Giãn tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Trong hai ngày 17 và 18-9, đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học- công nghệ và môi trường Quốc hội đã có cuộc khảo sát thực địa hai địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận vào ngày 18-9, đại diện Bộ Công thương cho biết trong thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có phát sinh nhiều vấn đề, yêu cầu cần bổ sung về an toàn, nhất là sau sự cố Fukushima (Nhật Bản).
Từ sau sự cố này, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các biện pháp an toàn, yêu cầu tư vấn đưa ra phương án thiết kế an toàn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu số một khi xây dựng là phải đảm bảo an toàn cao nhất.
Các yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian lập dự án đầu tư thêm khoảng hai năm.
Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận đã trích dẫn nội dung thông báo kết luận ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án điện hạt nhân, cho thấy tiến độ xây dựng hai nhà máy giãn ra so với kế hoạch ban đầu.
Theo đó, năm 2024 hoàn thành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và năm 2025 hoàn thành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Việc thiết kế cũng có thay đổi cho an toàn như theo lời ông Trần Minh Tuấn, phó giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đơn vị tư vấn đã thay đổi từ độ cao từ 7 m so mặt nước biển lên 12 m đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 15 m đối với Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; đồng thời dịch chuyển vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 theo hướng tây nam 300 m.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- công nghệ và môi trường Quốc hội, yêu cầu Bộ Công thương sớm có báo cáo về việc giãn tiến độ khởi công xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với Chính phủ để Chính phủ có báo cáo tổng hợp trình tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10- 2014, vì Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là khởi công vào cuối năm 2014.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cũng cho biết việc khởi công và đưa vào vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận muộn hơn dự kiến ban đầu, đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch ngành, bố trí các giải pháp bổ sung nguồn điện khác thay thế để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế.
-----------------------
Hàng loạt chợ tiền tỉ xây xong bỏ hoang
Một loạt chợ trên địa bàn Thanh Hóa rất khang trang, trong đó có những chợ địa phương đầu tư cả chục tỉ đồng, nhưng lại bị tiểu thương chê, hoạt động cầm chừng, thậm chí bị bỏ hoang trong khi chợ cóc, chợ tạm lại buôn bán tấp nập.
Các chợ bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả, theo khảo sát của người viết và xác nhận của Sở Công thương Thanh Hóa, xuất hiện trên diện rộng, ở cả khu vực nông thôn, đô thị lẫn miền núi. Trong đó, chợ Già mới (xã Hoằng Kim, H.Hoằng Hóa) được xây dựng trên diện tích 5.155 m2 với tổng kinh phí đầu tư lên tới trên 14 tỉ đồng, hoàn thành vào tháng 10.2012, nhưng vẫn cửa đóng then cài từ đó đến đến nay.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Hoằng Kim cho biết, chợ Già cũ xây dựng cách đây hàng chục năm, đã xuống cấp nghiêm trọng. Chợ Già mới được xây dựng với cơ sở vật chất tốt, ki ốt khang trang, lại gần quốc lộ nên có nhiều thuận lợi để bà con kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chợ Già mới bị bỏ hoang kéo dài xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhu cầu của người dân và mong muốn thu hồi vốn của chủ đầu tư, Công ty CP đầu tư xây dựng Việt Hưng.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương đã gắn bó hơn 30 năm với chợ Già cũ, cho biết: “Khi chợ Già mới được xây xong, chúng tôi tranh nhau nộp tiền đặt cọc để thầu các gian hàng. Chủ đầu tư thấy nhiều người đăng ký nên nâng phí đặt cọc lên gấp 2 lần. Mức phí của mỗi hộ kinh doanh tại chợ cũ chỉ 25.000 đồng/tháng trong khi mức phí ở chợ mới lên tới 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Sau khi bàn đi tính lại, hơn 200 tiểu thương đã ồ ạt tới rút tiền đặt cọc về, góp tiền đầu tư sửa sang nền móng và nâng cấp mái tôn chợ Già cũ để tiếp tục kinh doanh”.
Chợ Voi (xã Quảng Thịnh, TP.Thanh Hóa) tọa lạc trên diện tích 10.000 m2, có mức đầu tư 6 tỉ đồng, gồm khu nhà trung tâm khang trang, hệ thống tường bao quanh kiên cố..., được khánh thành từ năm 2011. Hiện chợ này cũng đang bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, cách chợ Voi không xa lại xuất hiện những chợ cóc tập trung buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè, gây cản trở cho người tham gia giao thông. Tương tự, chợ Quảng Thạch (xã Quảng Thạch, H.Quảng Xương) được xây dựng khang trang với kinh phí 1,6 tỉ đồng. Cuối 2009, chợ được đưa vào sử dụng, nhưng chỉ sau một tháng buôn bán èo uột, các tiểu thương đành phải quay về chợ tạm ven đường bán buôn.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hằng (thôn Đông, xã Quảng Thạch) than thở: “Ban đầu còn có lèo tèo vài người đi chợ. Sau đó thì chẳng có ai vào mua nữa. Buôn bán ế ẩm, thậm chí chúng tôi còn lỗ nặng. Giờ mà vào đó họp chợ thì chúng tôi bán cho ai?”
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thạch, chợ mới hoạt động không hiệu quả là khâu khảo sát địa điểm xây chợ chưa tốt, đặt chợ ở nơi không phù hợp.
Ông Nguyễn Đình Trường, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến các chợ bị bỏ hoang là do sự yếu kém trong khâu quản lý, rà soát và đánh giá hiệu quả của các công trình. Việc quy hoạch và xây dựng một số chợ không gắn với tập quán, thói quen tiêu dùng và điều kiện thực tế của địa phương. Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn để có hướng xử lý, khắc phục hậu quả và hạn chế lãng phí. “Chúng tôi đã yêu cầu UBND các huyện, các xã có chợ bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả tìm giải pháp vận động các hộ tiểu thương “cưới chợ”, đồng thời xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh tự phát”, ông Trường nói.
-----------------------
Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên vịnh Bắc Bộ
Sáng 19-9, tại Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị sơ kết 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định Hợp tác Nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc.
Báo cáo của Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, theo Hiệp định Hợp tác Nghề cá, hai bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía.
Thời hạn của Vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn) và việc đánh cá chung được thực hiện theo các nguyên tắc: Mỗi bên có quyền kiểm tra, kiểm soát khu vực đánh cá chung thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Số tàu thuyền của mỗi bên được phép vào khu vực đánh cá chung của phía bên kia là tương đương nhau.
Tuy nhiên, các tàu cá của ngư dân Việt Nam được cấp phép hoạt động trong các vùng nước hiệp định nghề cá chỉ chiếm 17% trên tổng số 26.022 tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Định. Vì vậy, phần lớn số tàu cá của ngư dân ta chủ yếu vẫn tập chung khai thác ở vùng biển Việt Nam.
Phương tiện đánh bắt của ngư dân Việt Nam tham gia hoạt động trong Vùng đánh cá chung chủ yếu vẫn là các tàu nhỏ, vỏ gỗ, trang thiết bị còn hạn chế, công suất từ 60-300CV (60-100CV khoảng 1.000 tàu, trên 150CV khoảng 500 tàu làm nghề câu, lưới rê, lưới vây, lưới kéo), hoạt động phân tán, khả năng chịu đựng sóng gió kém.
Trong khi đó, các tàu cá Trung Quốc với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại chiếm ưu thế hơn tàu cá Việt Nam trong hoạt động đánh bắt ở các vùng nước Hiệp định.
Tuy nhiên, các tàu cá Trung Quốc vẫn còn có các vi phạm sau:
Trong thời gian đầu, tàu cá được cấp Giấy phép đánh bắt trong Vùng dàn xếp quá độ nhưng lại sử dụng vào mục đích buôn lậu, vận chuyển dầu tạm nhập tái xuất từ cảng Vạn Gia (Quảng Ninh) đi Trung Quốc hoặc bán lẻ xăng dầu trên vùng biển Việt Nam tạo nên phức tạp về an ninh trật tự trên biển.
Một số tàu lợi dụng trời tối, sương mù vượt qua ranh giới phía Tây Vùng nước đánh cá chung khai thác hải sản trái phép.
Nhiều tàu cá Trung Quốc không tuân thủ quy định về địa điểm lánh nạn khẩn cấp, cố tình tránh trú gió tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ.
Ngoài ra, tàu cá Trung Quốc không được cấp giấy phép đánh bắt trà trộn với tàu được cấp giấy phép, vi phạm vùng biển Việt Nam khai thác hải sản trái phép (khoảng 1.200 lượt/chiếc/năm).
Trong đó có một số tàu dùng thủ đoạn treo biển dấu hiệu nhận biết giả để đánh lừa lực lượng kiểm tra, kiểm soát Việt Nam.
Khi tiến hành kiểm tra, xua đuổi thì chống đối, bỏ chạy gây khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan giám sát phía Việt Nam.
Khu vực tàu cá Trung Quốc vi phạm tập trung ở vùng biển Đông Nam, Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ từ 12-13 hải lý, Đông Nam cửa Ba Lạt (Nam Định) 10-15 hải lý; Đông, Đông Nam đảo Thanh Lân (Quảng Ninh) 10-12 hải lý; Đông Bắc, Đông Nam Cô Tô 18-40 hải lý….
Một bộ phận tàu cá Trung Quốc có công suất lớn, làm nghề lưới kéo đáy khai thác trong Vùng đánh cá chung lấn át ngư trường của ngư dân Việt Nam, nhiều lúc kéo cả lưới của ngư dân Việt Nam, phá hủy chà rạo, gây bất bình trong ngư dân ta.
-----------------------
Khiếu tố kéo dài khiến dân giảm lòng tin
Sáng 18-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục thẩm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014 của Chính phủ trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 17 được tổ chức tại TP HCM.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh nhìn nhận tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 giảm gần 2% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12%. “Điều đó thể hiện sự phản ứng của người dân đối với hoạt động kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân trong quản lý nhà nước cũng như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng, nhà nước; dễ bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động” - ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cảnh báo. Cùng lo lắng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) băn khoăn vì sao đoàn khiếu nại đông người liên tục tăng? Phải chăng một người đi khiếu nại không có kết quả, không được cơ quan chức năng giải quyết nên họ buộc phải liên kết để đòi quyền lợi?
Về tỉ lệ khiếu nại sai là 63,2%, tố cáo sai là 59%, ông Thuyền đề nghị Chính phủ xem lại. “Tôi đi tiếp dân và thấy đa số người dân khiếu nại đúng mà mình không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng. Chính quyền cứ nói dân không đồng ý thì kiện ra tòa nhưng nói thẳng ra tòa hành chính bản chất là “tòa dân kiện quan”. Mà dân kiện quan thì người ta còn e ngại lắm” - ông Thuyền bày tỏ. Đối với công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, ông Thuyền cho rằng đây chỉ là cái ngọn, cái gốc là chính sách. Chính sách pháp luật không đồng nhất, không phù hợp với thực tiễn đã tạo ra những điều rất vô lý. “Nhiều người mua 20 triệu đồng/m2 đất nhưng khi nhà nước thu hồi bồi thường có 2,4 triệu/m2. Lãnh đạo đi đâu cũng bảo làm điều lợi cho dân, giá bồi thường bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Miệng thì nói thế nhưng quy định pháp luật thì khác hoàn toàn” - ông Thuyền dẫn chứng.
Ở góc độ khác, đại biểu Bùi Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng báo cáo của Chính phủ thiếu hẳn việc đánh giá xử lý trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cán bộ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Tôi khẳng định cán bộ sai rất nhiều, nhất là thời hạn xử lý đơn luôn trễ. Cán bộ thích thì giải quyết, không thì để đơn chìm luôn nhưng có ai bị kỷ luật đâu, thậm chí kiểm điểm còn không có. Cơ quan nhà nước sai, không thấy ai bị xử hết” - ông Cương nói.
Ông Cương đề nghị Chính phủ phải có giải pháp thay đổi tình trạng này chứ nếu để “lình bình” như hiện nay thì 20 năm nữa, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng không có gì tiến triển”. Đồng quan điểm, ông Trần Đình Long yêu cầu Chính phủ kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan để xảy ra khiếu nại, tố cáo.
-----------------------
Cán bộ tung tin thất thiệt, xúi dân lên tỉnh phản đối
Những ngày qua, hàng ngàn người dân ở huyện Đồng Phú kéo đến trước trụ sở UBND tỉnh Bình Phước để phản đối dự án Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú.
Người dân tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh Bình Phước bày tỏ ý kiến, phản đối về dự án Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú - Ảnh: B.L.
Ngày 18-9, trao đổi với phóng viên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trăm - chủ tịch UBND tỉnh, cho biết dự án Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú có tổng diện tích 14.531ha thuộc 5 xã của huyện Đồng Phú gồm Tân Lập, Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Hưng và Tân Phước. Có 2.600 hộ dân với khoảng 5.000 nhân khẩu trong vùng dự án.
Nguyên nhân xảy ra vụ việc trên do một số cán bộ, đảng viên đang làm việc trong cơ quan nhà nước tung tin đồn mức giá bồi thường, hỗ trợ thấp, không thỏa đáng. Những cán bộ này trực tiếp đứng ra cầm đầu hoặc xúi giục người dân kéo đến UBND tỉnh.
Ông Trăm nói: “Công an tỉnh đã bắt tạm giam một số đối tượng cầm đầu, có hành vi gây rối trật tự công cộng, có thái độ hung hãn, chửi bới, lớn tiếng nói xấu chế độ… để xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật. Đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm, tỉnh sẽ xử lý nghiêm để làm gương”.
Ông Trăm cam kết dự án sẽ dành nhiều diện tích đất để tái định canh, định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Ông Trăm cho biết cuối tháng 9 này sẽ đến và đối thoại trực tiếp với người dân 5 xã trong vùng dự án.
Ông Trăm cho biết thêm: “Đây mới chỉ là dự thảo. Dự thảo này được niêm yết công khai tại những điểm người dân có đất trong vùng dự án. Người dân có quyền góp ý, kiến nghị, đề xuất hoặc phản ánh nguyện vọng của mình với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng. Sớm nhất thì 3 năm nữa (2017) mới xong hồ sơ, thủ tục để bắt tay vào giải tỏa đền bù, hỗ trợ. Người dân trong vùng dự án sẽ được bồi thường theo đúng các qui định hiện hành. Tỉnh sẽ xác định nguồn gốc đất (lâm phần, nông nghiệp, thổ cư…), tài sản trên đất để có chính sách bồi thường, hỗ trợ hợp lý”.
Cũng theo ông Trăm, hiện người dân trong vùng dự án vẫn có thể mua bán, sang nhượng đất đai, tài sản, tuy nhiên ông Trăm khuyên người dân không nên mua bán, sang nhượng vào thời điểm này.
-----------------------
Việt Nam và New Zealand thúc đẩy quan hệ song phương
Ngày 17/9, tại thủ đô Wellington, New Zealand, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng đã trình thư ủy nhiệm lên Toàn quyền New Zealand Jerry Mateparae.
Tại lễ trình thư ủy nhiệm, Toàn quyền New Zealand hoan nghênh và chúc mừng Đại sứ Nguyễn Việt Dũng được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại New Zealand; chúc mừng Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển quan trọng trong quá trình đổi mới.
Toàn quyền Mateparae cảm ơn những tình cảm thân thiết, sự đón tiếp nồng hậu của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân đối với nhân dân New Zealand và cá nhân ông cùng phu nhân trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 8/2013.
Ông Mateparae bày tỏ vui mừng trước việc hai nước đang triển khai thực hiện kế hoạch hành động giai đoạn II (2013-2016) và sẽ có những hoạt động thiết thực để kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam (19/6/1975-19/6/2015).
Toàn quyền New Zealand chúc Đại sứ Nguyễn Việt Dũng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ công tác tại nước sở tại và đề nghị các cơ quan hữu quan New Zealand tích cực hỗ trợ Đại sứ Nguyễn Việt Dũng trong nhiệm kỳ công tác.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Việt Dũng đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Toàn quyền Jerry Mateparae; thông báo với Toàn quyền New Zealand về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, cũng như mục tiêu và chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới.
Đại sứ đồng thời thông tin đến Ngài Toàn quyền trọng tâm kế hoạch hành động của nhiệm kỳ công tác, đặc biệt là thiết thực tổ chức các hoạt động vào năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand, thúc đẩy hợp tác song phương, nhất là trong các lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, nông nghiệp, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển hiệu quả, sâu rộng và toàn diện hơn trong thời gian tới./.