Bắt tạm giam một cán bộ huyện lừa đảo giải phóng mặt bằng
Ngày 19/9, Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Quốc Khánh, cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng huyện Nghi Xuân vì có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Lê Quốc Khánh sinh năm 1973 trú tại Khối 11, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, là thành viên hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án sân golf Xuân Thành.
Khánh được giao nhiệm vụ lập hồ sơ tính toán việc hỗ trợ tiền chênh lệch giữa Quyết định 33/QĐ-UBND ngày 18/7/2006 và Quyết định 07/QĐ- UBND ngày 16/3/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh cho các hộ dân ở xã Cổ Đạm.
Tuy nhiên, Lê Quốc Khánh không thông báo cho chính quyền địa phương và các hộ dân về những chủ trương chính sách trên mà đến từng hộ dân hứa sẽ “chạy” đền bù đợt 2. Sau khi nhận được tiền đền bù đợt 2, các hộ dân tin rằng việc Khánh lo lót là thật và đưa cho Khánh tổng số tiền 630 triệu đồng.
Cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc./.
-------------------------
Chấp hành viên thi hành án gây thiệt hại gần 800 triệu đồng
Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình theo quy định trong hoạt động thi hành án, vi phạm Luật thi hành án dân sự, chấp hành viên Cục thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng đã gây thiệt hại hơn 797 triệu đồng cho Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam.
Nguồn tin ngày 18-9 cho biết Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã tống đạt quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can từ tội “ra quyết định trái pháp luật” sang tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Nguyễn Hữu Hùng (SN 1962), nguyên chấp hành viên, Phó trưởng phòng nghiệp vụ, Cục thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng.
Thông tin ban đầu, trong quá trình tổ chức thi hành Bản án số 56/2011/KDTM-PT ngày 15-4-2011 của Toà Phúc thẩm, TAND tối cao tại TP HCM, đối với một doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp vốn trong công ty liên doanh dệt tơ tằm Bảo Lộc (Visintex), có trụ sở tại đường Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Hữu Hùng đã thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình theo quy định trong hoạt động thi hành án, vi phạm Luật thi hành án dân sự, gây thiệt hại cho bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam).
Tổng số tiền bị thiệt hại hơn 797 triệu đồng, chưa kể phần tài sản là máy móc, thiết bị chưa có kết luận của Hội đồng định giá.
-------------------------
Khởi tố vụ án thư ký tòa nhận tiền của đương sự
Chiều 19.9, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến Trần Thị Diễm My (26 tuổi, thư ký TAND H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) nhận tiền của đương sự.
Theo đại tá Ngô Thành Thật, Phó giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, trước đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh nhận được đơn của một đương sự tố cáo My nhận tiền của họ liên quan đến một vụ án được TAND H.Vĩnh Lợi thụ lý, xét xử. Qua điều tra, công an xác định đơn tố cáo của người dân là có cơ sở. Ngày 19.9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu chuyển vụ việc để Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao tiếp tục thụ lý, điều tra.
--------------------------
Điều tra vụ tổ bảo vệ rừng bị lâm tặc đánh trọng thương
Sáng 19-9, Công an huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết đang điều tra vụ một tổ bảo vệ rừng bị một nhóm lâm tặc tấn công bằng hung khí khiến nhiều người bị thương.
Vụ việc xảy ra khoảng 19g ngày 15-9 tại khu vực Khe Dâu, tiểu khu 56 thuộc vườn quốc gia Bạch Mã (trên địa bàn xã A Ting, huyện Đông Giang).
Trước đó ngày 14-9, tổ bảo vệ rừng vườn quốc gia Bạch Mã gồm 20 người dân địa phương đi tuần tra bảo vệ trên diện tích rừng được giao khoán theo chương trình khoán bảo vệ rừng chi trả dịch vụ thuộc lưu vực thủy điện Sông Kôn 2.
Đến chiều tối 15-9, tổ bảo vệ rừng này dựng lán trại giữa rừng để nghỉ ngơi tại khu vực Khe Dâu, tiểu khu 56, vườn quốc gia Bạch Mã. Bất ngờ đến khoảng 19g tối cùng ngày, tổ bảo vệ bị một nhóm lâm tặc đến lán trại dùng dao và cây gỗ tấn công khiến nhiều người trong tổ bảo vệ bị thương.
Sau đó, nhóm lâm tặc này bỏ trốn. Có hai người trong tổ bảo vệ bị nặng nhất phải nhập viện cấp cứu là ông Pơloong Nai và Clâu Crơi (đều trú thôn Bà Zĩ, xã A Ting).
Hiện cả hai được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam và Trung tâm Y tế huyện Đông Giang trong tình trạng đa chấn thương. Riêng ông Nai bị vết chém dài và sâu trên mặt.
Lãnh đạo vườn quốc gia Bạch Mã cho biết đã thăm hỏi các nạn nhân và báo cáo vụ việc đến cơ quan chức năng huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam để điều tra, xử lý.
-------------------------
Vụ xử lý PV báo Thanh niên: giải quyết thận trọng
Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã giao Cục Báo chí căn cứ vào công văn của Bộ Công an đề nghị xử lý PV báo Thanh niên và các văn bản liên quan, đồng thời mời tổng biên tập báo Thanh Niên và phóng viên Nguyễn Hoài Nam đến làm việc, để xem xét và đề xuất hướng giải quyết thấu tình đạt lý.
Đó là ý kiến của ông Trương Minh Tuấn, thứ trưởng Bộ TT&TT, khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-9 về việc Bộ Công an có văn bản kiến nghị Bộ TT&TT xử lý vi phạm đối với phóng viên Nguyễn Hoài Nam của báo Thanh Niên.
Trước đó, Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị Bộ TT&TT xử lý vi phạm đối với PV Nguyễn Hoài Nam của báo Thanh Niên.
Theo Bộ Công an, vào cuối năm 2012, để có tư liệu viết đề tài “nạn bảo kê đường của cảnh sát cơ động - trật tự (CSCĐ-TT) tại TP.HCM”, PV Hoài Nam đã liên hệ với một tài xế quen biết tên Trần Ngọc Phúc lên kế hoạch cài bẫy cán bộ, chiến sĩ CSCĐ-TT, CSGT quận 6, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn trong xử lý vi phạm do chính PV Hoài Nam và tài xế Phúc cố tình gây ra, tạo tình huống để tiếp cận ghi âm, ghi hình việc đưa và nhận hối lộ.
Mỗi lần thực hiện việc hối lộ, PV Hoài Nam và tài xế Phúc đều chuẩn bị phương tiện để ghi âm, ghi hình việc thỏa thuận và đưa hối lộ CSCĐ-TT, CSGT tại trụ sở công an hay việc xử lý trên mặt đường.
PV Hoài Nam cũng hướng dẫn tài xế Phúc về số tiền đưa hối lộ để không bị xử lý hình sự.
Sau khi thực hiện đề tài, PV Hoài Nam đến thanh tra Bộ Công an tố cáo về tiêu cực, sai phạm trong loạt phóng sự.
Ngay khi nhận tin tố cáo, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ trên.
Qua điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định kỷ luật “tước danh hiệu Công an nhân dân” đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ-TT, CSGT công an quận 6, quận Bình Tân có hành vi vi phạm trong loạt bài phóng sự trên.
Tuy nhiên, Bộ Công an cũng làm rõ hành vi của PV Hoài Nam là vi phạm pháp luật. Hoạt động của anh không phải là hoạt động tác nghiệp, không phải để thu thập tài liệu chứng cứ về một vụ nhận hối lộ đã xảy ra trước đó mà là cố ý, chủ động tạo tình huống để cài bẫy, đưa hối lộ nhằm ghi âm, ghi hình làm tư liệu đề tài viết bài.
Việc tạo tình huống thúc đẩy người khác phạm tội là hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, Bộ Công an đã kiến nghị Bộ TT&TT xử lý vi phạm đối với PV Hoài Nam về hành vi vi phạm pháp luật trên.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Bộ TT&TT sẽ phải làm việc với các bên, trong đó có cả cơ quan công an, để xem xét kiến nghị này.
Theo đó, phải xác định xem PV Hoài Nam có những vi phạm gì, cụ thể như thế nào, mức độ vi phạm và tính chất vi phạm ra sao. Vấn đề này phải rất thận trọng và giải quyết đúng quy trình.
Còn nếu có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì phải có căn cứ gì để Bộ TT&TT xem xét giải quyết. Do đó, Bộ TT&TT phải xem xét phóng viên này đã nhận thức về việc này thế nào, có nhận sai hay không, sai ở mức độ nào.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết quan điểm của mình, nếu phóng viên làm báo mà thực hiện hành vi cài bẫy thì không chấp nhận được; làm như vậy là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy trình tác nghiệp trong hoạt động báo chí.
Trong khi đó chiều 18-9, đại diện ban biên tập báo Thanh Niên cho biết: “Cho tới nay, chúng tôi cũng chỉ biết thông tin qua mạng Internet chứ chưa nhận được văn bản hay thông báo gì từ Bộ Công an, Công an TP.HCM hay Bộ TT&TT".
"Sau khi biết thông tin, chúng tôi có liên lạc với người có trách nhiệm của Bộ TT&TT để hỏi về vụ việc thì được trả lời vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị của Bộ Công an. Do đó, chúng tôi sẽ chờ ý kiến chính thức từ các cơ quan chức năng, trên cơ sở đó sẽ yêu cầu phóng viên giải trình và có hướng xử lý thích hợp theo quy định pháp luật”.
-------------------------
Vụ sai phạm tại Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Chiều 18.9, thông tin từ Viện KSND tỉnh Hậu Giang cho biết nơi đây đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục điều tra bổ sung làm rõ một số chi tiết liên quan đến hành vi lừa đảo của một số lãnh đạo tại Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Hậu Giang.
Trước đó ngày 7.8, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Lê Hữu Tâm (nguyên Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Thiện Hồng (nguyên Giám đốc) và Bùi Chí Linh (nguyên Phó giám đốc Quỹ TDND Hậu Giang) về các tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với số tiền gây thiệt hại gần 84 tỉ đồng.
-------------------------
Vụ người mẫu Mâu Thanh Thủy bị cướp suýt mất mạng: Thủ phạm lãnh án
Ngày 18.9, TAND Q.4 (TP.HCM) mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thanh Tùng (ảnh, 24 tuổi, ngụ Q.4) mức án 8 năm 6 tháng tù về tội “cướp giật tài sản”.
Chiều 10.3.2014, Tùng điều khiển mô tô lưu thông trên đường Nguyễn Tất Thành, hướng về cầu Khánh Hội. Phát hiện chị Mâu Thị Thanh Thủy (tức người mẫu Mâu Thanh Thủy) đeo túi xách màu đen để phía trước bụng (trong đó có điện thoại, đồng hồ, 1,3 triệu đồng và 120 USD), Tùng áp sát và giật mạnh túi xách khiến chị Thủy mất thăng bằng, va chạm với xe của Tùng, làm cả hai xe ngã; nạn nhân bị kéo lê trên đường.
Thấy nạn nhân bất tỉnh, Tùng bỏ xe chạy bộ và bị người dân bắt giữ. Tổng giá trị tài sản trong túi xách của người mẫu Mâu Thanh Thủy được xác định hơn 17 triệu đồng. Sau một thời gian dài điều trị chấn thương, người mẫu Mâu Thanh Thủy đã trở lại sàn diễn với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 46%