Trưởng công an xã thừa nhận xin gỗ cổ thụ 100 tuổi
Ngày 6-1, Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết ông Thịnh Văn Bang, trưởng công an xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam) đã tường trình cho cơ quan kiểm lâm việc ông Bang xin gỗ tang vật khi lực lượng kiểm lâm bắt được 1m3 gỗ săng đào (thuộc loại gỗ nhóm II) đang được vận chuyển trái phép.
Bản tường trình của ông Thịnh Văn Bang nêu rằng vào 19g ngày 10-10-2014, ông Bang đến nhà ông Đinh Quốc Nghị (chủ một cây xăng ở thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận) chơi. Khi vào tới sân nhà ông Nghị thì ông Bang gặp nhóm cán bộ kiểm lâm đang đứng trước mấy lóng gỗ đẹp.
Trong số nhóm cán bộ kiểm lâm, ông Thịnh Văn Bang có biết ông Lưu Minh Cường (tổ phó tổ kiểm lâm cơ động).
Ông Bang xin ông Cường số gỗ tang vật về sử dụng nhưng ông Cường nói không có thẩm quyền cho. Do vậy ông Bang không xin nữa, đi vào nhà ông Nghị chơi nhưng không có ông Nghị ở nhà nên ông Bang đi về.
Tường trình của ông Lưu Minh Cường, tổ phó tổ kiểm lâm cơ động với Hạt Kiểm lâm- huyện hàm Thuận Nam, cho thấy ông Trịnh Văn Bang đã gặp tổ công tác đề nghị được xin lại số gỗ trên.
“Ông Bang nói số gỗ trên là của mình khai thác từ nghĩa địa xóm Rẫy”, ông Cường tường trình.
Có 2 nhân chứng đã tường trình với cơ quan kiểm lâm: ông Bang thuê người đến nghĩa trang xóm Rẫy (thôn Hiệp Nhơn) để lăn cây, chỉ đạo việc xẻ gỗ rồi kêu người vận chuyển gỗ đi.
Tại hiện trường, vẫn còn nhiều nhánh lớn của cây cổ thụ nằm bên gốc cây bị cưa. Đường kính của gốc cổ thụ có chiều dài khoảng 1m. Riêng số gỗ tang vật đã được đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam để cơ quan này điều tra.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam, khi bắt vụ vận chuyển gỗ săng đào trên, những người vận chuyển gỗ đã bỏ chạy.
Ngoài lượng gỗ tang vật thì lực lượng kiểm lâm còn thu giữ một chiếc xe máy. Cơ quan này đã mất nhiều thời gian đi tìm các nhân chứng, người liên quan trong vòng 2 tháng qua.
Ông Thịnh Văn Bang bác bỏ sự việc bản thân ông đứng ra tổ chức “xẻ thịt” cây cổ thụ săng đào. “Việc này tôi có tường trình với bên kiểm lâm rồi”, ông Bang nói.
Ông Cao Xuân Linh, chủ tịch UBND xã Tân Thuận, cho biết khi ông đến xã này công tác hàng chục năm trước, đã thấy cây săng đào trên.
“Ông Thịnh Văn Bang báo cáo là có xin gỗ, còn những nội dung khác thì chúng tôi đang chờ cơ quan kiểm lâm làm rõ”, ông Linh nói. Theo ông Linh, cây săng đào trên thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ rừng và cơ quan kiểm lâm.
Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam khẳng định sẽ đấu tranh làm rõ việc liên quan của trưởng công an xã Tân Thuận trong vụ chặt phá cây cổ thụ 100 tuổi trên.
-------------------------
Lãnh án vì đưa người qua biên giới trái phép
Ngày 6.1, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trương Đình Cường (57 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) 6 năm tù, Huỳnh Bá Nhẫn (28 tuổi, ngụ huyện Hòa Thành, Tây Ninh) 2 năm tù cùng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Đồng thời, tòa tuyên buộc các bị cáo phải nộp gần 170 triệu đồng tiền thu lợi bất chính để sung công quỹ Nhà nước.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, chiều 25.9.2013, Cường đến ngã tư Trung Chánh (quận 12, TP.HCM) đón 11 người Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) từ Hà Nội vào TP.HCM để Cường đưa qua Campuchia trái phép thì bị cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) bắt giữ.
Trên cơ sở đó, Cường khai nhận có gặp một người Malaysia (không rõ lai lịch) đặt vấn đề muốn đưa người Trung Quốc từ Hà Nội vào TP.HCM rồi đưa sang Campuchia và được Cường đồng ý.
Theo thỏa thuận, Cường phối hợp tổ chức đưa những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Khi đến TP.HCM, Cường hướng dẫn họ lên cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Tại cửa khẩu, Cường thuê những người chạy xe ôm, trong đó có Nhẫn đưa những người nhập cư này qua biên giới trái phép.
Từ tháng 12.2012 đến thời điểm bị bắt, Cường đã đưa trót lọt 13 chuyến với 71 người, thỏa thuận 200 USD/người, thu lợi bất chính 250 triệu đồng. Trong đó, Cường hưởng 146 triệu đồng.
Đối với Nhẫn, bị cáo nhận chở 5 chuyến cho Cường, thu lợi 22 triệu đồng. Số tiền còn lại Cường chia cho một số xe ôm khác.
-------------------------
Không chấp nhận Hào Dương hoãn nộp tiền thu lợi bất hợp pháp
Đến ngày 6-1, Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM) vẫn chưa nộp hơn 6,391 tỉ đồng theo quyết định xử phạt của UBND TP.HCM ngày 14-11-2014 đối với công ty này do vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo quyết định của UBND TP.HCM, Công ty Hào Dương phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước TP.HCM trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Tuy nhiên trả lời Tuổi Trẻ, bộ phận chức năng của Kho bạc Nhà nước xác nhận tính đến ngày 6-1 (sau hơn một tháng) nơi đây chưa nhận được số tiền nộp phạt nói trên của Công ty Hào Dương.
Công ty Hào Dương phải nộp hơn 6,391 tỉ đồng, trong đó hơn 4,396 tỉ đồng là tiền thu lợi bất hợp pháp buộc phải nộp lại và hơn 1,994 tỉ đồng là tiền phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó, theo một thông tin khác mà Tuổi Trẻ có được, Sở Tài nguyên - môi trường TP đã chính thức có văn bản báo cáo UBND TP cho biết kiến nghị của Công ty Hào Dương được hoãn nộp trong thời hạn năm năm đối với số tiền thu lợi bất hợp pháp là không có cơ sở xem xét, giải quyết.
Sở yêu cầu công ty nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, Luật xử lý vi phạm hành chính hiện chưa quy định việc hoãn nộp hoặc nộp nhiều lần đối với trường hợp này, mặt khác đây là số tiền công ty đã thu được từ vi phạm hành chính.
Riêng đối với khoản tiền phạt vi phạm hành chính, Công ty Hào Dương cũng đề nghị được nộp phạt nhiều lần. Tuy nhiên Sở Tài nguyên - môi trường cho biết công ty được nộp phạt nhiều lần khi thỏa điều kiện “đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và đơn đề nghị nộp phạt nhiều lần phải được xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp”, nên sở đã đề nghị công ty cung cấp xác nhận này.
Tháng 11-2014, Công ty Hào Dương đã có văn bản gửi cơ quan chức năng báo cáo kết quả thực hiện cải tạo công trình bảo vệ môi trường và kế hoạch tái hoạt động sản xuất.
Trả lời kế hoạch này ngay sau đó, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM nêu rõ kiến nghị tái hoạt động sản xuất của công ty là chưa có cơ sở, do chưa chấp hành quyết định xử phạt của UBND TP.HCM cùng một số yêu cầu khác về khắc phục ô nhiễm, các vi phạm trong lĩnh vực lao động...
-------------------------
Phải giải quyết khiếu nại của 38 hộ dân Thủ Thiêm trong quý 1-2015
Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tại kết luận liên quan đến các khiếu nại, phản ánh của 38 hộ dân thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, ông Quân yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp, tập trung giải quyết trong quí 1-2015 cho xong để thực hiện các dự án.
Ông Quân cũng yêu cầu các cơ quan chức năng TP rà soát, phân loại danh sách khiếu nại, kiến nghị của 38 hộ dân để xác định thẩm quyền giải quyết đảm bảo chính xác, đúng qui định.
Ông Quân chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương chuyển hồ sơ cho Công an TP đối với đơn tố giác của công dân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
-------------------------