“Việc xử phạt báo chí phải để Quốc hội quyết định, không thể để các bộ ngành có công cụ để “trả đũa”, “trừng phạt” báo chí thường xuyên thông tin những vấn đề không tốt của ngành mình”.
Đó là quan điểm của luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra tại hội thảo “Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?” do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tổ chức sáng ngày 5/2.
Theo nghiên cứu của MEC, pháp luật về báo chí hiện hành (Luật Báo chí sửa đổi 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành) đang trao cho các bộ, ngành quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình; từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi.
“Từ bất cập này, nhiều bộ ngành đã soạn thảo các nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình bao gồm xử lý cả thông tin báo chí nêu về ngành với nhiều mức phạt khác nhau, đối với nhiều chủ thể khác nhau. Từ đây gây ra sự chồng chéo về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” có thể hạn chế tính phản biện, phê bình của báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí”- đại diện MEC cho biết.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đặt vấn đề: Ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông thì các cơ quan, bộ ngành khác lấy thẩm quyền ở đâu để triệu tập phóng viên các báo tới cơ quan mình, rồi lập biên bản vì thông tin sai sự thật và chuyển văn bản sang Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt? Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền để thẩm tra lại văn bản của thanh tra các bộ khác gửi sang hay không?
“Tôi cho rằng các bộ ngành hãy lo xử phạt ngay trong ngành mình trước đi. Đó là xử phạt đối với những cán bộ có thẩm quyền cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí hoặc cung cấp thông tin chậm, không kịp thời, không đầy đủ. Việc xử phạt báo chí thông tin sai hãy để cho cơ quan quản lý báo chí thực hiện. Bộ ngành thấy báo chí viết sai thì hãy gửi văn bản tới cơ quan báo chí đó, nếu họ không giải quyết thì gửi ngay đơn tới tòa án. Uy tín của tờ báo sẽ còn không khi tòa án phán quyết rằng tờ báo đó đã thông tin sai sự thật”- luật sư Truyền nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Truyền, ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - cho rằng các cơ quan báo chí sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho đơn vị liên quan khi thông tin sai sự thật. Tuy nhiên việc bồi thường thiệt hại này cần phải được dựa trên phán quyết của tòa án, chứ không thể để xảy ra chuyện ngành nào cũng có thẩm quyền tự quyết việc xử phạt như thế nhiều bộ ngành đang mong muốn được.
Dẫn ra chuyện UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã phải hủy bỏ quy định về việc xử phạt phóng viên các báo hoạt động trên địa bàn vào cuối năm 2014, ông Mai Phan Lợi - Phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TPHCM - cho rằng Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan cần phải đánh giá lại đề xuất xử phạt báo chí thông tin sai. “Tôi không hiểu họ lấy căn cứ ở đâu để đưa ra đề xuất xử phạt số tiền rất lớn, lên tới 100 triệu đồng, trong khi quy chế về phát ngôn với báo chí không được các bộ ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Hơn nữa đến giờ vẫn chưa có chế tài về việc cung cấp thông tin chậm trễ, không kịp thời và thiếu chính xác cho báo chí thì xử ra sao?”- ông Lợi đặt vấn đề.
Đại diện MEC cho biết sẽ tổng hợp ý kiến phát biểu, khảo sát tại buổi hội thảo này để chính thức có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan đề nghị hủy bỏ đề xuất bổ sung Điều 8a (trong đó có quy định xử phạt báo chí thông tin sai 100 triệu đồng - PV) vào sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản.
Đồng thời MEC sẽ kiến nghị Chính phủ thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, xử phạt thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013; bổ sung chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013 về việc chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ.
Một số bộ ngành liên quan có cử đại diện tới tham dự hội thảo nhưng không ai đăng ký phát biểu, phản hồi.
---------------------
Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến về cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương đề nghị tiến hành đánh giá, tổng hợp báo cáo việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan, đơn vị phải thống kê thông tin về: số vụ việc người tố cáo bị trả thù, đe dọa trả thù; số người tố cáo đã bị trả thù; số người bị xử lý bằng các biện pháp hành chính do trả thù, đe dọa trả thù người tố cáo; số người bị xử lý hình sự do trả thù, đe dọa trả thù người tố cáo,… Từ đây đưa ra những phân tích, đánh giá hiệu quả của các biện pháp bảo vệ người tố cáo hiện hành xem đã bảo đảm cho việc bảo vệ có hiệu quả người tố cáo chưa? Tính khả thi của các biện pháp hiện hành? Còn những sơ hở, bất cập gì làm giảm hiệu quả của chính sách?...
“Có cần phải xây dựng quy định riêng về bảo vệ người tố cáo tham nhũng hay áp dụng chung các quy định hiện hành hành về bảo vệ người tố cáo?”- Thanh tra Chính phủ xin ý kiến các bộ ngành, địa phương.
Tại buổi tọa đàm nhân Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) và Thanh tra Chính phủ phối hợp tổ chức ngày 12/12/2014 vừa qua, đại diện TI đã công bố một nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 1/3 người dân sẵn sàng tố cáo tham nhũng. Theo đại diện TI, đây là tỷ lệ khá thấp so với các nước trong khu vực mà nguyên nhân do các quy định về việc bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam còn chung chung, khó thực hiện, trong khi đó người dân còn e ngại hoặc sợ bị trả thù.
Tại buổi tọa đàm, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, để người dân thực sự chủ động hơn, tham gia tích cực vào nỗ lực phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị, thời gian tới đơn vị này sẽ có các giải pháp để tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng đồng thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
-------------------------
Ghế đá cổ thời Lê lớn nhất Hà Nội bị vỡ tan tành
Chiếc ghế đá có giá trị lớn về văn hóa-lịch sử bên bờ hồ Gươm, được coi là ghế đá lớn nhất Hà Nội, đã bị phá vỡ tan tành.
Rạng sáng nay (6/2), nhiều người dân Hà Nội đi qua ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) vô cùng ngỡ ngàng khi thấy chiếc ghế đá đang giữ “kỷ lục” lớn nhất Hà Nội, bị vỡ tan thành nhiều mảnh.
Nhiều người cho rằng phải có một ngoại lực rất lớn tác động mới có thể khiến cả khối đá dày hơn 20cm và rộng hơn 2 m2 rơi xuống khỏi bệ đỡ và vỡ tan tành như vậy.
Một nguồn tin từ người dân cho biết, trong tối ngày 5/2 đã có một chiếc ô tô húc vào chiếc ghế đá.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, chiếc ghế trên có từ đời Lê. Khi bà Tư Hồng phá thành Hà Nội năm 1897 đã đem chiếc ghế kê từ điện Kính Thiên ra Bờ Hồ. Trải qua bao biến thiên, chiếc ghế vẫn nằm đó và trở thành một phần kỷ niệm với bao người Hà Nội.
Rất nhiều bài báo đã viết về chiếc ghế này gắn với bao kỷ niệm đẹp về danh thắng hồ Gươm. Dù không được xác lập là một kỷ vật quan trọng của Hà Nội nghìn năm nhưng chiếc ghế đá vẫn đựoc nhắc tới nhiều và được người Hà Nội vô cùng trân trọng.
Với hình ảnh hơn 10 người có thể cùng ngồi nghỉ ngơi trên ghế và dăm ba người có thể thoải mái ngồi chơi cờ trên ghế, chiếc ghế đá này vẫn được gọi là “ghế vua”.
------------------------