Hôm nay xử phúc thẩm vụ ‘cướp’ vàng của người tình
Ngày 19-9, TAND TP Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ Lê Thị Ngọc Mai cướp vàng của người tình. Trước đó, ngày 5-8, TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm đã phạt bị cáo bảy năm tù về tội cướp tài sản.
Theo hồ sơ, Mai và ông Trần Ngọc Ngữ có quan hệ tình cảm. Tối 8-10-2013, Mai đến xưởng sản xuất than nơi ông Ngữ làm việc, gặp ông Ngữ đang nhậu với bạn. Sau khi bạn ông Ngữ về, Mai và ông Ngữ nói chuyện và xảy ra mâu thuẫn. Mai dùng tay đánh ông Ngữ nhiều cái. Thấy ông Ngữ đeo dây chuyền vàng, Mai nảy sinh ý định chiếm đoạt bèn giật sợi dây chuyền bỏ vào túi. Tiếp đó, Mai lấy hai con dao đưa vào gần cổ ông Ngữ khống chế, yêu cầu ông Ngữ tháo nhẫn vàng đang đeo trên tay đưa cho Mai. Do không có khả năng tự vệ nên ông Ngữ đã đưa nhẫn cho Mai và sáng hôm sau đi trình báo công an.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Mai thừa nhận có tát vào mặt ông Ngữ hai cái và dùng dao kề vào cổ ông Ngữ nhưng không nhằm lấy tài sản mà vì quá bức xúc chuyện ông Ngữ xúc phạm mình. “Sự việc xảy ra là do ông Ngữ biết bị cáo sắp có chồng nên cả hai xảy ra cãi vã. Ông Ngữ xúc phạm bị cáo là đồ “giáo viên thấp cấp”. Bị cáo nghĩ đây là sự xúc phạm mình nên có tát vào mặt ông Ngữ và kề dao vào cổ yêu cầu ông Ngữ xin lỗi, rút lại câu nói này”. Riêng sợi dây chuyền và chiếc nhẫn thì Mai cho rằng do ông Ngữ tự đưa vì muốn Mai không kết hôn với người khác mà tiếp tục quan hệ tình cảm với ông Ngữ.
Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi. Chính kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm đã phải thốt lên: “Tôi rất áy náy và cắn rứt khi đề nghị mức án đối với bị cáo”. Tuy nhiên, theo kiểm sát viên, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội cướp tài sản nên phải xử lý. Về mặt pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng Mai không phạm tội cướp tài sản bởi trong vụ án này người bị hại không hề bị tê liệt ý trí. Cụ thể theo cáo trạng, khi Mai kề dao vào cổ ông Ngữ và yêu cầu tháo nhẫn ra, ông Ngữ nói: “Cầm đi, mai nói chuyện…”. Điều này chứng tỏ người bị hại mặc nhiên thừa nhận việc bị cáo cầm giữ tài sản của mình và còn hẹn nhau nói chuyện tiếp.
-------------------------
Làm việc với 2 người tung clip "vịt" vụ bắt con tin
Sau khi Công an Hà Nội giải cứu thành công con tin, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lời một người dân có nội dung thông tin thất thiệt về bản chất vụ án.
Cụ thể, đoạn clip này do ông Ngọc, sống gần khu vực xảy ra vụ án, nói Trần Thanh Bình đi tìm nhà dì là Trần Thị Bé nhưng vào nhầm nhà bà Hồng nên bị nhốt lại. Đoạn clip này bị một số tờ báo sử dụng, dựa vào nội dung clip viết bài, đăng tải trên báo điện tử.
Chiều 18-9, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết cơ quan công an đã xác định được người tung clip này lên Facebook và đang tiếp tục làm rõ động cơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an đã làm việc với bà Trần Thị Bé và ông Ngọc (nhân vật trong clip).
Theo đó, bà Bé thừa nhận có nói thông tin sai sự thật như trên, gây hiểu lầm trong một số người dân.
Bản thân ông Ngọc cũng cho biết chỉ nghe thông tin lại như vậy nên đã nói sai sự thật theo hướng mà bà Trần Thị Bé đã kể lại.
-------------------------
Thanh Hóa: Đình chỉ công tác 3 cán bộ tòa án huyện Triệu Sơn bị tố đòi hối lộ
Sáng nay (18.9), TAND tỉnh Thanh Hóa công bố quyết định tạm đình chỉ công tác đối với một số cán bộ lãnh đạo TAND huyện Triệu Sơn có liên quan đến việc bị tố “chạy án”.
Trước đó, ngày 17.9, ngay sau khi ông Trương Hòa Bình - Bí thư TƯ Đảng, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo, ông Nguyễn Thành Bộ - Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian 3 tháng đối với một số cán bộ lãnh đạo TAND huyện Triệu Sơn, gồm: Chánh án Lê Ngọc Hiệp, Thẩm phán Lê Thị Thu và thư ký Lê Sỹ Thuần. Việc tạm đình chỉ là để điều tra xác minh về việc 3 cán bộ này bị tố cáo gạ gẫm, nhận tiền hối lộ để chạy án.
Hôm nay 18.9, tổ công tác của TAND Tối cao sẽ có buổi làm việc với TAND tỉnh Thanh Hóa và các đối tượng liên quan để điều tra, làm rõ vụ việc.
Trước đó, tháng 7.2014, Cơ quan CSĐT Công an H.Triệu Sơn có kết luận điều tra ông Nguyễn Bá Quý, nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông (H.Triệu Sơn) phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Theo kế hoạch dự kiến, đầu tháng 9.2014, vụ án sẽ được đưa ra xét xử.
Ông Quý nhờ một người họ hàng là bà Nguyễn Thị Niên, kiểm sát viên Viện KSND H.Triệu Sơn giúp gặp ông Lê Ngọc Hiệp, Chánh án TAND H.Triệu Sơn để “chạy án”. Sau khi đưa tiền “hối lộ” cho ông Thuần theo sự hướng dẫn của ông Hiệp và bà Thu, ông Quý đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí.
Lao Động sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
-------------------------
Bắt giám đốc dùng dự án chiếm đoạt hơn 9 tỉ đồng
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Bá Tùng - giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Quang Tấn (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, dự án BV Đa khoa Phật giáo Đại Tòng Lâm có quy mô khoảng 500 giường bệnh, diện tích hơn 78.700 m2 nằm trong khuôn viên của chùa Đại Tòng Lâm (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) được cấp phép xây dựng cuối năm 2010 do hòa thượng Thích Quảng Hiền làm chủ tịch HĐQT kiêm trưởng ban quản lý dự án. Nguồn vốn dự kiến dựa vào tiền từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Biết được thông tin trên, Tùng đến gặp hòa thượng Thích Quảng Hiền, giới thiệu mình là giám đốc Công ty Quang Tấn có thể tìm nguồn vốn tài trợ để xây bệnh viện. Tháng 1-2011, hòa thượng Thích Quảng Hiền viết giấy ủy quyền cho Tùng toàn quyền thương thảo với các đối tác tìm kiếm nguồn vốn, chủ động điều hành, tuyển chọn các công ty xây dựng, ký kết các hợp đồng xây dựng…
Dựa vào giấy ủy quyền trên, Tùng đã ký nhiều hợp đồng liên doanh, giao nhận thầu, thi công công trình với nhiều công ty. Tùng yêu cầu khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp phải nộp 1% trên tổng giá trị hợp đồng để đảm bảo hợp đồng được thực hiện. Tùng ký hợp đồng trùng lặp, cùng một hạng mục với nhiều công ty nhằm chiếm đoạt tiền bảo lãnh hợp đồng của các công ty là 9,1 tỉ đồng. Ngoài ra, một số cá nhân, tổ chức cũng tố cáo Tùng có hành vi lừa đảo ở một số dự án, lĩnh vực khác.
-------------------------
Kiện đòi ủy ban huyện bồi thường gần 30 tỉ đồng
Ngày 19-9, TAND huyện Định Quán (Đồng Nai) sẽ đưa vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai ra xử sơ thẩm. Người khởi kiện là ông Nguyễn Xuân Đoàn, một cựu chiến binh ở xã La Ngà; người bị kiện là UBND huyện Định Quán.
Theo hồ sơ, sau khi phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông Đoàn rời quê miền Bắc đến Đồng Nai lập nghiệp. Năm 1981, ông mua lại một mảnh đất gần 8 ha để làm kinh tế. Trong thời gian canh tác, ông Đoàn đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Năm 1986, UBND huyện Tân Phú (lúc ấy chưa tách thành Định Quán và Tân Phú) thu hồi đất của ông Đoàn sung vào Tập đoàn Phú Ngọc mà không có quyết định thu hồi. Thực tế, số đất của ông Đoàn cũng không nằm trong tập đoàn. Vài tháng sau, tập đoàn tan rã, ông Đoàn khiếu nại, đòi lại đất, đến nay chưa được giải quyết.
Hiện toàn bộ đất gần 8 ha này đã được UBND huyện Định Quán xây dựng trụ sở UBND xã La Ngà và cho tám hộ dân vào ở thành khu dân cư. Điều đáng nói là UBND huyện Định Quán từng có văn bản công nhận đất của ông Đoàn là hợp pháp. Ông Đoàn làm đơn khiếu nại đòi đất rồi khởi kiện ra tòa, đòi UBND huyện bồi thường gần 30 tỉ đồng.
-------------------------
Quảng Nam: Công ty Vàng Phước Sơn có dấu hiệu tẩu tán tài sản
Sáng 17-9, kiểm lâm, công an đã túc trực tại Trạm kiểm soát liên ngành ở thôn 4, xã Phước Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) để ngăn chặn không cho người và phương tiện của Công ty Vàng Phước Sơn thuộc Công ty Besra Việt Nam chuyển máy móc ra khỏi công ty này.
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài sản ngân hàng vì chây ì nợ hơn 300 tỉ đồng tiền thuế nhà nước. Công ty chính thức tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh vào ngày 22-7. Đến ngày 4-8, UBND huyện Phước Sơn đã có thông báo về việc tăng cường kiểm tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, trước thời điểm huyện ra thông báo, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã kịp thời tẩu tán một số máy móc ra khỏi công ty. Lý do họ đưa ra là vận chuyển máy móc xuống Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu (cả hai công ty này đều thuộc Công ty Besra Việt Nam).
Trước đó, trả lời phóng viên về hướng xử lý tiếp theo của tỉnh Quảng Nam khi Công ty TNHH Vàng Phước Sơn tiếp tục đóng cửa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh khẳng định sẽ phong tỏa tài sản theo quy định của pháp luật.
-------------------------
Bắt băng trộm phố đèn lồng quận 5
Ngày 16-9, Công an quận 5 (TP.HCM) cho biết đã bắt giữ nhóm chuyên trộm cắp tại phố đèn lồng Lương Nhữ Học gồm Ngô Thị Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Hoàng Lan và Nguyễn Thị Thu Trang.
Khi tuần tra lúc 21 giờ ngày 8-9, tổ hình sự đặc nhiệm Công an quận 5 phát hiện nhóm của Hiếu có biểu hiện khả nghi liền kiểm tra. Qua đó phát hiện tài sản mà nhóm Hiếu vừa trộm được gồm hai điện thoại, một máy ảnh Canon, gần 1 triệu đồng, 1.100 ria (tiền Campuchia), 11 ringit (tiền Malaysia), 7 đôla Singapore, 20 baht (Thái Lan)…
Cả nhóm khai nhận chuyên trà trộn phố đèn lồng để trộm cắp. Trong đó, Phượng giữ vai trò đột nhập chuyển tài sản cho đồng bọn đóng giả du khách đứng bên ngoài.