SeABank bị lừa hơn 38 tỉ đồng bằng hợp đồng “ma”
Báo Lao Động vừa nhận được đơn khiếu nại của vợ chồng ông Đào Hữu Tình - Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Ban Mai, ĐKNKTT tại số 210, Nguyễn Văn Cừ (Hòa Đình, Võ Cường, Bắc Ninh). Đơn cho rằng ông Đào Hữu Tình bị bắt giam oan nhiều năm nay. Vậy sự thực như thế nào?
Có thật là bị hại hay không?
Theo đơn khiếu nại trên: “Năm 2007, ông Đào Hữu Tình đã mua Cty Viễn Đông của ông Hà Văn Nga và điều hành Cty TNHH Viễn Đông với tư cách TGĐ. Gần 1 năm sau, ông Nga chết, vợ ông Nga - bà Bùi Thị Thanh - đã mở thừa kế và gạt ông Đào Hữu Tình ra khỏi Cty TNHH Viễn Đông bất hợp pháp, bằng quyết định hành chính trái pháp luật của Sở KHĐT tỉnh Hà Nam. Chính vì việc thu hồi đăng ký kinh doanh của Sở KHĐT tỉnh Hà Nam đối với Cty Viễn Đông nên đã làm mất quyền điều hành của ông Đào Hữu Tình gây nên vi phạm nghĩa vụ thanh toán của Cty TNHH Viễn Đông với ngân hàng
SeABank”. Từ những nhận định như vậy, ông Đào Hữu Tình và vợ của ông cho rằng bản chất hợp đồng tín dụng Cty TNHH Viễn Đông vay 100 tỉ đồng của SeABank và đã được SeABank chuyển vào tài khoản Cty TNHH Viễn Đông 38,5 tỉ đồng là không trái pháp luật. Ông Tình và vợ cũng cho rằng: “Các thành viên cũ của Cty TNHH Viễn Đông đã lật lọng và phủ nhận đã ký chuyển nhượng cổ phần… khiến ông Tình trở thành người bị hại vì đã mua và sở hữu Cty Viễn Đông. Khi là TGĐ Cty Viễn Đông, ông Tình có đủ tư cách để vay tiền Seabank chứ không phải thủ phạm lừa đảo 38,5 tỉ đồng của Seabank”.
Lộ rõ chân tướng lừa đảo
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan tố tụng của Hà Nội. Đại tá Trần Quốc Khánh - Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an Hà Nội - cho biết: Đào Hữu Tình (SN 1978, trú tại số 210 Nguyễn Văn Cừ, Hòa Đình, Võ Cường, Bắc Ninh) đã lập ra và làm GĐ Cty TNHH Ban Mai tại Bắc Ninh và Hà Nội nhằm kinh doanh buôn bán thức ăn gia súc. Năm 2006, Đào Hữu Tình quen biết ông Hà Văn Nga - Chủ tịch HĐTV kiêm GĐ Cty TNHH Viễn Đông (trụ sở tại quốc lộ 1A xã Hoàng Đồng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Tình biết ông Nga đang mắc bệnh hiểm nghèo và cần bán Cty TNHH Viễn Đông với giá 75 tỉ đồng. Tình muốn mua nhưng không có tiền, nên đã thỏa thuận với ông Nga sẽ mua Cty TNHH Viễn Đông, nhưng ông Nga tạo điều kiện về thủ tục cho Tình sử dụng pháp nhân của Cty TNHH Viễn Đông vay tiền ngân hàng, nhằm mua Cty này và ông Nga đã đồng ý.
Ngày 30.12.2006, ông Hà Văn Nga đã ký quyết định bổ nhiệm Đào Hữu Tình làm TGĐ Cty TNHH Viễn Đông. Trong thời gian này, Tình quen biết với Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1977, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) và rủ Hằng cùng tham gia mua Cty. Để vay được tiền ngân hàng, Tình và Hằng đã cùng ông Nga lập các tài liệu giả mạo như: Biên bản họp hội đồng thành viên; hợp đồng giả mạo về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn của 4 thành viên góp vốn sở hữu của Cty TNHH Viễn Đông là các ông Phạm Văn Thanh, Hà Minh Châu, Bùi Văn Tuyến, Nguyễn Thiện Chí cho Tình và Hằng. Riêng ông Hà Văn Nga chuyển nhượng 50% vốn. Chưa dừng ở đó, ông Hà Văn Nga, Đào Hữu Tình và Nguyễn Thị Thúy Hằng còn lập khống giấy xác nhận nguồn vốn thể hiện Tình đã chuyển 40 tỉ đồng, Hằng chuyển 35 tỉ đồng cho các thành viên đã chuyển nhượng cổ phần.
Ngày 28.3.2007, Tình với tư cách TGĐ Cty TNHH Viễn Đông cùng với Hằng đến Hội sở Seabank nộp hồ sơ xin vay vốn đầu tư 3 dự án: Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm tại Đồng Văn (Duy Tiên, Hà Nam); khu nuôi trồng thủy sản tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và khu nuôi trồng thủy sản tại biển Hòn Mê (Thanh Hóa). Ngày 20.6.2007, Đào Hữu Tình ký hợp đồng tín dụng với
SeABank vay 100 tỉ đồng trong thời hạn 6 năm để đầu tư vào 3 dự án nói trên, tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản đã hình thành và sẽ hình thành trong tương lai từ vốn vay của 3 dự án trên và 3 bất động sản ở Bắc Ninh và Hà Nội.
Cũng liên quan đến việc này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Hà Nội - đã khẳng định: “Để đảm bảo điều kiện vốn đối ứng giải ngân tại ngân hàng, Đào Hữu Tình và Nguyễn Thị Thúy Hằng đã mua 92 hóa đơn VAT khống của 8 Cty “ma” tại Hải Phòng kèm theo 13 hợp đồng hợp thức hóa nội dung thể hiện đã thi công xây dựng các hạng mục công trình nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Hà Nam với tổng giá trị 104,82 tỉ đồng để đưa vào SeABank. Căn cứ vào hồ sơ này,
SeABank đã giải ngân 38,5 tỉ đồng cho Cty TNHH Viễn Đông. Toàn bộ số tiền giải ngân này được chuyển vào tài khoản của 8 Cty “ma” theo yêu cầu tại 9 ủy nhiệm chi của Cty TNHH Viễn Đông do Đào Hữu Tình ký. Sau khi rút được số tiền này, Đào Hữu Tình đã sử dụng vào mục đích cá nhân”.
Đại tá Trần Quốc Khánh cho biết, hành vi vi phạm pháp luật của Đào Hữu Tình sẽ được đưa ra xét xử vào thời gian tới.
-------------------------
Sai phạm tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7, TPHCM: Hơn 1 tỉ đồng đi đâu?
Kết luận của thanh tra Sở GDĐT TPHCM, ông Phú Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) quận 7 - đã có những sai phạm về quản lý cơ sở vật chất; quản lý tài chính không minh bạch… Nhưng theo một số cán bộ, giáo viên (CBGV) của trung tâm (TT), vẫn còn những khiếu nại chưa được thanh tra giải đáp thỏa đáng.
Giám đốc dạy thừa tiết, giáo viên không đủ định mức
Theo đơn tố cáo của CBGV TTGDTX quận 7, từ năm 2010 đến nay, ông Phú Ngọc Hùng đã quản lý lỏng lẻo khiến nhiều thiết bị, tài sản của TT bị hư hỏng, lãng phí, mất trộm tài sản có giá trị lớn như: Máy chiếu, bộ ampli, 4 màn hình LCD máy tính; quản lý tài chính không minh bạch, rõ ràng, nhiều khoản thu để ngoài sổ sách, chi không đúng mục đích…
Theo bảng phân công nhiệm vụ của TT, ngoài công tác quản lý, điều hành, trong học kỳ I năm học 2013 - 2014, GĐ TT dạy 7 tiết/tuần, PGĐ dạy 7 tiết/tuần; học kỳ II GĐ dạy 5 tiết/tuần, PGĐ dạy 7 tiết/tuần. Trong năm 2013, GĐ TT đã nhận số tiền phụ trội 19.049.584 đồng (142 tiết), PGĐ TT nhận 4.934.304 đồng (48 tiết), trong khi GV môn hóa chưa đủ số tiết nghĩa vụ. Thanh tra Sở GDĐT cho biết, theo Thông tư 28/2009 của Bộ GDĐT quy định hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần, trong khi TTGDTX quận 7 không thiếu GV (thừa 1 GV dạy vật lý), GĐTT và PGĐ TT dạy nhiều hơn từ 3 - 5 tiết so với số tiết quy định trong khi có giáo viên chưa đủ số tiết nghĩa vụ là không phù hợp.
Kết luận của thanh tra Sở GDĐT TPHCM, GĐTT lỏng lẻo trong quản lý, vi phạm một số nguyên tắc về tài chính như quy chế chi tiêu nội bộ có nhiều nội dung được xây dựng không đúng với hướng dẫn của Bộ Tài chính; không thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ đối với hoạt động dịch vụ tại đơn vị; không hoạch toán và theo dõi các khoản thu hộ, chi hộ trên sổ sách kế toán; chi cho bộ phận gián tiếp không đúng quy định…
Tiền tỉ vẫn chưa biết đi đâu?
Ông Đỗ Đức Thiên Phúc Dương - Trưởng ban thanh tra nhân dân TTGDTX quận 7 - cho biết, thanh tra Sở GDĐT TPHCM mới chỉ xác minh, thanh tra về tài chính trong năm 2013, trong khi có những sai phạm từ năm 2010, 2011 không được xem xét.
Cụ thể năm 2011, TT không có gửi tiền ngoài ngân sách vào ngân hàng nhưng kế toán vẫn báo cáo tiền lãi cuối năm 1.574.480 đồng. Bản kết thúc tài khóa 31.12.2012, ghi số tiền tồn năm 2012 là 750.566.094 đồng, nhưng khi chuyển qua phần báo cáo thu chi quý I/2013, số tiền tồn năm 2012 lại thành 1.070.086.163 đồng, hầu như các khoản kê khai số tiền tồn đều có sự chênh lệch khá lớn. Kết toán quý I/2013, tiền ngoài ngân sách tồn 1.091.848.504 đồng, nhưng khi chuyển qua quý II/2013 thì số tiền tồn của quý I/2013 lại thành 1.241.948.869 đồng.
Tại Hội nghị CBCNVC hằng năm, CBGV TT đưa ra những thắc mắc về chi tiêu tài chính, nhưng không được GĐTT trả lời thỏa đáng.
Đặc biệt, theo Ban Thanh tra nhân dân TTGDTX quận 7, khi ông Hùng nhận chức GĐTT (vào tháng 8.2010) đã được bà Lê Thị Ngọc Bích - nguyên GĐTT - bàn giao lại số tiền còn trong quỹ là 1.040.000.000 đồng nhưng đến nay, CBGV TT không được biết số tiền này đã được sử dụng như thế nào? Ông Dương thắc mắc: “Tết năm 2010, CBGV được chia tiền tết 2 triệu đồng/người từ số tiền hơn 1 tỉ đồng này, nhưng chỉ trong quý IV/2010, ban GĐ đã tiêu hết số tiền đó”.
Đại diện CBGV TT đã kiến nghị với thanh tra Sở GDĐT, yêu cầu bổ sung xác minh thêm nội dung tố cáo về tài chính năm 2011- 2012 như tài khoản của TTGDTX quận 7 mở tại Ngân hàng Agribank nhưng đứng tên chủ tài khoản là thủ quỹ TT; sai lệch khi chuyển số dư trong báo cáo tài chính từ năm 2011-2012-2013; số tiền hơn 1 tỉ đồng từ năm 2010 được sử dụng như thế nào… Đại diện thanh tra Sở GDĐT TPHCM cho biết, thanh tra sở sẽ xem xét và trình GĐ về các nội dung tố cáo bổ sung; đồng thời đề nghị những người tố cáo cung cấp chứng cứ tài liệu về các nội dung tố cáo bổ sung.
Một điều lạ là, Công đoàn TTGDTX quận 7 không biết gì về những thắc mắc, khiếu nại này của CBGV. Bà Nguyễn Thị Thúy Nhài - Chủ tịch CĐ TT - thừa nhận, cho đến khi thanh tra Sở GDĐT TPHCM xuống làm việc thì bà mới biết có vụ việc như vậy.
-------------------------
Một người chết trong tư thế treo cổ tại nhà tạm giam
Ngày 30.12, đại tá Huỳnh Sông Thu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết, hiện đang chờ kết luận của cơ quan giám định pháp y về vụ việc một nghi can trộm cắp chết trong tư thế treo cổ tự tử tại nhà tạm giam công an huyện Đại Lộc.
Sáng 29.12, Trần Văn Tùng (SN 1982, trú thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), nghi can về hành vi trộm cắp tài sản, đã tử vong trong tư thế dựa lưng vào tường, dây thun quấn vào cổ và treo lên khung cửa sắt nhà tạm giam của công an huyện Đại Lộc.
Nhận được tin báo, gia đình đến hiện trường, nhưng cho rằng sợi dây thun treo cổ Tùng cột trên cửa sổ với khoảng cách quá gần như vậy thì không thể treo cổ tự tử được. Hơn nữa, trong phòng có camera giám sát nhưng khi gia đình hỏi thì được công an huyện trả lời camera không hoạt động.
Vì vậy, gia đình yêu cầu được đưa thi thể Tùng xuống Trung tâm pháp y Đà Nẵng để khám nghiệm, và việc này đã được thực hiện chiều 29.12.
Trước đó, rạng sáng 24.12, công an đi tuần tra và phát hiện Tùng cùng một thanh niên khác đang cắt trộm dây cáp điện thoại trên địa bàn xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Tùng bị bắt, đưa về trụ sở công an huyện Đại Lộc giam giữ, còn đồng bọn trốn thoát.
-------------------------
Phát giác hai đối tượng đốn gỗ trái phép tại rừng già Thanh Hóa
Lao Động số 306 ra ngày 30.12.2014 đã đưa tin “Cây rừng bị đốn hạ tan hoang, kiểm lâm nói… “chỉ 8 cây”! Nội dung tin nêu trên phản ánh việc rừng già ở xã Thanh Hòa, Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bị tàn phá nhưng kiểm lâm chỉ nhận một phần nhỏ trách nhiệm. Trước sự việc trên, cùng ngày 30.12, ông Nguyễn Xuân Ái - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Như Xuân cho biết: Lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra và phát giác 2 đối tượng đốn hạ gỗ trái phép và lập biên bản xử lý, thu hồi gỗ tang vật.
Ông Nguyễn Xuân Ái khẳng định: Vào ngày 16-17.12, ông có nhận được thông tin từ kiểm lâm địa bàn báo cáo hiện tượng người dân khai thác gỗ trái phép. Gỗ sau khi được đốn hạ, đối tượng cất giấu ở bìa rừng, khu vực ruộng.
Lực lượng kiểm lâm xác nhận, khu vực xảy ra hiện tượng khai thác gỗ trái phép là cánh rừng dọc Khe Bò, Khe Kẹm thuộc xã Thanh Hòa. Ban đầu, kiểm lâm phát hiện hàng chục gốc cây bị khai thác. Vị trí các đối tượng khai thác gỗ trái phép thuộc Lô 2, Khoảnh 2, Tiểu khu 609, xã Thanh Hòa. Đây là khu rừng sản xuất do hộ gia đình ở xã Thanh Hòa làm chủ.
Theo biên bản kiểm tra lâm sản thì gỗ bị khai thác thuộc nhóm 5 đến nhóm 7 như: Ngát, trám, cheo, giẻ. Tại xã Thanh Quân, đoàn kiểm tra của huyện Như Xuân sử dụng máy định vị GPS GS60, bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng VN2000 phát hiện cánh rừng tại Lô 2, Khoảnh 5, Tiểu khu 586, thuộc thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân; loại rừng phòng hộ, trạng thái rừng IIIa2, chủ rừng là hộ ông Vi Văn Quỳnh, thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân quản lý bị đốn hạ các loại gỗ quý như táu mật, gỗ SP với tổng khối lượng gỗ là gần 7m3. Toàn bộ số gỗ này đã được thu hồi và đưa về trạm kiểm lâm chờ xứ lý.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Ái thì đến thời điểm này, lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương truy tìm và phát hiện 2 đối tượng là Lương Văn Ngợi và Lương Văn Quyết, cùng trú xã Thanh Hòa chính là thủ phạm khai thác gỗ ở khu vực thôn Tân Hòa, xã Thanh Hòa. Tuy nhiên, Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân chỉ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với ông Lượng Văn Quyết 1 triệu đồng và Lượng Văn Ngợi 7 triệu đồng, tịch thu toàn bộ gỗ khai thác trái phép. Nhưng về trách nhiệm của đơn vị quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa được làm rõ.
Về việc này, ông Lê Quốc Việt - Chi cục phó Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cho biết: Gỗ bị khai thác trên địa bàn nào thì Hạt kiểm lâm địa bàn đó phải nắm được. “Chúng tôi sẽ tổ chức đi xác minh, tất cả phải đi kiểm tra thực tế. Anh Ái (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Như Xuân) cũng đã trao đổi cơ bản về sự việc, chúng tôi sẽ yêu cầu anh Ái báo cáo bằng văn bản”- ông Việt khẳng định.
-------------------------