Dân số và việc làm thách thức sự phát triển của Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tóm lược những bất cập trong việc quy hoạch, xây dựng thủ đô tại hội thảo diễn ra ngày 18-9 về quy hoạch đô thị Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện dân số của Hà Nội là khoảng tám triệu người, trong đó khoảng một triệu người nhập cư và con số này ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị, dịch vụ y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường sống, vấn đề giải quyết việc làm… đang tạo sức ép rất lớn cho sự phát triển.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo đồng tình với nhận định trên của chủ tịch TP Hà Nội, đồng thời chỉ rõ một trong những nguyên nhân là do năng lực quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị của chính quyền còn yếu.
-----------------------
Ngân hàng Phát triển châu Á sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam
Ngày 18-9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp ngài Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước khẳng định một trong những mục tiêu mà Việt Nam hướng đến là tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chủ tịch nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ADB về vốn, tư vấn chính sách, đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao, phát triển nông nghiệp và một số lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng cho biết để đáp ứng với nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã và đang tiến hành sửa đổi một số luật cho phù hợp. Bên cạnh đó là phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Ngài Takehiko Nakao đánh giá cao những giải pháp của Việt Nam như giảm lạm phát, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đề nghị Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và thực hiện thủ tục giải ngân nhanh các nguồn vốn của ADB, ngài Takehiko Nakao đồng thời cũng khẳng định ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.
-----------------------
Mỹ tài trợ 2,6 triệu USD cải thiện hạ tầng
Ngày 18-9, bà Leocadia I.Zak, giám đốc Cơ quan thương mại và phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cho biết đã ký hai thỏa thuận tài trợ hai dự án tại VN về việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật, hỗ trợ VN quản lý hệ thống giao thông và tiếp cận công nghệ năng lượng hiện đại, tổng giá trị gần 2,6 triệu USD.
Theo đó, USTDA ký với Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM để hỗ trợ kỹ thuật cho việc thiết lập hệ thống kiểm soát thông tin tích hợp hệ thống tàu điện ngầm đang xây dựng tại TP.HCM, đảm bảo khả năng quản lý thông suốt, kế hoạch vận hành cho toàn hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.
Dự án này có tổng giá trị 1,5 triệu USD, trong đó USTDA tài trợ không hoàn lại 1,4 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách từ ngân sách TP.HCM 90.000 USD. Thời gian thực hiện từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015.
Dự án còn lại được ký kết với Cục Điều tiết điện lực VN về việc thí điểm điện lưới thông minh nhằm giúp VN quản lý nhu cầu sử dụng điện tốt hơn khi công suất phát điện dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2025.
-----------------------
Bộ Công an lập Cục Đối ngoại
Bộ Công an ngày 17-9 công bố thành lập Cục Đối ngoại. Cục được hình thành trên cơ sở hợp nhất giữa Văn phòng Interpol Việt Nam (thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm) với Vụ Hợp tác quốc tế.
Đây là cơ quan có nhiệm vụ công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với định hướng “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” với phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các hoạt động đối ngoại. Cục cũng có nhiệm vụ xây dựng, đàm phán, ký kết, phê duyệt các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, giao lưu văn hóa, thể thao, quân sự, võ thuật với lực lượng an ninh…
Đến nay Bộ Công an đã thiết lập quan hệ hợp tác với 161 cơ quan an ninh và cảnh sát thuộc 56 quốc gia, vùng lãnh thổ; tham gia 22 tổ chức, diễn đàn hợp tác an ninh, trật tự trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam hiện là thành viên thứ 156 của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).
-----------------------
Công khai “danh sách đen” cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng
hó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, thống kê và công bố công khai “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm đã chậm giải quyết để có biện pháp xử lý, xử phạt cụ thể.
Tại cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngày 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, thống kê và công bố công khai “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm đã chậm giải quyết để có biện pháp xử lý, xử phạt cụ thể theo thời gian chậm trễ, mức độ gây thiệt hại.
Đồng thời, các địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các DN gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Ví như trường hợp Nhà máy mía đường Cà Mau và ở Trà Vinh nằm trong nhóm cơ sở gây ô nhiễm phải xử lý trước tháng 7/2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
“Cần kiên quyết xử lý đối với 2 trường hợp này, theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng lớn các cơ sở ô nhiễm môi trường đã được xử lý triệt để.
Tháng 10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1788 với một nội dung quan trọng là đến cuối 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số cơ sở được công nhận hoàn thành xử lý triệt để mới đạt 15- 20%, nhiều cơ sở đã quá thời hạn xử lý theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, kết quả triển khai chủ trương xử lý ô nhiễm môi trường thời gian qua còn nhiều hạn chế, việc thực hiện chưa bám sát các nội dung chỉ đạo trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thiếu công khai thông tin về cơ sở ô nhiễm, chưa đưa chỉ tiêu giảm cơ sở ô nhiễm vào chỉ số phát triển của địa phương,…
-----------------------
Chờ luật, nhiều thẩm phán không được làm việc
Từ nay đến cuối năm, Tòa án nhân dân Tối cao chỉ còn khoảng phân nửa trong số gần 120 thẩm phán được tiếp tục công tác xét xử.
Hiến pháp năm 2013 (có hiệu lực từ 1-1-2014) quy định việc xem xét bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có thay đổi so với trước.
Cụ thể là Chủ tịch nước có nhiệm vụ, quyền hạn “căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”. Trong khi đó, theo Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2002, việc bổ nhiệm là thẩm quyền trực tiếp của Chủ tịch nước.
Do đó, kể từ đầu năm tới nay, việc bổ nhiệm (tái bổ nhiệm) thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đang phải chờ Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
Thẩm phán Phạm Công Hùng, thẩm phán tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cáo tại TP.HCM, cho biết công việc ở tòa phúc thẩm tại TP.HCM vốn đã nhiều bởi lượng án rất lớn, số thẩm phán còn nhiệm kỳ thì ít đi khiến công việc xét xử dồn lên các thẩm phán còn lại.
Tại tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM, nhiều thẩm phán phải đi làm ngoài giờ để đảm bảo án không bị tồn đọng. Trong khi đó, các thẩm phán đã hết nhiệm kỳ thì chỉ tham gia giải quyết khâu hồ sơ.
Theo ông Nguyễn Sơn - phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, từ nay đến cuối năm 2014 Tòa án nhân dân tối cao chỉ còn 54 thẩm phán còn đương nhiệm (trong tổng số gần 120 thẩm phán từ đầu năm 2014).
Ông Nguyễn Sơn cho biết Tòa án nhân dân tối cao đã có kiến nghị đề nghị Quốc hội ra nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán đối với những thẩm phán hết nhiệm kỳ chờ Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua.
Hai đại biểu Quốc hội là ông Nguyễn Bá Thuyền và ông Đinh Xuân Thảo đều cùng ý kiến rằng Quốc hội cần có một nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của những thẩm phán đã hết nhiệm kỳ cho đến khi có quy định mới để công việc xét xử của tòa án không bị trở ngại.
--------------------
Nhiều bệnh nguy hiểm mới nổi rình rập Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, tần suất xuất hiện của dịch bệnh mới nổi gần hơn và nhiều hơn trong vài thập kỷ gần đây. 10 năm qua đã xuất hiện dịch SARS, cúm A/H5N1, MERS-Cov, cúm A/H7N9, Ebola…
Dịch Ebola bùng phát tại châu Phi đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, châu lục này đã ghi nhận 4.422 ca mắc, trong đó có 2.261 tử vong - chiếm đến một nửa. Tỷ lệ tử vong do căn bệnh nguy hiểm này có thể từ 24 đến 89%. Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng nguy cơ là hoàn có thể.
Tổ chức Y tế Thế giới thậm chí phải công bố tình trạng khẩn cấp về an ninh y tế toàn cầu, chấp nhận mạo hiểm khi đưa vào điều trị những loại thuốc mới chưa qua thử nghiệm trên diện rộng. Tất cả đều nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như tử vong. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đến nay dường như chưa đủ; số mắc, tử vong do virus Ebola tiếp tục tăng nhanh chóng.
Ngoài virus Ebola, trong vài thập kỷ gần đây có xuất hiện một số căn bệnh truyền nhiễm mới nổi. Ví dụ, năm 2003 cả thế giới đều đối phó với căn bệnh nguy hiểm là SARS, sau này là cúm A/H5N1, MERS-Cov, cúm A/H7N9 của Trung Quốc. Có những bệnh đã xâm nhập vào Việt Nam như SARS hay cúm A/H5N1 hiện vẫn lưu hành rải rác, một năm một vài ca mắc nhưng tỷ lệ tử vong có thể lên tới 100%
“Trong các bệnh mới nổi chúng ta đặc biệt lưu ý đến MERS-Cov, Ebola, nhất là virus cúm A/H7N9 trong mùa đông xuân tới. Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh lưu ý một số dịch bệnh vào mùa đông xuân. Đất nước Trung Quốc cạnh ta có sự lưu hành virus H7N9 rất cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại hội thảo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN với chủ đề Phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Hà Nội sáng 18/9.
Theo ông, Việt Nam nằm trong khu vực luôn luôn nhạy cảm với tất cả bệnh truyền nhiễm, kể cả bệnh trong khu vực hay bệnh lan tỏa từ khu vực khác. Các nước ASEAN có nền kinh tế rất năng động, phát triển; việc du lịch, đi lại, thông thương làm cho khu vực này dễ bị tổn thương với các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, nhiều nước ASEAN như Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới - điều kiện tự nhiên thích hợp cho các bệnh truyền nhiễm luôn đe dọa.
Việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi này thực sự là thách thức rất lớn. Nhiều bệnh chưa rõ căn nguyên, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang bối rối như bệnh Ebola rõ căn nguyên, nhưng khả năng về chẩn đoán không phải tất cả các nước đều làm được. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới chỉ cho 9 phòng xét nghiệm trên toàn cầu có thể khẳng định được ca nhiễm Ebola.
Hay virus MERS-Cov có thể lây qua giao lưu đi lại giữa các nước. Việc ngăn chặn sự lây nhiễm qua con đường này là rất khăn. Trường hợp ở Malaysia nhiễm virus này là do đi hành hương về và bị lây nhiễm.
“Chúng tôi có cảm nhận là tần suất xuất hiện của dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có vẻ gần hơn và có nhiều hơn trong vài thập kỷ gần đây. Tất nhiên đây chỉ là quan sát trên thực tiễn, có thể trước đây có những bệnh chúng ta không rõ căn nguyên, nay nhờ khoa học ta phát hiện ra căn nguyên của những bệnh truyền nhiễm đó”, thứ trưởng Long nói