Chứng cứ giả, TAND tỉnh Quảng Trị vẫn buộc người không vay trả nợ
Mặc dù đại diện ngân hàng khẳng định 2 giấy nộp tiền là bằng chứng của bà Dung cung cấp tại tòa không đúng với bản gốc của NH, vị công tố cũng cho rằng kháng cáo của bà Hằng có cơ sở, nhưng HĐXX phiên tòa phúc thẩm vẫn bỏ ngoài tai. Kết quả, người thừa nhận mình đã vay tiền vẫn không được trả nợ, còn người không vay, bị buộc phải trả nợ một cách vô lý.
Trong các ngày 18.12 và 22.12, TAND tỉnh Quảng Trị (QT) đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp tài sản giữa nguyên đơn - bà Nguyễn Thị Kim Dung và bị đơn - bà Nguyễn Thị Hằng (LĐ số 278 ngày 27.11 đã có bài điều tra “Chứng cứ mơ hồ, tòa án huyện đã xét xử”). Trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án, bị đơn - bà Nguyễn Thị Hằng (trú tại thôn Trằm, xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa, tỉnh QT) trình bày: Ngày 10.1.2013, bà Nguyễn Thị Nhung (trú tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) ngỏ ý mua càphê của bà Hằng, tiền được thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng (NH). Cụ thể, bà Nhung đã nhờ bà Đỗ Thị Kim Dung (trú tại TP.Đông Hà, tỉnh QT) chuyển 1,8 tỉ đồng vào tài khoản của bà Hằng. Nhận đủ tiền, bà Hằng giao càphê cho bà Nhung (có hợp đồng mua bán). Đến 1 năm sau, bất ngờ bà Dung khởi kiện bà Hằng ra tòa với lý do đã mượn của bà Dung 1,8 tỉ đồng.
Ngoài 2 tờ giấy chuyển tiền của NH “Chuyển TK cho mượn”, bà Dung không có bất kỳ bằng chứng nào thêm. Trong lúc đó, bà Hằng có một giấy viết tay của bà Dung có nội dung người mượn số tiền 1,8 tỉ không phải là bà Hằng. Tuy nhiên, ngày 26.9.2014, TAND huyện Hướng Hóa vẫn tuyên buộc bà Hằng phải trả 1,8 tỉ đồng cho bà Dung. Sau bản án này, bà Hằng đã có đơn kháng cáo. Viện KSND huyện Hướng Hóa cũng có quyết định kháng nghị và nhận định: “Tòa tuyên buộc bà Hằng phải trả 1,8 tỉ đồng cho bà Dung là không có căn cứ, trái với quy định của pháp luật”.
Tại phiên phúc thẩm lần này, cán bộ NH TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh QT đã khẳng định, 2 giấy nộp tiền là bằng chứng của bà Dung cung cấp tại tòa không đúng với bản gốc của NH. Điều này đồng nghĩa với việc, phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Hướng Hóa trước đó đã căn cứ vào bằng chứng giả mạo để xét xử.
Ý kiến của Viện KSND tỉnh QT tại phiên phúc thẩm vẫn cho rằng nội dung kháng cáo của bà Hằng có cơ sở. “Do đó, tòa buộc bà Hằng phải trả cho bà Dung 1,8 tỉ là không có căn cứ” - ông Trần Đình Dũng - kiểm sát viên Viện KSND tỉnh QT - khẳng định.
Tuy nhiên, HĐXX TAND tỉnh QT vẫn cho rằng bà Hằng là người thụ hưởng số tiền 1,8 tỉ đồng của bà Dung, đồng thời bà Hằng không có chứng cứ đã trả lại số tiền trên. Bà Nhung cũng không có chứng cứ chứng minh đã vay số tiền 1,8 tỉ để chuyển vào tài khoản của bà Hằng. Nên kháng cáo của bà Hằng không được chấp nhận, tòa tuyên buộc bà Hằng phải trả cho bà Dung 1,8 tỉ đồng.
-------------------------
Từ 1.1.2015, được hoàn trả 90% tiền vé xe nếu thông báo trước 2 giờ
Ngày 26.12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết theo quy định tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, kể từ ngày 1.1.2015, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký chất lượng dịch vụ với Sở Giao thông vận tải (nơi cấp phù hiệu chạy xe).
Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 2 giờ; thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 30 phút.
Cũng theo quy định của Thông tư 63, từ ngày 1.7.2015, khi sử dụng xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên để thực hiện hợp đồng vận chuyển thì trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải (nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải) các thông tin: hành trình (điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình), thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (email), trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải của Sở Giao thông vận tải theo mẫu quy định.
--------------------------
Đình chỉ công tác một giám đốc để điều tra về hành vi nhận hối lộ
Trưa 26.12, ông Nguyễn Minh Ái, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Cà Mau, cho biết ban quản lý này vừa triển khai quyết định đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Trần Quốc Việt, Giám đốc Công ty phát triển hạ tầng KCN tỉnh Cà Mau, để phục vụ công tác điều tra. Hai nhân sự dưới quyền của ông Việt cũng bị tạm đình chỉ công tác.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau cũng cho biết đơn vị này vừa khởi tố vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty phát triển hạ tầng KCN tỉnh Cà Mau.
Theo thông tin ban đầu, nhiều người dân trong diện giải tỏa đất để thành lập Khu công nghiệp Khánh An (ấp 6, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về việc họ muốn lấy được tiền đền bù nhanh thì phải trích cho Công ty phát triển hạ tầng KCN tỉnh Cà Mau một khoản từ tiền đền bù giải tỏa.
Cụ thể, ông Phạm Văn Hiểu (53 tuổi), người có 2.100 m2 đất được giải tỏa, được bồi thường 780 triệu đồng. Công ty phát triển hạ tầng KCN Cà Mau chi trả đợt 1 là 400 triệu, còn lại 380 triệu đồng neo từ năm 2012 đến tháng 5.2014 mới trả, sau khi “trích” lại 30 triệu đồng.
Ông Trần Văn Cẩu (42 tuổi) có 7.600 m2 đất thuộc diện thu hồi, được bồi thường 970 triệu đồng, cũng phải “trích” lại 45 triệu đồng mới được nhận đủ tiền đền bù.
Được biết, ngoài ông Hiểu, ông Cẩu, cơ quan điều tra cũng chứng minh được nhiều hộ dân khác phải chi tiền cho cán bộ Công ty phát triển hạ tầng KCN tỉnh Cà Mau mới được nhanh chóng nhận tiền đền bù.
------------------------
'Cán bộ gây oan sai, giám đốc, phó giám đốc công an cũng phải nghỉ'
Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an cho biết về quan điểm xử lý cán bộ gây oan sai tại cuộc họp báo của Bộ này sáng nay 26.12.
Trả lời báo chí về việc xử lý cán bộ trong một số vụ án oan sai gây bức xúc dư luận gần đây, trung tướng Trần Trọng Lượng cho biết, các vụ oan sai xảy ra từ nhiều năm trước, không phải xảy ra trong năm 2014 và đã được Bộ Công an xử lý quyết liệt.
“Chúng tôi khẳng định khi đã xảy ra oan sai thì không nương nhẹ cho bất cứ ai. Trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, dù cán bộ cấp dưới làm sai nhưng giám đốc, phó giám đốc cũng phải nghỉ việc. Trong vụ án bắt oan 7 thanh niên ở Sóc Trăng, đến nay đã khởi tố điều tra 25 cán bộ liên quan. Vụ nhục hình ở Phú Yên đã khởi tố, truy tố nhiều cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo”, ông Lượng nói.
Về vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang, đến nay cơ quan chức năng đã khởi tố một số bị can nguyên là điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán TAND Tối cao. Giám đốc công an tỉnh này dù chưa đến tuổi về hưu nhưng cũng được cho nghỉ sớm
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an cho hay, dù số vụ án bắt giam, gây oan sai có tỷ lệ rất nhỏ so với các vụ án đã khám phá nhưng Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo xử lý.
“Trong năm 2015, Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương nêu rõ nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao trình độ, chất lượng điều tra cho các điều tra viên. Bộ Công an sẽ tiến hành các đợt kiểm tra, thanh tra toàn quốc đối với việc bắt giam, giữ để kịp thời phát hiện, uốn nắn những việc chưa làm được, còn hạn chế”, thượng tướng Đặng Văn Hiếu nói.
Theo Bộ Công an, năm 2014, mặc dù tình hình an ninh - trật tự xã hội có nhiều diễn biến phức tạp nhưng tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Trong đó, đã điều tra khám phá 45.490 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt, xử lý 86.886 đối tượng; các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 93,3%; triệt phá 2725 băng nhóm tội phạm.
Toàn ngành công an phát hiện 13.884 vụ tội phạm kinh tế, tăng 14,3% so với năm 2013.
-------------------------