Chiến tranh bùng nổ trên không gian ảo
Giới quan sát nhận định vụ tấn công mạng Hãng phim Sony Pictures mở ra một chương mới trong lịch sử chiến tranh mạng giữa các quốc gia.
Những ngày qua, cả thế giới xôn xao với vụ nhóm tin tặc Vệ binh Hòa bình (GOP) đánh sập hệ thống mạng của Hãng phim Sony Pictures vì bộ phim The interview với nội dung là âm mưu ám sát nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un.
Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công. Và trong vài ngày qua, Internet ở CHDCND Triều Tiên liên tiếp chập chờn khiến dư luận đồn đại rằng Washington đã phản công trả đũa Bình Nhưỡng.
“Internet là một chiến trường mới - báo mạng Tribune Review dẫn lời chuyên gia an ninh mạng Cedric Leighton, cựu quan chức Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), nhận định - Không gian ảo quá rộng lớn. Bất cứ ai sử dụng Internet cũng có thể trở thành tốt thí trên chiến trường Internet. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều sẽ trở thành nạn nhân”.
Chiến trường dữ dội
Chuyên gia Mitchell Silber thuộc Hãng an ninh mạng K2 Intelligence đánh giá vụ Sony Pictures là trường hợp đầu tiên một quốc gia tấn công mạng một tập đoàn, không chỉ để thu thập thông tin mà còn phá hoại.
Trên thực tế, chiến tranh mạng giữa các quốc gia đã từng nổ ra vài lần. Theo báo cáo Cyberwarfare and international law (Chiến tranh mạng và luật quốc tế) của Viện Nghiên cứu giải giáp thuộc Liên Hiệp Quốc (UNIDIR), vũ khí số hóa đầu tiên có tầm quan trọng địa chính trị là virút Stuxnet.
Stuxnet âm thầm xuất hiện trong năm 2009 và chỉ bị phát hiện vào tháng 6-2010. Các phiên bản khác nhau của Stuxnet tấn công hệ thống mạng của năm tổ chức tại Iran nhằm mục tiêu triệt phá các cơ sở làm giàu uranium ở nước này.
Chỉ trong năm 2010, hơn 5.000 máy ly tâm trong các nhà máy hạt nhân của Iran bị hư hại.
Tháng 5-2011, kênh truyền hình PBS mô tả ông Gary Samore, điều phối viên Nhà Trắng về kiểm soát vũ khí, “nháy mắt thừa nhận” khi báo chí hỏi về sự dính líu của Mỹ tới virút Stuxnet.
Tháng 6-2012, báo New York Times đăng bài khẳng định Stuxnet là vũ khí chung của Mỹ và Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) trong “Chiến dịch Thế vận hội” để ngăn chặn Iran làm giàu uranium. Chiến dịch này khởi đầu dưới thời cựu tổng thống Mỹ George Bush và mở rộng khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền.
Sau đó, đến lượt virút Flame tấn công các hệ thống mạng ở Iran. Báo Washington Post khẳng định NSA và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã phối hợp với Mossad phát triển virút này.
Tất nhiên Mỹ không một mình tung hoành trên chiến trường ảo. Theo Yonhap, chính quyền Hàn Quốc tố cáo CHDCND Triều Tiên đã thực hiện sáu vụ tấn công mạng quy mô lớn chống Seoul từ năm 2009, nghiêm trọng nhất là vụ đánh sập hệ thống mạng các ngân hàng Hàn Quốc hồi tháng 3-2013.
Báo cáo của Quốc hội Hàn Quốc ước tính chi phí để nước này khắc phục hậu quả các vụ tấn công từ Bình Nhưỡng đã lên đến gần 800 triệu USD.
Washington cũng từng nhiều lần cáo buộc Nga và Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạng hạ tầng và các doanh nghiệp Mỹ. Hồi tháng 5, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố năm sĩ quan quân đội Trung Quốc vì tội tấn công mạng các doanh nghiệp Mỹ để đánh cắp bí mật thương mại.
Hãng an ninh mạng Mandiant khẳng định các cá nhân này thuộc đơn vị chiến tranh mạng 61398 trong quân đội Trung Quốc.
Ước tính bảy quốc gia đã từng tấn công mạng là Anh, Trung Quốc, Israel, Iran, CHDCND Triều Tiên, Nga, Mỹ và có 12 nước khác đang phát triển năng lực chiến tranh mạng.
Miền Tây hoang dã
Hãng tin Bloomberg cho biết Bộ chỉ huy Chiến tranh mạng Mỹ (USCC) có nhân lực 5.000 người, tiêu tốn 4,65 tỉ USD trong năm 2014. Tuy nhiên các chuyên gia Mỹ cho biết bản thân Washington cũng lúng túng khi phải đối phó với chiến tranh mạng.
“Chúng ta không có các quy định giao tranh với các nước khác trên không gian ảo” - báo mạng Politico dẫn lời tướng Keith Alexander, cựu giám đốc NSA kiêm chỉ huy USCC.
Theo các tài liệu mật do “người thổi còi” Edward Snowden công bố năm 2013, tháng 10-2012 Tổng thống Obama ký lệnh yêu cầu tình báo Mỹ lên danh sách các mục tiêu tấn công mạng. Khi đó truyền thông CHDCND Triều Tiên mô tả Mỹ đã sẵn sàng tấn công mạng bất kỳ quốc gia nào.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Wire hồi tháng 8-2014, Snowden tiết lộ Washington đã phát triển một phần mềm có tên MonsterMind có khả năng không chỉ ngăn chặn các vụ tấn công mạng mà còn tự động phản công.
Snowden cảnh báo hành vi tấn công hay phản công không kiểm soát có thể dẫn tới nguy cơ chiến tranh thực thụ. Các chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng những vụ tấn công trên không gian ảo có thể đánh phá hệ thống giao thông, các cơ sở dịch vụ thiết yếu, thậm chí toàn bộ nền kinh tế... Hậu quả sẽ là những tổn thất kinh tế khổng lồ, thậm chí nhiều người có thể thiệt mạng.
Theo báo cáo Cyberwarfare and international law, thế giới chưa có các quy định cụ thể về chiến tranh mạng.
Hiện tại Ủy ban thứ nhất của Liên Hiệp Quốc về giải giáp và an ninh quốc tế (UNFDDIS) đang thảo luận một khung pháp lý quốc tế về chiến tranh mạng.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng sẽ không dễ lập ra một hiệp ước quốc tế về chiến tranh mạng. Đơn giản bởi chẳng quốc gia nào tấn công mạng chịu thừa nhận trách nhiệm.
-------------------------
Từ Cuba đến Ukraine: Chiến tranh lạnh cũ, chiến tranh lạnh mới
Ước nguyện “hòa bình trên Trái đất” của lễ Giáng sinh chưa bao giờ gần gũi như thế đối với người dân Cuba không chỉ hôm nay mà cả tương lai.
Ngược lại, người dân Ukraine chưa bao giờ thấy chiến tranh sát kề như thế.
Chỉ sáu ngày sau khi báo Mỹ New York Times chạy tít “Việc Mỹ khôi phục quan hệ đầy đủ với Cuba đang xóa đi dấu vết cuối cùng của chiến tranh lạnh” thì Russia Today chạy bài: “Quan hệ Nga - Mỹ bị nhiễm độc trong hàng mấy thập kỷ tới” (lời của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev).
Chiến tranh lạnh cũ vừa kết thúc, chiến tranh lạnh mới đã bùng nổ. Lỗi tại ai?
Chuyên gia André Fontaine, tác giả bộ Lịch sử chiến tranh lạnh, trả lời sẵn từ năm 1966:
“Giữa chiến tranh và hòa bình, thế giới ngày nay đã sáng chế ra chiến tranh lạnh. Nguyên nhân do lãnh đạo các siêu cường vào thời đại vũ khí hạt nhân không dám khai chiến để thỏa mãn tham vọng hay để bảo vệ lợi ích của mình”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất dũng cảm nhìn lại rằng:
“Cả dân Mỹ lẫn Cuba đã chẳng lợi ích gì với chính sách cứng nhắc bắt nguồn từ những sự kiện diễn ra trước khi đa số chúng ta ra đời...
Trong vài thập kỷ, mối quan hệ giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh của cuộc chiến tranh lạnh và việc nước Mỹ quyết liệt chống lại chủ nghĩa cộng sản”.
Theo ông Obama, chiến tranh lạnh - về phía Mỹ - là do Mỹ quyết liệt chống chủ nghĩa cộng sản. Còn về phía Liên Xô là do “quyết liệt chống chủ nghĩa tư bản”.
Nói theo André Fontaine, do cả hai bên không dám trực tiếp “đánh” nhau nên mở chiến tranh lạnh. Và chiến tranh lạnh 2.0 đã nổ ra, nạn nhân đầu tiên là dân Ukraine do bom đạn cứ rơi sau khi đã sớm phải mất đi một phần lãnh thổ.
Trong khi đó, người dân Nga bị cuốn vào khủng hoảng kinh tế. Hôm 23-12, Thủ tướng Nga Medvedev cảnh cáo “thay” cho Tổng thống Vladimir Putin:
“Việc Ukraine thay đổi trạng thái phi - liên kết không theo khối nào thực chất là lá đơn xin gia nhập NATO, biến Ukraine trở thành kẻ thù tiềm năng của Nga”.
Tổng thống Ukraine Poroshenko thì giải thích rằng do Ukraine không còn lối thoát nào khác. Thực tế là sự kiện bán đảo Crimea và cảng Sevastopol của Ukraine trở thành lãnh thổ Nga và các vùng miền đông Ukraine chìm trong bạo lực cho thấy “Ukraine trở thành kẻ thù tiềm năng của Nga” đã trở thành hiện thực.
Nhưng điều mà điện Kremlin không tính được lúc đó là kinh tế Nga sẽ suy sụp chóng vánh chỉ vì một cuộc “chiến tranh dầu hỏa” bất ngờ.
Giá dầu tuột dốc không đơn giản là do OPEC quyết cạnh tranh với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Đã có những nghi ngờ rằng Mỹ và Saudi Arabia bí mật hợp tác đẩy giá dầu xuống thấp để gây sức ép lên nền kinh tế Nga.
Cần nhớ rằng thị trường dầu thế giới thay đổi chóng vánh sau khi có những chỉ trích và hể hả cho rằng ông Obama đã quá “nhát” trong vụ khủng hoảng Ukraine.
Não trạng chiến tranh lạnh vẫn còn tồn tại nơi các tướng lĩnh và chiến lược gia vốn chỉ theo phương châm duy nhất “nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”.
Khi một bên vẫn cứ theo học thuyết quân sự “mũi lao tên lửa” (từ thập niên 1950 khi Liên Xô đi trước Mỹ về tên lửa và vệ tinh) và bên kia theo chủ thuyết “lá chắn tên lửa” ngày càng tinh xảo, thì Ukraine vẫn sẽ là một “trận địa”.
Tháng 3-2014, Nga đã “tiên hạ thủ vi cường”, tưởng như đã chiến thắng, song nay trúng phản đòn kinh tế của Mỹ.
Tình hình hiện nay gây sự lo ngại lớn. Nhà binh pháp Clausewitz (mà phương Tây tôn sùng như Tôn Tử của Trung Quốc) giải thích rằng: “Chiến tranh là một cuộc xung đột giữa các lợi ích lớn lao, được thanh toán bằng máu”.
Hơn bao giờ hết, lời nguyện Giáng sinh “an bình trên Trái đất cho người thiện tâm” đang đòi hỏi thiện tâm. Đánh cờ thì hạ thủ bất hoàn.
Mới đây, Chính phủ Đức đã đặt vấn đề thăm dò: “Nếu sự toàn vẹn của Ukraine được bảo toàn, sẽ giảm trừng phạt Nga”. Liệu nước cờ ly khai ở đông Ukraine sẽ được “hoàn” lại?
-------------------------
Bạo động sắc tộc tại Mỹ lại bùng nổ
Hôm qua, biểu tình tiếp tục nổ ra ở thành phố Berkeley thuộc hạt St. Louis, bang Missouri sau vụ một cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da đen 18 tuổi Antonio Martin hôm 23-12.
Theo Reuters, hàng trăm người đổ ra đường cao tốc 170 gây tắc nghẽn giao thông. Một số kẻ quá khích xông vào một cửa hàng. Cảnh sát bắt giữ bốn người gây rối.
Một đêm trước đó, hơn 300 người ném gạch đá và xô xát với cảnh sát Berkeley sau khi Antonio Martin bị bắn chết. Ít nhất hai sĩ quan đã bị thương.
Thành phố Berkeley chỉ cách thành phố Ferguson, “tâm chấn” của các cuộc biểu tình sắc tộc, khoảng 3km. Cảnh sát trưởng St. Louis Jon Belmar khẳng định vụ Antonio Martin bị bắn chết hoàn toàn khác vụ Michael Brown ở Ferguson.
Ông Belmar cho biết đêm 23-12, một cảnh sát da trắng tiếp cận Martin và một người đàn ông khác ở trạm xăng sau khi nhận được tin báo cướp.
Lúc đó, Martin rút súng ngắn đã nạp đạn và chĩa vào cảnh sát này. Do đó, sĩ quan này buộc phải nổ súng tự vệ. Thị trưởng Berkeley Theodore Hoskins tuyên bố nhà chức trách sẽ mở cuộc điều tra độc lập.
Trong khi đó, ở New York tình hình cũng đang hết sức căng thẳng sau vụ hai sĩ quan cảnh sát bị bắn chết. Sở Cảnh sát New York (NYPD) cho biết đã bắt giữ bốn nghi can dọa giết cảnh sát. NYPD tiết lộ cơ quan này đã nhận hàng trăm thư dọa giết, khiến các sĩ quan hết sức lo lắng.
Thị trưởng New York Bill De Blasio tuyên bố chính quyền sẽ không dung thứ cho những kẻ dọa tấn công cảnh sát.
-------------------------
Ông Putin cấm cả dàn bộ trưởng nghỉ lễ
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ra lệnh hủy kỳ nghỉ năm mới của các quan chức chính phủ do cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trong nước.
Năm nay người lao động trên khắp nước Nga được nghỉ lễ từ ngày 1-1 đến 12-1. Tuy nhiên trong phiên họp chính phủ được phát trên truyền hình hôm qua 25-12, Tổng thống Putin cấm các quan chức chính phủ “xả hơi” vào dịp này.
“Vì chính phủ và bản thân các bộ, chúng ta không thể cho phép một kỳ nghỉ dài như vậy, ít nhất là năm nay – các ngài chắc hiểu ý tôi”, ông Putin nói.
Thủ tướng Dmitry Medvedev thông báo với nội các ông trông đợi họ kiểm soát công việc kể cả trong dịp lễ và “từ những ngày đầu tiên của năm mới”.
Theo AP, nền kinh tế Nga, vốn đang bị ảnh hưởng nặng bởi giá dầu thấp và cấm vận, được dự báo sẽ bước vào suy thoái từ năm sau - lần đầu tiên trong 6 năm gần đây.
Đồng rúp hiện đã mất một nửa giá trị so với trước đó nhưng đã phục hồi dần lên mức 52 rúp/ 1 USD so với đáy 80 rúp/1 USD.
Ngân hàng trung ương Nga ngày 25-12 thông báo dự trữ ngoại hối đã tụt xuống dưới mức 400 tỉ USD lần đầu tiên kể từ tháng 8-2009 do chính phủ phải bán bớt để củng cố đồng nội tệ.
Cơ quan này cũng đã nâng lãi suất cơ bản lên 17% đồng thời cam kết sẽ cho các ngân hàng vay USD và đồng euro để trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động.
-------------------------