Kinh tế Nga thấm đòn khủng hoảng
Số liệu từ Bộ Kinh tế Nga hôm 29-12 cho thấy nền kinh tế nước này đã sụt giảm 0,5% trong tháng 11- biểu hiện đầu tiên cho thấy sự đi xuống rõ ràng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kể từ tháng 10-2009.
Chính phủ Nga dự tính tỉ lệ sụt giảm trong GDP khoảng 0,8% vào năm tới so với tăng trưởng GDP 0,6% trong năm 2014.
Đồng rúp đã rơi xuống mức 57 rúp đổi 1 USD hôm 29-12, giảm hơn 6%, sau khi có một số dấu hiệu cải thiện hồi tuần trước.
Kinh tế Nga vốn phụ thuộc chặt chẽ vào xuất khẩu năng lượng, đã không khỏi lao đao sau khi giá dầu thế giới quay đầu giảm sâu đồng thời phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trong năm nay, đồng rúp của Nga đã giảm 40% giá trị, phần lớn là do giá dầu giảm xuống một nửa vào sáu tháng cuối năm 2014.
Theo Bộ Kinh tế Nga, các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ nươc này đều sụt giảm trong tháng 11. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng, công nghiệp mỏ và thương mại bán lẻ vẫn cho thấy dấu hiệu tăng trưởng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 29-12 đã ký luật tăng gấp đôi tiền ký quỹ cho các tài khoản ngân hàng, lên tới 1,4 triệu rúp (tương đương 25.370 USD).
Lần gần nhất trước đó Moscow phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn là vào năm 1998. Lúc bấy giờ, nhiều người dân phải chứng kiến cảnh tài khoản tiết kiệm ngân hàng của mình bị xóa sổ.
Tổng thống Putin cũng vừa cho phép ngân hàng trung ương nước này có quyền tái cơ cấu vốn trực tiếp bằng những khoản nợ mềm đối với ngân hàng cho vay lớn nhất nước này, Sberbank. Khoản vay không quá số vốn của Sberbank vào thời điểm ngày 1-1-2015.
Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 29-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định các biện pháp trừng phạt cứng rắn và mang tính chiến lược nhằm vào Moscow đã phát huy hiệu quả trong nỗ lực chống lại hành động của ông chủ điện Kremlin tại Ukraine.
Ông Obama nhấn mạnh rằng sức ép của những lệnh trừng phạt được áp đặt đều đặn “sẽ đủ để khiến nền kinh tế của Nga có thể bị tổn thương và nếu khi có sự đổ vỡ… thì chúng sẽ gây trở ngại lớn đối với Moscow.
-------------------------
Nga không cần Trung Quốc viện trợ
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov thừa nhận kinh tế Nga đang trong thời kỳ rất khó khăn nhưng Moscow không cần bất cứ sự viện trợ khẩn cấp nào từ Trung Quốc.
Khẳng định với Thời báo Hoàn cầu, ông Denisov nói thêm Nga và Trung Quốc không có nhu cầu thiết lập quan hệ đồng minh. Theo ông, Nga là nước lớn trên thế giới chứ không phải “quốc gia loại hai” nên việc đồng rúp mất giá chỉ gây ra những khó khăn tạm thời chứ không đến nỗi làm xã hội bất ổn. Ví von khó khăn của kinh tế Nga hiện nay chỉ như bệnh cúm của con người, ông Denisov tin chắc Moscow sẽ nhanh hồi phục.
Bộ Kinh tế Nga hôm 29-12 công bố số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tháng 11-2014 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10-2009, GDP của Nga sụt giảm. Cũng trong tháng 11-2014, các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ của Nga giảm đều.
Trước dấu hiệu rõ ràng đầu tiên của sự suy thoái này, báo Mỹ The Wall Street Journal đánh giá do phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng nên kinh tế Nga không khỏi lao đao khi giá dầu thế giới giảm mạnh.
Gây tác động không nhỏ, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đã cản trở đầu tư nước ngoài vào Nga và khiến các công ty Nga bị hẹp cửa vay tiền từ phương Tây.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 29-12 trên đài phát thanh quốc gia NPR, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định các biện pháp trừng phạt cứng rắn và mang tính chiến lược đã phát huy hiệu quả trong nỗ lực chống lại hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Reuters đưa tin Mỹ trừng phạt 4 người Nga - trong đó có 2 quan chức - với cáo buộc vi phạm nhân quyền vì bị nghi liên quan đến việc che đậy cái chết của luật sư Sergei Magnitsky ở trong tù. Vụ việc này từng khiến quan hệ Nga - Mỹ rơi vào lạnh nhạt.
-------------------------
Doanh nhân Trung Quốc thua lỗ ở Triều Tiên
Những thay đổi về chính trị ở Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un gây ảnh hưởng không nhỏ đến giới doanh nhân Trung Quốc đang đầu tư tại đây.
Một doanh nhân Trung Quốc tiết lộ với cổng thông tin NetEase (Trung Quốc) hôm 29-12 rằng công ty ông đã thua lỗ trong năm 2014 do một mỏ vàng ở Triều Tiên bị đình chỉ khai thác sau vụ hành quyết ông Jang Song-thaek, dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hồi tháng 12-2013. Ông Jang đã thiết lập các đặc khu kinh tế với Trung Quốc và trao quyền khai thác cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi bị kết tội phản quốc và tham nhũng.
NetEase ước tính các doanh nhân Trung Quốc hợp tác với Triều Tiên trong lĩnh vực khai khoáng, khách sạn và đánh bắt cá có thể lỗ hơn 16 triệu USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên trong 6 tháng đầu năm nay tăng 7,5% (lên 532 triệu USD) nhưng kim ngạch nhập khẩu vào Triều Tiên lại giảm đến 29,9%. Một doanh nhân tên Vương Thành Quân nhận định sự sụt giảm về nhập khẩu cho thấy những sức ép tài chính mà Triều Tiên đang gánh chịu. Theo ông Vương, các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc buộc Bình Nhưỡng phải thanh toán bằng hàng hóa trong nhiều thương vụ thay vì dùng tiền tệ.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lữ Siêu tại Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh cho rằng tình trạng giảm giá than - mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên - cũng gây ảnh hưởng đến dòng tiền nước này. Ngoài ra, việc Bình Nhưỡng đang đối mặt tình trạng thiếu hụt năng lượng cho thấy lượng dầu xuất khẩu từ Trung Quốc sang nước này đã sụt giảm. Thêm vào đó, công trình xây cầu bắc qua sông Yalu giữa Trung - Triều cũng bị ảnh hưởng sau khi Bình Nhưỡng đình chỉ hoạt động phía nước này.
Tuy nhiên, giới doanh nhân Trung Quốc nói thêm rằng Triều Tiên đang chuyển từ phát triển quân sự sang kinh tế dưới thời ông Kim Jong-un. Điều này thể hiện qua sự gia tăng về số đơn hàng nhựa và dệt may. Triều Tiên cũng xuất khẩu lao động sang Trung Quốc để tạo ra thêm thu nhập.
-------------------------
Ukraine thừa nhận “không đủ sức tấn công quân nổi dậy”
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 29-12 đã thừa nhận lực lượng của ông không thể đánh bại quân ly khai được Nga hậu thuẫn lính đánh thuê và vũ khí, đồng thời kêu gọi các bên đàm phán chấm dứt cuộc chiến tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế diễn ra vào 15-1 sắp tới.
Mặc dù với giọng điệu khá khiêm tốn và ôn hòa trong cuộc họp báo ở Kiev, ông Poroshenko vẫn lần nữa nhắc rõ rằng chính phủ ông yêu cầu lực lượng ly khai và Nga trả lại tất cả lãnh thổ do quân nổi dậy chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea mà Moscow tuyên bố sáp nhập hồi tháng 3.
Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo từng là ông trùm sô-cô-la cũng ký ban hành luật bãi bỏ quy chế không liên kết, từ bỏ tình trạng trung lập để có thể tham gia các khối quân sự, như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Poroshenko cũng nhắc lại lời cáo buộc rằng Kremlin đứng sau tình hình bạo lực ở miền Đông Ukraine. Poroshenko nói rằng chính phủ đang thiếu tiền mặt của ông có thể không đủ khả năng để đấu tranh trên mặt trận vũ trang với Nga và cũng sẽ không chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu như vậy.
“Có kế hoạch để thực hiện ngừng bắn, cũng có kế hoạch quân sự tấn công. Tôi không thể nói với các bạn về tương quan lực lượng hiện tại nhưng chúng tôi không còn sức mạnh để tấn công”, tổng thống Ukraine thừa nhận.
“Không có giải pháp quân sự ở Donbas. Nếu ai đó muốn chọn cách đó, hãy cầm vũ khí và chiến đấu với bộ máy quân sự mạnh nhất lục địa của Nga, chúng tôi sẽ chờ xem kết cục như thế nào”, hãng tin Interfax-Ukraine dẫn lời ông Poroshenko.
Cũng trong cuộc họp, tổng thống Ukraine tuyên bố nước này đã sẵn sàng giao thương với vùng lãnh thổ Donbas. “Chúng tôi sẽ mua (than) từ các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm những người sản xuất than tại vùng lãnh thổ mà chúng tôi không kiểm soát”, ông Petro Poroshenko nói. Ông nói rằng nếu Kiev mua than ở Donbas, tiền thu được từ việc buôn bán sẽ được dùng làm tiền lương thanh toán cho các thợ mỏ.
Ngoài ra, ông cũng không loại trừ khả năng Ukraine mua than ở Nga: “Có thể chúng tôi phải mua than từ Nga nữa, thật đáng tiếc vì sự trao đổi tiền tệ này”.
Cùng ngày, hãng tin Ukrinform của Kiev dựa vào tuyên bố của Semen Semenchenko, Chỉ huy tiểu đoàn tình nguyện “Donbass” cho biết ít nhất 400 binh sĩ của chính quyền Ukraine vẫn còn bị quân ly khai giam giữ.
-------------------------