Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cho rằng, 2015 sẽ là năm mang tính dấu mốc trong chiều dài quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do vẫn còn có những trở ngại nên vẫn cần cả chặng đường phía trước để làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Ngày 3/1, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã có cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua và những ưu tiên trong quan hệ giữa hai nước trong năm 2015.
Vậy là năm 2014 đã qua, cũng là năm Việt Nam và Hoa Kỳ triển khai quan hệ đối tác toàn diện, xin ông cho biết những kết quả nổi bật đạt được giữa hai nước thời gian qua?
Quan hệ đối tác toàn diện được xác lập trong chuyến thăm Mỹ tháng 7/2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là khuôn khổ quan trọng, định hướng cho quan hệ hai nước. Về 2014, để ngắn gọn và khái quát, có thể nêu như sau: Hơn 1 năm qua, hai bên đã khởi động và triển khai tích cực cả 9 lĩnh vực ưu tiên đề ra trong quan hệ đối tác toàn diện, đã có một số tiến bộ được dư luận sở tại cho là mang tính đột phá, nhưng dư địa hợp tác còn nhiều, vẫn còn có những trở ngại nên để làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện thì sẽ còn cả chặng đường phía trước.
Những kết quả đã đạt được rất có ý nghĩa và đã góp phần đẩy mạnh đà phát triển quan hệ hai nước. Đáng chú ý là quan hệ chính trị - ngoại giao tiếp tục được tăng cường với một loạt các cuộc gặp, chuyến thăm ở các cấp giữa hai nước trong năm 2014: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Obama bên lề Cấp cao APEC và Cấp cao Đông Á; 13 chuyến thăm Việt Nam của các lãnh đạo quốc hội Mỹ như Chủ tịch thường trực Thượng viện P. Leahy và các Thượng nghị sĩ J.McCain, B.Cardin, B.Corker....; các chuyến thăm Mỹ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh... Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, địa phương, triển khai 11 cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, phát triển, dân chủ nhân quyền, lao động.
Quan hệ kinh tế tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong hợp tác hai nước. Mỹ tiếp tục là đối tác kinh tế và thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, tổng kim ngạch thương mại hai nước năm 2014 ước đạt khoảng 35-36 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hơn 28 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013. Mỹ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam với khoảng 700 dự án và tổng vốn gần 10,7 tỷ USD, chưa kể đầu tư của doanh nghiệp Mỹ qua nước thứ 3. Trong khuôn khổ đàm phán chung, hai bên cũng đạt được những tiến triển thực chất trong đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sắp tới việc đàm phán này cần tiến tới một TPP bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển và lợi ích của các bên tham gia.
Hợp tác về khoa học - công nghệ có đột phá mới với việc Hiệp định hạt nhân dân sự 123 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 10/9/2014, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. Mỹ tiếp tục cam kết và triển khai hợp tác tích cực với ta về việc giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại như các dự án tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin (tổng trị giá 15 triệu USD...) hay dự án hỗ trợ cho người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh (7,5 triệu USD).
Hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân tiếp tục được mở rộng. Việt Nam dẫn đầu về số lượng sinh viên học ở Mỹ trong các nước ASEAN với tổng số hơn 16.000 sinh viên, đứng thứ 8 trong số tất cả các nước có sinh viên đang học tập tại Mỹ. Trong năm 2014, số lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam cũng tiếp tục tăng, đạt 443.000 lượt khách, đứng thứ 4 trong số các nước có nhiều khách du lịch vào Việt Nam.
Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (9/2011). Việc Mỹ chính thức tuyên bố bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam được đánh giá cao và chứng ta đề nghị Mỹ nên sớm dỡ bỏ hoàn toàn, phù hợp với đúng khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện hai nước. Hai bên cũng đã trao đổi nhiều đoàn quốc phòng, đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng M. Dempsey tháng 8/2014. Hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát biển được mở rộng, hai bên đang triển khai gói hỗ trợ 18 triệu Mỹ dành cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hàng hải.
Bên cạnh đó cũng cần kể đến sự hợp tác, phối hợp có hiệu quả giữa hai nước trong các diễn đàn đa phương tại khu vực và quốc tế, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn kinh tế CA - TBD (APEC)... Đáng chú ý, trong năm nay lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - ASEAN đã được tổ chức.
Tuy nhiên khi nhìn vào mỗi lĩnh vực, hiện vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác. Mặt khác, quan hệ hai nước vẫn còn một số khó khăn, nhất là việc Mỹ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp và rào cản thương mại như áp đặt cơ chế giám sát cá da trơn; áp dụng các chính sách vệ sinh thực phẩm đối với hàng hoa quả và mật ong... Bên cạnh đó hai bên vẫn còn khác biệt trong vấn đề dân chủ, nhân quyền. Với những khác biệt đó, chúng ta chủ trương đối thoại thẳng thắn và hợp tác xây dựng trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau. Vừa qua, có nhiều quan chức chính giới, quốc hội Mỹ thăm Việt Nam, họ đều đã hiểu thêm về chính sách và sự phát triển của đất nước, trong đó có cả những vấn đề liên quan đến tự do, dân chủ, nhân quyền.
Nhìn tổng thể, quan hệ hai nước trong hơn 1 năm qua đã phát triển tích cực, tạo đà để hai bên tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu trong năm 2015 và những năm sau.
Nhiệm kỳ lần này của Đại sứ diễn ra vào một thời điểm rất có ý nghĩa, VN và Mỹ sẽ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2015. Xin ông cho biết những mục tiêu, ưu tiên của trong năm 2015 này?
Năm 2015 là một năm có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính dấu mốc trong chiều dài quan hệ Việt - Mỹ và là năm vừa là kỷ niệm vừa là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hai nước, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, an ninh, thình vượng ở khu vực và trên thế giới:
Việc đầu tiên và hàng đầu là làm sao để triển khai hiệu quả và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trên cả 9 lĩnh vực ưu tiên đã được xác định. Trong mỗi lĩnh vực, vẫn còn nhiều "dư địa" mới hợp tác giữa hai nước. Trong đó, chắc chắn phải làm sao đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về các lĩnh vực như kinh tế, khoa học- kỹ thuật và giáo dục, tạo ra những đột phá mới, dấu mốc mới trong từng lĩnh vực này.
Năm 2015 là năm kỷ niệm trong quan hệ, như vậy hai nước cần tổ chức kỷ niệm sao cho thực chất, hiệu quả. Việc tiếp tục trao đổi đoàn ở các cấp, qua đó tăng cường thêm hiểu biết, thúc đẩy các cơ hội, thỏa thuận hợp tác, tạo ra những điểm nhấn có ý nghĩ trong năm kỷ niệm. Hai nước cũng cần lên kế hoạch tổ chức "Những ngày Việt Nam tại Mỹ", qua đó không chỉ để kỷ niệm, mà còn giúp chính giới cũng như nhân dân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hơn nữa quan hệ. Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ sẽ tích cực phục vụ và tham gia các hoạt động này, đồng thời cũng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan sở tại để tổ chức các hoạt động trao đổi, quảng bá và kỷ niệm trải rộng trong năm, cả ở thủ đô và các địa phương của Mỹ.
Cộng đồng người Việt tại Mỹ là cộng đồng kiều bào lớn nhất ngoài VN, ông sẽ làm gì để thúc đẩy hơn nữa sự gắn bó của cộng đồng với đất nước?
Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ có khoảng 2 triệu người, chiếm gần một nửa trong tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và là cộng đồng người Việt lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do hoàn cảnh lịch sử, phần lớn cộng đồng người Việt đến định cư tại Mỹ sau năm 1975, sau này cũng có nhiều người đến Mỹ để học tập, làm việc, kinh doanh hay đoàn tụ gia đình. Trải qua 40 năm định cư trên nước Mỹ, tuy quan điểm còn có chỗ khác biệt, nhưng đại bộ phận bà con luôn gắn bó, hướng về quê hương, đất nước và đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của đất nước và là cầu nối cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Kiều bào rất phấn khởi về các chủ trương, chính sách của ta đối với kiều bào, đặc biệt là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Qua 10 năm triển khai, vừa qua chúng ta đã kiểm điểm, rút bài học kinh nghiệm và đề ra các chính sách là cơ sở chỉ đạo để triển khai tốt công tác cộng đồng. Như vậy nhiệm vụ của Đại sứ quán là phải tiếp tục triển khai và đưa chính sách của ta đến với kiều bào, thúc đẩy hơn nữa sự gắn bó của kiều bào đối với đất nước; hiểu và nắm được những tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, từ đó giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà kiều bào gặp phải. Trong vấn đề này, tôi muốn nhấn mạnh đến việc tranh thủ chất xám của kiều bào, làm thế nào để có những cơ chế, chính sách sử dụng hiệu quả chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Rất nhiều trí thức người Việt tâm huyết, trăn trở với các vấn đề của đất nước và muốn đóng góp tri thức cho đất nước.
Trong thời gian tới, tôi sẽ giành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc, đi các địa phương để lắng nghe ý kiến của bà con cũng như tìm cách tháo gỡ những rào cản còn tồn tại. Tôi cũng sẽ tham dự Hội thảo Phát triển Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Harvard, Boston, do các trí thức Việt Nam tại Mỹ khởi xướng và tổ chức vào đầu tháng 1 tới. Dịp tết xuân Ất Mùi, Đại sứ quán theo truyền thống sẽ tổ chức ăn tết đón xuân với kiều bào, cũng sẽ có bánh trưng, dưa hành, cùng các bài ca, điệu múa Việt Nam, thắm tình đấm ấm và gắn bó của những người con trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết cảm nghĩ về việc được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ?
Là cán bộ trong ngành ngoại giao hơn 34 năm rồi, nhưng mỗi lần được giao một trọng trách mới, với bản thân tôi, đó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm, do đó đều mong sao làm tận tâm, tận lực cho xứng đáng. Điều quan trọng là sao cho xứng đáng là đại diện của đất nước Việt Nam anh hùng, đổi mới và hội nhập hôm nay. Với những nhiệm vụ như đã nêu ở trên, đó là làm sao triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện hai nước, thúc đẩy lợi ích và phát huy vai trọ, vị thế Việt Nam một cách có ý nghĩa, được khởi đầu bằng năm 2015 kỷ niệm 20 năm quan hệ.
Chính vì vậy, nhiệm kỳ lần này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đây là một vinh dự những cũng là trách nhiệm rất nặng nề và với tâm niệm đó, cá nhân tôi nguyện sẽ làm hết sức mình, cùng Đại sứ quán và các cơ quan đại diện tại đây hoàn thành tốt nhiệm vụ.
----------------------------
Việt Nam: Chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ mở ra một chương mới cho liên kết khu vực. Việt Nam luôn tự hào là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng ASEAN sau 20 năm gắn bó.
Lịch sử
Sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 đã đưa quan hệ giữa các nước Đông Nam Á sang một trang mới của xây dựng lòng tin và tình hữu nghị.
Việc Việt Nam thúc đẩy thành công đồng thuận trong ASEAN về quyết định kết nạp Campuchia tại Cấp cao ASEAN-6 (Hà Nội, năm 1998) đã hoàn tất giấc mơ về một ASEAN-10 và gieo mầm ý tưởng về một ngôi nhà chung ASEAN.
Sau những nét bút đầu tiên về Cộng đồng ASEAN được phác thảo theo đề xuất của Singapore về trụ cột kinh tế năm 2002 và Indonesia về trụ cột an ninh năm 2003, Việt Nam đã hoàn tất bức tranh Cộng đồng ASEAN với đề xuất trụ cột văn hóa-xã hội. Hiện thực hóa ý tưởng đó, Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào việc xây dựng các văn kiện định hướng lớn của ASEAN như Chương trình Hành động Vientian năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2008 và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).
Những thành công trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động", chúng ta đã đưa bộ máy tổ chức ASEAN (xây dựng theo Hiến chương ASEAN) vào hoạt động trên thực tế; thúc đẩy hợp tác ASEAN theo hướng nâng cao tính hành động và thực thi, nhất là trong triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục đề cao và bám sát cách tiếp cận này, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của các dòng hành động được đề ra trong Lộ trình; đặc biệt, trong trụ cột kinh tế, Việt Nam luôn là một trong những nước đạt tỷ lệ thực thi cao nhất (năm 2013, Việt Nam đứng thứ hai, sau Singapore, với tỷ lệ triển khai đạt gần 90%).
Hiện tại và tương lai
Năm 2015 sẽ là một năm vô cùng bận rộn và sôi động của ASEAN. ASEAN sẽ cần tập trung nỗ lực để triển khai gần 20% các dòng hành động còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; mặc dù chiếm phần nhỏ, nhưng đây lại là những biện pháp khó, yêu cầu mức độ liên kết và hội nhập cao.
Xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và các kế hoạch triển khai cụ thể cũng là một trọng tâm lớn của ASEAN nhằm định hướng cho giai đoạn phát triển cao hơn của Cộng đồng, nhất là tiếp tục làm sâu sắc hơn liên kết của ASEAN trên cả ba trụ cột. Việt Nam sẽ cùng ASEAN triển khai các trọng tâm của năm 2015 theo các hướng sau:
Thứ nhất, nỗ lực hết mình vì đoàn kết và thống nhất của ASEAN. Đây chính là sức mạnh cộng hưởng từ ý chí và quyết tâm của 10 nước thành viên để chèo lái con thuyền ASEAN qua mọi sóng gió và cập bến thành công.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy thực hiện đúng hạn và hiệu quả các dòng hành động còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng, đồng thời tham gia tích cực vào việc soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 nhằm xây dựng một kịch bản tối ưu cho sự phát triển của ASEAN trong thập kỷ mới.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, chú trọng tuyên truyền về sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các lợi ích do Cộng đồng mang lại.
Cuối cùng, xây dựng bộ máy hiệu quả với một cơ chế phối hợp nhịp nhàng và thông suốt giữa các Bộ/ngành từ trung ương đến địa phương, được đầu tư nguồn lực thích đáng và vận hành bởi một đội ngũ cán bộ, công chức giàu tâm huyết và giỏi chuyên môn.
Là bộ phận hữu cơ của ASEAN, tương lai của Việt Nam sẽ luôn gắn chặt với những bước phát triển tiếp theo của ASEAN.
Những nền tảng tốt đẹp mà Việt Nam đã tạo dựng được trong gần hai thập kỷ qua là xung lực quan trọng để chúng ta tiếp tục nỗ lực hết mình vì một
Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phồn vinh.
---------------------------
Bộ trưởng Thăng cảnh cáo tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Tại cuộc họp chiều 4/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảnh cáo Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6) trong việc triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vì những lý do để mất ATGT, mất an toàn thi công. Tập đoàn Cục 6 phải thay thế ngay Tổng chỉ huy công trường, đồng thời cử người khác có trách nhiệm, lương tâm và trình độ sang chỉ huy.
Sự an toàn cho người dân là quan trọng nhất
Chỉ đạo tại cuộc họp chiều qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) là trọng điểm của không chỉ riêng Hà Nội, mà còn là của cả nước để đảm bảo ATGT và chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án quá kém của Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc nên dẫn đến dự án kém cỏi nhất trên đất nước Việt Nam. Điều này đã gây bức xúc và cả phẫn nộ trong nhân dân, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại, môi trường và đặc biệt gây tai nạn trong quá trình thi công. Mỗi lần người dân đi qua hạng mục của dự án thấy lo sợ và ám ảnh. Trong khi Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía Tổng thầu không chịu thực hiện.
“Mỗi lần sự việc xảy ra, Tổng thầu lại nhận khuyết điểm nhưng đâu lại vào đấy. Tôi không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của Tổng thầu nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cảnh cáo Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6) trong việc triển khai dự án vì những lý do để mất ATGT, mất an toàn thi công. Tập đoàn Cục 6 phải thay thế ngay Tổng chỉ huy công trường; đồng thời cử người khác có trách nhiệm, lương tâm và trình độ sang chỉ huy. Thay thế và tăng cường các kỹ sư, cán bộ có trình độ chuyên môn cao và phải là người có lương tâm để sang làm việc. Dự án Cát Linh - Hà Đông không phải là nơi thí điểm cho một số cán bộ, kỹ sư không có đủ năng lực, trình độ và thiếu lương tâm đến làm việc. Chấm dứt hợp đồng ngay với tư vấn giám sát vì không đủ trình độ, kém năng lực, không có tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là không có lương tâm trách nhiệm trong công việc. Bộ trưởng cũng yêu cầu phải ký hợp đồng tư vấn giám sát mới do Bộ GTVT chỉ định. Chấm dứt toàn bộ các nhà thầu phụ hiện nay và ký hợp đồng trực tiếp với các CIENCO của phía Việt Nam.
Tập đoàn Cục 6 cũng phải cử lãnh đạo cao nhất sang làm việc, rà soát lại toàn bộ dự án, kể cả các hạng mục đã xong. Thống nhất lại toàn bộ quy trình thi công, giám sát, nghiệm thu và thanh toán. Toàn bộ việc này hoàn thành trong tháng 1/2015. Đồng thời, cùng Bộ GTVT rà soát lại toàn bộ tiến độ, tăng cường lực lượng để bù lại tiến độ.
Bộ GTVT sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thẩm tra đánh giá lại toàn bộ chất lượng, tiến độ dự án này. Tổ công tác này sẽ mời các chuyên gia hàng đầu về GTVT, các đồng chí cố vấn của Bộ GTVT dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẩn trương làm việc với Tổng thầu để lựa chọn tư vấn giám sát, đồng thời rà soát lại toàn bộ tiến độ, chất lượng cũng như quy trình thi công.
“Nếu Tập đoàn Cục 6 không chấp nhận phương án đó, các ông cứ báo cáo lại, tôi sẽ báo cáo Chính phủ chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Cục 6 và kiến nghị thay Tổng thầu khác. Đây là cơ hội cuối cùng để Tập đoàn Cục 6 khắc phục và sửa sai. Nhưng chúng tôi không chấp nhận bất cứ trường hợp sự cố hay tai nạn nào xảy ra nữa. Tính mạng và sự an toàn người dân là lớn nhất, là quan trọng nhất”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA đường sắt phải khẩn trương phân công lại nhiệm vụ, cử các cán bộ kỹ sư có trình độ chuyên môn, đạo đức trách nhiệm và lương tâm làm việc tại dự án; Làm lại việc xử lý cán bộ, như này quá nhẹ; Xem xét lại trách nhiệm, thấp nhất là cảnh cáo, thậm chí cho nghỉ việc. Chúng ta không thể trông chờ vào may rủi.
Đà giáo thi công không đúng thiết kế
Đó là khẳng định của ông Trịnh Xuân Cường - Chuyên gia Tổ tư vấn của Bộ trưởng tại cuộc họp này. Ông Cường cho biết, đây chỉ là ý kiến cá nhân, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy do cấu tạo đà giáo không phù hợp, thi công không đúng bản vẽ thiết kế được duyệt. Ông Cường kiến nghị điều chỉnh thiết kế đà giáo.
“Dao sắc không bằng chắc kê. Vấn đề ở đây là kê không chắc nên gây ra sự cố chứ không phải do đổ bê tông. Thiết kế có vấn đề và thi công không đúng thiết kế nữa”, ông Cường nói.
Cũng đồng quan điểm này, ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GTVT cho biết, đã khảo sát đà giáo và đối chiếu thấy rằng, đà giáo kém ổn đinh, kém liên kết, khả năng cấu tạo không thống nhất. Hệ đà giáo H7 có khả năng chịu tác động ngang kém nên lệch tâm. Tư vấn và nhà thầu đã không giám sát chặt chẽ.
Tổng thầu nói lời xin lỗi
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, ông Chu Hằng Vũ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cục 6 cho biết rất tôn trọng ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng. "Chúng tôi nghe theo tất cả ý kiến của Bộ GTVT và sẽ nộp các báo cáo liên quan. Bản thân tập đoàn chúng tôi đã họp gấp để xử lý toàn bộ các việc ở dự án. Chúng tôi sẽ đưa tổ kỹ thuật sang. Các nhà thầu phụ không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị thay thế. Chúng tôi sẽ làm lại hết mọi quy trình, kiểm tra tư cách và năng lực nhà thầu phụ. Nếu không phù hợp sẽ hủy hết toàn bộ. Về trách nhiệm và bồi thường, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chúng tôi hiểu tầm ảnh hưởng rất lớn của dự án này, nên rất nghiêm khắc với những người có liên quan. Chúng tôi sẽ có báo cáo bằng văn bản nộp lên chủ đầu tư".
Cuối cùng ông Vũ nói: “Chúng tôi rất xin lỗi” và cho biết, Giám đốc Tập đoàn Cục 6 chiều nay đang trên đường bay từ Bắc Kinh sang Hà Nội.
Theo thông tin của Báo Giao thông, dự kiến chiều mai (5/1), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường sẽ làm việc ngay với vị giám đốc này để triển khai các phần việc Bộ trưởng yêu cầu.
-------------------------