Đến ngày 4/2, đã có 15 bệnh viện (BV) tuyến Trung ương (TW) cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân nằm ghép. Trước những băn khoăn của người dân về việc, liệu các BV có thực hiện đúng cam kết không, chiều 4/2, Bộ Y tế và phóng viên của 5 cơ quan báo chí đã trực tiếp khảo sát thực tế tại một số BV vốn là những điểm nóng về nằm ghép.
Tại BV Nhiệt đới TW, công suất sử dụng phòng chung chỉ khoảng 88%, nên kể cả khoa vốn đông bệnh nhân như Nhiễm khuẩn Tổng hợp, cũng vẫn đảm bảo mỗi người một giường.
Để làm được điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho biết: Với hệ thống xét nghiệm và chẩn đoán hiện đại, việc xác định bệnh được sớm, giúp cho việc điều trị hiệu quả, nên bệnh nhân được ra viện sớm. Từ công tác tiếp nhận đến điều trị đều được ISO hóa, cùng với áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Trước, số ngày điều trị trung bình là 9,5 ngày, nay chỉ còn 7 ngày. BV chỉ có 245 giường, nhưng đã tận dụng khu vực hành lang rộng để kê thêm giường bệnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định: Mặc dù giảm tải, nhưng BV vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Tại BV Nhi TW, một số khoa vẫn thừa giường, chỉ một số ít phòng bệnh ở Khoa Gan mật có tình trạng bệnh nhân nằm ghép, nhưng là các cháu nhỏ mới vài tháng tuổi và 3 bé/2 giường. Tuy nhiên, bố mẹ của các bệnh nhi cho rằng, nếu phải lựa chọn giữa việc nằm ghép, với việc phải cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, thì họ chọn giải pháp nằm ghép còn tốt hơn.
Chị Lù Thị Hân (thị xã Sơn La) giãi bày: Nếu ngoại trú, chi phí của người bệnh tăng sẽ cao, nhất là với những người ở tỉnh xa, vì sẽ phải trả tiền trọ, cũng như nhiều loại thuốc không nằm trong danh mục điều trị ngoại trú.
Tại BV Bạch Mai, hiện chưa ký cam kết giảm tải, nhưng TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV cho biết, đây vẫn là vấn đề từ lâu được BV quan tâm. BV đã chuẩn bị phương án để có thể sau Tết Nguyên đán sẽ ký cam kết với Bộ Y tế về việc không để bệnh nhân nằm ghép. Hiện BV đã có 16 khoa không có bệnh nhân nằm ghép. Trong các khoa, ung thư là khoa đang quá tải nhiều, nên BV đã chuẩn bị 100 giường bệnh để điều trị bệnh nhân ban ngày và cho ngoại trú ban đêm. Năm tới, khi khu nhà 19 tầng khánh thành, BV sẽ có khoảng 1.000 giường bệnh nữa, thì sẽ căn bản giải quyết được vấn đề nằm ghép.
Trước câu hỏi của báo giới về việc có xảy ra tình trạng bệnh nhân phải ra viện “non” hay không, BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia (BV Bạch Mai) khẳng định: Các thầy thuốc luôn coi trọng sự an toàn của bệnh nhân, nên chỉ khi đảm bảo an toàn mới cho xuất viện. Cũng cần phải thay đổi nhận thức của chính người bệnh, cũng như cách giải thích và thông tin cho họ hiểu.
Không khí quang cảnh ở BV Nhi TW vào thời điểm này đã ghi nhận sự cố gắng mạnh mẽ của BV. PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TW lý giải, để triển khai công tác giảm tải BV, từ giữa năm 2014, BV đã đưa ra nhiều giải pháp, BV sàng lọc bệnh nhân ngay từ khu khám bệnh, tăng gấp đôi phòng khám tiếp nhận bệnh nhân từ 30 - 35 phòng khám trước đó lên 55 - 60 phòng. Bên cạnh đó, BV cũng điều động các bác sĩ có kinh nghiệm trong khu vực nội trú ra khám, giảm thời gian làm thủ tục hành chính, thời gian chờ xét nghiệm của bệnh nhân, để mỗi bác sĩ có thời gian khám và tư vấn kỹ hơn, bệnh nhân được chẩn đoán tốt hơn.
PGS.TS Lê Thanh Hải khẳng định, lo lắng của người dân về việc BV có thể cho bệnh nhân ra viện sớm, là không cần thiết. Vì BV sẽ tăng cường giám sát các khoa, phòng, không để vì cam kết giảm tải, mà đẩy bệnh nhân đáng lẽ được điều trị nội trú ra điều trị ngoại trú. Bởi việc giảm tải BV cũng là để phục vụ bệnh nhân, vì bệnh nhân. Hiện có tình trạng nằm ghép nhưng chỉ là vài tiếng đầu nhập viện do chưa sắp xếp được. Nếu có đông bệnh nhân, BV sẽ điều bệnh nhân từ khoa này sang khoa khác để không nằm ghép, dĩ nhiên, có bác sĩ đi theo điều trị. Tới đây, khi tòa nhà 16 tầng của BV đi vào hoạt động, BV sẽ có thêm hàng trăm giường bệnh nữa, nên vấn đề nằm ghép sẽ được giải quyết bền vững.
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện BV Việt - Đức là đơn vị thực hiện không nằm ghép tốt nhất dù là BV ngoại khoa tuyến cuối. Nhiều khoa vẫn còn giường trống và theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV, thì những ngày này, số giường bệnh được sử dụng mới chỉ chừng 90-92%.
Đây thực sự là những dấu hiệu rất đáng mừng của ngành Y tế, sau nhiều năm các BV tuyến TW quá tải triền miên, mà như Bộ trưởng Bộ Y tế nói, có cả nguyên nhân Giám đốc các BV quá tải không muốn giảm tải, nhằm tăng nguồn thu. Cam kết không nằm ghép được duy trì, bệnh nhân sẽ là người được hưởng lợi đầu tiên.
---------------------
Dân phố cổ di dời sẽ được bố trí ở tầng 1 để kinh doanh
Người dân phố cổ di dời sang khu đô thị Việt Hưng sẽ được bố trí nhà ở phần lớn ở tầng 1 để thuận lợi cho việc kinh doanh.
Ngày 5/2, đã diễn ra buổi tọa đàm triển khai đề án giãn dân phố cổ với sự tham gia của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cùng đại diện các sở, ngành và đơn vị chức năng của TP Hà Nội.
Một vấn đề “nóng” nhất được nhiều người dân thắc mắc gửi câu hỏi đó là phần lớn người dân sinh sống ở phố cổ đều làm nghề kinh doanh buôn bán, có người bán tại nhà, có người buôn bán tại các vỉa hè. Bởi vậy, khi di dời sang khu đô thị nhiều người lo lắng không biết sẽ tiếp tục việc kinh doanh như thế nào.
Trả lời câu hỏi trên, ông Lâm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đối với những hộ đang kinh doanh bán hàng trên khu phố, đề án giãn dân phố cổ đã tính đến quyền lợi của người dân khi sang khu nhà ở giãn dân ở khu đô thị Việt Hưng. Toàn bộ không gian trong các tòa nhà ở khu đô thị sẽ dành cho kinh doanh.
Theo dự kiến 39% các hộ sẽ được bố trí ở tầng 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho buôn bán. Trên thực tế sẽ khoảng hơn 40%. “Sẽ có nhiều ki ốt, cửa hàng có hai mặt để tạo điều kiện kinh doanh và có chợ dân sinh cho dân phố cổ”, ông Hùng nói.
Cũng theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, đối tượng được ưu tiên kinh doanh đầu tiên là người dân hiện đang kinh doanh ở phố cổ. Thứ hai là các đối tượng kinh doanh ở trong ngõ hoặc có lớp nhà phía trong đang kinh doanh. Đối tượng thứ 3 là những hộ dân cần đảm bảo an ninh xã hội, đặc biệt là các hộ nghèo. Và một bộ phận người dân có nhu cầu chính đáng được các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Các lợi ích kinh tế sẽ thỏa đáng cho người dân và sẽ có hỗ trợ cho người dân trong phố cổ.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác được đặt ra trong buổi tọa đàm đó là nhiều người dân phố cổ đặt ra câu hỏi tại sao không giãn dân, di dời ở các khu dân cư như bãi Phúc Tân, Phúc Xá mà lại giãn dân phố cổ.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở quy hoạch kiến trúc cho biết, khu phố cổ có tầm quan trọng và có giá trị đặc biệt. Dân số tập trung tại khu vực này tập trung quá đông nên việc sinh sống gặp nhiều khó khăn.
Đối với khu bãi Phúc Xá nằm trong diện quy hoạch khác, việc giãn dân phố cổ là một chính sách hợp lý khi khu phố cổ được công nhận là di tích Quốc gia. Việc di dân phố cổ phù hợp với việc bảo tồn và phát triển của khu phố có giá trị đặc biệt.
Kế hoạch giãn dân phố cổ được UBND thành phố Hà Nội xây dựng từ nhiều năm trước. Theo đó, Hà Nội lên kế hoạch di dời hơn 6.500 hộ dân với khoảng 26.000 người. Giai đoạn 1 của dự án được thành phố phê duyệt, với mục tiêu di chuyển hơn 1.500 hộ dân sang khu độ thị Việt Hưng (Long Biên). Đối tượng di dời trong giai đoạn 1 gồm các hộ sống trong các di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn.
Mục tiêu của đề án nhằm giảm mật độ dân cư ở khu vực phố cổ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha (mật độ khống chế trong quy hoạch đến năm 2020), tương ứng với việc thời gian tới quận Hoàn Kiếm phải di chuyển hơn 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người. Với những nhà đã thực hiện giãn dân, phải bảo đảm chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 25m2 sàn/người (là chuẩn diện tích nhà ở bình quân vào năm 2020).
------------------------
Đền Bà Chúa Kho vắng vẻ lạ thường những ngày cuối năm
Mặc dù đang trong những ngày cận Tết, là thời điểm hàng vạn "con nợ" tới hẹn trả nợ Bà Chúa Kho, nhưng đền Bà Chúa Kho tại Bắc Ninh lại vắng vẻ, thông thoáng lạ thường.
Trước đây, theo quan niệm truyền thống “đầu năm đi vay, cuối năm trả nợ”, cứ vào thời điểm này hàng năm, hàng vạn người dân cả nước bắt đầu đổ xô về đền Bà Chúa Kho để “trả nợ”, tạ lễ, xin lộc. Do lượng du khách kéo về quá đông gây nên tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn, lộn xộn, chen chúc...
Những ngày cuối năm nay, có mặt tại đền Bà Chúa Kho, PV Dân trí rất bất ngờ trước cảnh đìu hiu, vắng vẻ hiếm có tại đây. Những hàng quán ế ẩm, lác đác người mua, thi thoảng mới có một nhóm khách đến hành lễ và ghé thăm, những điểm trông giữ xe thưa thớt người ra vào.
Khách đến “trả nợ” không còn được xôm tụ như mọi năm, những đồ cúng trên mâm khách cũng giản đơn, không còn những mâm lễ xa xỉ bạc triệu như thường thấy. Những sạp, quán viết sớ, sắm lễ thuê bên đường dọc đường từ Suối Hoa vào đến cổng đền Bà Chúa vẫn đều khá vắng khách. Mặc sức những chủ hàng tha thiết mời chào nhưng khách thập phương vẫn không mấy mặn mà ghé thăm.
Theo những người dân chuyên làm dịch vụ sắm lễ quanh khu vực đền, hiện tượng vắng khách như thời điểm này là điều rất hiếm khi xảy ra. Du khách đến đây không còn sợ cảnh chen chúc, mất an ninh trật tự, trộm cắp nữa mà có thể thoải mái đi lại, làm lễ trong khuôn viên của đền. Dù vắng khách nhưng lò đốt vàng mã tại đền vẫn luôn đỏ lửa.
Tổ an ninh của Ban quản lý di tích tại đền Bà Chúa Kho vẫn thường xuyên đi tuần, túc trực khu vực xung quanh đền để đảm bảo an ninh trật tự. Do làm tốt công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh nên hiện tượng khấn thuê, chèo kéo khách đã hạn chế rất nhiều.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hàng năm, việc đốt vàng mã tại đền Bà Chúa Kho đã gây ra tình trạng lãng phí rất lớn cho xã hội. Gần đây, nhà đền đã cử người vận động tuyên truyền du khách không mang vàng mã ra lò đốt mà cung tiến vào kho để phân tán lộc cho du khách.
“Trước mùa lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức họp, gặp gỡ các chủ kinh doanh để tuyên truyền vận động, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực trước cửa đền. Mặc dù vậy, hiện tượng đốt vàng mã của người dân vẫn còn tồn tại, các điểm đổi tiền lẻ vẫn hoạt động công khai dù Nhà nước đã có Nghị định về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ”, ông Ảnh cho biết.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, địa phương cũng đã có công văn chỉ đạo tới các huyện thị, thành phố về việc cấm đổi tiền lẻ ở các lễ hội, đền, khi phát hiện cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
---------------------------
Chủ tịch nước: Nông nghiệp đang là bà đỡ cho sự phát triển kinh tế-xã hội
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần phải tìm ra được mô hình liên kết phát triển nông lâm nghiệp phù hợp, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Tây Bắc, ngày 4/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái nhằm tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như đời sống của bà con các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái chăm lo cho đồng bào, chiến sĩ nhất là người nghèo, gia đình chính sách đón Xuân Ất Mùi vui vẻ và đầm ấm. Đặc biệt, đảng bộ, chính quyền tập trung cao độ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2015, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm kỳ tới.
Tại Yên Bái, Chủ tịch nước đã đến thăm và chúc tết bà con các dân tộc xã Tân Đồng, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên. Đây cũng là nơi sinh sống chủ yếu của các đồng bào dân tộc Dao, Tày và Kinh. Từ một xã thuần nông kinh tế dựa vào trồng lúa, chè và trồng dâu nuôi tằm… đến nay sau 4 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, với sự giúp sức của trung ương, địa phương và sự chung tay của nhân dân, xã Tân Đồng đã có bước tiến vượt bậc, từ chỉ đạt 3/19 tiêu chí nông thôn mới, năm 2014, Tân Đồng đã đạt 15/19 tiêu chí.
Đánh giá cao cách làm sáng tạo của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Chủ tịch nước nhấn mạnh thành công của Tân Đồng từ 1 xã hết sức khó khăn đang trở thành xã nông thôn mới ngay trong năm 2015 chính là có sự đoàn kết đồng lòng của chính quyền và bà con đưa chủ trương thành hiện thực. Chủ tịch nước lưu ý, năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng và là năm đại hội các cấp, bên cạnh đẩy mạnh quyền làm chủ của nhân dân, Đảng bộ, Chính quyền xã cần tính toán giải bài toán phát huy lợi thế kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi để sớm đưa xã trở thành xã khá giàu, phát triển thực sự bền vững.
"Con đường đi lên thực hiện mục tiêu này, đảng bộ và bà con đã nắm chắc, không còn con đường nào khác hơn là con đường đã hiện thực, không xa vời đó là công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong đó, gốc vấn đề là đẩy mạnh phát triển kinh tế qua đó cải thiện đời sống. Muốn ngày càng cải thiện không những phát triển về trồng trọt, chăn nuôi phát triển…thì sản phẩm làm ra phải nâng lên trình độ cao hơn là chế biến bình thường, sơ chế để chế biến sâu. Như các nước họ cũng làm nông nghiệp nhưng họ rất giàu chứ không chỉ có công nghiệp, đô thị. Khi họ làm thuần nông nhưng họ vẫn giàu có bởi sản phẩm họ đã chế biến. Họ làm được ta cũng sẽ làm được. Họ làm được ta chắc chắn sẽ làm được. Vấn đề là hiện nay làm được nhưng còn cá biệt chưa phải đại trà trên các vùng, tôi tin tưởng tiếp cận được trình độ văn minh, khoa học chúng ta sẽ tiến lên", Chủ tịch nước nêu rõ.
Làm việc với Ban chỉ đạo Tây Bắc và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Yên Bái sáng 4/2, Chủ tịch nước cho rằng với phạm vi rộng không chỉ khu vực Tây Bắc mà quản lý cả Tây Nghệ An, Tây Thanh Hóa - cũng là cái nôi của cách mạng, những năm qua sự nỗ lực của Trung ương của Đảng bộ, chính quyền các tỉnh khu vực Tây Bắc đã thay đổi toàn diện, trong đó có tỉnh Yên Bái nổi bật nhất vẫn là kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, khu vực nông thôn đã có những bước tiến vượt bậc, đời sống bà con các dân tộc tăng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững.
Hoan nghênh Đảng bộ chính quyền đã thẳng thắn chỉ ra tồn tại, yếu kém, Chủ tịch nước lưu ý để thoát khỏi tỉnh nghèo Yên Bái cần dồn sức cho phát triển kinh tế xã hội một cách thực chất, tránh chạy theo thành tích hào nhoáng. Bên cạnh khai thác lợi thế đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đã hoàn thành, cải thiện môi trường thu hút đầu tư, Yên Bái cần phát huy thế mạnh nông lâm nghiệp. Chủ tịch nước nhấn mạnh nông nghiệp vẫn đang là bà đỡ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, không chỉ riêng Yên Bái mà khu vực Tây Bắc cần phải tìm ra được mô hình liên kết phát triển nông lâm nghiệp phù hợp, kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần đưa Yên Bái và khu vực có sự phát triển nhanh hơn bắt kịp mức thu nhập bình quân chung của cả nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: "Hiện nay muốn tìm mô hình ở miền núi phía Bắc về hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ không thấy rõ, chưa thấy tầm cỡ lan tỏa. Lâm Đồng phát triển rau hoa quả tạo sự lan tỏa vùng Tây Nguyên. Còn miền núi phía Bắc tôi thấy các nước khác đất cũng như mình không phải cò bay thẳng cánh như ĐBSCL đâu, nhưng họ cơ giới hóa ứng dụng khoa học ghê gớm, làm đâu chế biến đến đó. Cần cử lao động trẻ nông thôn đi học tập kinh nghiệm, cộng với hợp tác trực tiếp với các nước để tạo đột biến và nhân rộng ra khu vực. Vấn đề sống còn là năng suất, chất lượng, phải đưa khoa học vào để làm sao tạo mô hình mới liên kết kinh tế trong điều kiện hội nhập”.
Nhấn mạnh, năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bái động viên tối đa lực lượng, dồn sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại của năm cuối kế hoạch 5 năm, trên cơ sở đó tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Tết cổ truyền dân tộc sắp đến, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh chăm lo chu đáo, đảm bảo cho bà con trong tỉnh, đặc biệt là những người nghèo, gia đình có công được đón Tết đầm ấm, an toàn.
Trước đó, Chủ tịch nước cũng đã tới thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái, Chủ tịch nước nhấn mạnh, ổn định là yếu tố hết sức quan trọng đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ tịch nước yêu cầu các đơn vị công an cần chủ động nắm chắc tình hình, xiết chặt đội ngũ, kỷ cương, kỷ luật, phát hiện sớm các yếu tố tiềm ẩn có thể gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, đoàn kết tập trung cao độ đảm bảo ổn định , an toàn cho năm 2015 năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Nhân dịp đón xuân Ất Mùi, Chủ tịch nước đã tới thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lô, 86 tuổi, tại thôn Liên Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái. Chủ tịch nước chúc gia đình mạnh khỏe, đón một xuân mới đầm ấm và hạnh phúc.
-------------------------