêu cầu Chi bộ Phòng TN&MT thực hiện theo văn bản hướng dẫn số 3983/TCT-CS.
Cho rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xâm hại quyền lợi và đi ngược quy định Nhà nước ban hành, từ tháng 1/2013, bà Lan nhiều lần gửi đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp lên Tỉnh ủy Sơn La, UBND tỉnh Sơn La. Ngày 14/6/2013, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có công văn số 949 - CV/UBKTTU thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo, nhưng công văn trả lời bà Lan không được thỏa đáng với nội dung trả lời hời hợt, đi ngược quy định của pháp luật, mục 2.1 của công văn số 949 còn trả lời “nhầm” nội dung.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, trong đơn kêu cứu gửi báo Dân trí đề ngày 2/1/2015, bà Đỗ Hải Lan khẩn thiết đề nghị Tỉnh ủy - UBND tỉnh Sơn La vào cuộc chỉ đạo, giám sát UBND TP. Sơn La và các đơn vị chức năng xem xét giải quyết vụ việc, tạo điều kiện cho gia đình bà được xác lập “chủ quyền” đối với phần tài sản tích góp mồ hôi nước, mắt cả đời mới có được.
---------------------------
“Mượn tên" người khác để làm viên chức hơn 11 năm
Theo chứng cứ tài liệu phóng viên thu thập được, người có dấu hiệu vi phạm pháp luật có tên thật là Ngô Thị Kim Trang – sinh ngày 21/3/1979, trú ở thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Năm 1994, Trang bỏ dở con đường học vấn khi đang học lớp 9. Nhưng ba năm sau đó, người này đã mượn văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) của em ruột là Ngô Thị Diễm Thúy, sinh ngày 27/10/1980, để đăng ký học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp tổng hợp - dạy nghề huyện Tuy Hòa rồi tiếp tục theo học trung cấp thư viện tại Trường Trung học văn hóa nghệ thuật Khánh Hòa.
Theo đó, từ năm 1997, Ngô Thị Kim Trang đã tự “phù phép” biến hóa nhân thân của mình thành Ngô Thị Diễm Thúy và sử dụng văn bằng mang tên người em ruột để làm nhân viên thư viện Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung từ ngày 15/3/2003 theo diện hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Hơn một năm sau, Ngô Thị Diễm Thúy được chuyển sang HĐLĐ dài hạn ngoài quỹ lương theo Quyết định 909/QĐ-CTUB ngày 31/8/2004 của UBND huyện Tuy Hòa. Hai tuần trước khi huyện Tuy Hòa chia tách địa giới hành chính thành hai huyện Đông Hòa và Tây Hòa, nữ nhân viên thư viện mang tên người khác được “ưu ái” chuyển sang HĐLĐ trong chỉ tiêu biên chế theo Quyết định số 858/QĐ-CTUB của UBND huyện Tuy Hòa.
Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung – nơi bà Ngô Thị Kim Trang “mượn” tên em ruột Ngô Thị Diễm Thúy để làm nhân viên thư viện hơn 11 năm qua.
Không ít cán bộ viên chức biết rõ sai phạm nêu trên nhưng không dám tố cáo, bởi lẽ người mang tên giả Ngô Thị Diễm Thúy là con dâu ông Nguyễn Ngọc Chấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tuy Hòa vào thời điểm cô “Thúy” được tuyển dụng làm nhân viên thư viện. Khi huyện Đông Hòa thành lập giữa năm 2005, ông Chấn lần lượt giữ chức vụ Trưởng phòng GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa và đã miễn nhiệm từ cuối tháng 7/2011.
Thế nhưng, sai phạm không thể che giấu được từ đầu tháng 1/2014 khi người em ruột của Ngô Thị Kim Trang là Ngô Thị Diễm Thúy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Tây Hòa, chuyển công tác về Trường THPT Lê Trung Kiên, huyện Đông Hòa. Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Đông Hòa nhập dữ liệu hồ sơ lao động mới tiếp nhận vào chương trình SMS trên máy tính thì tá hỏa khi phát hiện Ngô Thị Diễm Thúy, giáo viên Trường THPT Lê Trung Kiên, có quê quán, ngày tháng năm sinh, số CMND hoàn toàn trùng khớp với Ngô Thị Diễm Thúy - nhân viên thư viện Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung.
Trong bản tường trình và kiểm điểm gửi đến Phòng GD-ĐT huyện Đông Hòa, Ngô Thị Diễm Thúy - nhân viên thư viện Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung, không chỉ thừa nhận tên thật của mình là Ngô Thị Kim Trang, mà còn khai báo hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp THCS, CMND của em gái Ngô Thị Diễm Thúy để học văn hóa, trung học chuyên nghiệp và trở thành viên chức trong ngành giáo dục.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân ngày 24/12, ông Lê Tấn Sang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hòa cho biết, ngày 6/12, Hội đồng kỷ luật Trường Tiểu học số 3 Hòa Hiệp Trung đã biểu quyết thi hành kỷ luật đối với Ngô Thị Diễm Thúy bằng hình thức buộc thôi việc theo mục 3, điều 3, Nghị định 27/2012/NĐ-CP. Ngày 12/12, ông Lê Tấn Sang đã có tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa để có cơ sở xử lý kỷ luật đối với Ngô Thị Diễm Thúy theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi.
Dư luận mong chờ Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa sớm chỉ đạo xử lý vụ việc nghiêm minh theo quy định pháp luật.
-------------------------