Khi lực lượng chức năng ập vào cơ sở của ông Ánh đã phát hiện tại đây đang sản xuất số lượng lớn nước giấm, nước màu, tương đen…không có nguồn gốc và mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ngày 5/2, Đội Quản lý thị trường số 5 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã ập vào kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm tại ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) của ông Vũ Văn Ánh (quê Nam Định), phát hiện nơi đây đang sản xuất nhiều mặt hàng thực phẩm không phép.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở trên có 1 thùng phuy 200 lít nước giấm đã được đóng vào các chai loại 1 lít và 0,5 lít; 12 thùng nước màu (loại 30 lít/thùng) và nhiều lọ nước màu đã đóng chai cùng hàng trăm chai tương đỏ và tương đen đã được vào bao bì, cùng nhiều mặt hàng thực phẩm khác. Ngoài ra, còn có hơn 30 ngàn nhãn mác và chai lọ các loại đang chờ được đóng gọi.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Ánh khai nhận mình từ quê vào Đồng Nai thuê nhà và tổ chức sản xuất được gần 3 tháng nay. Nguồn nguyên liệu lấy từ Chợ Lớn,TP.Hồ Chí Minh, còn tem, nhãn hàng và chai lọ lấy từ Bình Dương. Mỗi ngày cơ sở này cho ra đời từ 200-300 chai các loại hàng hóa trên và đem đi bỏ mối ở các quán tạp hóa và quán ăn trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 5, cơ sở của ông Ánh vi phạm về các lỗi: đóng gói nhiều mặt hàng không đúng chỉ dẫn địa lý; cơ sở không có giấy phép kinh doanh; không giấy chứng nhận đạt điều kiện an toàn thực phẩm; một số nguyên liệu dùng để sản xuất không có hóa đơn chứng từ.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tịch thu tiêu hủy toàn bộ dụng cụ sản xuất và số thực phẩm sai phạm trên đồng thời xử phạt theo quy định pháp luật.
Liên quan đến vụ dê hộ nghèo “lạc” vào nhà Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa), mới đây Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có kết luận toàn bộ 24 con dê cấp cho hộ nghèo đều bị huyện Thạch Thành cấp sai đối tượng.
Theo đó, tất cả 24 con dê đã bị cấp sai đối tượng cho những người không thuộc diện hộ nghèo và không có hộ khẩu ở xã Thành Yên, đặc biệt trong đó có 2 người là cháu ruột ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ Thạch Thành. Trong 24 con dê cấp sai đối tượng, một nửa số dê đã được đưa thẳng vào trang trại của ông Quý.
Trước kết luận trên, ngày 3/2, Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá tiếp tục chỉ đạo xử lý vụ việc. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành công văn số 1097/UBND-THKH yêu cầu UBND huyện Thạch Thành thu hồi số dê cấp sai đối tượng và tổ chức cấp phát dê giống cho các hộ nghèo theo đúng tiêu chuẩn quy định.
Ngày 4/2, UBND huyện Thạch Thành đã ban hành phương án số 29/PA-UBND khắc phục sự việc, ra quyết định thu hồi toàn bộ 24 con dê cấp sai cho 6 hộ. Tuy nhiên, trong số 24 con dê trên chỉ còn 19 con còn sống, 5 con chết do bệnh.
Cùng ngày, UBND xã Thành Yên tổ chức hội nghị, phân công cán bộ chỉ đạo các thôn bình chọn hộ nghèo có đủ điều kiện tiêu chuẩn để tiếp nhận số dê cấp lại. Các hộ nghèo chính thức được cấp lại dê gồm: ông Quách Văn Khoa (thôn Đồng Thành 1) được cấp 3 con; ông Đinh Văn Vẽ (thôn Yên Sơn 1) nhận 4 con; hộ ông Nguyễn Văn Quyết (thôn Đồng Thành 2) nhận 4 con; ông Đinh Văn Thế (thôn Yên Sơn 2) nhận 4 con; ông Đinh Văn Nhị (thôn Thành Trung) nhận 4 con.
Ngoài ra, UBND huyện Thạch Thành cũng hỗ trợ thêm cho 3 hộ nghèo tại xã Thành Yên 12 con dê giống, gồm: Hộ ông Đinh Văn Liệu, thôn Thành Tân; hộ ông Đinh Văn Luyện, thôn Yên Sơn 2; ông Đinh Văn Cảnh, thôn Đồng Thành 2, mỗi hộ 4 con.
Ông Mai Sỹ Diến, Phó Chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: “Sau khi thu lại toàn bộ số dê, UBND huyện Thạch Thành phải bỏ ra một số tiền hỗ trợ công chăm sóc cho các hộ đã được cấp sai. Sau khi có kết luận, làm rõ trách nhiệm, những cán bộ liên quan sẽ phải hoàn trả cho ngân sách huyện. Hiện Việc kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan vẫn đang được tiến hành khẩn trương theo đúng quy trình. Ai sai đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó”.
Trước đó như báo Dân trí đã thông tin: Sau sự kiện kết nghĩa giữa ông Tạ Ngọc Phước - Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn và ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện ủy Thạch Thành vào tháng 3/2014, thị xã Bỉm Sơn đã hỗ trợ các hộ nghèo của huyện Thạch Thành 24 con dê để phát triển chăn nuôi. Xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, được chọn làm nơi cấp phát dê đợt 1 và các đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo.
Tuy nhiên, trong số 24 con dê trên, có 12 con được 2 người là cháu ruột của ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy Thạch Thành và một cán bộ địa chính xã ký nhận, sau đó đưa thẳng vào trang trại của ông Đỗ Minh Quý.
Sau khi sự việc được phản ánh, ngày 22/1, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 701/UBND-DTMN yêu cầu UBND huyện Thạch Thành làm rõ nội dung báo nêu. Ngày 26/1, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá tiếp tục có công văn yêu cầu làm rõ và đề xuất hướng xử lý.
----------------------
Đổi bằng lái xe, hàng trăm người dân “phát hiện” mình dùng... bằng giả
Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, trong quá trình đi đổi giấy phép lái xe từ bằng giấy sang bằng nhựa, nhiều người dân mới “phát hiện” mình đang sử dụng bằng lái xe giả (!).
Ông Tăng Xuân Kiên - Trưởng phòng Quản lý phương tiện người lái - Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai - cho biết, trong quá trình thực hiện đổi bằng lái xe (giấy phép lái xe) từ bằng giấy sang bằng nhựa cho người dân trên địa bàn tỉnh năm 2014, Phòng đã phát hiện 108 trường hợp sử dụng bằng lái giả (trong đó ô tô là 21 trường hợp, mô tô là 87). Điều đáng nói, những trường hợp này đều không biết bằng của mình là bằng giả (?!).
Những bằng lái này được làm giả rất tinh vi như: có những giấy phép lái xe mô tô thật được cấp sau đó được sửa lại thành lái phép lái xe của người khác; hoặc dùng phôi giả (bằng các thiết bị scan giấy phép lái xe). Không chỉ làm bằng giả mà nhiều trường hợp còn giả luôn cả hồ sơ gốc rất tinh vi.
Sau khi phát hiện bằng giả của người dân, cán bộ Sở Giao thông hỏi thì dân trả lời họ không biết bằng của mình là giả, họ bỏ tiền ra mua nhưng cứ nghĩ là mua được bằng thật!
Tất cả các trường hợp bị phát hiện dùng giấy phép lái xe giả đều bị Sở GTVT thu giữ giấy phép lái xe và hồ sơ giả, đồng thời ra quyết định cấm những trường hợp này không được tham gia sát hạch lái xe trong vòng 5 năm; đồng nghĩa với việc không được điều khiển các phương tiện giao thông cơ giới trong khoảng thời gian trên.
Ông Kiên nhận định, việc dùng phương tiện giao thông để mưu sinh đối với người dân là quan trọng nhưng tính mạng của những người tham gia giao thông còn quan trong hơn.
--------------------------